RFA
Nên hay không nên cứu xét đơn tố cáo nặc danh là vấn đề được nêu ra tại quốc hội tháng trước trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo.
Cần tránh tình trạng vu khống?
Tại buổi họp, Tổng Thanh Tra Chính Phủ là ông Phan Văn Sáu cho rằng lâu nay có tới 59% đơn tố cáo không đúng nguyên tắc, trong đó rất nhiều trường hợp người tố cáo không muốn nêu danh tính.
Có hai ý kiến trong cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo, ông Phan Văn Sáu nói. Ý kiến thứ nhất là chỉ nên qui định hai hình thức tố cáo bằng đơn thư và tố cáo trực tiếp, như vậy mới có thể xác minh rõ ràng trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng vu khống, nói sai sự thật khiến ảnh hưởng đến uy tín và danh dự người bị tố cáo.
Ý kiến thứ hai là cần qui định bổ sung những hình thức tố cáo qua fax, email hay điện thoại, phần lớn và thông thường là nặc danh, để người tố cáo được thực hiện quyền của mình, còn cơ quan hữu trách thì kịp thời can thiệp cũng như xử lý những hành vi phạm pháp.
Luật là trên văn bản chứ không phải luật trên thực tế, mình đã khiếu nại đã trình bày có tên mà chưa được giải quyết thì nặc danh họ không quan tâm đâu.
-Bà Kim Hoa
Vẫn theo ông Phan Văn Sáu, chính phủ có vẻ nghiêng về ý kiến thứ nhất hơn, nghĩa là cần xác định danh tính cá nhân hay nhóm người đứng ra tố cáo. Lý do được ông giải thích là trong thời gian qua các cơ quan chính phủ chỉ giải quyết 87,4% tổng số đơn tố cáo có nêu danh, trong lúc lượng đơn thư tố cáo không đúng sự thật thì rất nhiều.
Bà Kim Hoa, một người bị vu cáo oan sai với cả chục năm mang đơn đi thưa nhưng không được giải quyết, nói rằng tình hình chung và vấn đề ở đây là đơn thư tố cáo có được cứu xét hay không chứ không phải chuyện nặc danh hay có tên:
Thường bên đây mà tố cáo nặc danh họ đâu có giải quyết, còn tố cáo mà đứng danh tánh thì có nhiều cái nguy hại lắm. Đúng ra về mặt pháp luật thì cơ quan nhà nước khi nhận được tố cáo một vấn đề thì phải có trách nhiệm điều tra xem người ta tố cáo mà có đúng hay không. Nhưng bên đây thực tế mà nói tố cáo nặc danh thường họ bỏ thùng rác, thậm chí những đơn tố cáo có đứng tên đàng hoàng họ vẫn dục vô thùng rác, rất vất vả chứ không phải dễ dàng một đơn tố cáo mà được xem xét. Nếu các ông nói đã giải quyết nhiều vấn đề thì điển hình như chuyện gia đình tôi, mình đi khiếu nại nay là đúng 10 năm mà chưa thấy gì hết. Luật là trên văn bản chứ không phải luật trên thực tế, mình đã khiếu nại đã trình bày có tên mà chưa được giải quyết thì nặc danh họ không quan tâm đâu. Cái đó là ông chỉ muốn nói trong thời gian qua đã giải quyết được nhiều vấn đề oan sai và đơn tố cáo nặc danh vẫn giải quyết, đại ý là như vậy nhưng thực tế là đi ngược lại.
Nhiều đại biểu khác cũng góp ý về nên hay không nên tiếp nhận đơn thư tố cáo qua email, tin nhắn, điện thoại, fax. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại trong quốc hội, nhiều người gởi đơn tố cáo đến ông nhưng không nêu rõ danh tính nên ông không tin đó là sự thật hay có ý vu khống, bôi nhọ cơ quan, tổ chức hay cá nhân.
Ông Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng Và An Ninh của quốc hội, cho rằng nếu không nhận và không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh, thường sử dụng phương tiện email, điện thoại hay tin nhắn, thì người dân sẽ không dám đứng ra tố cáo vì sợ bị trả thù. Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng khi phải giải quyết cả đơn thư nặc danh thì cũng khó xác thực tin tức, đặc biệt đối với những đơn thư không trung thực.
Tại sao có hiện tượng nặc danh và tại sao nên tiếp nhận tố cáo nặc danh là câu gỏi được nhà báo tự do Võ Văn Tạo giải thích:
Vì người tố cáo ở Việt Nam không được bảo vệ một cách đúng đắn. Thông thường sợ bị trù dập mà người ta dấu tên chứ không phải thích dấu tên đâu. Mặc dù luật pháp qui định bảo vệ người tố cáo nhưng mà thực tiẽn không phải như thế.
Thứ hai, có những đơn tố cáo nặc danh mà chính xác hoàn toàn thì mình nên cứu xét và giải quyết để khắc phục những chuyện tiêu cực chuyện xấu của xã hội, gây lại niềm tin cho nhân dân. Trường hợp tiếp nhân quá nhiều thì nó cũng quá tải cho cơ quan điều tra phải đi xác minh mà cuối cùng cũng chả có gì. Đấy là cái tôi cho rằng những ý kiến thiên về không là có lý một phần, nhưng nếu không cứu xét thì sẽ còn rất nhiều những bất công những xấu xa trong xã hội mà người ta tố cáo là không được xem xét tới. Tôi nghiêng về khả năng là nên chấp nhận đơn tố cáo nặc danh. Thà rằng cơ quan điều tra mất công hơn một tí nhưng nếu thực tâm muốn giải quyết vấn đề tiêu cực của xã hội thì đơn nào cũng nên tiếp nhận.
Tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập?
Thực tế cho thấy trong thời gian qua nhiều cuộc gọi tố cáo qua điện thoại đến cơ quan chức năng có nội dung và tình tiết khá chính xác, là phản ảnh của đại biểu Phạm Trí Thức. Cùng quan điểm với ông Phạm Trí Thức là ông Nguyễn Sỹ Cương phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của quốc hội, nói rằng trong số các đơn thư tố cáo nặc danh có cái không đúng nhưng có cái đưa ra chứng từ đầy đủ và rõ ràng. Ông Nguyễn Sỹ Cương còn nhìn nhận vấn đề của tố cáo nặc danh là vì sợ bị trù dập, vì thế nếu không tiếp nhận đơn thư loại này thì chẳng khác nào né tránh vấn đề.
Đó là lý do nhà văn Đoàn Bảo Châu bày tỏ là ông bênh vực ý kiến nên tiếp nhận và cứu xét đơn thưa nặc danh:
Cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đấy mới là vấn đề cần xem xét trong sửa đổi Luật Tố Cáo hiện nay chứ không phải xem cái hình thức đơn như thế nào để mà giải quyết.
-LS Trần Đình Triển
Bởi vì không phải ai có thông tin mà cũng dám đứng ra nói lên sự thật, họ chịu áp lực và đôi khi khi nguy hiểm đến tính mạng của mình, di đó nhà nước và cơ quan nên tiếp nhận đơn thư nặc danh. Việc tiếp nhận đó phải được ghi chép và báo cáo đầy đủ. Nhiệm vụ của những người quản lý xã gội là không phải dựa vào đơn thư đó để kết tội một ai đó, mà dựa vài đơn thư đó để có đầu mối điều tra và xác minh có thật hay không. Đơn thư nặc danh đó không đủ để kết tội ai nhưng nó chỉ cho cái đầu mối để tìm ra sự thật. Điều đó là quá cần thiết tại sao lại từ chối, họ ăn lương để họ làm điều đó mà.
Luật sư Trần Đình Triển có cách nhìn khác hơn về những điều quốc hội bàn thảo để dưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố Cáo:
Vấn đề bức xúc hiện nay trong việc xem xét đơn tố cáo là cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết và giải quyết dứt điểm theo đúng pháp luật, tránh trường hợp bóng chuyền từ cơ quan nọ sang cơ quan kia mà cuối cùng chẳng ai giải quyết cả. Đấy mới là vấn đề cần phải sửa đổi, không giải quyết thì xử lý nghiêm minh, buộc họ đã hưởng lương từ ngân sách từ tiền thuế của dân, từ doanh nghiệp đóng góp thì phải làm tới nơi tới chốn.
Vấn đề thứ hai nữa mà tuyệt đối cần phải quan tâm là cần phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đấy mới là vấn đề cần xem xét trong sửa đổi Luật Tố Cáo hiện nay chứ không phải xem cái hình thức đơn như thế nào để mà giải quyết.
Cuộc họp được chốt lại với ý kiến là Thanh Tra Chính Phủ cần nghiên cứu, bổ sung qui định liên quan việc gởi đơn thư tố cáo qua những phương tiện thông dụng hiện nay như điện thoại, fax, thư điện tử, ngay cả thông tin trên báo, coi đó như những thông tin ban đầu. Và nếu có cơ sở với chứng cứ rõ ràng thì cơ quan chức năng không được để lọt tội phạm.