“Chuyện thường ngày xảy ra ở huyện”

0
141
Lao động thủ đô

– Chú nhắc lại cụm từ này, tớ mới nhớ đó, có dạo cụm từ này đã trở nên quen thuộc, được nói mỗi khi ai đó cho rằng câu chuyện đang bàn luận là hết sức bình thường. Hay xuất xứ của cụm từ này chính là do cái anh người nhà, người thân nhỉ.

– Bác nói gì, em không hiểu.

– Thì đó, chú có công nhận vừa qua báo chí phản ánh hàng loạt chuyện ở huyện nọ, tỉnh kia cả nhà, cả họ làm quan; rồi tinh tuyển người nhà, người thân vào viên chức, công chức.

– Em công nhận có rất nhiều đằng khác.

– Thế mà mới đây nhất lại có chuyện ông chủ tịch một huyện ở Quảng Bình, trong 1 năm có đến 6 con, cháu được nhận vào làm việc tại các cơ quan trong huyện.

– Bác tính, cần người làm việc thì phải nhận, nhận ai chả là nhận hả bác, cái quan trọng là người đó làm được việc.

– Làm được việc hay không thì tớ chưa dám khẳng định, nhưng có cái đơn khiếu nại là ông chủ tịch huyện “cắt hợp đồng” nhiều vị trí để thay thế người thân vào thế chỗ, nghe đâu không cần thi tuyển, như vậy là có vấn đề.

– Nếu đúng vậy thì cái chuyện “cắt hợp đồng” và cái “nhận người nhà” cũng phải có lý do chính đáng.

– Tất nhiên là phải “chính đáng” rồi. Thiếu gì cách để nói rằng: Người đang làm không đáp ứng được công việc; người thay thế được tuyển “đúng quy trình”…Nếu cứ như thế này hỏi làm sao nhiều người tài lại “thất nghiệp”.

– Rõ là có vấn đề “con ông cháu cha” ở đây thật, dưng cũng đừng chỉ nghĩ rằng tất cả “con ông cháu cha” là xoàng cả. Nhiều người có điều kiện được học tập bài bản tại các nền giáo dục tiên tiến cũng “oách” lắm chứ. Những “nhân tài” này đồng ý phục vụ quê nhà là “may” quá đấy bác ạ.

– Tớ biết có chuyện ấy chứ, nhưng chỉ là cá biệt, mà “con quan” có tài thực sự chắc chả cần “chen chân” kiểu ấy. Điều tớ băn khoăn là vì sao hiện tượng này nói mãi, phản ánh mãi mà vẫn cứ là “chuyện thường ngày xảy ra ở huyện” thế nhỉ.

– Có gì phải băn khoăn bác. Bác đã nhận được thông tin có ai trong những người được phản ánh “cả nhà làm quan” bị xử lý chưa?

– Theo thiển nghĩ của tớ thì chưa thấy ai cả.

– Đấy lý do ở chỗ đó đấy. Một khi đã có thông tin thì phải điều tra rõ ràng, nếu có sự “đặc quyền, đặc lợi” thì phải xử lý nghiêm.

– Ý chú nói là bắt được bệnh dịch rồi thì phải có thuốc đặc trị, nếu không nó sẽ lây lan chứ gì?

– Bác “hóm” thật. Mà chả cứ chuyện này, các vi phạm khác cũng vậy, nếu không xử lý nghiêm thì rất dễ tái diễn.

– Tỷ như cái chuyện chống đối, coi thường tính mạng CSGT ấy, xảy ra đã nhiều, song do xử lý còn nhẹ nên mới rồi tại Hà Tĩnh lại có chuyện một lái xe contener hất văng CSGT.

– Đúng đó bác, vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng phải xử những “anh hùng xa lộ” này tội “cố ý giết người”, chứ không thể là “chống người thi hành công vụ” được.

– Vậy cũng đúng. Hay như chuyện người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế đó bác. Xảy ra cũng đã nhiều, song do chưa vụ nào bị xử lý nghiêm, đủ sức răn đe nên mới đây lại có chuyện tại Nghệ An, có một bố bệnh nhi đâm chết bảo vệ bệnh viện chỉ vì va chạm khi ra vào.

– Vậy thì kỳ này mong rằng mấy cái “biệt phủ”, “phố quan”… cũng được xác minh rõ ràng, nếu nhờ “đặc quyền đặc lợi”, tham ô, tham nhũng mà có thì cũng phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

– Đúng đó bác, nếu không lại sẽ là “chuyện thường ngày xảy ra ở huyện” bác nhể?!

Thiện Tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here