CHUYỆN QUANH “CÁI CHỮ”

    0
    178
    Thận Nhiên

    1. Thờ chữ

    Gia đình bên nội tôi ở Huế lâu đời, đến đời ba tôi thì vào Nam. Theo lời ba tôi kể lại thì ông Cố tôi là một nhà Nho nghèo, lỡ vận, còn bà Cố tôi không biết chữ, hay chỉ biết một ít chữ Nôm, nhưng bà là người rất rành rẽ sự đời và quý trọng ‘cái chữ’. Ngày tôi còn bé bà Cố vẫn còn sống, đã trên 90 và mắt thì lòa, nhưng còn rất minh mẫn và sạch sẽ. Năm đó tôi học mẫu giáo, có những buổi lười khóc, không chịu đi học, thì bà dỗ dành, “Đi học cho biết chữ cháu à, chữ quý lắm.” Để minh chứng cho việc ‘chữ quý’ như thế nào, bà kể rằng ngày xưa ở ngoài quê những ngày lễ tết thì luôn có người trong làng đến xin Cố tôi cho chữ mang về nhà treo.

    2. Chữ của ngày xưa

    Thập niên 60, ba mẹ tôi đi dạy ở Long Khánh. Tôi nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi đi dạy về, bà đang có thai, mặc áo dài vàng hoàng yến, khoác áo bầu voan trắng bên ngoài, theo sau là một anh học trò lớp nhất – khoảng 15, 16 tuổi vì đi học trễ – gánh một gánh lặc lè. Một quày chuối, hai trái mít, cả chục trái đu đủ. Anh bỏ các thứ ra, cố gắng mấy cũng không thể để gọn được, chúng cứ lăn lóc ở góc nhà. Anh thưa thật to một hơi rõ dài, giọng miền Trung, không nghỉ lấy hơi, có đệm những tiếng ‘a’ giữa các từ: “Thưa thầy a thưa cô a ba mạ con a sai con a gánh mấy thứ a cây nhà a lá vườn ra a biếu thầy cô a thời lấy thảo a thưa thầy a thưa cô a cho phép con về a kẻo đường xa mà a trời sắp túi rồi…” Vú tôi trao anh ly nước lọc, anh đón lấy tu một hơi, quẹt tay áo lau miệng, vòng tay chào ba mẹ tôi lần nữa rồi quảy gánh không đi về. Dăm bữa nửa tháng, nhà tôi lại được một gánh quà như thế, lúc anh học trò này lúc chị học trò kia mang tặng, có khi là thúng gạo mới, có khi là mấy con cá thu còn tươi, có khi là một thau lươn hay một miếng thịt đùi heo rừng. Giản dị, chân chất nhưng nồng ấm. Những người học trò đó giờ cũng đã gần 60. Qua thời chiến, có người vô khu lên núi, có người đăng lính, tản mát khắp nơi. Sau này ba mẹ tôi có dịp về lại Long Khánh vẫn có người nhận ra chạy tới vòng tay thưa chào. Món quà con của họ tặng thầy cô trong ngày nhà giáo hôm nay chắc không như món quà họ đã gánh đến tặng cha mẹ tôi ngày xưa, những món quà bất ngờ không do một dịp lễ lạc đặc biệt nào cả, là tấm lòng thành đối với người dạy dỗ, người cho mình ‘cái chữ’.

    3. Lên chùa học tiếng của mình

    Mười năm trước tôi sống ở tiểu bang Washington, vùng Tây Bắc nước Mỹ. Vùng này có khá đông người mình sinh sống; có hẳn một khu phố và chợ của cộng đồng người Việt gần bên China town.

    Mỗi tuần, sau năm ngày cày cuốc, vào ngày thứ bảy tôi nhận một chân giáo viên dạy tiếng Việt thiện nguyện ở một ngôi chùa nhỏ. Học sinh của tôi không đồng nhất về tuổi tác; có nhiều em đã lớn, đang học trung học, nhưng lại bắt đầu học chữ Việt, nói thì chưa rành; lại có em còn nhỏ nhưng mới ở Việt Nam qua, nói tiếng Việt lanh như sáo nhưng lại chưa nói được tiếng Anh. Với một hỗn hợp học sinh như vậy thì việc dạy rất là khó, nhưng thật là vui, và cảm động. Các bậc phụ huynh dành thì giờ chở con lên chùa học, họ nói học chữ-của-mình. Thầy trò chúng tôi trao đổi với nhau bằng một thứ sinh ngữ lạ thường, ba rọi nửa Việt nửa Anh, nhưng ưu tiên cho tiếng Việt nhiều hơn, khi nào bí quá thì mới dùng tiếng Anh. Tôi hỏi khó Charles, một cậu học trò 10 tuổi, Này Charles, nói cho thầy biết quê hương là gì, ở đâu? Nó đáp, My quê hương là my country, nó ở Việt Nam. Thằng bé bần thần một thoáng, rồi nói tiếp, với lại, nó cũng ở America nữa.

    Vậy đó, quê hương ở đâu vậy? Xin thưa, lúc này quê hương không là một không gian địa lý, nhưng quê hương trong tiếng nói, tiếng nói của con người.

    4. Xin chữ cho con

    Tôi dạy Anh văn vỡ lòng cho trẻ em nghèo cũng ở một ngôi chùa ở quận 8 Sài Gòn, chùa Liên Hoa. Hôm nọ, đang dạy thì có khách. Một người đàn ông dáng vẻ bặm trợn dắt thằng bé là học sinh của lớp tôi dạy, đứng chờ ở cửa lớp. Thì ra ông bố mang con đến trường xin phép cho nó vào học. Thằng bé trốn học mấy hôm rồi, nay không dám vào lớp một mình nên khẩn khoản cha dắt tới.

    Ông bặm trợn rụt rè lễ phép xin tôi, “Thưa anh… dạ, thưa thầy, em xin phép thầy cho thằng Kỉnh dô học lại. Má nó chìu nó quá nên nó hư, em oánh nó thì hổng có nỡ, mà bả la, vợ chồng xào xáo goài. Xin thầy thương. Nhà em ở cuối cái hẻm này. Bữa nào dạy xong em mời thầy tới nhà chơi, lai rai vài chai nha thầy, em mời thiệt tình.”

    Tôi đồng ý cho Kỉnh vào học, ông bố chào ra về. Tất nhiên rồi, bữa nào tôi sẽ ghé nhà ông lai rai. Còn bây giờ tôi hỏi thằng Kỉnh, “What is your father?”, nó trả lời theo sách giáo khoa “He is a doctor.”

    Mấy đứa nhóc trong lớp la lớn, “Hổng phải đâu thầy, ba của bạn Kỉnh hổng phải là doctor đâu thầy, ổng là dân giang hồ nổi tiếng mà thầy. Giang hồ tiếng Anh là gì vậy thầy.”

    Giang hồ tiếng Anh là gì? Vụ đó dễ rồi. Nhưng giang hồ còn là ba thằng Kỉnh. Trời, học trò tôi có tinh thần nhân dân cảnh giác với ‘bọn xấu’ cao quá, thiệt là kẹt và buồn gì đâu!

    5. Giá chữ

    Báo đăng, có mấy ông bỏ ra 17 ngàn đô-la để mua được tấm bằng PhD. PhD, ba mẫu tự, tính ra là gần 6 ngàn đô cho mỗi mẫu tự. Tính theo tiếng Việt thì giá còn cao hơn, vì hai chữ TS (viết tắt của ‘tiến sĩ’) sẽ thành ra giá mỗi chữ là 8.5 ngàn đô-la.

    Có tiền là mua được hết chăng? Kể cả mua chữ.

    Tiền trao là chữ múc. Dễ ợt vậy sao?

    Không! Chữ chưa bao giờ rẻ. Cái mua được đó không phải là chữ, mà chỉ là tấm bằng, tấm bằng dởm, vậy thôi!

    NAM ĐAN

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here