Chuyện quan chức làm giàu nhờ nuôi heo, nuôi gà

0
74
RFA

Tệ nạn tham nhũng được nói là tràn lan tại Việt Nam tuy nhiên báo cáo của Thanh Tra Chính Phủ chỉ nêu con số rất nhỏ cán bộ viên chức bị phát hiện. Trong khi đó nhiều cán bộ viên chức cho rằng họ có tài sản là nhờ nuôi lợn và nuôi heo…

Vụ tai tiếng về việc một vài vị quan đầu tỉnh xây biệt phủ sang trọng ở Yên Bái, dẫn đến việc nhà báo viết phóng sự điều tra vụ này bị bắt giữ để điều tra tội nhận hối lộ khiến dư luận xôn xao, bàn tán.

Vào ngày thứ Hai 10 tháng Bảy truyền thông trong nước dẫn lời ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng, Thanh Tra Chính Phủ, rằng không ai có thể chấp nhận lối giải thích của các quan chức có tài sản kếch xù là nhờ nuôi heo nuôi gà hay làm thêm những việc tay chân khác.

Trong bất kỳ trường hợp nào, ông Phạm Trọng Đạt nói, nguồn gốc tài sản cũng phải được giải thích một cách hợp lý chứ không thể nói cho lấy có hay cho qua chuyện như vậy mà được.

Vẫn theo lời ông, qui định là mỗi khi thấy tài sản của cán bộ công chức tăng giảm bất thường, ví dụ tăng từ 50 triệu trở lên có thể do kinh doanh buôn bán hay làm thêm gì khác, thì Thanh Tra Chính Phủ có quyền yêu cầu người kê khai phải giải trình nguồn gốc.

Đó cũng là lý do tại sao một quan chức nhà nước mới đây khai báo rằng sở dĩ có được 10 tỷ đồng là nhờ nuôi lợn nuôi gà để tăng gia. Lên tiếng với báo chí, cục trưởng Cục Chống Tham Nhũng-Thanh Tra Chính Phủ- nhấn mạnh nguyên văn: “Có 10 tỷ Đồng mà bảo đi nuôi lợn nuôi gà thì anh lấy đâu ra lắm thế, giải thích cho xong mà không hợp lý thì ai chấp nhận nổi.”

Thực sự không thuyết phục, dân thấy rất buồn cười, nuôi gà nuôi heo là một cái cớ để nói thôi.
– Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Còn ông Hoàng Kim Giao, nguyên cục trưởng Cục Chăn Nuôi, Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn, trả lời đài Á Châu Tự Do như sau:

Không phải đâu chị ơi, vất vả lắm chứ có phải đâu, cứ hỏi những người nông dân người ta nuôi người ta lao động ấy chứ tôi không nói đâu. Thế còn nuôi để làm giàu chắc khi nào được giá kia chứ còn bình thường không giàu đâu chị ơi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật Gia thành phố Hồ Chí Minh, nói ông không tin vào tai mình khi nghe cán bộ nhà nước bảo họ làm giàu nhờ nuôi gà nuôi heo:

Thực sự không thuyết phục, dân thấy rất buồn cười, nuôi gà nuôi heo là một cái cớ để nói thôi.

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực Ủy Ban Các Vấn Đề Xã Hội, cho rằng nếu đúng là nuôi heo, nuôi gà, bán chổi đót mà giàu phất lên được thì cán bộ công chức đó phải được xác nhận người tốt việc tốt đồng thời nhân rộng việc họ làm ra cho mọi người biết mà làm theo. Tuy nhiên ông nói thêm là trong 100 người nghe chưa chắc đã có 1 người tin vào cái kiểu khai báo hay giải thích không thuyết phục và thiếu trung thực như vậy.

Để chấn chỉnh hàng ngũ viên chức cán bộ cũng như giải quyết tệ nạn tham nhũng, nhà nước Việt Nam ra qui định người có chức có quyền phải kê khai tài sản. Thế nhưng dưới mắt đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, dư luận trong dân vẫn cho rằng qui định này chỉ có tính cách hình thức, không được thực hiện tới nơi tới chốn, không chính xác mà thậm chí còn có sự giấu giếm.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng chuyện chống tham nhũng coi như huề cả làng khi mà người phải kê khai tài sản không làm đủ, cơ quan thẩm quyền quản lý cán bộ đó cũng không xác minh, người đứng đầu cũng không chịu trách nhiệm.

Vì sao chống tham nhũng không hiệu quả?

075_sastre-notitle170607_npzDO-400.jpg
Người dân buôn bán ở vỉa hè Hà Nội ngày mưa. Ảnh chụp hôm 7/7/2017. AFP photo

Hôm Chúa Nhật 9 tháng Bảy vừa qua, báo Dân Trí trong nước đi một bài có tựa đề “Mừng Chảy Nước Mắt Khi Đếm Người Tham Nhũng”, rằng theo báo cáo sơ bộ công tác thanh tra 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ từ nay đến cuối 2017 của Thanh Tra chính phủ  thì kết quả cho thấy chỉ 77 trường hợp được xác minh tài sản trong năm 2016.

Nói thêm một cách khác, qua kiểm tra từ các bộ, ngành, địa phương đối với 1.800 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch thì chỉ phát hiện 22 đơn vị vi phạm.

Số liệu này ngay lập tức bị luật sư Nguyễn Văn Hậu phủ nhận:

Chúng ta có Ban Phòng Chống Tham Nhũng, do đó số liệu đưa ra như vậy mà nếu là Thanh Tra Chính Phủ thì tôi thấy chưa chính xác lắm. Đây là chỉ số phát hiện ra thôi, chứ còn vấn đề tham ô, lợi dụng chức vụ quyền hạn và cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân thì tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng cũng phải nói là nhức nhối.

Vấn đề chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay khá phức tạp, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương bây giờ thuộc về đảng  cộng sản Việt Nam, bên chính phủ thì có thanh tra chính phủ, hầu như bộ ngành nào cũng có ban phòng chống tham nhũng, nhưng mà hiệu quả như báo cáo của đảng là cũng chưa đạt kết quả mong đợi, tình hình tham nhũng lãng phí vẫn còn diển biến phúc tạp và tinh vi. Thực sự mà nói báo cáo đó không biết dựa vào đâu nhưng tôi thấy không tin tưởng lắm, việc kê khai tài sản cũng phải tính lại.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, Thanh Tra Chính Phủ thì đi kiểm tra tham nhũng vậy những ai sẽ giám sát việc làm của những viên chức Thanh Tra Chính Phủ đó cũng là chuyện phải nói tới:

Từ đời ông Quách Lê Thanh đến đời ông Trần Văn Truyền rồi đến ông Nguyễn Phong Tranh đều có vấn đề trong chuyện đi làm nhiệm vụ thanh tra. Các ông ấy tài sản cũng nhiều, có những vụ che giấu lộ liễu rồi bị bể ra thỉ có người che đỡ. Ví dụ ông Quách Lê Thanh là Tổng Thanh Tra Chính Phủ, có lần cán bộ của ông là cấp vụ trưởng đi vào thanh tra ở chỗ có dấu hiệu tiêu cực là công ty dầu khí nhà nước ở Vũng Tàu thì lại được công ty dầu khí đó hối lộ cho mấy miếng đất.

Không có cạnh tranh chính trị, thì không thể có được chuyện chống tham nhũng một cách có hiệu quả.
– Nhà báo Võ Văn Tạo

 

Cách đây hơn 20 năm bà Ngô Bá Thành, đại biểu quốc hội, nói bà không tin vào công tác phòng chống tham nhũng, người ta nói cho vui thôi. Tôi thấy bây giờ nó cũng như thế, thậm chí nó còn trầm trọng hơn. Tôi không tin rằng việc chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam sẽ đi đến kết quả vì gốc của nó là sự độc tài về mặt chính trị. Không có cạnh tranh chính trị, thì không thể có được chuyện chống tham nhũng một cách có hiệu quả.

Việt Nam đứng thứ 133/176 bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Minh Bạch Quốc Tế, nằm trong nhóm các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, là thông tin được công bố tại một buổi hội thảo hồi tháng Tư năm nay,  do Phòng Thương Mai Và Công Nghiệp Việt Nam tổ chức  với sự phối hợp của Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Trị Xã Hội, gọi tắt  là CENSOGOR.

Theo báo cáo của SENSOGOR, tham nhũng đe dọa sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội,  38% người trong nước cho rằng giới lãnh đạo doanh nghiệp là những kẻ tham nhũng, hình ảnh những người đứng đầu doanh nghiệp bị xuống cấp một cách tồi tệ chỉ vì tham nhũng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here