Dân trí: Không chỉ lập công ty ra để “mách nước” cho các cơ quan công quyền phòng và chống thất thoát ngân sách, mới đây, Công ty Cổ phần Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách kiến nghị tăng lương cho các Bộ trưởng và Uỷ viên trung ương vì cho rằng mức lương hiện tại của họ không đủ để nuôi 2 con ăn học.
Mới đây, trong văn bản kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Công ty Cổ phần Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách (trụ sở tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Với mức lương hiện nay của Thủ tướng và các Bộ trưởng, các Ủy viên Trung ương là 15 triệu đồng/tháng là thấp, Công ty này kiến nghị cần bổ sung lương “liêm chính” cho các Ủy viên Trung ương mỗi người từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/người/tháng. Hơn 5.000 người có chức vụ sau các Uỷ viên Trung ương với mức lương “liêm chính” từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.
Đề xuất tăng lương cho các Bộ trưởng của Công ty Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách.
Theo lập luận của công ty trên, mức lương của 15 triệu đồng/tháng đối với các Ủy viên Trung ương hiện nay khi so với các nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc còn thấp và như vậy chưa đảm bảo cuộc sống cho 1 bộ trưởng nếu có 2 con nhỏ ăn học.
Công ty này còn chỉ chỗ để Bộ Tài chính lấy kinh phí để tăng lương cho các lãnh đạo. “Nguồn kinh phí sẽ được Bộ Tài chính thu xếp, đây là nguồn kinh phí nhỏ, có thể tiết kiệm chi là có thừa nguồn kinh phí”.
“Nếu Bộ trưởng Bộ Tài chính không lo được, Công ty chúng tôi sẵn sàng chỉ chỗ các nguồn kinh phí tiết kiệm của đất nước hiện nay đang để lãng phí”, Công ty Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách cho hay.
Cũng đầu tháng 9/2017, Công ty này cũng đã gửi Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ (PC 46) Công an TP. Hà Nội tố cáo bà Nguyễn T. H, có thành lập một công ty và đang ở tại một biệt thự trên đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ có hành vi “có thể trốn thuế” và “làm giả ngày tháng” cho các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam.
Công ty này cho rằng, hành vi của bà H và công ty trên là trục lợi và gây hậu quả nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.
Bản đề nghị của Công ty Cổ phần Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách gửi cơ quan chức năng
Theo đó, bằng chứng kết tội mà Công ty này đưa ra là: Mặt hàng sâm đóng lon, bánh kẹo nhập từ Hàn Quốc về và phân phối trên phố hàng Buồm.
Thủ đoạn trốn thuế được Công ty này phán đoán là: “Có thể họ kê khai giá nhập khẩu thấp hơn giá thị trường và khi phân phối cho các cửa hàng trên phố hàng Buồm thì nhận tiền ngoài dẫn đến thất thu thuế”.
Công ty có đề nghị đến PC46 này làm phép tính: “Cụ thể, 1 lon nước sâm bán trên thị trường giá 21.000 đồng, nhưng kê khai giá nhập khẩu chỉ có 10.000 đồng/lon. Vậy 8.000 đồng/lon nhận ngoài không chứng từ và như vậy thất thu thuế ở chỗ 8.000 đồng/lon”.
Công ty trên kết luận: “Một năm, công ty có hành vi trốn thuế nhập về 10 triệu lon, nhân với 8.000 đồng và 10% thuế Giá trị gia tăng (VAT) sẽ khiến ngân sách thất thu 8 tỷ đồng”.
Trước đó, đầu tháng 8/2017, Công ty Cổ phần Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách cũng có đề xuất đến Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Thanh tra, giám sát ngân hàng (Cục I) kiểm tra Công ty Cổ phần Tài chính điện lực để có biện pháp ngăn chặn và xử lý, thu hồi các thất thoát vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Tài chính điện lực.
Tuy nhiên, sau Cục I đã 2 lần có công văn mời ông Hồ Anh Cương – Phó Giám đốc Công ty, người bút ký vào đơn đề nghị đến cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đến làm việc, xác minh thông tin, đồng thời mang theo các tài liệu bản gốc có liên quan đến nội dung khiếu nại với Công ty Cổ phần Tài chính điện lực.
Tuy nhiên, cả 2 lần đề nghị nhưng không có bất kỳ lãnh đạo Công ty Cổ phần Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách đến làm việc.
Được biết, Công ty Cổ phần Phòng và Tránh thiệt hại ngân sách là công ty tư nhân, ngành nghề chính là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác, có trụ sở hoạt động tại tòa D2, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Người đại diện công ty là ông Hà Minh Tuấn, Giám đốc công ty. Công ty này được thành lập vào tháng 1/2010 do Chi cục Thuế Quận Ba Đình quản lý.
An Linh