Bốn chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa gửi kháng thư yêu cầu chính quyền Việt Nam giải trình các thủ tục tố tụng liên quan đến vụ án blogger Đường Văn Thái bị tòa án ở Hà Nội tuyên phạt 12 năm tù trong một phiên tòa xử kín sau khi có cáo buộc là ông này bị bắt cóc tại Bangkok, Thái Lan.
“Chúng tôi vô cùng quan ngại về những cáo buộc rằng ông Thái đã bị cưỡng bức mất tích trước khi phiên tòa xét xử ông diễn ra, qua đó làm suy yếu tính chính đángcủa quá trình tố tụng ngay từ đầu”, các chuyên gia nhân quyền LHQ nêu quan điểm.
Kháng thư gửi chính phủ Việt Nam đề ngày 20/12/2024 và được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố ngày 17/2 viết rằng trong phiên tòa ngày 30/10/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án ông Thái 12 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo quy định trong Điều 117 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, ông còn phải chấp hành thêm án quản chế 3 năm.
“Có thông tin cho biết gia đình của nhà bảo vệ nhân quyền không thể tham dự phiên tòa vì đây là phiên xử kín. Hơn nữa, luật sư bào chữa của ông được cho là không nhận được sự chấp thuận để bào chữa, điều này khiến họ không thể chuẩn bị đầy đủ cho phiên tòa. Ông Thái bị xét xử cùng với 7 cá nhân khác, những người này cũng bị buộc tội theo Điều 117 nhưng nhận được mức án ngắn hơn”, bức thư viết.
Các báo cáo viên LHQ “bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về việc ông Thái bị cưỡng bức mất tích và bị dẫn độ” là điều mà họ “lo ngại có thể liên quan trực tiếp đến công việc hợp pháp của ông với tư cách là một nhà báo độc lập và người bảo vệ nhân quyền, và đến việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt của ông”. Các chuyên gia cũng kêu gọi “trả tự do ngay lập tức” cho ông Thái.
Ngoài ra, các chuyên gia LHQ còn yêu cầu Hà Nội giải trình cơ sở pháp lý và cơ sở thực tế đối với việc giam giữ kéo dài và kết án ông Thái, và sự tương thích của những cơ sở đó với quyền tự do ngôn luận theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Họ cũng yêu cầu chính quyền Việt Nam nêu rõ những bước đã được thực hiện để điều tra vụ ông Thái bị cưỡng ép mất tích đã được báo cáo, xác định những người chịu trách nhiệm, truy tố và trừng phạt những người đó, cũng như đảm bảo rằng ông Thái được bồi thường thỏa đáng cho những tổn hại đã phải gánh chịu.
Tương tự, các chuyên gia LHQ cũng gửi văn thư đến chính quyền Thái Lan, bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng về vụ bắt cóc và cưỡng bức mất tích” đối với ông Thái tại Bangkok, Thái Lan và cưỡng bức trở về Việt Nam hồi tháng 4/2023.
Đồng thời, các chuyên gia cũng quan ngại “về sự an toàn về thể chất và an ninh của những người tị nạn ở Thái Lan, bao gồm các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền chạy trốn sang Thái Lan do sợ bị đàn áp vì công việc hợp pháp của họ ở quốc gia bản xứ”.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhắc nhở chính phủ Thái Lan về nghĩa vụ của nước này theo luật pháp quốc tế là ngăn chặn và xóa bỏ các mối đe dọa đã biết hoặc có thể thấy trước một cách hợp lý đối với sự an toàn, an ninh hoặc quyền tự do của bất kỳ cá nhân hoặc nhóm người nào trong lãnh thổ của mình, bao gồm cả khi những mối đe dọa đó xuất phát từ các tác nhân nhà nước ở nước ngoài.
VOA đã liên lạc với hai bộ ngoại giao của Việt Nam và Thái Lan, đề nghị họ bình luận về văn thư yêu cầu giải trình của các chuyên gia LHQ, nhưng chưa được trả lời.
Tường thuật về phiên tòa xét xử ông Thái và những người liên quan, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng “các bị cáo bày tỏ ăn năn, hối cải, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.
Truyền thông nhà nước dẫn lời hội đồng xét xử nhận định việc truy tố các bị cáo là “đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật”.
“Việc anh Thái bị bắt cóc rồi bị đưa ra xét xử như vậy rõ ràng là vi phạm các chuẩn mực về nhân quyền quốc tế”, nhà hoạt động Lê Anh Hùng ở Hà Nội, nêu nhận định với VOA.
Hai kháng thư nêu trên được Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền Mary Lawlor, Phó chủ tịch về truyền thông của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện Ganna Yudkivska, Chủ tịch-Báo cáo viên của Nhóm công tác về mất tích cưỡng bức, và Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận Irene Khan soạn thảo.
Cho đến ngày 17/2, cả chính phủ Việt Nam lẫn Thái Lan đều chưa phản hồi kháng thư của các chuyên gia nhân quyền LHQ.
Trường hợp ông Thái bị mất tích ở Thái Lan được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận trong mục đàn áp xuyên quốc gia của Báo cáo Nhân quyền 2023.
“Vào tháng 4/2023, ông Đường Văn Thái, một blogger đã trốn khỏi Việt Nam sang Thái Lan vào năm 2019, đã mất tích tại Bangkok, theo gia đình ông”, báo cáo viết.
Mặc dù chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố họ đã bắt giữ một người đàn ông tên là Đường Văn Thái vào ngày 14/4/2023 vì “nhập cảnh trái phép”, các tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông đưa tin rằng ông Thái đã bị chính quyền Việt Nam tại Thái Lan bắt cóc và cưỡng bức đưa về Việt Nam; và sau đó Bộ Công an Việt Nam tuyên bố ông Thái bị bắt giam vì “tuyên truyền chống nhà nước”, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngay sau khi chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù đối với ông Thái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng họ quan ngại về việc Việt Nam ra bản án “khắc nghiệt” đối với ông, đồng thời bày tỏ sự “quan ngại” trước thông tin ông bị chính quyền Việt Nam bắt cóc tại Thái Lan.