Chúng tôi mất đất, mất nhà một cách “đúng quy trình” và “hợp pháp”

0
1277

Mấy năm nay, nhờ cơ sở hạ tầng được nhà nước quan tâm đầu tư, đất phía Đông TP.HCM, cụ thể là Quận 9 chúng tôi bỗng dưng sốt xình xịch, hoạt động phân lô bán nền vô cùng náo nhiệt, chủ đầu tư khắp ngả đổ về săn đất, làm cho bản thân cư dân Quận 9, cũng không khỏi giật mình.

Khu vực ngã ba chúng tôi ở, có tên là ngã ba Mỹ Thành, nằm cuối đường Lê Văn Việt, giao lộ với Hoàng Hữu Nam và Nguyễn Văn Tăng, thời chiến tranh vốn là khu lô cốt người chết nghiêng ngả, dân bản xứ chẳng ai thèm ở, sau nhà nước đem làm Hợp tác xã sản xuất gạch nung, thường gọi là lò gạch, quanh năm khí đen độc hại cuồn cuộn bay. Những hộ dân dũng cảm ra đây ở vào thời điểm những năm 1980s, vừa phải chịu cảnh ô nhiễm, hẻo lánh, không điện, không nước, lại còn tốn bao công sức tiền của san lấp, đóng thuế phí sử dụng đất để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu đất, hợp pháp, rõ ràng. Họ ở dọc theo 3 con đường Hàng Tre, Lê Văn Việt, Nguyễn Văn Tăng xung quanh, ở giữa vẫn là lò gạch ngày đêm phun khói đen, xả bụi than và tỏa sức nóng kinh người.

Qua thời khó khăn, người ở ngày một đông, lò gạch bị bắt buộc phải đóng cửa do ô nhiễm, đường xá trải nhựa, mở rộng, người xe đông đúc, khoảnh đất vắt vẻo nơi ngã ba Mỹ Thành năm xưa bỗng trở nên sầm uất. Thế hệ cha ông già đi, nhà cũ xập xệ hết, con cháu lớn lên may cũng biết sửa sang mặt tiền cho đàng hoàng, mua món này món kia về bày bán, kiếm đồng lời nuôi cha mẹ già và con nhỏ. Nếu ai không buôn bán lớn thì buôn bán nhỏ, ổ bánh mì, ly nước mía cho khách qua đường, ai không biết buôn bán thì cho thuê lại khoảng sân và gian phòng khách, tháng cũng được dăm bảy triệu đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, thế là an tâm.

Cũng vì vẻ sầm uất của 3 dãy mặt tiền này, bên trong là nền lò gạch cũ ngủ quên, nên người qua kẻ lại chép miệng thấy thèm cái miếng đất lò gạch vô chủ, nếu mở ra được 3 phía mặt tiền, mỗi mặt dài cả mấy trăm mét thế kia, thì sẽ được khu đất vuông vức vô cùng giá trị. Vì vậy nên bỗng dưng một ngày đẹp trời, cả khu dân cư chúng tôi bị đưa vào tầm ngắm “Quy hoạch”. Nói là làm, các bên liên quan cùng nhau lập nên một cái dự án, tên gọi rất mỹ miều là xây dựng Trường Trung cấp nghề Đông Sài Gòn, trình lên đúng cửa nên Sở Xây Dựng Tp. HCM duyệt cái roẹt, cầm xuống triệu dân lên phường để đọc cho nghe, hỏi có đồng ý không.

Dân chúng tôi ban đầu bất ngờ, sau đó là lắc đầu nguầy nguậy, đồng ý sao mà đồng ý, tự dưng nhà chúng tôi đang ở, các anh đến bảo muốn lấy đất, đưa ra mức giá đền bù dự kiến chỉ bằng 1/10 giá thị trường, hỏi chúng tôi có đồng ý không. Cầm đồng tiền đền bù nhỏ nhoi như vậy, trong lúc đất Quận 9 sốt hơn sốt xuất huyết, hỏi chúng tôi đi đâu về đâu, rồi cả nhà chỉ biết mỗi nghề buôn bán kiếm sống, lấy cái gì mà sống tiếp, lấy cái gì mà lo cha mẹ già, nuôi con dại đây. Mà các anh làm việc quá sức mập mờ, quá sức sai quy trình, mới có phương án đầu tư, chưa có phê duyệt chủ trương đầu tư của Hội đồng Nhân dân Tp. HCM đã vội xuống đòi triển khai dự án là sao? Bị hỏi tới tấp, ban bệ đỏ mặt lúng túng, rút quân về.

Chưa an tâm, chúng tôi chủ động tổ chức nhiều cuộc họp bàn, mỗi người một ý kiến, tất cả mọi tâm tư nguyện vọng, lý lẽ thiệt hơn, hiểu biết cá nhân, kiến thức xã hội, kinh nghiệm sinh sống và làm việc … của người dân từ trẻ đến già, từ công chức đến người buôn bán đều được vận dụng, thể hiện trong mấy chục lá đơn kiến nghị, gửi lên Ủy Ban Nhân Dân Tp. HCM vào thời điểm tháng 05 năm 2017. Nội dung đơn đại loại gồm: Chúng tôi đã bị nhà nước thu hồi đất 1 lần để làm khu Công nghệ cao, mới ổn định cuộc sống được khoảng 10 năm, sao giờ lại thu hồi tiếp; Trường Đại học, Cao đẳng còn ế nhan nhản ra, tuyển sinh có được đâu, mà nay nhà nước lại bỏ 200 tỉ xây dựng cơ sở mới cho Trường Trung cấp nghề Đông Sài Gòn, trong khi Trường này ở cơ sở hiện tại mặt bằng thừa còn đang cho thuê, năm 2011 bị báo Thanh Niên liệt vào danh sách 1 trong những Trường hoàn toàn không tuyển sinh được; Xây trường cho mục tiêu giáo dục và đào tạo thì Quận 9 thiếu gì quỹ đất, khu giáo dục vốn được Quận 9 quy hoạch ở phía Long Trường (vùng đất dân cư còn thưa thớt, rất trống trải), tại sao không vào đó cho yên tĩnh, thoáng mát, mà lại chọn ngay vùng đất vốn đã được quy hoạch là khu dân cư, giá trị thị trường rất cao, ở nơi trung tâm sầm uất nhất, quanh năm xe cộ tắc đường để xây trường; Luật Xây dựng nêu rõ, khi lên phương án quy hoạch thực hiện dự án, chủ đầu tư phải hỏi ý kiến cộng đồng, trước đây không hề có ai xuống hỏi chúng tôi, vậy lấy cơ sở gì để các anh lập quy hoạch; Luật đầu tư công cũng nêu rõ, dự án phải có tính hiệu quả về mặt kinh tế – xã hội, phải có tính khả thi, đảm bảo an sinh xã hội, vậy dự án các anh viết ra, lấy 1 phần vốn ngân sách để đầu tư, liệu đạt được mấy phần của những tiêu chí nêu trên.

Nhận được đơn, Ban tiếp dân thuộc Ủy Ban Nhân Dân Tp. HCM liền chuyển ngay về Quận, yêu cầu đích danh Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Quận 9 phải trả lời cho dân 2 vấn đề, thứ nhất là về Quy trình quy hoạch, thứ hai là Hiệu quả đầu tư của Dự án. Thế mà trong lúc dân dài cổ đợi Chủ tịch trả lời, đến nay vẫn chưa có chút thông tin phản hồi, thì người của dự án đã ngày đêm xuống thăm đất, ngắm đất, còn nhờ Công an hộ tống, đến từng hộ dân bắt kê khai đất đai, tài sản. Chúng tôi nhất quyết không khai, không ký bất cứ giấy tờ gì, vậy mà không biết như thế nào, bên Dự án vẫn lo được các loại giấy tờ, tháng 05 chúng tôi gửi đơn kiến nghị, thì tháng 06 và tháng 07, họ xin được các loại quyết định từ cấp Thành phố, để ngày 08/08/2017, UBND Quận 9 đường đường chính chính ra Thông báo thu hồi đất.

Người dân chúng tôi mất đất, quá sức đau đớn, quá sức bất bình vì cách làm thiếu minh bạch, thiếu công khai, thiếu dân chủ cơ sở, xem thường ý kiến của người dân như trên. Chúng tôi lo lắng, ăn không được, ngủ không được, đấu tranh thì không biết bằng cách nào, không cẩn thận lại mang vạ vào thân thì tội chống đối, nhờ luật sư thì họ bảo các quyết định đều hợp pháp, đúng quy trình nên không kiện được. Cách cuối cùng là chúng tôi viết đơn khiếu nại tập thể, nội dung dài 8 trang A4, gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chỉ mong được sắp xếp đối thoại trực tiếp với một cơ quan có thẩm quyền nào đó, tránh cách làm “Hoàn toàn im lặng, cứ thế tiến hành” như bấy lâu nay.

Đơn gửi nay đã 10 ngày, chưa thấy phản hồi.

Trong lúc chờ đợi, nhớ tới vụ vô cảm, quan liêu trong cấp “Giấy chứng tử” cho người dân của phường Văn Miếu, nhờ viết lên Facebook, lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nên báo chí đựa tin, Thanh tra Hà Nội vào cuộc, mọi chuyện mới được truy xuất ngọn ngành rõ ràng.

tôi cũng viết lên đây, chưa biết kết quả như thế nào, nhưng cứ viết trước, tính sau.

Nếu chính quyền không đối thoại, chủ đầu tư cứ thế mà thu hồi đất, với giá đền bù rẻ mạt mà họ đưa ra, thì đúng là chúng tôi mất đất theo một quy trình rất ngoạn mục và hoàn toàn hợp pháp, phải không mọi người?

Ghi chú 1: Phần ranh vàng là đất lò gạch cũ, phần ranh đỏ là Chủ đầu tư vẽ dự án xây Trường trung cấp nghề, kéo dài hết 3 mặt tiền đường để xuống thu hồi.
Ghi chú 2: Miếng đất sau khi thu hồi, sẽ được chủ đầu tư phân con đường 16m (nét đứt) ở giữa để chia thành 2 lô nhỏ hơn, 1 lô vuông vức 4 mặt tiền, còn lại là lô góc 2 mặt tiền.

– Các anh chị trong ngành giáo dục, tham mưu cho những người thiếu chuyên môn Sư phạm nghe thử, đặt Trường Trung cấp nghề trên lô đất 4 mặt tiền, xe cộ qua lại tấp nập như một cái bùng binh khổng lồ thế kia, lại có con đường xuyên qua dãy phòng học nữa, liệu có tạo ra được môi trường học tập đúng nghĩa cho các em hay không?

– Các anh chị ở các ngành nghề khác phân tích thử, 2 lô đất 4 mặt tiền và lô góc 2 mặt tiền, sau khi thu hồi giá trị thị trường sẽ là bao nhiêu, nếu đem xây đựng Trường học thì có đạt yêu cầu “sử dụng hiệu quả đất ở tại đô thị” như luật pháp quy định không?

Ghi chú 1: Phần ranh vàng là đất lò gạch cũ, phần ranh đỏ là Chủ đầu tư vẽ dự án xây Trường trung cấp nghề, kéo dài hết 3 mặt tiền đường để xuống thu hồi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here