Tượng Joseph Stalin tại Quảng Trường Đỏ, Moscow, Nga, 2019.
Mọi quyết định quan yếu tại nước Nga hiện nay, như xâm chiếm Ukraine từ cuối tháng 2 vừa qua, nằm trong tay một người: Vladimir Putin.
Tương tự, mọi quyết định quan yếu tại Trung Quốc nằm trong tay Tập Cận Bình.
Làm thế nào Putin và Tập có thể trèo lên đỉnh cao quyền lực, và có thể ngồi đó bất định kỳ?
Đây là một câu hỏi không dễ tìm câu trả lời.
Putin, với tư duy thời Chiến tranh Lạnh, đã đưa nước Nga trở lại mộng bá quyền và đế quốc của Stalin, Lenin, Peter the Great, hay Alexander I, trước đây. Putin, nói cho cùng, cũng chỉ là sản phẩm của văn hóa và lịch sử Nga. Lịch sử và văn hóa chính trị của Nga đã định hình tư duy của giới lãnh đạo chính trị tại đây, rằng muốn bảo đảm an ninh quốc gia thì cần phải có một nhà nước hùng mạnh. Nó phải sẵn sàng và có khả năng hành động không nương tay vì lợi ích của mình. Trong khi phần lớn giới ưu tú chính trị Hoa Kỳ cho rằng chính quyền/nhà nước, ngay cả trong trường hợp tốt nhất, chỉ là cái ác cần thiết (necessary evil), như Thomas Paine từng biện luận, thì giới ưu tú chính trị Nga nghĩ ngược lại. Vì thế mà nhà nước thì càng trở nên ghồ ghề, mập mạp, trong khi người dân càng trở nên gầy gò, ốm yếu, như sử gia Vasily Klyuchevsky trong thế kỷ 19 đã tóm tắt lịch sử ngàn năm của Nga. Một trong những tác phẩm diễn tả xác thực nhất về điều này là cuốn sách của Anne Applebaum về trại tù khổ sai Gulag, nói về nước Nga dưới thời cai trị của Stalin.
Trải qua bao đau thương mất mát như vậy, nhiều người Nga vẫn tin tưởng vào huyền thoại của một nhà nước hùng mạnh để chính họ sẵn sàng hy sinh, đánh đổi tự do và nhân quyền của chính mình để nước Nga có chỗ đứng trên thế giới. Điều nghịch lý là, những nỗ lực xây dựng một nhà nước vững mạnh luôn dẫn đến việc lật đổ các định chế và đưa đến sự hình thành chế độ cai trị theo tính cách cá nhân (personalistic rule, khác với individualism). Như chính sử gia hàng đầu về Nga, Stephen Kotkin, đã biện luận vào tháng 5 năm 2016, tính cách cai trị cá nhân một cách không kiềm chế có xu hướng làm cho tiến trình đi đến các quyết định đối với chiến lược lớn của Nga trở nên mù mịt và có khả năng thất thường, bởi vì nó kết hợp lợi ích nhà nước với vận mệnh chính trị của một người.
Những người như Putin đã biết cách vận dụng tâm lý và khát vọng từ huyền thoại của người Nga để ủng hộ cho một nước Nga hùng mạnh và một chính sách ngoại giao cứng rắn, để sau cùng mọi quyết định quan trọng nhất của quốc gia, kể cả chiến tranh hay hòa bình, thịnh vượng hay lạc hậu, minh bạch hay tham nhũng v.v… lọt vào tay của duy nhất một người: Vladimir Putin.
Vấn đề nằm một phần ở những cá nhân như Putin, hay Stalin, Lenin v.v… của nước Nga trước đây. Phần còn lại nằm ở những người chung quanh đang ủng hộ họ. Nếu tư duy, văn hóa này còn thì sẽ có những Putin khác sau này.
Điều này cũng không khác với những gì đang xảy ra tại Trung Quốc của Tập Cận Bình. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là bánh vẽ của các “kỹ sư tâm hồn”. Họ rất giỏi mị dân, đưa ra những lý tưởng cao xa, nhưng toàn là điều ru ngủ, ảo tưởng. Họ biết cách đánh vào điểm yếu, tiêu cực nhất của con người, để duy trì sự xung đột, hiềm khích, và nghi kỵ lẫn nhau. Để rồi qua đó, con người không còn đủ khả năng và lý trí để nhìn ra được ai mới là kẻ thù thật sự, là chủ mưu của trò chơi. Chiến dịch chống lại địa chủ, cải cách ruộng đất, chống cánh hữu, dẹp tan thành phần phản cách mạng, cách mạng văn hóa v.v… của Mao Trạch Đông, tuy là sáng kiến của Mao, nhưng chính Mao học từ những lãnh đạo chính trị của Liên Sô, đặc biệt từ Stalin và tác phẩm “Short Course” của Stalin.
Bản chất của chiến lược từ Stalin mà Mao học được và giúp Mao thành công chính trị chủ yếu là: tạo ra kẻ thù. Dù kẻ thù đó chỉ là tưởng tượng, không có thật. Câu chuyện (narrative, tự sự) của họ cũng khá giống nhau. Ngoài nước, các đế quốc chỉ muốn xâm chiếm nuốt trọn mình, đã gây sỉ nhục quốc gia quốc dân, cho nên cách hữu hiệu nhất là mình phải xây dựng chính quyền mạnh v.v… Trong nước, các thế lực thù nghịch, phản quốc hại dân, điển hình như những phe phái hay đảng chính trị đang tồn tại, chỉ là bọn phản động, bắt tay với các thế lực ngoại bang để lật đổ chính quyền nhân dân v.v… Trong đảng cũng thế, cũng có những thành phần trà trộn đột nhập nhằm lũng đoạn, hoen ố hình ảnh và mục đích cao cả của đảng, nhà nước, chính quyền v.v… Vận dụng một số đặc tính tiêu cực như tham sân si, như nỗi sợ của con người, mà những nhân vật như Stalin và Mao đã cai trị được một thời gian dài. Họ làm được như thế bởi vì họ luôn tạo ra nhận thức (perception), thay vì thực tế (reality), rằng họ lãnh đạo cuộc đấu tranh có chính nghĩa. Bằng cách đó, những nhân vật này đã mang ra những điều xấu xa nhất của con người để cai trị (bring the worst out of people). Họ đã biến toàn xã hội trở thành xấu xa hơn, thay vì phục thiện hơn.
Putin đã học rất kỹ cách cai trị của Stalin, cũng như Tập học cách cai trị của Mao.
Không những học kỹ từ Mao, Tập còn đưa chủ nghĩa Mao vào trong chính sách giáo dục yêu nước để nhồi nhét thế hệ trẻ hôm nay.
John Garnaut đã đưa ra nhận xét tinh tế về ý thức hệ Trung Quốc thời Tập Cận Bình. Trước hết, chủ nghĩa Cộng sản đã không được du nhập vào Trung Quốc một cách nguyên vẹn như phiên bản gốc mà nó được lai ghép vào một hệ thống tư tưởng đã tồn tại sẵn: đó là hệ thống triều đại phong kiến cổ điển Trung Quốc. Trong hệ thống này, nó chủ yếu là “Được làm vua, thua làm giặc.” Cuộc đấu tranh miên viễn, mang tính sinh tử này, rốt cuộc có nghĩa là “Ngươi chết – Ta sống”, trong công thức của Trung Quốc, và do đó phải đánh phủ đầu trước để giữ được mạng. Garnaut biện luận rằng chủ nghĩa Mác-Lê nin đã được diễn giải cho Mao và những nhà cách mạng Trung Quốc khác bởi một trung gian quan trọng: Joseph Stalin. Nó là một ý thức hệ mang tính toàn trị, và Tập Cận Bình đã khôi phục ý thức hệ này đến một mức độ chưa từng thấy kể từ thời Cách mạng Văn hóa. Khi Tập lên nắm quyền lực cao nhất, Văn phòng Trung ương Đảng, được điều hành bởi cánh tay phải của Tập, Lật Chiến Thư, đã gửi đi một chỉ thị khét tiếng vào tháng 4 năm 2013 cho tất cả các tổ chức đảng cấp cao. Văn kiện số 9 này có tên là “Thông cáo về tình trạng hiện tại trong lĩnh vực tư tưởng” đặt ý tưởng “lan truyền tư tưởng trên mặt trận văn hóa là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất”. Đọc kỹ nó thì mới thấy được sự tài tình của Tập khôi phục lại tinh thần/chủ nghĩa Mao ra sao, và qua đó chủ thuyết Stalin.
Nhưng đổ lỗi hết cho Stalin, Putin hay Mao và Tập thì không đúng hoàn toàn. Họ cũng chỉ là sản phẩm của văn hóa và lịch sử thôi. Những bạo chúa như thế không thể nào hiện hữu tại các nền dân chủ cấp tiến như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand v.v…, nhất là từ thế kỷ 18 cho đến nay. Hơn nữa, họ tồn tại được là do chính họ chọn những người thân cận nhất để họ đứng trên đó xây dựng và củng cố quyền lực, hoặc chính những người này có cùng tầng số tư duy nên tìm đến phục tùng. Người dân cũng như các thành phần quyền lực, ưu tú của xã hội cũng vì quyền lực hay quyền lợi kinh tế, được trực tiếp hay gián tiếp hưởng lợi, nên cũng ra sức bảo vệ chế độ và bạo chúa. Sự im tiếng, hay không hành động của số đông, nhất là vì sợ, đã góp phần duy trì sự tồn tại của các chế độ và bạo chúa này.
Sẽ mất một thời gian dài để dần dần gỡ bỏ bớt chủ nghĩa cường quyền, độc tài và toàn trị này trong các nền văn hóa mà đã nuôi dưỡng nó hàng ngàn năm qua.
Còn Việt Nam thì sao? Sao lãnh đạo chính trị Việt Nam từng tôn thờ những người như Stalin, như Mao, như thánh như thần? Văn hóa Việt Nam giống và khác Trung Quốc và Nga thế nào? Hy vọng trong tương lai sẽ có học giả nghiên cứu sâu sắc và viết về đề tài này một cách khách quan, khoa học và thuyết phục.
Nhìn vào những gì đã và đang xảy ra tại Nga và Trung Quốc, với Putin hay Tập, với Stalin hay Mao, chúng ta có thể đối chiếu với những gì đã và đang xảy ra tại Việt Nam. Thời Stalin và Mao thì có Trường Chinh làm tư tưởng gia cho Việt Nam. Thời nay, của Putin và Tập, phải chăng có Nguyễn Phú Trọng?
Việt Nam thì chưa bao giờ là cường quốc, nhưng vẫn mang tư tưởng mình là ngoại lệ. Là thứ chủ nghĩa mình thì khác, như nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc từng nhận xét. Người Việt thường tự hào đã đánh đuổi Trung Quốc, Tây (Pháp), Nhật (?), Mỹ, nên cũng đâu có thua ai. Còn hơn nữa là khác! Nhiều người vẫn còn coi thường văn hóa văn minh nước khác, vẫn xem người ta là thằng này, con kia. Khi đã coi thường thì làm sao thấy được những cái hay và từ đó chịu học để tiến bộ?
Hiện tượng nói trên, theo tôi, thật ra chỉ phản ảnh một thành phần nào đó của người Việt, không phải là đa số. Không may phần lớn họ là những người không có nhiều trí tuệ, lại làm lãnh đạo đất nước nhiều thập niên qua, nên kéo lùi sự phát triển của toàn thể dân tộc. Những chính sách đối ngoại thiếu khôn ngoan (có khi quá nhu nhược, như với Trung Quốc, hoặc có khi quá hung hăng, như với Mỹ), và đối nội đầy phân biệt (đối với nhiều thành phần dân tộc) của nhóm người này đã để lại những hệ quả vô cùng tai hại và lâu dài.
Chỉ khi nào lãnh đạo quốc gia thật sự coi con người, tức mọi công dân trên lãnh thổ Việt Nam, là trung tâm của các chiến lược phát triển, thì hy vọng đất nước mới cất cánh lên được. Còn tư duy hiện nay, vẫn xem những người khác chính kiến, là mầm mống cần phải loại trừ, thì đó chỉ là chiêu bài cho việc duy trì quyền lực và quyền lợi của chế độ. Nó không bao giờ là mục tiêu cho sự thịnh vượng của toàn quốc gia, và không phải là chiến lực bền vững để canh tân Việt Nam.