
RFI, 20.02.2025
Tổng thống Volodymyr Zelensky bác bỏ kế hoạch của Hoa Kỳ về việc độc quyền khai thác khoáng sản Ukraina vô thời hạn, ông Donald Trump giận dữ cáo buộc « độc tài », đổ cho Kiev đã khởi động cuộc chiến với Nga. Châu Âu cố gắng kìm lại việc bắt tay giữa Washington và Matxcơva, gây khốn đốn cho cuộc chiến đấu vệ quốc của Ukraina. Tại Hoa Kỳ, trận đại hồng thủy Trump bắt đầu gây ra những phản ứng. Trên đây là một số đề tài được báo chí Pháp bàn luận hôm nay 20/02/2025.
*
TRUMP LẤY ĐÂU RA CON SỐ 500 TỈ ĐÔ LA ?
Le Monde giải thích vì sao Ukraina bác bỏ kế hoạch của Donald Trump : Vì « Giống như là trấn lột ». Nhật báo Anh The Telegraph tiết lộ tài liệu mật tham khảo được, và một nguồn tin thân cận với Phủ Tổng thống Ukraina xác nhận với Le Monde văn bản này là thực.
Trong dự thảo hợp đồng giống như là yêu sách của người chiến thắng trước kẻ chiến bại, Hoa Kỳ đòi quyền khai thác « vĩnh viễn » đối với « khoáng sản, dầu lửa, khí đốt, các cảng và những cơ sở hạ tầng khác ». Tất cả đều theo luật của New York, không chấp nhận bất cứ hệ thống tư pháp nào khác. Một quỹ đầu tư chung giữa Washington và Kiev sẽ được thành lập để bảo đảm « những bên thù địch không lợi dụng được việc tái thiết Ukraina ». Trong một điều khoản ưu tiên, Hoa Kỳ được hưởng phân nửa số thu của Kiev về khai thác tài nguyên, 50 % giá trị tài chánh của « tất cả những giấy phép mới cấp cho bên thứ ba ».
Donald Trump công khai ấn định Kiev phải trả 500 tỉ đô la, tương đương hai năm rưỡi tổng sản phẩm nội địa (GDP) của một đất nước hàng ngày bị oanh tạc và bị cướp mất một phần năm lãnh thổ. Chẳng ai biết con số khủng khiếp này từ đâu ra ! Tổng thống Mỹ trên kênh bảo thủ Fox News nói rằng Mỹ đã hỗ trợ Kiev 300 tỉ đô la, và sẽ là « ngu ngốc » nếu chi thêm. Trump tuyên bố Ukraina « có thể trở thành thuộc Nga hoặc không, nhưng phải trả số tiền này ». Trên thực tế, tổng cộng năm gói viện trợ được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua cho Ukraina là 175 tỉ đô la, trong đó 70 tỉ được chuyển thẳng cho các công ty vũ khí Mỹ.
*
ĐÒI BỒI THƯỜNG HAY TRẤN LỘT ?
Theo báo chí Ukraina, ông Volodymyr Zelensky đã bác bỏ thỏa thuận dựa trên dự thảo này hôm 12/02, lúc bộ trưởng tài chánh Mỹ Scott Bessent thăm Kiev. Washington Post cho biết tổng thống Ukraina chỉ có vài phút để đọc bản đề nghị của Washington trước khi gặp ông Bessent. Volodymyr Zelensky đặt điều kiện mọi hợp đồng khai thác tài nguyên dưới lòng đất ký với Hoa Kỳ hay các nước EU đều phải đi kèm với việc bảo đảm an ninh cho Ukraina.
Lana Zerkal, cựu thứ trưởng ngoại giao Ukraina, không tham khảo được tài liệu, lo lắng nói : « Nếu lấy 50 % giá trị khai khoáng hiện nay, thì thực sự giống như trấn lột ». Còn đối với các tài nguyên chưa khai thác, cần phải nghiên cứu trữ lượng và tính kinh tế, mất từ 5 đến 20 năm. Ý tưởng ban đầu là của ông Volodymyr Zelensky đưa ra từ tháng 9/2024, nhằm thu hút các công ty Mỹ đầu tư lâu dài và được Washington bảo đảm an toàn. Nhưng các nhà lãnh đạo Ukraina không hề chờ đợi những điều kiện đáng xấu hổ như vậy, giống như để đánh gục một đối thủ hơn là đồng minh.
Để so sánh, khi gặp các đại diện Nga hôm 18/02 phía Mỹ không hề đòi bồi thường, và lại còn có ý định dỡ bỏ trừng phạt cho Matxcơva. Theo nguồn tin của Le Monde, chính quyền Ukraina đang nỗ lực đưa ra một đề nghị khác cho Washington. Tại hội nghị an ninh Munich, châu Âu đã phản ứng dữ dội trước cung cách của tổng thống Mỹ, gọi là « chiến thuật bắt bí của mafia », « cho vay nặng lãi », « đô hộ ».
*
QUAN HỆ TRUMP-ZELENSKY GẦN NHƯ KHÔNG THỂ CỨU VÃN
Hôm qua ông Donald Trump đã liên tục tấn công tổng thống Ukraina bằng những lời lẽ nặng nề đáng kinh ngạc. Theo Les Echos, tất cả cho thấy Kiev sẽ phải học cách coi Hoa Kỳ không còn là đồng minh.
Ông Volodymyr Zelensky, lâu nay đã nhẫn nhịn hết mức, chỉ nhẹ nhàng nói rằng « rất tôn trọng » tổng thống Mỹ, « nhưng tiếc thay ông lại sống trong một không gian thông tin bị Nga bóp méo ». Trump nói y theo ngôn ngữ của Kremlin, gọi Zelensky là « nhà độc tài », chỉ trích Kiev « khơi mào cuộc chiến ». Donald Trump quên rằng chính Nga ồ ạt đưa quân sang xâm lăng Ukraina hôm 24/02/2022 với cớ Kiev muốn gia nhập NATO, tuy thực ra ý định này hầu như không có hy vọng kể từ 2008.
Ông Trump lại còn cáo buộc Ukraina tham nhũng phân nửa số viện trợ Mỹ mà ông ước tính trên 350 tỉ đô la. Thế nhưng Viện Kinh tế IfW Kiel khẳng định chỉ có 114,2 tỉ đô la từ 2022, trong đó phân nửa là viện trợ quân sự. Một nhóm đặc trách của bộ chỉ huy quân sự Mỹ đặt tại Stuttgart chuyên theo dõi việc chuyển giao và sử dụng viện trợ Mỹ, trong khi một ủy ban của Ukraina do một thành viên đối lập với Zelensky làm chủ tịch kiểm tra lần nữa. Chuyên gia Ed Arnold của Royal United Services Institute (RUSI) nhìn thấy một sự rạn vỡ gần như khó thể hàn gắn giữa Hoa Kỳ và Ukraina, với những tuyên bố hung hăng không chỉ của Donald Trump mà cả Elon Musk.
*
ĐỂ THAY HOA KỲ, CHÂU ÂU CẦN TĂNG GẤP ĐÔI VIỆN TRỢ QUÂN SỰ
Ukraina có thể làm gì đây ? Ký ngưng bắn theo lệnh của Nhà Trắng, mà thực ra là đầu hàng ? Hay tiếp tục chiến đấu chỉ nhờ vào viện trợ quân sự của châu Âu, mà năm ngoái đã vượt qua Hoa Kỳ ? Vẫn trên Les Echos, ông Ed Arnold ước tính châu Âu ít nhất phải tăng viện trợ gấp đôi để có thể thay thế Mỹ.
Như vậy có thể giữ vững được mặt trận, vì quân Nga đã quá kiệt lực, tốc độ tiến hết sức chậm cho thấy điều này. Tuy nhiên sẽ không đủ để tấn công, chưa kể việc mất đi thông tin tình báo từ vệ tinh Mỹ. Tất nhiên không thể bỏ rơi Ukraina, thậm chí gia tăng sức mạnh quân sự cho châu Âu – đây là vấn đề được bàn bạc tại hội nghị không chính thức do Paris tổ chức hôm qua.
Nhưng RUSI nhận xét châu Âu vẫn luôn thiếu một kế hoạch hợp lý. Donald Trump đe dọa : « Zelensky phải phản ứng nhanh chóng, nếu không đất nước ông ta sẽ chẳng còn ». Đặc sứ về Ukraina của Trump, ông Keith Kellogg sẽ vất vả giải thích với Kiev. Ông Kellogg đến thủ đô Ukraina hôm qua với ý định có cuộc « đối thoại tuyệt vời » với Volodymyr Zelensky, « lắng nghe những ưu tư về an ninh của người dân ». Tổng thống Ukraina muốn đưa đặc sứ Mỹ ra mặt trận « để tận mắt chứng kiến ».
*
EMMANUEL MACRON CỐ LÀM CHẬM LẠI CHUYẾN TÀU NGA-MỸ
Le Figaro cho rằng châu Âu phải trả giá đắt vì đã chậm trễ hỗ trợ Kiev. Tổng thống Pháp đang phải nỗ lực hết mình.Hôm thứ Hai, ông họp lại với những nước quan trọng gồm Anh, Đức, Ý, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch. Thứ Tư, ông đối thoại qua video với nhiều nước Đông Âu và Bắc Âu, với Canada ; và cho đến cuối tuần sẽ trao đổi với cả 27 thành viên EU. Một phương pháp đa phương, trái ngược hẳn với chính sách song phương của Donald Trump.
Camille Grand, cựu phó tổng thư ký NATO nói, vấn đề là làm thế nào châu Âu có thể ngồi vào bàn tiệc mà không bị « nằm trong thực đơn ». Làm thế nào ngăn cản Donald Trump và Vladimir Putin áp đặt ngưng bắn nhưng không phải là hòa bình thực sự cho Ukraina, để rảnh tay chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới trong khu vực hoặc xa hơn nữa ?
Emmanuel Macron có trong tay một số lợi thế. Pháp từ nhiều năm qua vẫn vận động cho quốc phòng châu Âu, và nay đã được nhiều nước ủng hộ, trước sự đe dọa của Putin và Mỹ bỏ rơi thô bạo. Cũng như Anh, Pháp có vũ khí nguyên tử, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hôm thứ Hai, cả tám nước họp tại Paris đều đồng thuận là « không có gì về Ukraina mà không có Ukraina », và « không có gì về an ninh châu Âu mà không có châu Âu ». Một đợt trừng phạt mới nhắm vào Nga đã được đưa ra, nhưng châu Âu vẫn còn chia rẽ về việc gởi quân sang gìn giữ hòa bình.
*
CHÂU ÂU PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT VÌ KHÔNG DÁM HỖ TRỢ KIEV ĐẾN NƠI ĐẾN CHỐN
Le Figaro nhấn mạnh, trong cuộc chạy đua này, cựu lục địa phải trả giá cho những sai lầm và ảo tưởng trong quá khứ ; cho sự hèn nhát, do dự, và thời gian đánh mất khi chỉ giúp Ukraina nửa vời. Donald Trump hành động rất nhanh, còn châu Âu quá chậm, làm thiệt hại cho Kiev. Để răn đe Nga, một số chuyên gia ước lượng phải có 150.000 quân nhân phương Tây, nhưng con số này hầu như không thể đạt được. Ba Lan và Đức sắp bầu cử, Hungary thì luôn theo đuôi Nga…
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho rằng : « Kể từ 1945, chưa bao giờ nguy cơ chiến tranh tại châu Âu lại cao như vậy ». Emmanuel Macron nói rõ : « Nga là mối đe dọa cho sự tồn vong của châu Âu ». Vấn đề là chính quyền Trump không nghĩ như vậy. Còn lại một ẩn số : Tổng thống Volodymyr Zelensky và người dân Ukraina phản ứng như thế nào trước sự bỏ rơi của Mỹ và sự chia rẽ của châu Âu ? Liệu họ có thể tránh được số phận của Tiệp Khắc trong hội nghị Munich năm 1938 – thành con mồi của thú dữ và nạn nhân của những người thiếu lòng can đảm?
*
TRẬN ĐẠI HỒNG THỦY DONALD TRUMP BẮT ĐẦU BỊ KHÁNG CỰ
Về nước Mỹ, Libération dành trang nhất cho « Trump: Sau một tháng đại hồng thủy ». Không chờ đến hôm nay – đúng một tháng sau khi quay lại Nhà Trắng – trước đó ông Trump khoe mới vào đầu nhiệm kỳ hai đã làm được những gì mà không tổng thống nào làm nổi trong suốt tám năm.
Trump hành động y như những gì đề ra trong Project 2025, kế hoạch 900 trang của think tank bảo thủ Heritage Foundation. Hồi tháng Bảy, Trump viết rằng « không biết gì » về kế hoạch này, không đồng ý với một số điểm, có những đề nghị « buồn cười », « thảm hại ». Nhưng đến hai phần ba số sắc lệnh được ký từ 20/01 là trực tiếp lấy từ tài liệu trên, đôi khi đúng từng chữ. Giải thể bộ giáo dục, cắt tài trợ nghiên cứu khoa học và viện trợ nhân đạo, sa thải mấy chục ngàn công chức, rút khỏi WHO và hiệp định khí hậu Paris, khoan dầu tán loạn, đưa quân sang biên giới phía nam, ngưng các chương trình tị nạn…
Việc bổ nhiệm Russell Vought đứng đầu cơ quan quản trị và ngân sách là minh chứng: Ông ta là kiến trúc sư của Project 2025.Trump còn đi xa hơn với sắc lệnh đặt các cơ quan kiểm tra dưới quyền Nhà Trắng – giấc mơ xưa kia của phe bảo thủ thời Reagan. Hiện chỉ có các thẩm phán là bức tường chắn sóng, nhưng tư pháp cần đến sự góp sức của xã hội dân sự để chống lại cỗ máy ủi Donald Trump.
*
Tác giả Thụy My