Chợ

0
8
-/-
Con gái tôi đang có một dự án khá đặc biệt, nó muốn viết về Đồng Xuân Center, nơi bọn trẻ chúng nó rất thích đến vì tìm được bản sắc rất “Việt nam” ở nơi đây. Nó hỏi tôi, những người chứng kiến sự ra đời của Đồng Xuân, nghĩ gì về nơi đó? Có thích đến đó mua sắm không?
Chưa bao giờ việc viết về một nơi quá quen thuộc với mình lại trở nên khó thế đối với tôi. Không thể gói gọn trong hai từ, yêu, hay ghét. Càng khó lý giải tại sao yêu và tại sao lại không yêu. Cho dù, thi thoảng, vào ngày nghỉ, chẳng biết làm gì, tôi lại nhẹ dạ vào Đồng xuân khi chồng tôi hỏi: đi vào Đồng xuân chứ?. Với chồng tôi, vào Đồng xuân để mua gạo, đậu phụ tươi, rau, và thậm chí chẳng mua gì, đã là một thói quen sinh hoạt cũng như đi siêu thị mỗi tuần vậy. Và anh ấy rất ngạc nhiên khi tôi bảo: chán lắm không đi đâu. Chỉ tốn tiền chứ có gì hay đâu.
Vào Đồng xuân là tốn tiền, đúng vậy. Từ mớ rau, con cá đến bịch gạo. Rồi các đồ lặt vặt như pin, chong chóng, chim bay nhờ năng lượng mặt trời… để bán trong cửa hàng hoa. Rồi túi nilon gói hàng, guthaben điện thoại… tất tần tật có thể tìm thấy ở đây. Nhưng không chỉ có thế.
Thời Internet chưa ra đời, chúng tôi thường vào các trung tâm nho nhỏ của người Việt khi đó là Ring 100 để thuê phim bộ về xem. Tất tần tật văn hoá của người Việt gói trong hai dẫy hàng hồi đó. Như ai đó đã tổng kết, trong gia đình của nỗi người Việt ở hải ngoại không thể thiếu được chai nước mắm và cuốn băng Thuý Nga Paris. Chưa hết, ở đó chúng tôi còn gặp người quen, ríu ra ríu rít chào nhau rồi ai đi đường nấy vì người nào cũng tất bật. Người lấy thêm quần áo mới, trả hàng cũ bán chậm cho các chủ giao hàng, người chui vào quán bù khú cho bõ cả tuần sấp mặt kiếm sống. Hồi đó, như phần lớn người Việt, chúng tôi bán đồ vải và một ít đồ Geschenkartikel. Cuối tuần ngoài vào khu thương mại của người mình thì chẳng còn biết đi đâu. Vừa là niềm vui, vừa là thói quen, vừa là công việc, và cũng là nhu cầu nữa.
Sau này Đồng Xuân ra đời, bóp chết những trung tâm manh mún khác. Bất chấp những khiếu nại của chính quyền về cơi nới trái phép, một mắt xích của đường dây buôn người.. v. v, như báo chí Đức từng đưa tin, Đồng xuân ngày càng lớn mạnh, phình to. Nhưng càng lớn thì càng đông, càng đông càng lộn xộn. Những ngày cuối tuần, bến tàu điện chật kín người, tràn cả ra lòng đường. Xe ô tô không còn chỗ đỗ, còi nhau inh ỏi. Ở đây, bạn không cho phép mình lơ là khi lái xe dù đã lái rất chậm. Trẻ con nô đùa chạy qua đầu xe, bà mẹ đẩy xe nôi đi nghênh ngang dưới lòng đường. Nhạc phừng phừng, người đi như trảy hội, chỗ nào cũng thấynghẹt người. Mùi thịt nướng bay mù mịt khắp không gian. Quán ăn tuần nào cũng có party. Nhạc rú, người hát, MC gào và thực khách vừa quát vào mặt nhau vừa nhai ngoàm ngoạp. Mấy ông nhã hơn thì làm mâm cờ, bên cạnh lũ thanh niên Zô zô trăm phần trăm làm như trên đời không gì quan trọng bằng uống. Trẻ con đuổi nhau rinh rích trên sân khấu. Dưới đất, vỏ phong bì đã moi ruột nằm trắng như bươm bướm.
Nếu bạn ưa ồn ào và phong cách làng quê không biên giới không rào cản thì nơi đây chính là điểm đến. Bạn sẽ đi mỏi chân ở 400 quầy hàng mua đủ thứ xanh đỏ tím vàng mà không cần đặt qua Temu. Sẽ được cắt tóc, uốn mi, lấy ráy tai, nặn trứng cá, massage toàn thân không chừa bộ phận nào với giá rẻ hơn Đức. Rồi vừa ruộm tóc vừa ăn chè của bà bán hàng rong lén lút bên cạnh, vừa đút chân vào lò cho người ta làm móng. Các quầy bán thực phẩm người mua rào rào cho đến khi vài xe cảnh sát, phòng thuế và sở lao động ập vào trong một cuộc vây ráp. Thể nào cũng có vài người bị còng tay. Đó là những người ra đi từ những miền quê rất nghèo. Họ là người cư trú bất hợp pháp, bị bắt, coi như tội phạm. Tôi không biết họ xử lý thế nào với những trường hợp đó. Tôi chỉ biết, đó là những điều không ai muốn cho cả hai phía. Sau mỗi đợt quây ráp, phải ít lâu sau mọi cái mới lại như cũ.
Tôi đang nói về Đồng xuân thời đã có Internet. Giải trí giờ đây không còn chỉ trông chờ vào mấy cuốn băng Thuý Nga Paris hay phim bộ Hồng kong hay mấy tờ báo tiếng Việt. Nhiều người Việt nam không còn nhu cầu vào đó nữa. Ở nhà cũng có ca nhạc để xem. Đi mua thực phẩm châu Á cũng không cần xa xôi. Các tiệm châu Á bán khắp nơi, kể cả siêu thị Đức cũng bán giá đỗ, rau mùi, bánh đa nem, mì ăn liền, nước mắm… Nhà hàng Việt nam rất được dân Đức ưa thích vì thanh, gia vị tươi, ít dầu mỡ như quán Tàu. Muốn ăn bát phở hay bún chả, không nhất thiết phải vào Đồng Xuân.
Đồng xuân không chỉ là trung tâm thương mại, nó còn là trung tâm văn hoá. Nhiều lễ hội, nhiều sự kiện diễn ra ở đây, thậm chí người ta còn tiếp chủ tịch nước hay thủ tướng gì đó và thi cả hoa hậu trong chợ Đồng xuân. Vừa mút kem vừa ngắm đùi, đó là thượng tầng nghệ thuật thị giác.
Mặc dù vậy, Đồng xuân với nhiều người chỉ là cái chợ, không hơn không kém. Ồn ào, xô bồ, hỗn tạp, với tất cả sự phức tạp và bình dân mà không phải tầng văn hoá nào cũng chấp nhận được.
Càng ngày tôi càng không thích chợ Đồng
xuân. Những người quen cũ chả mấy khi nhìn thấy mặt. Cái tôi cần, nhiều nơi khác cũng đáp ứng được. Có chăng, Đồng xuân đông người Việt hơn, đưa tôi gần với Việt nam hơn.
Nhưng vào rồi, lại thấy mình xa lạ hơn. Dường như chợ dành cho những người Việt khác, không dành cho tất cả mọi người, trong đó có tôi.
Con gái yêu cầu viết ngắn gọn, đơn giản, và phải thật để nó có thêm góc nhìn. Vì con cực chẳng đã!
Chứ người mình chỉ thích khen thôi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here