“Chính chúng bay là đầu mối của dịch bệnh Corona!” Bùng nổ làn sóng tẩy chay người Châu Á

0
133
Cô Donalene Ferrer (bên trái), người Philippines, và con gái của cô, Charlie, 17 tuổi. (Allen J. Schaben/ Los Angeles Times)

Người Thông Dịch

Vào một ngày hồi tháng Tư, với khẩu trang đeo trên mặt, cô Donalene Ferrer và 2 thế hệ thành viên khác trong gia đình đi dạo dọc một khu phố ven biển, Oceanside. Một chiếc xe tấp vào lúc gia đình cô đang tản bộ và một người phụ nữ hét lên: “Chính chúng bay là đầu mối của dịch bệnh Corona!”

Anh Do, ngày 5 tháng 7, 2020

Translated from Los Angeles Times article ‘You started the corona!’ As anti-Asian hate incidents explode, climbing past 800, activists push for aid.

Người vừa gán tội họ dẫn theo một em bé sơ sinh và một đứa trẻ đang tuổi đi chập chững, hoá ra là hàng xóm của mẹ cô. Vẫn chưa hết kinh ngạc vì quá bất ngờ, người phụ nữ tội nghiệp kể rằng cô đã bước đến gần người vừa buộc tội cô, hỏi: “Tại sao lại nhắm vào chúng tôi? Tôi là y tá và cha tôi, ông đã chiến đấu cho đất nước này. Đáng ra cô không nên dạy cho bọn trẻ về kỳ thị chủng tộc chứ.”

Cô Ferrer, 41 tuổi, người Philippines, nhớ lại lúc mà người phụ nữ không đeo khẩu trang khiêu khích ngược lại cô và gia đình: “Tới đây. Nói ngay trước mặt tôi này.” Ferrer kể, cô đã lo sợ người này có thể đang giấu vũ khí bên mình nên cô đã bỏ đi.

Theo lời của những nhà hoạt động ủng hộ các nạn nhân của sự kỳ thị, hàng loạt các sự kiện mang tính thù ghét nhắm thẳng vào người Mỹ gốc Á Châu (Asian Americans) và người dân đảo Thái Bình Dương (Pacific Islanders) đang bùng nổ mạnh trong năm nay, thúc đẩy thống đốc tiểu bang California – ông Gavin Newsom – tăng cường viện trợ cho những chương trình với mục đích chống lại các thành kiến và đề cử thêm vào người đại diện văn hoá vào lực lượng đối phó dịch bệnh COVID-19 mới được thành lập.

Những người ủng hộ và hội nhóm của Stop AAPI Hate (tạm dịch: Báo cáo sự cố kỳ thị chủng tộc gốc Á Châu và người dân đảo Thái Bình Dương) đã ghi nhận 832 vụ việc xảy ra trên khắp tiểu bang vàng, California trong 3 tháng vừa qua với những vụ hành hung và sử dụng ngôn ngữ “đang dần trở thành chuyện thường tình” từ khi cơn đại dịch bắt đầu, thêm vào đó là sự xúi giục của người khác, và những lời bình luận kích động của vị lãnh đạo bậc cao nhất của đất nước, họ nói.

Sự gia tăng dần trong con số những vụ rắc rối mang tính thù ghét đã tạo nên sự phẫn nộ trong cộng đồng và các viên chức dân cử.

Dân biểu Al Muratsuchi uỷ viên hội đồng D-Rolling Hills Estates, đại diện của thành phố Torrance phát biểu: “Chúng ta dường như đang có vị Tổng thống cho phép những kẻ kỳ thị chủng tộc “hiện hình” và bắt đầu tấn công những người châu Á.” Torrance là thành phố thuộc bang California, nơi những hiềm khích thù ghét được ghi hình và thu hút nhiều người xem nhất trên mạng.

Cô Donalene Ferrer (bên trái), người Philippines, và con gái của cô, Charlie, 17 tuổi. (Allen J. Schaben/ Los Angeles Times)

Trong số những vụ va chạm được ghi hình lại, bao gồm đoạn phim với một người lạ mặt, sau đó được nhận diện bởi cảnh sát, có tên là Lena Hermandez thường trú ở Long Beach, tiếp cận một người phụ nữ châu Á đang tập thể dục tại công viên Wilson và nói: “Hãy đi về lại cái đất nước châu Á nào đó của mày đi.” Vào ngày 10 tháng Sáu, cùng ngày và cùng địa điểm, Hernandez bị cáo buộc đã dùng những từ ngữ kỳ thị đối với một người đàn ông Á Châu, người này đã đậu xe gần với xe của cô ta, bà ta gọi anh là “Chinaman” (ý ám chỉ người đàn ông Trung Quốc – theo ý miệt thị) và còn bồi thêm vào: “Biết sao không, anh nên đi về nước đi .”

Các nhân viên công lực ở Torrance – nơi có dân số hơn 145.000 và hơn 1/3 là người châu Á – đã bắt giữ Hernandez vào thứ Sáu, ngày 3 tháng 7 vì xô xát với một phụ nữ lạ mặt tại Del Amo Fashion Center (Trung tâm Thời trang Del Amo) vào tháng 10 năm ngoài. Trong tháng Sáu, các nhà chức trách đã nhận hàng trăm cú điện thoại về báo cáo bị quấy rối. Trong đó, đặc biệt chủ của một cửa hàng bán dụng cụ làm bếp nhận được lá thư sặc mùi kỳ thị chủng tộc với nội dung “Hãy biến về Nhật Bản, chúng tao sẽ ném bom vào cửa hàng nếu mày không nghe lời và bọn tao biết cả nơi mày ở nữa đấy.”

Dân biểu Muratsuchi cùng với Dân biểu David Chiu (Uỷ viên Hội đồng D-San Francisco), Chủ tọa Hội đồng Lập pháp Người Châu Á Thái Bình Dương, và các sáng lập viên của hội Stop AAPI Hate, một tổ chức nổi tiếng nhất trong việc thâu tóm các vụ đụng độ chủng tộc đã đứng ra tố cáo sự kỳ thị chủng tộc có cơ cấu.

Những người ủng hộ nạn nhân của phân biệt đối xử đã yêu cầu thống đốc Newsom viện trợ $1.4 triệu vào công trình nghiên cứu cách thức virus Corona ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người dân châu Á và người dân trên đảo Thái Bình Dương và những liên kết với phân biệt chủng tộc để có thể cho ra đời một tổ chức chống các thành kiến chủng tộc để tìm ra mẫu số chung của sự thù hằn người Á Châu liên quan đến COVID-19. Nhưng ngân sách tiểu bang được bỏ phiếu tháng trước, đã loại bỏ các khoản tiền dành cho các sáng kiến hỗ trợ bởi cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu.

Manjusha Kulkarni, giám đốc điều hành của Hội đồng Hoạch định và chính sách của người châu Á Thái Bình Dương nói: “Người Mỹ gốc Á Châu cần được nhìn thấy những hành động cụ thể và mục đích của chúng tôi là làm việc cùng với tiểu bang, để chắc chắn rằng trong tương lai chúng ta có thể sống trong thế giới không có sự phân biệt chủng tộc và có thể được hưởng những quyền lợi mà ta nên được hưởng”

Vào khoảng thời gian đầu của cuộc đại dịch, khi người dân đang tìm hiểu về virus Corona, hoạt động kinh doanh tại khu phố Tàu (Chinatown) ở San Francisco mà ông Chiu đại diện, bắt đầu giảm một nửa. Ông cũng nhấn mạnh một trường hợp người đàn ông lớn tuổi bị đánh trong khi đang thu mua lon tại quận Bayview trong thành phố. Một người lạ đã tấn công trực tiếp bằng cách đập một thanh kim loại vào người nạn nhân trong khi những người khác hét lên những lời miệt thị, chế nhạo và tiếp tục chửi bới ông ta.

“Hành động trên thật rất đáng quan ngại. Chúng ta không chỉ đang nhìn vào đại dịch về sức khoẻ – mà còn có một đại dịch của sự thù hằn,” Đại diện Chiu phát biểu. Ông cho rằng đây là hậu quả của việc bắt chước của người dân trong lời nói hằng ngày chiếu theo việc sử dụng các thuật ngữ kích động sự thù ghét trong lời nói thông thường của ông Trump như “kungflu” (cúm Tàu), và “China virus” (virus Trung Quốc) tại các buổi họp báo, các cuộc mít-tinh.

Những người tham gia tại cuộc họp báo đã trích dẫn một báo cáo mới về nhiều ví dụ khác nhau nằm trên 34 quận hạt, bao gồm một gia đình người Mỹ gốc Á Châu ở Los Angeles nói rằng học đã bị quấy rối trong thang máy tại chính chung cư nơi họ sống. Một cặp vợ chồng không đeo khăn che mặt hay khẩu trang đã miệt thị họ: “Con virus khốn kiếp này bắt nguồn từ chính nước của chúng bay , chính quê hương của chúng bay” và “tụi bay bẩn thỉu như những con gián.”

Một người Mỹ gốc Á Châu khác sinh sống tại Los Angeles báo cáo: “Ứng dụng Zoom của chung tôi đã bị những kẻ với tư tưởng da trắng thượng đẳng tấn công, những người này đã tấn công bằng lời nói với các thành viên và người tham gia trong buổi Zoom hôm ấy bằng những lời lẽ kỳ thị chủng tộc và những lời miệt thị với mục đích chống lại người nhập cư.” Những người tấn công cũng vào cuộc đàm luận của chúng tôi, gửi tin nhắn với nội dung chào mừng theo kiểu Đức Quốc xã và cả kiểu cuồng Trump (Zoom: ứng dụng trò chuyện video và chia sẻ dữ liệu trực tuyến).

Theo Stop AAPI Hate, có 81 vụ tấn công và 64 vụ vi phạm quyền dân sự, tính trong hơn 800 vụ tấn công xảy ra tại các cửa hàng, nơi công sở, trường học và trên mạng.

Tại Rosemead, một người Mỹ gốc Á Châu báo cáo rằng “có 3 người gốc Tây Ban Nha và 2 người da trắng bước vào cửa hàng và cắt ngang hàng, đứng trước mặt tôi. Tôi lên tiếng, ‘này, tôi đã xếp hàng ở đây và tôi là người kế tiếp.’” Những người lạ mặt kia đã quay lại và nhổ nước bọt vào người vừa lên tiếng nhắc nhở họ và bảo anh ta tiếp tục đợi. Nhân viên thu ngân nói họ nên dừng lại và hỏi liệu người mua hàng vừa bị tấn công có muốn báo cảnh sát không. “Tôi đã từ chối và rời khỏi cửa hàng ngay lúc ấy, bản thân không muốn có bất kỳ cuộc đụng độ nào nữa.”

Ở San Francisco, một người Mỹ gốc Á Châu đã báo cáo rằng có ai đó đã ném chai thuỷ tinh vào người bạn của cô ta trong khi cô đang đặt đứa con sơ sinh vào trong xe và còn hét lên biệt hiệu mang tính kỳ thị chủng tộc. Tại Santa Clara, một người Mỹ gốc Á Châu báo cáo rằng một người đàn ông đã đá con chó của anh ta và ra lệnh cho anh ta phải “im mồm.” Sau đó, người đàn ông nhổ nước bọt vào anh ta, bồi thêm: “Hãy mang căn bệnh của chính mày mà đang phá hoại đất nước chúng tao về lại nước mày đi. Cút đi .”

Cynthia Choi, đồng Giám đốc Điều hành của nhóm Chinese for Affirmative Action (tạm dịch: người Trung Quốc cùng hành động khẳng định), một nhóm đồng sáng lập của STOP AAPI Hate cho rằng việc đổ thừa Trung Quốc và người gốc Trung Quốc xảy ra hết lần này đến lần khác. Cô nói thêm: “Những lời mị dân mang tính kỳ thị chủng tộc đi đôi với các chính sách chống người nhập cư luôn được sử dụng để bác bỏ các quyền chính trị và xã hội của người Mỹ gốc Á Châu.”

Russell Jeung, trường khoa và cũng là giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á Châu tại Đại học của tiểu bang tại ở San Francisco (trường San Francisco State University) cho biết: “Chính phủ không có trách nhiệm giải trình, chúng ta có nguy cơ đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc chống người Mỹ gốc Á Châu liên quan đến COVID, nó sẽ ăn sâu và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người ở California nói riêng và trên khắp đất nước nói chung.”

Cô Ferrer, một ý tá trong đơn vị hộ sinh đang sống tại quận Riverside và mẹ của cô sống ở Oceanside, cho biết cha mẹ cô cảm thấy khó có thể ở gần những người hàng xóm hung hăng khiêu khích của ông bà. Cô đã báo cáo việc gia đình mình bị tấn công lên Stop AAPI Hate khi một người bạn của cô giới thiệu cô với nhóm sau khi đọc bài đăng của cô về nạn kỳ thị chủng tộc trên mạng xã hội Facebook và Instagram. “Chúng tôi còn may mắn vì vẫn còn có người lắng nghe, nhưng còn những người sống trong im lặng và chịu đựng thì sao?” Cô băn khoăn.

Con gái của cô Ferrer, Charlie Ferrer, 17 tuổi nói rằng trước khi các thành viên trong gia đình bước ra ngoài ngày hôm đó, cô và mẹ cô vừa xem một đoạn tin tức về các thanh thiếu niên người Á Châu bị gán tội cho sự xuất hiện của virus Corona và bị tấn công tại Úc.

“Tôi cảm thấy sự tức giận sôi sục trong người,” cô nhớ lại. “Cảm giác lúc ấy rất chân thực. Bây giờ, tôi đã dặn dò bạn bè mình phải cẩn thận vì điều này có thể một lần nữa xảy ra dễ dàng trong tương lai.”

Translation by Helen Nguyen

Copy edits by Khiem Nguyen

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here