RFI Trọng Thành 06/04/2022 – 11:46
Các vụ thảm sát tại thị trấn Bucha, ngoại ô Kiev, và một số đô thị khác tại Ukraina gây phẫn nộ. Nga bị cáo buộc « tội ác chiến tranh ». Phương Tây siết chặt trừng phạt Nga. Trong số các biện pháp trừng phạt chuẩn bị được đưa ra có việc cấm « mọi đầu tư mới » vào Nga.
Reuters dẫn thông báo của người phát ngôn Nhà Trắng, Jan Paski, theo đó Hoa Kỳ – phối hợp với Liên Âu và khối G7- dự định đưa ra loạt trừng phạt mới trong ngày hôm nay, 06/04/2022. Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết loạt biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ bao gồm « nhiều trừng phạt mạnh hơn đối với các định chế tài chính và doanh nghiệp Nhà nước Nga, và nhiều trừng phạt nhắm vào các quan chức Nga và thân nhân của họ ». Mục tiêu của các trừng phạt là « nhằm gây tổn hại cho các phương tiện chủ chốt của bộ máy Nhà nước Nga », và « gây ra những tổn thất kinh tế tức thời và nặng nề, buộc giới tài phiệt tham nhũng Nga – đang tài trợ và hậu thuẫn cho cuộc chiến tranh của tổng thống Nga Vladimir Putin – phải trả giá », khiến Nga thêm bị cô lập về « kinh tế, tài chính và công nghệ ».
Hôm nay, trước Nghị Viện Châu Âu, họp tại Strasbourg (Pháp), chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải « không sớm thì muộn » đưa ra các biện pháp trừng phạt về dầu lửa và khí đốt Nga. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng khẳng định Ủy Ban đang làm việc về hàng loạt biện pháp mới, trong đó có việc nhập khẩu dầu mỏ Nga. Trước mắt, Ủy Ban Châu Âu đề xuất « cấm nhập khẩu hoàn toàn than đá từ Nga, với tổng trị giá 4 tỉ đô la/năm », hiện chiếm khoảng 45% lượng than nhập khẩu của Liên Âu. Bruxelles cũng dự kiến cấm các doanh nghiệp vận tải đường bộ Nga và Belarus hoạt động tại Liên Âu, để « giới hạn đáng kể khả năng công nghiệp Nga nhập khẩu các vật liệu cơ bản ». Việc cấm tàu biển thuộc quyền sở hữu hay điều hành của các doanh nghiệp, cá nhân Nga cập cảng châu Âu cũng sẽ được xem xét.
Về phía nước Anh, ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm qua, trong chuyến công du Ba Lan, cho biết Luân Đôn cũng sẽ đề xuất nhiều biện pháp trừng phạt Nga với các đối tác NATO và G7, trong đó có việc cấm tàu biển Nga cập cảng. Ngoại trưởng Anh cho biết Luân Đôn đã phong tỏa tổng cộng 350 tỉ đô la ngoại tệ của chính quyền Nga, tương đương với hơn 60% dự trữ ngoại tệ của chính quyền Putin. Theo bà Liz Truss, các trừng phạt phối hợp đang đưa nền kinh tế Nga trở về thời Liên Xô, và « chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa ».
Theo bộ Tài Chính Mỹ hôm qua, để gia tăng áp lực, Hoa Kỳ không cho phép Nga trả nợ với các khoản tiền bằng đô la cất giữ tại các ngân hàng Mỹ. Trả lời AFP, một phát ngôn viên của bộ Tài Chính Mỹ nói rõ: Matxcơva « phải lựa chọn giữa việc sử dụng dự trữ ngoại tệ bằng đô la còn lại, hoặc chi trả bằng các khoản thu nhập mới, hoặc chấp nhận không có khả năng trả được nợ ».
Về mặt quân sự, Lầu Năm Góc hôm qua cho biết giải ngân 100 triệu đô la hỗ trợ bổ sung cho Ukraina, « chủ yếu để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp mua súng chống tăng Javelin » để chống quân xâm lược Nga, nâng tổng số viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraina lên 1,7 tỉ đô la.
Theo AFP, các nhà tài trợ cũng cam kết 659,5 triệu euro cho Moldova, quốc gia láng giềng với Ukraina, hiện đang tiếp đón khoảng 12.000 người tị nạn từ Ukraina. Quyết định được đưa ra hôm qua tại một hội nghị ở Berlin, nơi hơn 30 quốc gia và nhiều định chế quốc tế tham gia.