CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Tác giả Andrea Hirata
Khép quyển sách lại tôi chỉ muốn khóc oà để tuôn hết những uẩn ức trong lòng mình. Sự phân biệt đối xử, sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống, sự đói nghèo luôn đeo bám đã không thể quật ngã sự kiên cường của những những đứa trẻ, kể cả cha mẹ của chúng và của người thầy, người cô mang đầy khát vọng ươm mầm tri thức. Nhưng rồi một ngày sự nghiệt ngã của số phận đã quật ngã họ kéo họ dần rời xa giấc mơ cao đẹp của mình, đó là một giấc mơ không hề xa lạ với chúng ta, nhưng lại quá xa vời với họ. Lẽ ra chúng ta đã thêm thật nhiều các nhà thiên tài cống hiến cho nền văn minh của nhân loại, thì những thiên tài ấy đã vì bị vùi lấp dưới đống đổ nát của cuộc đời.
Xã hội loài người chúng ta đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, sự tranh chấp, kỳ thị, sự phân tầng giai cấp chưa bao giờ dừng lại. Chúng ta luôn có những định kiến đối với một nhóm người, một sắc dân, một dân tộc, một tôn giáo hay một ngành nghề nào đó. Chính điều đó đã kéo con người rơi vào những khổ ải triền miên, những con người yếu thế bị dồn vào góc tối, dù rằng thực tế họ hoàn toàn có trí tuệ, sức khỏe, cảm xúc … như những con người còn lại, thậm chí đôi khi họ còn tài năng hơn ta nghĩ.
Tôn giáo một vấn đề luôn gây tranh cãi, và đã có nhiều cuộc chiến đẫm máu kéo dài hàng thế kỷ. Cuối cùng chẳng có tôn giáo nào xấu nhất hay tôn giáo nào đẹp nhất, Những tín đồ Hồi Giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Phật giáo, Hoà Hảo hay Cao Đài … họ vẫn đẹp lung linh khi sống đúng với Đức tin của chính mình.
Tôi đã đọc rất nhiều câu chuyện về những con người vĩ đại, họ đã bỏ phần nhiều tài sản của mình để làm từ thiện và trong quyển sách này chúng ta gặp người vĩ đại hơn vậy, họ cống hiến cả cuộc đời mình cho giáo dục, đem tri thức gieo mầm cho những đứa trẻ nghèo mạt rệp bằng tất cả tình yêu thương, thứ nuôi sống họ chính là sức lao động cật lực sau những giờ lên lớp. Họ cho tất cả từ tình yêu thương, tri thức cho đến sức lao động của chính mình.
Trong góc tối tăm của sự nghèo nàn, dốt nát đó, còn có một xã hội khác xa hoa, giàu có hơn bởi việc đào bới khoáng sản, tước đoạt hết tiện nghi của người dân bản địa, chúng tồn tại song song nhau, điều đó chỉ làm trái tim ta thêm quặn thắt và đầy chưa xót.
”Học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng bản thân, là niềm vui được cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh. Nhưng cái ánh sáng ấy không thể len được và trong tâm trí những đứa trẻ bị cách li bởi sự phân biệt đối xử và bị những thứ đồ vật chất hấp dẫn làm cho mờ mắt.” Khát vọng đến trưởng là điều mà tất cả các trẻ em nghèo ở mọi quốc gia đều có, chúng chấp nhận đu dây vượt suối, cơm đùm cơm gói để băng qua những cánh rừng, hay đạp xe, đi bộ trên con đường đầy sỏi đá dưới cái nắng 50 độ C đến hàng chục cây số…, vì vậy nếu ngày hôm nay ta còn được đi học đó diễm phúc nhất của cuộc đởi.
Tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật từ chính cuộc đời tác giả. Cái kết không hoàn toàn viên mãn như những bộ phim ta thường xem, bởi sự thật luôn tàn nhẫn hơn những gì ta tưởng tượng.
Tất cả những con người trong đó có người được coi như thiên tài dù đã đấu tranh, đã kiên trì hết mình nhưng không thực hiện được ước mơ như họ mong muốn, nhưng liệu họ đã thất bại?
Tôi nghĩ rằng có thể ta không đạt được mơ ước trong hiện thực nhưng lại đạt được những giá trị khác của cuộc sống, những giá trị làm nên ý nghĩa của cuộc đời. Bởi không có sự đấu tranh hay sự hi sinh nào là vô nghĩa cả, và tất cả mọi con người trên thế giới này không có ai thừa thải, mỗi hạt cát tạo nên một sa mạc và mỗi giọt nước sẽ tạo thành một đại dương.