Chay hay không chay?

0
64
GU/GETTY IMAGES

Thái Hạo

Có lẽ bất kỳ ai từng đi chùa cũng biết đến nhân vật Đề Bà Đạt Đa. Vào thời đức Phật còn sống, Đề Bà Đạt Đa yêu cầu thầy mình ban hành thêm 5 giới luật của hàng xuất gia, trong dó có điều thứ 5: “Tu sĩ phải ăn chay suốt đời”. Tuy nhiên, Đức Phật từ chối và tuyên bố rằng các đệ tử của ông được tự do hành động về 5 điều này, ai muốn theo hay không tùy ý.

Chuyện ăn chay trong Phật giáo có lẽ bắt đầu trở thành “giới luật” từ thời vua Lương Võ Đế (464 – 549) bên Trung Quốc – một ông vua sùng mộ đạo Phật nên đã bắt tất cả phải ăn chay. Rồi lan sang Việt Nam. Nhưng cho đến ngày nay, ở nhiều vùng văn hóa Phật giáo cũng không ăn chay bắt buộc, điển hình như Tây Tạng, một cộng đồng Phật giáo thuần thành.

Tôi tin rằng ăn chay đúng cách sẽ tốt cho sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, cực đoan và cố chấp lại là điều không nên. Phật giáo không quan trọng hình thức, cốt lõi là tông chỉ tu hành. Tu sĩ Phật giáo Nhật Bản hay các vị Lạt Ma Tây Tạng vẫn lấy vợ bình thường.

NATTAPON/GETTY IMAGES

Con bò ăn chay suốt đời nhưng có đắc đạo đâu.

Tôi cũng tin rằng, một người khi đã phát triển tinh thần đến một độ cao nhất định, lòng thương yêu tràn ngập nội tâm, họ sẽ không thể ra tay sát hại động vật để ăn, và việc ăn chay sẽ là một ưu tiên lựa chọn tự nhiên (dù vẫn không cố chấp).

Những lối thao túng tâm lý như các cách nói “ăn thịt là ăn tử thi”, thậm chí “ăn động vật là ăn thịt cha mẹ đời quá khứ của mình”, hay “cái bụng mỗi người là khu nghĩa địa đầy oán khí”, v.v., là sự hù dọa và làm méo mó lẽ sinh tồn tự nhiên. Muôn loài đều có sự sống, kể cả thực vật hay vi trùng trong ly nước, việc ăn uống tất yếu sẽ làm ảnh hưởng không nhiều thì ít, vậy nên nếu muốn vĩnh viễn không gây tổn hại thì chỉ có thể…tuyệt thực.

Đạo Phật không cứng nhắc, mọi thứ tùy duyên. Nuôi sống sinh mạng một cách hài hòa chính là con đường trung đạo. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Quá coi trọng miếng ăn mà giết chóc để vui miệng là không nên, nhưng chấp chặt vào chuyện ăn chay cũng là một lối dính mắc mâu thuẫn với sự thả lỏng cần thiết trong đạo.

Tibet-Tay-Tang

Tôi có gần 10 năm trường chay, đơn giản vì tôi thích và thấy thể trạng mình phù hợp, nhưng vẫn sống và sinh hoạt bình thường cùng những người ăn mặn, thậm chí còn chủ động nấu đồ ăn cho họ.

Phật giáo là một tư tưởng tự do, khai phóng, và hiện đại, chứ không phải một thứ thần quyền hay xiềng xích của các nghi lễ, hình thức và giáo điều.

Mọi thực hành trong Phật giáo, rốt cuộc cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ mà thôi. Đường tu quan trọng nhất vẫn là tìm cầu chân lý, đạt đến sự cân bằng tinh thần và hạnh phúc bằng cách điều phục và làm chủ được cái tâm của mình. Vì thế, đạo Phật mới có câu “Duy tuệ thị nghiệp” (chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp chân thật của người tu)…

Thái Hạo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here