CHĂN GỐI LỀ ĐƯỜNG

    0
    43
    Ảnh minh hoạ

    Hậu Kc Nguyễn 

    tạp bút

    Trên nhiều con đường Sài Gòn có những cửa hàng bán nệm, khăn trải giường, gối, chăn… Hàng ngày người ra vô mua bán thưa thớt. Đây là đồ dùng được lâu, cũ nhưng giữ gìn thì sạch sẽ, vì vậy không có nhu cầu mua sắm thường xuyên.

    Vào mùa cưới những tiệm nệm chăn gối đông khách hơn, và khoảng một tháng trước Tết thì hàng được bày ra lề đường phía trước tiệm, bán “xôn”. Buổi chiều tắt nắng là đổ hàng ra, thêm cái đèn điện nữa, vậy là màu sắc rực lên bắt mắt. Người đi qua mà là phụ nữ thì không thể không chú ý, trong đầu hiện ngay ra đống chăn gối ở nhà cái nào còn tốt cái nào đã “xẹp lép”, “cũ xì”, nhất là mấy cái trên giường tụi nhỏ.

    Có khi bảng ghi “đại hạ giá” nhưng hàng mới tinh, từ ruột gối vỏ gối, gối nhỏ gối lớn, gối ôm gối dựa… các loại chăn dày chăn mỏng, các loại khăn trải giường… Sắc màu sặc sỡ, hoa to nhỏ, ca rô kẻ sọc, màu sáng trang nhã hay màu sẫm “cho sạch”… Thôi thì không thiếu kiểu gì. Tất nhiên hàng bán “xôn” không phải là loại chất lượng cao nhất nhưng cũng không phải loại xấu. Cơ bản là vừa túi tiền và đúng nhu cầu cần “làm mới” trong nhà mỗi khi Tết đến.

    Những chiếc gối căng phồng nhưng rất nhẹ vì nhồi bằng bông gòn nhân tạo chứ không phải là bông gòn tự nhiên. Loại gòn nhân tạo sợi nhỏ óng ánh và kết dính vào nhau, rất mau xẹp xuống, gối đầu không “mát” như gòn tự nhiên nhưng được cái là rẻ và tiện. Gòn tự nhiên giờ hiếm, ở miền quê vài nơi còn trồng cây gòn nhưng cũng ít người chịu khó phơi quả tách ra lấy gòn để dành nhồi gối. Gối bằng bông gòn tự nhiên rất lâu mới xẹp, lúc mới cũng nhẹ nhưng càng dùng càng “nặng” hơn vì thấm hút tốt. 

    Ngày xưa gần Tết vào ngày nắng là mẹ lụi hụi tháo ruột gối mang bông gòn cũ đi phơi trên cái nia nhỏ, trên úp cái rổ thưa cho bông khỏi bay lung tung, nhặt những chỗ bẩn vứt đi, thêm gòn mới vào. Gối bông gòn luôn có những hạt gòn nâu đen, tròn tròn lẫn trong bông trắng ngà. Bây giờ đi chợ lâu lâu mới gặp người bán bông gòn đựng trong những bao giấy lớn, kèm theo mấy cái ruột gối đã nhồi gòn, giá đắt hơn gối gòn nhân tạo nhiều.

    Một số hình ảnh học trò miền Nam- Nguồn : nhacxua

    Trẻ con đứa nào hồi nhỏ có một cái gối ôm nhỏ dài dài tròn tròn là sung sướng lắm, nhưng không dùng lâu được vì lỡ tè dầm vài lần vào gối ôm thì dù tiếc lắm mẹ cũng phải vứt đi. Hồi đó còn được nằm gối bằng vỏ đậu xanh phơi khô, mát và êm. Bọn trẻ hay túm một đầu chiếc gối dốc xuống làm vỏ đậu dồn về một phía, chơi trò “đi mua gạo mậu dịch”. Vài lần là ruột gối tuột chỉ vung vãi vỏ đậu khắp nơi, thế nào cũng bị mẹ đánh đòn. 

    Áo gối (vỏ gối) nay thì muôn màu muôn sắc, muốn mát thì dùng áo gối bằng vải coton nhưng mau “xuống nước”, muốn dùng lâu thì bằng vải thun, nhiều khi ruột gối đã cũ mà áo gối giặt sạch trông vẫn mới, áo gối luôn bán được nhiều hơn ruột gối để thay đổi. Nhà ai rộng rãi có điều kiện tiếp đón bạn bè, người thân thì trong nhà luôn có dư vài chiếc gối cái chăn, phòng khi có khách. 

    Các loại chăn bây giờ đều mỏng nhẹ mà rất ấm chứ không nặng như chăn bông chăn dạ ngày xưa. Nhớ những mùa đông Hà Nội mỗi khi gần Tết mẹ mang chăn bông đi làm lại cho dày cho ấm hơn. Phố kia có nhà làm nghề “bật bông” vào mùa đông. Họ tháo bông ra khỏi ruột chăn, dùng một dụng cụ bằng mây tre làm cho lớp bông cũ ẩm trở nên tơi xốp hơn, rồi lại may chần “ô trám” ruột chăn. Có khi phải thay cả lớp vải bọc nên chiếc chăn như mới, nhẹ và thơm. Đấy cũng là một thứ “mùi Tết” cùng với mùi băng phiến của quần áo mới cất trong tủ vừa mang ra, mỗi khi bọn trẻ ngửi thấy cái mùi ấm áp này thì nôn nao: sắp Tết.

    Sài Gòn không có mùa đông nhưng về khuya vẫn cần một tấm chăn mỏng, nhất là gần Tết khi gió chướng tràn về. Nhà nào dùng máy lạnh cửa kín thì không còn nghe được hơi se se của thứ gió đặc biệt chỉ có vào tháng cuối năm. Nửa đêm nghe gió chướng xào xạc trên ngọn cây ngoài cửa sổ như thấy cả tiếng trái mận rụng lộp bộp sau hè nhà ngoại tuốt dưới miền Tây… Mẹ vắng nhà đêm gió chướng tụi nhỏ ôm cái gối đắp tấm chăn như thấy mẹ nằm bên. 

    Sài Gòn không có mùa đông nên gần Tết gối chăn bày ra lề đường “hạ giá”. Nhiều người ghé vô lựa mua trò chuyện xôn xao, hỏi nhau xem cái nào đẹp cái nào tốt… Chiếc gối mới cho con trẻ, tấm chăn mới cho người già trong nhà là sự ân cần chăm sóc. Và những tấm chăn chiếc gối cho người cơ nhỡ đêm đêm nơi mái hiên ghế đá là chút hơi ấm tình người, vào những đêm cuối năm vẫn có những “người Sài Gòn” âm thầm san sẻ.

    Qua Giêng hết ngày “mùng” những cửa hàng này mới mở cửa. Mùa hàng “xôn” đã qua, các bà nội trợ tạm quên “chuyện gối chăn”… cho đến cuối năm sau khi lại nhìn thấy “chăn gối lề đường”…

    (repost nhân mùa lạnh về thành phố)

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here