CẬP NHẬT CHIẾN TRANH TẠI UKRAINA 12.4.2022 8AM

    0
    58
    Ảnh 2: Thủ tướng Áo đến thị sát Bucha, Kyiv ngày 9/4

    FB Cù Tuấn 

    Nga đang điều động hàng nghìn binh sĩ cùng nhiều cột xe bọc thép và xe tiếp tế vào vị trí cho một cuộc tấn công vào khu vực Donbas, miền đông Ukraina, khi hàng loạt dân thường chạy về phía tây nước này. Khi quân Nga tiếp tục bắn phá các thành phố và thị trấn của Ukraina hôm thứ Hai, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết “hàng chục nghìn người đã chết” ở Mariupol, thành phố phía nam bị bao vây, nơi bị tàn phá dữ dội nhất của cuộc chiến.

    Lầu Năm Góc xác nhận ngày 11/4 rằng Nga đang gửi hàng trăm phương tiện quân sự – bao gồm cả bộ binh và các đơn vị hỗ trợ trực thăng chiến đấu – và pháo binh tới miền đông Ukraina để chuẩn bị cho một giai đoạn quan trọng mới của cuộc chiến. Cuộc tấn công mới này ở Donbas trông sẽ rất khác so với các trận chiến đã diễn ra từ trước đến nay trong và xung quanh các thành phố Ukraina ở phía bắc và phía nam, theo Lầu Năm Góc và các nhà phân tích quân sự độc lập cảnh báo. Họ nói rằng cuộc xâm lược của Nga đã sa lầy khi đối mặt với tác chiến đô thị và địa hình khó khăn, nhưng vùng nông thôn Donbas bằng phẳng hơn, cởi mở hơn có thể tạo lợi thế cho các đơn vị thiết giáp và ưu thế trên không của Nga.

    Ảnh 1: Ảnh một khu chung cư bị bắn phá ở Kharkiv.

    Các quan chức cảnh báo thường dân vẫn sống ở Donbas rằng thời gian sẽ cạn kiệt để trốn thoát. Theo các quan chức Ukraina, trong khi khoảng 13.400 dân thường đã được sơ tán khỏi miền đông Ukraina kể từ ngày 8/4, con đường đến nơi an toàn vẫn đầy rẫy nguy hiểm, với các báo cáo trên khắp đất nước về việc thường dân đã thiệt mạng khi họ cố gắng chạy trốn. Các quan chức ở thị trấn Kramatorsk, miền Đông nước này đã cập nhật số người chết tính đến 11/4 do vụ tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào một ga tàu đông đúc lên ít nhất 57 người, với 109 người khác bị thương.

    Theo thông tin đăng tải trên Facebook, Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Hải quân Ukraina tuyên bố sẽ “quyết chiến trận cuối” vì đã hết đạn dược. Thành phố Mariupol ở đông nam Ukraina đã bị lực lượng Nga và lực lượng thân Nga bao vây hơn 40 ngày qua. Thậm chí từ hôm 23-3, Hãng tin RIA Novosti của Nga đã dẫn nguồn tin thân Nga cho biết họ đã vô hiệu hóa hoàn toàn Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 tại mặt trận Mariupol. Theo báo Le Monde, ngày 11-4, Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 – đơn vị chủ yếu tham chiến trên đoạn giới tuyến Donbass ở khu vực Mariupol từ năm 2015 – viết trên Facebook như sau: “Hôm nay có thể sẽ là trận chiến cuối cùng bởi chúng tôi đã hết đạn dược. Có thể một số trong chúng tôi sẽ chết và số khác sẽ bị bắt. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng chúng tôi thật lòng mong muốn mọi người nhớ về chúng tôi với điều tốt đẹp. Trong hơn 1 tháng qua chúng tôi đã chiến đấu mà không được viện trợ đạn dược, không lương thực, không nước uống”, bài viết nêu.

    Ảnh 3: Đống đổ nát tại Borodianka, chụp ngày 9/4.

    Ngày 11-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Nga sẽ tiếp tục đàm phán hòa bình với Ukraina, song ông khẳng định Matxcơva sẽ không tạm dừng chiến dịch quân sự khi hai bên quay lại đàm phán. Phát biểu với kênh truyền hình nhà nước Nga, ông Lavrov cho biết ông không thấy lý do gì để không tiếp tục các cuộc đàm phán với Ukraina. Dù vậy, Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Matxcơva sẽ không dừng chiến dịch quân sự khi hai bên quay lại đàm phán như Nga từng làm trước đó. Cụ thể, theo Hãng tin Reuters, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tạm dừng hoạt động quân sự trong vòng đàm phán đầu tiên giữa hai phái đoàn Nga và Ukraina hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, ông Lavrov nói quan điểm của Matxcơva đã thay đổi từ đó, “do Nga không thấy Ukraina có ý định có hành động tương tự đáp lại việc nước này tạm dừng chiến dịch khi hai bên đàm phán. Một quyết định đã được đưa ra trong suốt các vòng đàm phán kế tiếp, sẽ không tạm dừng (chiến dịch quân sự) miễn là vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng”, Ngoại trưởng Lavrov cho biết.

    Ngày 11-4, một quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc nói trước Hội đồng Bảo an rằng Liên Hiệp Quốc đang nghe ngày một nhiều cáo buộc hiếp dâm và bạo lực tình dục ở Ukraina. Theo Hãng tin Reuters, Ukraina cáo buộc quân đội Nga sử dụng cưỡng hiếp như một vũ khí chiến tranh. Bà Kateryna Cherepakha, chủ tịch của tổ chức La Strada – Ukraina, cho biết đường dây nóng khẩn cấp của tổ chức này đã nhận được các cuộc gọi với nội dung các binh sĩ Nga có liên quan đến 9 vụ cưỡng hiếp với 12 phụ nữ và trẻ em gái. Điều trần trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc qua video, bà cho biết “đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

    Báo The Guardian của Anh cho biết thanh tra nhân quyền của Ukraina, bà Lyudmyla Denisova, cho biết bà đã ghi nhận các hành động bạo lực tình dục của lực lượng Nga ở Bucha và những nơi khác. Đại sứ Ukraina tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya nói với Hội đồng Bảo an rằng Văn phòng Tổng công tố Ukraina đang “khởi động một cuộc điều tra đặc biệt về các trường hợp bạo lực tình dục của binh sĩ Nga đối với phụ nữ Ukraina”. Nga nhiều lần phủ nhận đã tấn công dân thường kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina vào ngày 24-2.

    Ảnh 4: Anastasia Huseva được một người bạn ở Irpin, Ukraina an ủi khi cô thương tiếc sự mất mát của người chồng Vitaly O. Husev, 33 tuổi, trong lễ tang dành cho những chiến binh đã ngã xuống.

    Theo Hãng tin Reuters, ngày 11-4, lực lượng an ninh Ukraina đã phong tỏa một khu vực ở phía đông Kharkov trong lúc thu dọn mìn nằm rải rác trên các con đường ở một khu dân cư. Nhà chức trách ở Kharkov, thành phố thuộc đông bắc Ukraina, cảnh báo người dân không đến gần những khu vực có bom mìn để đảm bảo an toàn. Ông Nikolay Ovcharuk, người đứng đầu đơn vị rà phá bom mìn của cơ quan khẩn cấp nhà nước Ukraina, cho biết đây là loại mìn nhựa PTM-1M, được kích nổ bằng cách sử dụng bộ hẹn giờ và được sử dụng rộng rãi bởi lực lượng Liên Xô ở Afghanistan. Theo ông Ovcharuk, loại mìn này có bộ hẹn giờ tự hủy. Reuters cho biết phóng viên của hãng không thể kiểm chứng độc lập loại mìn được nhắc đến nhưng cho biết lực lượng của ông Ovcharuk đã phát loa cảnh báo người dân không đến gần khu vực được rào chắn nơi các đội xử lý bom mìn đang làm việc.

    Sau sự kiện các lãnh đạo của Liên minh châu Âu đến Kiev và Bucha, và đặc biệt là Thủ tướng Anh Boris Johnson đi dạo trên đường phố ở Kiev, nhiều người đặt ra khả năng Tổng thống Joe Biden sẽ có chuyến thăm Ukraina. Tuy nhiên, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden không có kế hoạch đi thăm Ukraina, dù có chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Anh Boris Johnson. “Quả là một biểu tượng khi thấy Boris Johnson đi bộ trên đường phố Kiev với Tổng thống Zelensky. Điều đó làm dấy lên câu hỏi: Liệu chúng ta sẽ thấy Tổng thống Biden ở Kiev?”, ông Sullivan nói với Đài NBC. Đặt câu hỏi xong thì ông Sullivan cũng trả lời rõ ràng: “Tổng thống Biden hiện không có kế hoạch nào để sang Kiev”. Nhưng ông khẳng định ông Biden vẫn theo sát tình hình Ukraina và tìm cách tổ chức, kết nối thế giới trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev.

    Theo Hãng tin Sputnik của Nga, ngày 11-4, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố 6 nhà ngoại giao Nga “không được hoan nghênh” vì hoạt động gián điệp dưới vỏ bọc ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết Nga sẽ đáp trả và không thay đổi quan điểm về Ukraina dù các nhà ngoại giao của họ bị trục xuất khỏi châu Âu. Mặc dù có một số lãnh đạo châu Âu đã đến Kiev thể hiện sự đoàn kết với Ukraina, ngày 11-4 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ chỉ đến Ukraina nếu chuyến đi “hữu ích” và có thể giúp bắt đầu một cuộc đối thoại.

    Trong video phát hành vào cuối ngày thường lệ, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học và Ukraina nghiêm túc xem xét mối đe dọa này. Còn trong lời kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế mới nhất, Tổng thống Zelensky nói với Quốc hội Hàn Quốc rằng có hàng chục ngàn người chết ở thành phố bị bao vây Mariupol (con số chưa được xác nhận độc lập) và người Nga vẫn không ngừng tấn công. 

    Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã có một cuộc nói chuyện rất “thẳng thắn, cởi mở và khó khăn” với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở gần thủ đô Matxcơva trong ngày 12-4. Đây là cuộc gặp đầu tiên của ông Putin với lãnh đạo một nước Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Văn phòng của Thủ tướng Nehammer dẫn lời ông trong tuyên bố ngay sau khi kết thúc cuộc họp tại Novo-Ogaryovo – dinh thự riêng của ông Putin: “Đây không phải là một chuyến thăm thân tình”. Cuộc họp kéo dài 75 phút, khá ngắn so với tiêu chuẩn của ông Putin. “Thông điệp quan trọng nhất của tôi với ông Putin là cuộc chiến này cuối cùng phải kết thúc, vì với chiến tranh, hai bên đều thua cuộc”, ông Nehammer nói trong tuyên bố. Chưa có tuyên bố gì từ phía ông Putin. Đây là cuộc họp kín không có sự tham dự của báo chí.

    Theo Hãng tin Sputnik ngày 11-4, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết tại một cuộc họp báo rằng căn cứ của tổ chức khủng bố tân phát xít Ukraina Pravyi Sektor ở khu Novogrodovka, vùng Donetsk đã bị tên lửa phóng từ trên không có độ chính xác cao phá hủy. “Không quân chiến thuật Nga đã tấn công 42 mục tiêu quân sự của Ukraina. Trong số đó có 3 trạm chỉ huy, 2 trạm radar và dẫn đường, kho nhiên liệu cũng như 35 công sự và khu vực tập trung các thiết bị quân sự của Ukraina”, ông Konashenkov nói.

    Hãng tin Reuters cho biết Ukraina dự báo Nga sẽ sớm tấn công khu vực miền đông, gọi là Donbass. Nga yêu cầu Kiev nhường quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở đó cho các chiến binh ly khai nhưng Ukraina từ chối, không nhượng bộ lãnh thổ. 

    Hãng tin Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Ukraina – bà Iryna Vereshchuk cho biết có tổng cộng 4.354 người được sơ tán khỏi các thành phố của Ukraina qua các hành lang nhân đạo trong ngày 11-4, trong đó có 556 người ở Mariupol.

    Theo Hãng tin Reuters, bà Jen Psaki – thư ký báo chí Nhà Trắng – cho biết trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định việc tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga không có lợi cho Ấn Độ. Nhà Trắng không nói liệu Ấn Độ có cam kết gì về việc nhập khẩu năng lượng từ Nga hay không. Một quan chức Mỹ được Reuters dẫn lời cho biết Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định của mình, nhưng Mỹ tin rằng Ấn Độ không nên đẩy nhanh việc mua năng lượng từ Nga. Quan chức này cho biết hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc trò chuyện kéo dài một giờ, hiệu quả và thẳng thắn.

    Trong cuộc phỏng vấn với Đài CBS phát sóng rạng sáng 11-4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Zelensky lo ngại Nga đang tăng tốc chiến dịch quân sự mới ở miền đông và đông nam Ukraina. Nhà lãnh đạo Ukraina khẳng định ông có niềm tin vào lực lượng vũ trang và nhân dân Ukraina, song việc vượt qua được đợt tấn công lần này của Nga hay không phụ thuộc vào tốc độ viện trợ vũ khí của Mỹ. Khi được hỏi liệu có sẵn sàng từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào để đổi lấy hòa bình hay không, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraina sẽ cố gắng trụ vững càng lâu càng tốt. “Chúng tôi hiểu được phía Nga muốn gì trong đàm phán. Họ luôn đòi chúng tôi phải công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Nhưng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ làm điều đó”, ông Zelensky nhấn mạnh. Theo ông Zelensky, Nga không chỉ dừng lại ở bán đảo Crimea (sáp nhập năm 2014 – PV) mà còn muốn “chiếm các vùng lãnh thổ phía nam Ukraina” và sẽ buộc Kiev công nhận các lãnh thổ này thuộc Nga trong các cuộc đàm phán. “Chúng tôi đã không từ bỏ lãnh thổ của mình ngay từ lúc đầu. Nếu chúng tôi làm như thế, chiến tranh đã không xảy ra”, nhà lãnh đạo Ukraina nói.

    Ngày 11-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina là nhằm chấm dứt sự bành trướng (của NATO) và nỗ lực hướng tới sự thống trị hoàn toàn của Mỹ và phương Tây trên trường thế giới. Ông Lavrov nói thêm rằng sự thống trị này được xây dựng trên những quy tắc đặc biệt và vi phạm luật pháp quốc tế, theo Đài Russia Today của Nga. Ngoài ra, ngoại trưởng Nga khẳng định sẵn sàng đàm phán với Ukraina.

    Ngày 11-4, Bộ Quốc phòng Nga nói Mỹ và Anh đã giúp Ukraina chuẩn bị các cáo buộc giả mạo về các vụ đàn áp người dân ở Ukraina để cung cấp cho truyền thông quốc tế nhằm bôi nhọ Nga, theo Hãng tin Reuters. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết các nhà báo phương Tây đã được mời đến vùng Sumy ở đông bắc Ukraina để “ghi hình những âm mưu đã được dàn dựng”, và sẽ công bố những tin tức giả này trong thời gian tới. Tuy nhiên, bộ không nói rõ hãng tin/báo nào sẽ đăng tin tức giả về Sumy.

    Ngày 11-4, Bộ trưởng Ngoại giao Croatia cho biết nước này sẽ trục xuất 24 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga vì cuộc xung đột tại Ukraina, Hãng tin AFP đưa tin. Bộ cũng đã triệu đại sứ Nga để phản đối những hành động của Matxcơva tại Ukraina. Theo Đài CNN, trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc ngày 11-4, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Hàn Quốc hỗ trợ vũ khí, bao gồm máy bay và xe tăng, để quốc gia của ông kháng cự trước Nga. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã từ chối yêu cầu gửi hệ thống vũ khí phòng không cho Kiev. Trong khi đó, phát biểu tại Brussels (Bỉ) ngày 11-4, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, bà Annalena Baerbock cũng nói rằng thứ mà Ukraina cần hiện nay là “vũ khí hạng nặng” dù mới đây Đức tuyên bố đã hết vũ khí dự trữ để chuyển cho Ukraina.

    Société Générale, ngân hàng lớn thứ ba của Pháp, cho biết hôm 11/4 rằng họ sẽ rút khỏi Nga bằng cách bán cổ phần kiểm soát của mình tại Rosbank, một công ty cho vay có trụ sở tại Moscow, cho Interros Capital, một công ty do Vladimir O. Potanin, một trong những người giàu nhất nước Nga đứng đầu. Société Générale cho biết thỏa thuận này bao gồm việc bán một công ty con bảo hiểm của Nga, sẽ cho phép nó “thoát khỏi Nga một cách hiệu quả và có trật tự, đảm bảo tính liên tục cho nhân viên và khách hàng của mình”. Ngân hàng của Pháp này là một trong những ngân hàng châu Âu tiếp xúc nhiều nhất với Nga.

    Theo Đài CNN, Lực lượng vũ trang Đức đang chuẩn bị chuyến bay sơ tán đầu tiên chở dân thường Ukraina bị thương kể từ khi Nga mở chiến dịch tại Ukraina tới Đức để chữa trị. Máy bay Airbus A MedEvac của Không quân Đức đã xuất phát tới khu vực đông nam Ba Lan, cách biên giới Ukraina khoảng 90km trong ngày 11-4. Trong một diễn biến liên quan, theo Reuters, nhà cung cấp thiết bị quốc phòng Rheinmetall RHMG.DE (Đức) đang chuẩn bị cung cấp lên tới 50 xe tăng Leopard 1 đã qua sử dụng cho Ukraina.

    Ngày 11-4, đại sứ Pháp tại Ukraina, ông Etienne de Poncins cho biết các sĩ quan cảnh sát Pháp đã tới Ukraina để giúp nước này điều tra cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga sau khi Kiev nói lính Nga sát hại hàng trăm thường dân ở các thị trấn quanh thủ đô. Nga đã phủ nhận các cáo buộc này. Theo Hãng tin AFP, ông de Poncins đã đăng một bức ảnh gồm khoảng 20 điều tra viên mặc đồng phục đứng trước một xe tải dùng làm phòng thí nghiệm di động ở phía tây thành phố Lviv, Ukraina.

    Ảnh 1: Ảnh một khu chung cư bị bắn phá ở Kharkiv.

    Ảnh 2: Thủ tướng Áo đến thị sát Bucha, Kyiv ngày 9/4

    Ảnh 3: Đống đổ nát tại Borodianka, chụp ngày 9/4.

    Ảnh 4: Anastasia Huseva được một người bạn ở Irpin, Ukraina an ủi khi cô thương tiếc sự mất mát của người chồng Vitaly O. Husev, 33 tuổi, trong lễ tang dành cho những chiến binh đã ngã xuống.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here