“Căn nhà Rạng đông“ và Bolero

    0
    926
    Tho Nguyen 
    Tháng 6.1975 mình về Quy Nhơn thăm quê lần đầu. Buổi tối ra phố Trần Hưng Đạo, phố chính của thành phố, đèn đuốc sáng trưng, các cửa kính đầy ắp hàng hóa, hoa cả mắt.

    Là dân điện tử, mình chỉ thích ngắm mấy cửa hàng bán đồ HIFI với những dàn Akai, loa Kenwood, Sansui, ampli Pioneer mới cứng cựa. Cửa hàng đồ điện to nhất ở Trần Hưng Đạo là Radio Bồng Sơn phát băng nhạc „Hoàng Hôn“ của Paul Mauriat nghe sướng thật.

    Cách đó một quãng có 4 thanh niên trạc 19-20 tuổi mở cửa hòa tấu nhạc: hai đàn guitar điện, một organ và một dàn trống sáng choang. Ngoài Bắc hồi đó không thằng thanh niên nào dám mơ có dàn nhạc như thế, mà có thì bố bảo cũng không dám vác ra chơi công khai. Mình và một số người, trong đó có mấy bạn lính Bắc cũng xúm vào nghe băng nhạc này chơi. Họ biểu diến khá thuần thục, hoàn toàn theo cảm hứng, không lấy tiền.

    Trong số các bản nhạc họ chơi, ấn tượng nhất là bản nhạc „The House Of The Rising Sun“ (Căn nhà Rạng đông) mà mình mê từ hồi còn ở Đức.

    Bỗng nhiên có ba thanh niên đeo băng đỏ rẽ đám đông tiến tới, cắt ngang cảm hứng của mình.

    – Cách mạng đã cấm không được phổ biến văn hóa Mỹ-Ngụy, các anh chỉ được chơi các bài cách mạng thôi!

    Im lặng một lúc, sự thất vọng thể hiện cả trên gương mặt các bạn lính Bắc.

    Rồi một cậu trong ban nhạc nói:

    – Dạ, bây giờ tụi em chơi Kalinka, nhạc Liên-Xô ạ.

    Đám trẻ chơi Kalinka bằng guitar điện mà nghe y như gẩy bằng Balalaika, dân chúng vỗ tay rào rào, cả mấy bạn cờ đỏ. Mình không thể ngờ đám thanh niên đó nhanh nhậy thế, chỉ mấy tháng sau ngày hòa bình mà họ đã chơi nhạc Nga thành thạo.

    -Giờ là Guantanamera, dân ca Cu Ba! Một cậu nói và chơi tiếp.

    Đến lượt mình hiểu ra vấn đề. Khi bản nhạc Guantanamera vừa kết thúc, mình nói luôn: Bài “Apache” cũng của Cu-Ba đó, có đánh được không?

    Ban nhạc chợt nhận ra đồng minh hùng hậu, cười bảo” Dạ, tui em biết”

    Thế là Apache ”xã hội chủ nghĩa” lại vang lên.

    Mấy bạn cờ đỏ thấy đám cán bộ và bộ đội đứng đó khen hết bản nhạc cách mạng này đến nhạc xã hội chủ nghĩa khác nên bỏ đi.

    Mình hỏi: Có chơi lại bài “The House of Rising Sun” được không? Hồi nãy đang nghe nửa chừng, thèm quá!

    Mấy cậu trẻ nhìn theo bóng các bạn cờ đỏ, vẻ e ngại.

    “Không sao đâu, nếu họ quay lại, tụi tớ sẽ bảo đó là nhạc Cộng hòa Dân chủ Đức, Mỹ chỉ copy thôi.” Mình nhìn sang mấy bạn bộ đội. Họ cười ồ.

    Thế là “The House of Rising Sun” lại vang lên.
    …..

    Qua nay thấy thiên hạ bàn tán chuyên Bolero với Bô lê riếc, chẳng hiểu mẹ gì cả.

    Chỉ khuyên những người thích Bolero hãy dựa vào cái định nghĩa: “Nhạc Bolero xuât thân từ Cu-Ba”, như thằng Wiki nói, để tạo dư luận ủng hộ nó.

    Dù sao thì Cu-Ba hiện nay là nước XHCN duy nhất hành tinh: Tuy nghèo “dã man” (nói theo kiểu Sài Gòn), nhưng trẻ em đi học không mất tiền, vào bệnh viện miễn phí, mỗi người một giường.

    Người Việt muốn tiến lên XHCN để khi vào viện không phải đút tiền và ngửi chân người khác thì nên ủng hộ phát triển nhạc Bolero của Cu-Ba, thế thôi 🙂

    https://www.youtube.com/watch?v=hRXb7K7k7bQ
    ——-

    PS: Năm 1976 quay lại Quy Nhơn, Radio Bồng Sơn đã bị niêm phong và mấy tối liền đi ra phố, không thấy mấy bạn trẻ đó chơi nhạc nữa.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here