Cải Cách Giáo Dục

    0
    49
    Nhà Báo Tự Do.

    Sáng mùng 5 tháng 9 năm 1978, bố đi chợ mua cho tôi một chiếc quần dệt kim, một cái áo hoa vải lanh, một đôi dép Tiền Phong cỡ lớn.

    Ở nhà, mẹ dẫn tôi đến ngôi trường làng để đăng ký học lớp “i-tờ”.

    Bố đi chợ mua quần áo chưa về, đăng ký học xong, tôi chỉ có chiếc quần đùi, cởi trần, đành đứng buồn ở bụi dứa dại. Các bạn vui vẻ dự lễ khai giảng và nhận lớp, còn tôi đứng nhìn với những ước mơ về con chữ.

    Buổi học đầu tiên, cô giáo dạy chúng tôi hai chữ I và T. Đây cũng là tên cuốn sách và tên lớp học vỡ lòng xóa nạn mù chữ, mà thời chúng tôi gọi chung là “i-tờ”.

    Tôi nhớ đến những ngày đầu tiên ấy, khi đọc về đề án Giáo dục phổ thông tổng thể vừa được trình để lấy ý kiến nhân dân.

    Sách “i-tờ” là cuốn sách tập đọc vỡ lòng cuối cùng chúng tôi học. Bộ Giáo dục với tham vọng thay đổi nền giáo dục một cách triệt để, đã thực hiện cuộc cải cách toàn diện, bắt đầu từ năm 1981. Lớp “i-tờ” bị xóa sổ và thay bằng Lớp 1, cuốn sách i-tờ cũng bị loại bỏ để thay bằng cuốn Tiếng Việt với chữ cái đầu tiên các em được học là chữ O với lý do nó giống quả trứng gà nên dễ học.

    Đến năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cải cách sách giáo khoa Tiếng Việt Lớp 1, không dạy chữ O đầu tiên nữa, mà dạy chữ E vì lí do đứa trẻ nào cũng biết gọi tiếng “mẹ”. Có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chưa có ý kiến nào đủ sức thuyết phục, trong khi sách đã in nên các thầy cứ việc dạy và các em cứ việc học.

    Năm học 2018-2019, có thể các em học sinh lớp Một sẽ lại học một cuốn sách mới. Chữ cái đầu tiên của trang sách lớp Một, đã trở thành là biểu tượng của một nền giáo dục được “cải cách” lên xuống nhiều lần.

    So với các bạn cùng trang lứa, tôi biết đọc biết viết sớm hơn. Mẹ là người đã dạy tôi từ năm 4 tuổi. Mẹ không dạy chữ I-T, không dạy chữ O hay chữ E trước tiên, mà dạy cách viết tên tôi, rồi đến tên bố mẹ, tên các anh chị em trong gia đình. Những chữ mẹ dậy cho tôi, luôn có sự liên kết với những điều mà tôi đã biết, liên quan đến những câu chuyện mà tôi yêu thích.

    Đến lớp, tôi thấy các bạn của tôi cắm mặt vào cuốn sách, rồi học thuộc những chữ cái theo tuần tự bài học trong sách. Cuối năm lớp 1, số bạn biết đọc biết viết không đếm hết qua mười đầu ngón tay. Lên đến cấp 2, tôi thấy các bạn khóa tôi, các anh chị khóa trên, hay các em khóa dưới, nhiều người vẫn chưa đọc thông viết thạo.

    Những kiến thức tương tác với sách vở là rất quan trọng, nhưng nó chỉ đến sau cùng. Với bản tính rất thích khám phá thế giới xung quanh, những bài học kiến thức mà tôi học được, nó không phải là những dòng chữ viết vô hồn trên trang sách. Tôi tiếp thu kiến thức bằng 5 giác quan, thông qua việc quan sát người lớn, quan sát bạn bè, tiếp thu qua những câu chuyện, những trò chơi. Những trải nghiệm thực tế, đó là những bài học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tôi.

    Vì thế nên tôi khá chú ý, khi nghe rằng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khuyến khích sự chủ động khám phá của các em. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết gọi đó là “tích cực hóa hoạt động của người học”.

    Cải cách giáo dục mà tôi được biết, đã từng làm cho khối lượng kiến thức trở nên quá tải với cả thầy và trò.

    Ví dụ như môn toán, các em học sinh phải nhồi nhét một đống kiến thức toán cao cấp năm thứ nhất đại học, bao gồm hình giải tích, tích phân, vi phân, tổ hợp, chỉnh hợp, xác suất, thống kê.

    Không ít bác sĩ đã phải tìm đến tôi nhờ dạy thêm môn toán để thi cao học và nghiên cứu sinh. Những em sinh viên thi đỗ Đại học Y Hà Nội, điểm toán gần như tuyệt đối. Vào đại học các em học lại từ đầu, nhưng lại khá trầy trật để thi qua môn học này. Tôi nhận thấy rất nhiều kiến thức ở bậc học phổ thông, ứng dụng vào thực tiễn công việc và khoa học chuyên ngành y, với các bác sĩ gần như không ý nghĩa.

    Tôi cho rằng, cải cách giáo dục trước hết phải xuất phát từ đội ngũ giáo viên. Mỗi bài học có ý nghĩa nhiều hơn những gì nó đang có trên mặt giấy của một trang sách. Bài học ấy, nếu giáo viên yếu kém chỉ có thể giúp học sinh học thuộc rồi quên. Giáo viên khá sẽ biết cách truyền đạt để các em hiểu được những ý nghĩa sâu sắc của nó. Giáo viên giỏi sẽ giúp các em đi tìm và tiếp cận với kiến thức liên quan đến bài học. Giáo viên xuất sắc sẽ truyền được cảm hứng, để các em là người sáng tạo bài học một cách hoàn chỉnh nhất.

    Nền giáo dục của chúng ta đã thực hiện cải cách nhiều năm, nhưng chưa mang lại những kết quả đủ sức thuyết phục bất cứ ai quan tâm đến giáo dục.

    Lần cải cách giáo dục sắp tới, lại có thêm những lời hứa và những biện giải tốt đẹp được đưa ra. Về một thế hệ học sinh chủ động khám phá và tích cực học tập.

    Lần này, chúng ta có quyền lạc quan về tương lai giáo dục nước nhà?


    Trần Văn Phúc

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here