Các nước châu Âu làm gì để chống khủng bố?

0
862
Vụ khủng bố đẫm máu ở Berlin
   
23.08.2017 14:09
Trong cuộc chiến chống khủng bố, nhiều nước châu Âu đã đưa ra những kế hoạch cả gói như ban hành đạo luật mới, tăng cường cảnh sát và cải thiện sự hợp tác giữa các cơ quan hữu trách. Nhưng những điều đó có mang lại kết quả hay không?

Những hung thủ cực đoan đã đưa những thành phố lớn ở châu Âu vào tầm ngắm với những cuộc tấn công khủng bố, khi thì bằng súng máy, khi thì dùng thuốc nổ và nhiều lần dùng ô tô làm vũ khí tại Paris, Brüssel, Kopenhagen, Nizza, Berlin, Stockholm, Luân Đôn và mới đây nhất là Barcelona. Với sự phát triển của „Nhà nước Hồi giáo“ tự xưng IS, số lượng các vụ khủng bố đã gia tăng rõ rệt từ năm 2015. Chính phủ các nước châu Âu nhận ra rằng các cơ quan an ninh vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó với những loại khủng bố mới này: Họ chỉ tiếp cận được một cách hạn chế vào liên lạc viễn thông được mã hóa, sự ngăn ngừa mới ở giai đoạn đầu và nhân sự bị quá tải.

Nhiều nước đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp cả gói chống khủng bố, đầu tư tiền vào các dự án thanh niên, thắt chặt luật pháp, cải thiện sự hợp tác trong EU. Nhiều tên được coi là khủng bố đã bị bắt, trước khi chúng hành động. Tuy nhiên, những người bảo vệ việc bảo mật dữ liệu và những người hoạt động vì nhân quyền lại phê phán là những biện pháp này có thể xâm phạm vào những quyền cơ bản của người dân. Cuộc tấn công khủng bố mới đây ở Tây Ban Nha cho thấy: Cơ quan cảnh sát và mật vụ châu Âu vẫn nhiều lần thất bại trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Tây Ban Nha

Trong nhiều năm, nước này được coi là rất thành công trong cuộc đấu tranh chống khủng bố. Thông qua nhiều lần khám xét, truy quét, xem chừng như lực lượng an ninh nước này đã kiểm soát được những phần tử Hồi giáo cực đoan, cho tới tuần trước, khi một nhóm khủng bố tấn công ở Barcelona và Cambrils, gây bất ngờ cho các cơ quan an ninh. Trong nhiều tháng trời, nhóm khủng bố có ít nhất 12 tên này đã có thể chuẩn bị các cuộc tấn công khủng bố mà không bị theo dõi, giám sát. Trong khi đó, các nhà điều tra của Tây Ban Nha vốn có nhiều thẩm quyền như việc nghe trộm điện thoại của những phần tử cực đoan, một trong những phương pháp theo dõi, truy nã tội phạm thông qua cuộc đấu tranh trong hàng chục năm trời chống lại ETA, tổ chức khủng bố của những người xứ Baske muốn li khai. Nhưng mâu thuẫn trong việc một bộ phận trong xứ Catalan đòi độc lập đã gây khó khăn cho sự hợp tác của cảnh sát. Chính quyền Catalan phàn nàn rằng chính phủ trung ương không cho cảnh sát Catalan được tham gia đầy đủ vào việc trao đổi thông tin với Cơ quan chống khủng bố quốc gia CITCO. Họ cũng cho rằng vì chính quyền Tây Ban Nha phản đối nên Catalan không được tiếp cận đầy đủ vào mạng lưới cảnh báo khủng bố quốc tế của Europol và Interpol. Một câu hỏi nhạy cảm được đặt ra là: Phải chăng sự căng thẳng giữa xứ Catalan và Tây Ban Nha đã góp phần làm cho thông tin không được chuyển tiếp và vì vậy không phát hiện kịp thời các kế hoạch khủng bố? Các nhà điều tra còn phát hiện ra rằng ban đầu bọn khủng bố định tấn công nhà thờ nổi tiếng Sagrada Familia ở Barcelona.

Pháp

Trong quá trình diễn ra một loạt vụ khủng bố chưa từng có, mở đầu bằng vụ tấn công đẫm máu vào tòa soạn báo „Charlie Hebdo“ tháng 1/2015 và cho tới nay đã làm 239 người Pháp thiệt mạng, một loạt các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đã liên tục được mở rộng. Từ tháng 11/2015 tới nay, Tổng thống Pháp đã sáu lần gia hạn tình trạng khẩn cấp. Trong khuôn khổ tình trạng này, không chỉ 100.000 cảnh sát mà còn có 10.000 binh sĩ được huy động để bảo vệ các quảng trường và cơ sở công cộng, nhà ga, sân bay, biên giới, những khu vực có đông du khách, bãi biển, cơ sở giáo dục và các nhà thờ.

Không cần có quyết định của thẩm phán, các cơ quan điều tra có thể nghe trộm điện thoại, tịch thu máy tính, áp đặt lệnh quản thúc tại gia hoặc tiến hành khám xét và họ cũng đã nhiều lần sử dụng đặc quyền này. Mặc dù tình trạng khẩn cấp này hạn chế nhiều quyền cơ bản của công dân, nhưng theo Bộ Nội vụ, riêng trong 2017 đã ngăn cản được khoảng 20 âm mưu khủng bố.

Anh

Riêng trong năm nay, nước Anh đã phải chứng kiến ba cuộc tấn công khủng bố. Nhưng đồng thời, lực lượng cảnh sát và mật vụ anh cũng đã ngăn chặn được năm âm mưu khủng bố khác. Trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, người Anh đặt cược vào việc giám sát những kẻ tình nghi và trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng nước ngoài. Ngoài ra, các cơ quan bộ trong khu vực chính phủ Whitehall còn được bảo vệ thêm bằng các cột, hàng rào thép và tường chắn. Lần đầu tiên trước trụ sở Quốc hội ở Westminster cũng được lắp rào chắn. Sau hai cuộc tấn công bằng ô tô trên cầu ở Luân Đôn, các nhà chức trách đang nghĩ thêm các biện pháp bảo vệ cho các không gian công cộng có đông người qua lại.

Scandinavien

Kể từ cuộc tranh cãi xoay quanh bức biếm họa Mohammed được đăng trên báo „Jyllands-Posten“ vào khoảng năm 2005, Đan Mạch đã sớm trở thành nạn nhân của khủng bố Hồi giáo cực đoan. Nước này đã tăng thêm nhân viên cho cơ quan mật vụ PST và đặt cược vào hệ thống giám sát bằng Kamera. Sau cuộc khủng bố bằng súng năm 2015 ở Kopenhagen làm 2 người chết và 5 người bị thương, ngân sách dành cho cuộc đấu tranh chống những phần tử cực đoan đã được tăng lên khoàng 130 triệu Euro cho thời gian 4 năm.

Sau cuộc tấn công khủng bố bằng xe tải ở thủ đô Stockholm trong tháng 4, các mục tiêu tiềm năng ở Thụy Điển đã được bảo vệ bằng những cột chắn xe cộ. Thêm vào đó, người ta có kế hoạch tăng cường hệ thống giám sát bằng Kamera trong các thành phố. Cảnh sát được nhận thêm 42 triệu Euro. Cơ quan di trú phụ trách việc phỏng vấn tất cả những người tị nạn mới tới và cảnh sát an ninh Säpo sẽ tăng cường trao đổi thông tin. Những kẻ có khả năng gây nguy hại có thể được giám sát bằng cùm chân điện tử. Mới đây, Phần Lan lần đầu tiên phải chứng kiến một cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan với vụ tấn công bằng dao. Cảnh sát được tăng cường sự hiện diện trên toàn quốc. Mùa thu tới, Chính phủ Phần Lan dự định sửa đổi Hiến pháp để thông qua „đạo luật thông tin“, cho phép lực lượng an ninh có thể nghe trộm toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc trên Internet ở Phần Lan cũng như ở nước ngoài.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here