Bài ‘an toàn mạng’ của tác giả Trần Đại Quang là từ năm… 2013

0
583
VNTB

Phương Thảo (VNTB) Giữa lúc cả nước đang bối rối không biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang ở đâu làm gì sau những tin tức cho hay ông Quang đang phải đi chữa bệnh ở Nhật bản, thì ngày cuối tuần vừa qua, mạng xã hội công bố bức thư, được cho là của Đại tướng, GS. TS. Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về việc “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới.” Báo nào cũng đưa tin là vậy, nhưng kỳ thực không ai được chứng kiến ông Quang viết bài này ở đâu, khi nào cũng như chưa từng xuất hiện trước công chúng trong vòng 4 tuần lễ tính từ hồi cuối tháng 7 cho tới nay.

Báo Mới nhét chữ vào miệng Reuters

Hãng tin Reuters ngày 20 tháng 8 đã có bài tường thuật về yêu cầu này của ông Quang với tiêu đề “ Chủ tịch nước yêu cầu kiểm soát internet gắt gao hơn.”

Lược thuật lại bài viết của Reuters, Báo mới cho đăng bài “ Báo nước ngoài đánh giá cao công tác kiểm soát an ninh mạng của Việt nam”; trong đó đề cập đến việc “Việt Nam hiện nằm trong 10 quốc gia đứng đầu sử dụng mạng xã hội Facebook và xem ứng dụng YouTube phổ biến.”

Reuters thật sự có nói đến việc này cũng như việc “hàng nghìn máy tính của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mã độc WannaCry” vào tháng 5 năm nay nhưng Báo mới lại cho đây là ý của ông Quang chứ không phải là của Reuters.

Báo Mới còn có đoạn “Theo Reuters Chính phủ Việt Nam đã đóng góp đáng kể trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm ngăn chặn các hành động tiêu cực và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”

Đây quả thật là Báo mới nhét chữ vào miệng Reuters bằng lời lẽ của tuyên giáo vì cả bài của Reuters không có ý tứ nào như trên được nhắc đến ngoài việc “Việt nam cần chú trọng hơn đến việc kiểm soát các tin tức trên mạng đặc biệt là mạng xã hội và cần có giải pháp phù hợp để ‘ngăn ngừa các trang mạng và blog mới có chứa các nội dung xấu và nguy hiểm’”.

Thế nhưng bài báo đã không dám đả động đến phần bài tường thuật của Reuters khi chỉ ra việc chính quyền Hà nội đã bất lực trước việc xử lý các chỉ trích trên mạng xã hội sau một lượt các vụ bắt bớ, đàn áp và tuyên án nặng những người nhà hoạt động trong nước thời gian qua. Thêm vào đó là thông tin đồn đại râm ran trên mạng xã hội về việc ông Quang biến mất.

Reuters cũng trích dẫn báo cáo của FireEye ba tháng trước khi tuyên bố rằng hacker làm việc cho chính phủ Việt nam đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của nhiều công ty đa quốc gia trong nước và Việt nam đã không chấp nhận lời buộc tội này.

Kẻ thù của internet liên tục trong nhiều năm

Người viết bài đã đưa ra một loạt các lo ngại về hiểm hoạ của mạng internet và mạng xã hội đối với chế độ và lãnh đạo, cũng như tuyên truyền phá hoại tư tưởng, nội bộ thông qua các chiến dịch công kích, bôi nhọ, hạ uy tín của lãnh đạo. Hơn hết đó là nỗi sợ về thông tin độc hại của các thế lực thù địch “đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.”

Bên cạnh đó còn nỗi lo lộ thông tin nội bộ, bí mật nhà nước, bị phá hoại cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin, thậm chí [tội phạm mạng] trở thành “những loại vũ khí nguy hiểm, có sức tàn phá nặng nề, được sử dụng song hành cùng các loại vũ khí truyền thống một khi xung đột vũ trang xảy ra”.

Người viết bài đã tự nhận rằng “ Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, địa phương, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã đạt được những kết quả tích cực. … Công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm lợi ích, an ninh quốc gia, tội phạm mạng được tiến hành khẩn trương, có hiệu quả. Việc hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ trên không gian mạng được chú trọng. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tăng cường.”

Thành tích vượt bậc này của an ninh mạng Việt nam thể hiện rõ qua bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới – RFS năm 2017, Việt nam đứng hạng 175/180 về tự do báo chí, Việt nam trong năm 2016 cũng nằm trong danh sách 13 quốc gia là kẻ thù của internet khi các trang thông tin trái chiều trên mạng liên tục bị tường lửa ngăn chặn, kiểm duyệt chặt chẽ và cả bị hackers đánh phá.

Từ năm 2008 Việt nam đã lọt vào danh sách các quốc gia là kẻ thù của internet kể từ khi danh sách này ra đời. Từ đó cho đến nay, Việt nam vẫn luôn luôn kiên định giữ vững vị trí này và ngày càng tìm cách siết chặt hơn việc kiểm duyệt internet. Năm 2013, đội quân trên mạng của Việt nam đã là 80 ngàn người, sau đó Cục An ninh mạng được thành lập với sự chứng kiến của Bộ trưởng Công An Trần Đại Quang. Tuy không có số liệu chính thức nhưng con số của đội quan trên mạng 80.000 này chắc chắn tăng cao hơn rất nhiều.

Điều bí ẩn

Bài viết được cho là của ông Quang đưa ra vào thời điểm này nhằm trấn an dư luận về việc ông Quang bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn sau khi có thông tin trên mạng xã hội về việc ông đi nước ngoài chữa bệnh. Tuy nhiên ngoài bài viết và các hình ảnh đã được chụp từ lâu, tuyệt nhiên không có một bức ảnh, đoạn phim hay đoạn băng ghi âm nào cho thấy ông Quang vẫn đang khoẻ mạnh hoặc trong tình trạng sức khoẻ đang được cải thiện hay suy yếu ở đâu đó.

Bài viết được ký tên ông Quang với đủ chức danh, học hàm và học vị vào ngày 20/08/2017 nhưng thật ra nhiều đoạn trong bài viết đã được đăng tải trên các báo chí lề phải từ năm 2013 như Báo Nhân dân, báoAn toàn Thông tin. Và cũng thật ngẫu nhiên, đó cũng chính là bài phát biểu của Đại tướng Trần Đại Quang khi ấy vẫn đang là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Chỉ có một vài thay đổi nhỏ, thì bài phát biểu của ông Quang năm 2013 về “ Công tác đảm bảo an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng nhằm góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội” lại trở thành bài viết với tiêu đề mới cùng với chức danh mới của người viết.

Bài viết này được đưa ra với những lời lẽ lặp lại đầy màu sắc tuyên giáo, nếu không phải ông Quang và cố vấn hay thư ký của ông Quang lười biếng đến độ chỉ sao chép và cắt dán mà không động não để đưa ra một bài viết mới có tính thuyết phục thì người sản xuất ra bài viết này đã phạm lỗi đạo văn ghê gớm.

Sức khoẻ của lãnh đạo vẫn là sự bí mật tuyệt đối như trường hợp ông Nguyễn ba Thanh, Tướng Lê Quý Ngọ, và giờ là ông Đinh Thế Huynh, ông Trần Đại Quang. Khi ông Quang vẫn vắng mặt, nhà nước Việt nam hiện giờ như rắn không đầu, và không ai biết cái “đầu rắn” ở đâu.

Bài viết được cho là của ông Quang không giải thích được sự biến mất bí ẩn của vị Chủ tịch nước mà chỉ làm tăng thêm phần bí ẩn vốn vẫn và sẽ còn lâu mới có lời giải đáp chính thức.