Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đang mưu tính gì?

0
578
Máy bay Vietnam Airlines và Vietjet đậu tại Tân Sơn Nhất.
VOA

Vừa nảy nòi thêm một bằng chứng về chiến thuật “câu giờ” của nhóm lợi ích Bộ Giao thông Vận tải trong vụ “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất”.

“Câu giờ”

Tại phiên họp Chính phủ ngày 3/7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dường như thật sự nóng ruột khi đề cập đến vấn đề sân golf trong sân bay. Theo ông Phúc, sự việc này đã tồn tại từ lâu, gần đây Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông chủ trì thuê công ty tư vấn độc lập nước ngoài để xem xét, lên phương án nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất. “Bộ Giao thông phải có báo cáo kịp thời việc này, không để kéo dài gây dư luận không tốt” – ông Phúc có vẻ bức xúc.

Cũng có vẻ đã chẳng có gì tiến triển sau khi Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT gấp rút mời tư vấn nước ngoài liên quan đến nghiên cứu mở rộng sân bay TSN và “đường băng thứ ba”…

Trong cuộc họp chính phủ ngày 3/7, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ phát biểu chung chung “nếu không có giải pháp quyết liệt để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thì sẽ xảy ra “nhiều cái bất thường“”. Nhưng ông Nghĩa lại không hề giải thích “cái bất thường” đó là gì.

Thái độ và hành vi của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ngày càng gây nghi ngờ rất lớn trong công luận.

Bộ trưởng Nghĩa đang bảo vệ cho ai?

Nhìn lại kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017, một hiện tượng rất đáng bị điều tra đến nơi đến chốn là Bộ GTVT – cơ quan chủ quản của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất và sẽ là chủ thể được hưởng lợi nếu sân golf bị thu hồi để trả diện tích 157 ha về cho sân bay, lại tìm đủ mọi cách để bảo vệ cho phương án “chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành”. Khi đó, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đã thuyết mị: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi”.

Một chi tiết đang chú ý: mặc dù ông Nghĩa không nói rõ “mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc” là phía Bắc nào, nhưng chỉ cần nhìn vào bản đồ “sân golf trong sân bay” là thấy rõ cái sân golf TSN chiếm một khoảng lớn và ngự ngay trên đầu sân bay dân sự đang sống dở chết dở.

Nhưng vì sao “mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi”?

Sau một số phát hiện của mạng xã hội về các công trình sân golf, nhà hàng, khách sạn trong khu vực sân golf TSN, vài tờ báo nhà nước cũng đã có những bài điều tra và xác nhận hiện tồn mà giới quan chức Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh cho rằng “chỉ có sân golf”.

Với cả một cụm sân golf – nhà hàng – khách sạn – chung cư… đã được xây dựng quy mô và còn hứa hẹn sẽ phát triển thêm, quả là số kinh phí dùng để “bồi thường giải tỏa” cho cụm này, nếu thu hồi sân golf TSN – là quá lớn, như chính lời “đe dọa” của Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa.

Có lẽ, ông Nghĩa thừa biết ngân sách trung ương hiện thời đang lao dốc và chẳng còn khoản kết dư nào để “giải phóng mặt bằng sân golf”, do đó mới mạnh miệng.

Từ “giải trình” của Bộ trưởng Nghĩa và nếu nhìn lại lễ ký kết giữa Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT vào tháng 3/2017, có thể thấy ngay chiêu trò đánh lận con đen: phía quân đội chỉ “cho mượn” 21 ha đất để tạm thời mở rộng sân bay TSN, nhưng với điều kiện là sau khi sân bay Long Thành được xây dựng xong thì 21 ha đất đó phải trả lại cho quân đội.

Còn trước tháng Ba trên, Bộ GTVT của ông Nghĩa đã chẳng có bất kỳ một đề xuất nào cho Chính phủ và Bộ Chính trị về nạn sân golf chiếm đất của sân bay, trong khi chỉ tìm mọi cách để PR cho việc xây dựng sân bay Long Thành.

Chỉ đến kỳ họp quốc hội tháng 5- 6 năm 2017, Bộ trưởng Nghĩa mới phác ra phương án “Có thể duy trì cùng lúc hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành”.

Vì sao “từ tâm” thế?

Lẽ ra, chiến dịch “chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành” của hai nhóm lợi ích quân đội và ODA đã thành công mà có thể bất chấp phản ứng xã hội, nếu không xảy ra một sự cố – nguyên nhân thứ hai khiến “Có thể duy trì cùng lúc hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành”: tiền và “kẹt máy bay”.

Trong bối cảnh bị các tổ chức tín dụng quốc tế “siết” và tương tự nhiều dự án “khủng” khác, dự án sân bay Long Thành đã cũng không thoát khỏi số kiếp hẩm hiu khi chẳng biết tìm đâu ra nguồn vay ODA. Thậm chí “chỉ có” 18.000 tỷ đồng còn thiếu cho kinh phí giải phóng mặt bằng tại dự án sân bay Long Thành mà còn không biết làm sao tìm ra.

Rốt cuộc, Bộ trưởng Nghĩa nói ngôn ngữ của ai và bảo vệ cho ai?

Vào tháng 3/2017, một bài viết trên Facebook Chống quan tham đã nêu ra một khả năng cực kỳ đáng lo ngại: một khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động và toàn bộ hành khách của sân bay TSN sẽ chuyển về sân bay Long Thành, 800 ha đất vàng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tay một đại gia của nhóm lợi ích quân đội là ông Dương Công Minh.

Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa lại là người kế nhiệm đời bộ trưởng cũ là Đinh La Thăng.

Đinh La Thăng lại là người từng tuyên bố “sân bay Long Thành là món nợ với nhân dân”. Còn Bộ Giao thông Vận tải đã “vẽ” dự toán làm sân bay Long Thành lên đến 18 tỷ USD… để trình Quốc hội ‘gật”…

Còn với Thủ tướng Phúc thì sao?

“Dư luận không tốt”

Sau quá nhiều phản ứng trong Quốc hội và ngoài công luận, Thủ tướng Phúc đã phải lặng lẽ họp chính phủ vào cuối tháng 5/2017 để xử lý vụ ‘”sân golf trong sân bay”.

Ngày 13/6/2017, một bản thông báo của Văn phòng Chính phủ cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thuê tư vấn nước ngoài có đủ năng lực để khảo sát nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng cả về phía bắc (khu vực sân golf TSN) và phía Nam (khu dân cư), nhưng đã không hề đề cập đến bức xúc quá lớn của công luận về việc nhóm lợi ích quân đội đã chiếm dụng đến 157 ha của sân bay – một diện tích đủ để xây cả một sân bay nhỏ. Cũng không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành, địa phương khi duyệt thông qua quy hoạch “sân golf trong sân bay” – điều mà rất nhiều cử tri và công luận đã bức xúc kiến nghị phải làm rõ.

Trong khi đó, chính một quan chức là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định hợp đồng xây dựng sân golf TSN là sai thẩm quyền và vô hiệu.

Còn nếu mở rộng sân bay TSN về phía Nam, chính phủ của ông Phúc sẽ phải dối mặt với cái gì?

Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng sân bay TSN về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách tìm đâu ra con số đó, trong lúc “chỉ có” vài chục ngàn tỷ đồng để giải tỏa đền bù ở khu vực dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai mà còn tìm không ra?

Rõ ràng, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay TSN về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf TSN để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.

Nhưng nếu làm theo phương án trên, ai sẽ đền bù cho nhóm lợi ích quân đội về tất cả chi phí nổi lẫn “ngầm” mà nhóm này đã bỏ ra?

Nhiều dư luận cho rằng Thủ tướng Phúc có vẻ muốn “đi hàng hai”, vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích quân đội, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong sân bay”.

Còn giờ đây, có lẽ ông Phúc một lần nữa nhận ra Bộ GTVT cứ “ì ra” và có vẻ không muốn làm gì cả và đang khiến cho ông Phúc bị “dư luận không tốt”. Với tất cả những gì mà người ta đã biết và đã chứng kiến về Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, sẽ không hề lạ nếu xuất hiện thêm một động tác “câu giờ” của ông ta.

Có phải Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đang quyết liệt mưu tính làm sao để sân bay TSN cuối cùng sẽ phải mở rộng về các khu dân cư, còn sân golf TSN sẽ không mất đi một mét vuông nào?

Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here