Bò, rừng, chủ tịch tỉnh và vàng

0
885
Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đương nhiệm. Ảnh: internet

FB Mai Quốc Ấn

16-10-2017

Có hai đoàn thanh tra quan trọng đã vào Phú Yên năm nay: Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Thanh tra Chính phủ. Do nội dung thanh tra quá nhiều nên bài viết này chỉ xin viết về vấn đề nóng nhất: Phá rừng.

Phú Yên có 41 dự án đã thực hiện hoặc có nhu cầu phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, với tổng diện tích đất cần thu hồi là 1.341,55 ha. Trong tổng số dự án nêu trên thì có 4 dự án đang triển khai và 37 dự án đã và đang triển khai thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng 725 ha rừng. 39/41 dự án không phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trái quy định của Chính phủ.

Các dự án này đều được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép triển khai. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đương nhiệm là ông Hoàng Văn Trà.

Phải công bằng với ông Trà vì có rất nhiều dự án “tồn đọng” ở nhiều nhiệm kỳ trước. (Ông Trà nguyên là ủy viên UB Kiểm tra trung ương được điều động về từ 2014 làm phó Bí thư tỉnh ủy Phú Yên. Đến tháng 11/2015 ông Trà được bầu làm Chủ tịch tỉnh Phú Yên).

Nhưng có một dự án sai phạm lớn mà ông Hoàng Văn Trà không thể không biết: Dự án chuyển đổi rừng để chăn nuôi bò thịt chất lượng cao được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thực hiện. Khu vực dự án tại tiểu khu 310 và 311 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh (xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) với tổng diện tích 377,73ha, trong đó rừng tự nhiên là 273,44 ha.

Người ký duyệt dự án này là ông Trần Hữu Thế, phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Không biết ông Thế nghĩ gì về việc ông Trà sáng nay ban hành 2 kế hoạch liên quan đến kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các dự án phá rừng (ký tuần trước) và gởi rộng rãi đến các ban ngành toàn tỉnh. Với Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thì ông Trà, ông Thế có lẽ hiểu rõ ai “thân” doanh nghiệp này hơn.

Điểm thực hiện dự án là khu vực tiếp giáp và trải dài hơn 20 km chạy dọc theo đập chính hồ thuỷ điện sông Hinh. Khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng trong phòng hộ trực tiếp cho thủy điện sông Hinh. Hai tiểu khu 310 và 311 ôm trọn vành đai bán ngập bảo vệ lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Mặt khác, hiện trạng rừng ở đây là rừng tự nhiên, diện tích liền vùng với diện tích rừng phòng hộ lưu vực sông Hinh.

Báo Thanh Niên có viết: “UBND tỉnh Phú Yên chưa thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả của dự án theo quy định tại điểm b, khoản 1, Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27.9.2011 của Thủ tướng Chính phủ và chưa phù hợp với Chỉ thị số 13 – CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng”. Điều này chỉ là phụ, vì cốt lõi là khu vực 377,73ha thuộc dự án nuôi bò được triển khai có nhiều hộ dân được giao đất trồng rừng ổn định.

Mấu chốt phải đối chiếu quy hoạch nuôi bò thời ông Phạm Đình Cự – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ trước với quy hoạch nuôi bò thời ông Hoàng Văn Trà.

Suối Pháp, Suối Dứa, Suối Bùn, Hòn Ké, Lồ Ô là những địa danh ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, nơi được cấp phép nuôi bò trái quy định. Những địa danh này gắn với một hiện tượng: khai thác vàng trái phép. Không rõ ông Hoàng Văn Trà, với tư cách là Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có biết điều này không? Càng không rõ Dự án chuyển đổi rừng để chăn nuôi bò thịt chất lượng cao được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên thực hiện vì sao được “thúc đẩy” như tên bắn?

Chỉ biết một điều chắc chắn: Vàng thì ai cũng mê!

Và một điều chắc chắn khác: Nếu được “danh chính ngôn thuận” khai thác vàng thì còn tuyệt hơn nữa!

Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành nghị quyết liên quan không chỉ đến vấn đề dự án nuôi bò này mà còn nhiều dự án liên quan đến rừng khác tại Phú Yên. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Yên là Bí thư tỉnh ủy đương nhiệm Huỳnh Tấn Việt.

(Còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here