Bị đưa thẳng lên CA Tiểu khu vì ‘cứ thật lòng mà trả lời cảm nghĩ ‘

0
129

Nguyên Tống

30 tháng 8 lúc 20:04

Một người bạn từ thời để chỏm ở Kim Liên vừa nhắc là mình hồi nhỏ hiền khô. Ấy thế nhưng mình luôn bị các thầy cô ghét và “trù” mà chẳng hiểu vì sao. Chỉ nhớ người ta hay gán cho mình cái tội “nghịch ngầm”. Một cái tội mà không hề có bằng chứng và cũng không liệt kê hẳn ra được cụ thể là nghịch cái gì, phá phách cái gì, cứ quy chụp vậy thôi. Đỉnh điểm là 7 tuổi mình đã bị bắt lên đồn công an cả buổi để tra hỏi.

Chuyện là năm 1976 Hà nội có một trận lụt lịch sử, chắc các anh chị cỡ tuổi mình đều còn nhớ, mấy ngày mà nước vẫn chưa rút, ngập cỡ ngang bụng trẻ con. Trong khu Kim Liên nhà mình lại có một kho gạo rất lớn phục vụ cho cả khu vực, cũng bị ngập hỏng hết gạo. Quả là một thảm hoạ vì hồi đó đói kém lắm, hạt gạo quí như vàng (tả theo kiểu Nam Cao). Thế là có một đoàn lãnh đạo, dẫn đầu là ông Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng hay sao đó chứ chưa phải là TBT, đến thị sát kho gạo. Mình nhớ rõ vì ông này để tóc chẻ ngôi giữa, trán lại ngắn, mũi hếch trông rất khác người. (Sau này dân buôn chó Nhật hay lấy tiêu chí “tóc Đỗ Mười” để định giá cho món hàng của mình). 

Đoàn xe đỗ ở Bách hoá Kim liên, là chỗ khô ráo, rồi bắt đầu lội bộ vào. Ông Đỗ Mười xắn quần lên tận bẹn mà vẫn ướt sũng. Cả đám lăng xăng bên cạnh vừa đi vừa dìu nên sấp ngửa trồi sụt, ướt lên cả đỉnh đầu. Lội vào đến cửa đứng nhìn một lát rồi lại lội ra. Chả hiểu có phải vì trông mình “hiền khô” lại có vẻ lanh lợi không mà các cô chú cho mình ra đứng phất cờ, rồi sau đó tặng hoa cho ông Đỗ Mười. 

Ông đang tươi cười xoa đầu mình thì không biết có ai đó hỏi: cháu cảm nghĩ thế nào khi Lãnh đạo cấp cao đến tận nơi chăm lo cho đời sống nhân dân? (Mình không nhớ chính xác từng lời, chỉ mang máng đại ý là vậy). Thì mình cứ thật lòng mà trả lời cảm nghĩ thôi: cháu thấy có chăm lo gì đâu? Bác đến chỉ nhìn tí rồi đi ra, gạo vẫn ngập đấy, khác gì đâu? Mà không hiểu sao bác phải lội vào làm bao người phải dìu, trong khi xung quanh đầy thuyền thúng (của các bà “hợp tác xã” dùng để hái rau muống ở hồ Kim Liên, nước ngập trôi khắp nơi), sao bác không ngồi lên thuyền mà đẩy vào cho nhanh? Mà bác là lãnh đạo, lội thế nhỡ có con rắn nó cắn cho phát thì ai lãnh đạo? (Quả thật là mình nhìn thấy rất nhiều rắn bị ngập nên bơi trong lụt, hồi đó bé nên không phân biệt được rắn độc hay rắn nước)…. 

Nghe đến đây thì ông Đỗ Mười thôi tươi cười mà lừ mắt với mấy cô chú xung quanh. Thế là họ lôi mình ra ngoài, đưa thẳng lên CA Tiểu khu (CA Phường bây giờ). Rồi từ đó đến chiều, họ cứ hỏi mình là có ai xui mình nói vậy không? Mình thì sợ xanh mắt vì chẳng hiểu chuyện gì. Bố mẹ mình cũng vậy, phải viết bản tường trình rồi cam kết gì đó thì đến chiều họ mới thả mình về.

Bây giờ nghĩ lại thì kể từ đó, có lẽ mình bị các thầy cô “nhớ mặt” vì kho gạo nằm ngay đối diện trường cấp 1 Đống Đa là nơi mình đang học lớp 2 (vì biết chữ từ 4 tuổi nên được các cô mẫu giáo cho lên thẳng lớp 1 sớm 1 năm). Và trong đám đông đi phất cờ hôm đó có rất nhiều thầy cô và học sinh trường mình. (Vì thế nên sau này mình mới phải chuyển sang trường Kim Liên, cũng gần đó). 

Nhưng cũng kể từ đó, mình bắt đầu để ý đến hành vi của các lãnh đạo, chỉ để tìm câu trả lời vì sao mình bị tra hỏi khi nói thật lòng suy nghĩ như vậy?! Mình nói vậy thì có gì sai? Và mình dần dần phát hiện ra là hoặc lãnh đạo không nghĩ ra được phương án tối ưu nên họ hay làm những việc mà đối với trẻ con như mình là rất… ngớ ngẩn và nguy hiểm. Hoặc là họ biết nhưng vẫn cố làm để cho ra vẻ “chăm lo cho dân”. Quả thật là “sự cố” ngày hôm đó đã làm “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here