Benito Mussolini: Học thuyết của chủ nghĩa phát xít

0
45
Umberto Eco (1932-2016). Các tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt: Tên của hoa hồng, Nghĩa địa Praha, Con lắc Foucault, v.v.
   

Phan Phương Đạt

14/03/2023

Giới thiệu: Ngày nay đa số mọi người chỉ biết đến chủ nghĩa phát xít một cách mơ hồ, liên quan đến bóng ma của chế độ Hitler, của nước Đức thời đảng Quốc xã. Nhiều người cũng đánh đồng chủ nghĩa phát xít vốn xuất thân ở Ý với chủ nghĩa quốc xã (nazism) của Hitler, trong khi nazism thực chất là một hình thức của chủ nghĩa phát xít. Nhà văn Ý Umberto Eco có bài phân tích chi tiết về việc tại sao người ta lại hay dùng chữ phát xít để nói về tất cả các chế độ và tư tưởng liên quan, và chỉ ra 14 dấu hiệu của chủ nghĩa phát xít.

Muốn ngăn chặn sự trở lại của chủ nghĩa phát xít (có thể là dưới một tên gọi mới, thậm chí dưới danh nghĩa chống phát xít), chúng ta cần hiểu rõ nó, để có thể nhìn ra và có những hành động sớm để chặn đứng từ trong trứng nước, bất kể chiêu bài của chúng là gì. Do đó, chúng ta nên đọc bài viết này của cha đẻ của chủ nghĩa phát xít, Benito Mussolini.   

Bài viết này (La Dottrina Del Fascismo) gồm 2 chương, xuất hiện lần đầu năm 1932, trong Bách khoa Toàn thư Ý, và được ký tên Mussolini, nhưng người ta cho rằng tác giả của chương đầu tiên là triết gia và chính trị gia Ý Giovanni Gentile.

Bản dịch này dịch từ bản tiếng Nga của V.N. Novikov năm 1938 (dịch từ tiếng Ý, nhà xuất bản “La Renaissance”, 73, đại lộ Champs-Elysees, Paris-8-eme, 1938), có tham khảo bản dịch tiếng Anh. Trong bản dịch của Novikov có phần Chú thích cho Chương 1 mà chúng tôi không dịch ở đây.

Nếu phát hiện sai sót, xin ghi vào comment.

Nguồn : https://phanphuongdat.com/2020/06/24/chu-nghia-phat-xit-vinh-cuu-ur-fascism/

Lời tựa bản tiếng Nga

Hiện tượng vĩ đại nhất trong đời sống của các dân tộc thời hậu chiến (Thế chiến 1- ND) là chủ nghĩa phát xít mà hiện đang trên con đường chiến thắng của mình trên khắp thế giới, chinh phục tâm trí của các lực lượng tích cực của nhân loại và thúc đẩy việc xét lại và thay đổi toàn bộ trật tự xã hội.

Chủ nghĩa phát xít bắt nguồn từ Ý, và người sáng tạo ra nó là nhà lãnh đạo thiên tài của đảng phát xít và người đứng đầu chính phủ Ý, Benito Mussolini.

Trong cuộc đấu tranh của nhân dân Ý chống lại cơn ác mộng của chủ nghĩa cộng sản đỏ đang ập đến đất nước, chủ nghĩa phát xít đã tạo nên nền tảng tư tưởng cho thanh niên Ý, là người tiên phong đấu tranh cho công cuộc tái sinh dân tộc.

Hệ tư tưởng cộng sản bị kháng cự bởi hệ tư tưởng mới về nhà nước dân tộc, đoàn kết dân tộc, cảm xúc dân tộc.

Nhờ đó, chủ nghĩa phát xít đã tạo ra một tổ chức hùng mạnh gồm một thiểu số tích cực mà, nhân danh lý tưởng dân tộc, tham gia vào một cuộc chiến có tính quyết định với toàn bộ thế giới cũ của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tự do, tư tưởng dân chủ, và bằng chiến công của hy sinh quên mình, đã thực hiện một cuộc cách mạng tinh thần và nhà nước, cuộc cách mạng đã biến đổi nước Ý hiện đại và đặt nền móng cho sự khởi đầu của nhà nước phát xít Ý.

Sau khi hành quân vào Rome vào tháng 10 năm 1922, chủ nghĩa phát xít đã nắm quyền lực nhà nước và bắt đầu giáo dục lại người dân và tổ chức nhà nước, theo các luật cơ bản mà cuối cùng đã ấn định hình thức của nhà nước phát xít.

Trong quá trình đấu tranh này, học thuyết về chủ nghĩa phát xít cũng được phát triển. Trong điều lệ của đảng phát xít, trong các nghị quyết của đại hội đảng và công đoàn, trong các nghị quyết của Đại hội đồng phát xít, trong các bài phát biểu và bài viết của Benito Mussolini, những điều khoản cơ bản của chủ nghĩa phát xít dần dần được hình thành.

Năm 1932, Mussolini cho rằng đã đến lúc đưa ra một công thức hoàn chỉnh cho học thuyết của mình, điều mà ông đã thực hiện trong tác phẩm “Học thuyết về chủ nghĩa phát xít”, nằm trong tập thứ 14 của bộ bách khoa toàn thư Ý. Còn trong một phiên bản riêng của tác phẩm này, ông đã bổ sung thêm các ghi chú.

Việc làm quen với tác phẩm này của B. Mussolini là rất quan trọng đối với độc giả Nga. Chủ nghĩa phát xít là một thế giới quan mới, một triết lý mới, một nền kinh tế tập thể mới, một học thuyết nhà nước mới.

Như vậy, khi trả lời tất cả các câu hỏi của xã hội loài người, chủ nghĩa phát xít đã vượt ra ngoài quốc gia Ý. Trong đó, các nền tảng chung xác định trật tự xã hội mới của thế kỷ 20 đã được phát triển và tìm được lời giải thích tại sao chúng lại có ý nghĩa phổ quát. Nói cách khác, nội dung tư tưởng của chủ nghĩa phát xít đã trở thành tài sản chung.

Mỗi quốc gia đều có chủ nghĩa dân tộc và tạo ra các hình thức tồn tại của riêng mình; việc bắt chước, ngay cả những ví dụ tốt nhất, là không thể chấp nhận. Nhưng những ý tưởng cơ bản của chủ nghĩa phát xít Ý đã thúc đẩy việc xây dựng các quốc gia trên khắp thế giới.

Hiện tại, những ý tưởng về chủ nghĩa phát xít rất phổ biến trong cộng đồng người Nga di cư.

Nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ nghĩa phát xít bắt đầu vào khoảng năm 1924, khi một nỗ lực được thực hiện ở Serbia nhằm tổ chức một đảng phát xít Nga. Phong trào này được lãnh đạo bởi giáo sư D. P. Ruzsky và tướng P. V. Chersky.

Năm 1927, tổ chức này, được gọi là “tổ chức quốc gia của những người phát xít Nga”, đã công bố chương trình của mình. Chương trình này dựa trên các nền tảng chung của chủ nghĩa phát xít Ý, nhưng phù hợp với các điều kiện của Nga, vạch ra con đường đấu tranh cách mạng chống lại chủ nghĩa bôn-sê-vích và hướng đi tương lai nhằm phục hồi nước Nga khi được giải phóng khỏi chủ nghĩa cộng sản.

Tuy nhiên, phong trào này đã không nhận được sự phát triển tổ chức.

Nhưng những ý tưởng về chủ nghĩa phát xít đã được chuyển đến Viễn Đông, nơi những người Nga lưu vong đã sử dụng chúng để thành lập Đảng Phát xít Nga (RFP) vào năm 1931, do một người đàn ông trẻ tuổi và tài năng V.K. Rodzaevsky đứng đầu.

Cho đến nay, RFP đã tiến hành nhiều công tác tổ chức và tuyên truyền, xuất bản nhật báo “Con đường của chúng ta” và nguyệt san “Dân tộc”.

Tại Đại hội lần thứ 3 năm 1935, một chương trình mới của đảng đã được thông qua, là nỗ lực điều chỉnh các nguyên tắc của chủ nghĩa phát xít phổ quát vào thực tế Nga trong các vấn đề về tổ chức tương lai của nhà nước Nga.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hệ tư tưởng của chủ nghĩa phát xít Nga ở Viễn Đông chịu ảnh hưởng nặng nề của Chủ nghĩa quốc xã Đức và gần đây đã nghiêng sang chủ nghĩa dân tộc Nga cũ.

Nhưng ngay cả ở châu Âu, tư tưởng phát xít Nga vẫn tiếp tục phát triển, và đại diện của nó là tạp chí Klich, xuất bản ở Bỉ.

Các biên tập viên của tạp chí “Klich” đã tham gia chương trình của tổ chức quốc gia của những người phát xít Nga và truyền bá hệ tư tưởng phát xít như là đối trọng thực sự duy nhất đối với chủ nghĩa cộng sản, đồng thời công nhận có một giải pháp thực sự cho khủng hoảng của xã hội hiện đại ở trong chế độ nhà nước Ý do thiên tài B. Mussolini tạo ra.

Trong quá trình phát triển chương trình năm 1927, “Klich” đã xuất bản một cuốn sách nhỏ của cây viết Verist (bút danh): “Các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa phát xít Nga”. Trong đó, tác giả, dưới khẩu hiệu của chủ nghĩa phát xít Nga là “Chúa, Dân tộc và Lao động”, đã thiết lập những nền tảng chung của chủ nghĩa phát xít Nga, là học thuyết về phục hưng dân tộc Nga trên cơ sở một nhà nước dân tộc mới, được hình thành và khẳng định trên cơ sở kinh nghiệm của Đế quốc Ý bởi người sáng tạo ra học thuyết phát xít và là lãnh tụ của chủ nghĩa phát xít Ý B. Mussolini.

Với sự quan tâm như vậy của người Nga lưu vong đến học thuyết phát xít, chúng ta cần hoan nghênh nhà xuất bản Phục Hưng vì họ đã mong muốn thu hút sự chú ý của độc giả Nga tới cuốn “Học thuyết về chủ nghĩa phát xít” của B. Mussolini.

Về phần mình, dịch giả thấy có nghĩa vụ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới B. Mussolini vì đã đồng ý xuất bản bản dịch tiếng Nga cuốn “Học thuyết của chủ nghĩa phát xít”.

Vyacheslav Novikov.

Paris, ngày 10 tháng 6 năm 1938.

CHƯƠNG MỘT – CÁC Ý TƯỞNG CHÍNH

1. Triết học của chủ nghĩa phát xít

Giống như bất kỳ khái niệm chính trị toàn diện nào, chủ nghĩa phát xít vừa là hành động vừa là ý nghĩ: một hành động có một học thuyết bên trong, và một học thuyết phát sinh trên cơ sở một hệ thống lực lượng lịch sử nhất định, được bao gồm trong cái sau và rồi hoạt động như một lực bên trong. [1]

Do đó, khái niệm này có một hình thức tương ứng với hoàn cảnh của địa điểm và thời gian, nhưng đồng thời nó cũng có một nội dung tư tưởng giúp nâng nó lên đến giá trị của chân lý trong lịch sử của tư tưởng cao cả. [2]

Không thể thực hiện ảnh hưởng về mặt tinh thần trên thế giới theo cách thống trị ý chí của người khác, trừ khi người thống trị có quan niệm về cả thực tại tạm thời và cụ thể mà hành động đó sẽ được thực hiện, lẫn thực tại vĩnh viễn và phổ quát mà trong đó cái nhất thời ngự trị và tồn tại.

Để biết mọi người bạn cần biết một người, và để biết một người thì bạn cần biết thực tại và các quy luật của nó. Không tồn tại khái niệm về nhà nước mà trong cốt lõi của nó lại không có khái niệm về cuộc sống. Đó là triết học hoặc trực giác, hệ thống tư tưởng được phát triển thành một cấu trúc logic hoặc được thể hiện trong tầm nhìn hoặc niềm tin, nhưng nó luôn luôn, ít nhất là về tiềm năng, là một học thuyết hữu cơ về thế giới.

2. Quan niệm tinh thần về cuộc sống

Vì vậy, không thể hiểu chủ nghĩa phát xít trong nhiều biểu hiện thực tế của nó, với tư cách là một tổ chức đảng, một hệ thống giáo dục và một khuôn phép, nếu không xem xét nó dưới góc độ hiểu biết chung về cuộc sống, tức là hiểu biết từ góc độ tinh thần. [3]

Thế giới đối với chủ nghĩa phát xít không chỉ là một thế giới vật chất, chỉ biểu hiện ra bên ngoài, trong đó một người, là một cá thể độc lập, tách biệt với tất cả những người khác, tuân theo quy luật tự nhiên, cái quy luật thu hút anh ta theo bản năng đến một cuộc sống ích kỷ và lạc thú nhất thời.

Đối với chủ nghĩa phát xít, con người là một cá thể, thống nhất với dân tộc, Tổ quốc, tuân theo quy luật đạo đức ràng buộc cá nhân bằng truyền thống, sứ mệnh lịch sử, làm tê liệt bản năng sống – cái bản năng bị giới hạn bởi vòng lạc thú phù du, nhằm tạo ra một cuộc sống cao đẹp hơn, thoát khỏi ranh giới của thời gian và không gian, trong ý thức về bổn phận. Trong cuộc sống này, cá nhân, thông qua sự tự phủ định, hy sinh lợi ích riêng tư, thậm chí bằng chiến công của cái chết, thực hiện một cuộc sống tinh thần thuần túy, mà giá trị con người của anh ta nằm trong đó.

3. Quan niệm tích cực về cuộc sống như một cuộc đấu tranh

Như vậy, chủ nghĩa phát xít là một khái niệm tinh thần, xuất hiện từ phản ứng chung của thế kỷ chống lại chủ nghĩa thực chứng duy vật (materialistic positivism) đang suy yếu của thế kỷ 19. Một khái niệm phản thực chứng, nhưng tích cực; không hoài nghi, không bất khả tri, không bi quan, không lạc quan một cách thụ động, tức là khác với những học thuyết (tất cả đều tiêu cực) đặt trung tâm cuộc sống bên ngoài con người, con người có thể và phải tạo ra thế giới của riêng mình bằng ý chí tự do của mình.

Chủ nghĩa phát xít mong muốn một người năng động, cống hiến hết mình cho hành động, dũng cảm nhận thức được những khó khăn trước mắt và sẵn sàng đấu tranh với chúng. Anh ta hiểu cuộc sống là một cuộc đấu tranh, ghi nhớ rằng một người phải giành lấy cuộc sống xứng đáng cho mình, trước hết tạo ra từ chính mình một công cụ (thể chất, đạo đức, trí tuệ) để xây dựng nó. Điều này đúng cho cá nhân riêng lẻ, cũng như cho quốc gia và nhân loại nói chung. [4]

Từ đó mà có sự đánh giá cao văn hóa dưới mọi hình thức (nghệ thuật, tôn giáo, khoa học) [5] và giá trị to lớn của giáo dục. Từ đó cũng nảy sinh giá trị cơ bản của lao động, nhờ đó con người chinh phục thiên nhiên và tạo ra thế giới của riêng mình (kinh tế, chính trị, đạo đức, trí tuệ).

4. Quan niệm luân lý về cuộc sống

Cách hiểu tích cực về cuộc sống như vậy rõ ràng là một sự hiểu biết về đạo đức. Nó bao gồm tất cả thực tại chứ không chỉ con người cai trị thực tại đó. Không có hành động nào không bị đánh giá về mặt luân lý; không có gì trên thế giới có thể bị tước đoạt giá trị luân lý của nó.

Do đó, người phát xít hình dung cuộc sống là nghiêm túc, khắc nghiệt, có tính tôn giáo, hoàn toàn nằm trong thế giới của các lực lượng luân lý và tinh thần. Người phát xít khinh bỉ “cuộc sống thoải mái.” [6]

5. Quan niệm tôn giáo về cuộc sống

Chủ nghĩa phát xít là một khái niệm tôn giáo [7]; trong đó, một người được nhìn nhận trong mối quan hệ nội tại của anh ta với quy luật cao nhất, với Ý chí khách quan giúp nâng tầm mỗi cá nhân, khiến anh ta trở thành một người tham gia có ý thức trong giao tiếp tinh thần. Trong chính sách tôn giáo của chế độ phát xít, bất cứ ai chỉ dừng lại ở những tính toán cơ hội thuần túy thì sẽ không hiểu rằng chủ nghĩa phát xít, với tư cách là một hệ thống chính quyền, cũng, và trên hết, là một hệ thống tư tưởng.

6. Quan niệm đạo đức và hiện thực về cuộc sống

Chủ nghĩa phát xít là một khái niệm lịch sử, trong đó con người được nhìn nhận tuyệt đối như một người tham gia tích cực vào quá trình tinh thần trong nhóm gia đình và nhóm xã hội, trong quốc gia và trong lịch sử – nơi tất cả các quốc gia hợp tác. Do đó, có tầm quan trọng to lớn của truyền thống trong ký ức, ngôn ngữ, phong tục, các quy tắc của đời sống xã hội [8].

Bên ngoài lịch sử, con người không là ai. Vì vậy, chủ nghĩa phát xít chống lại mọi sự trừu tượng của chủ nghĩa cá nhân trên cơ sở duy vật của thế kỷ 19; nó chống lại tất cả những điều không tưởng và những đổi mới của Jacobin. Nó không tin vào khả năng “hạnh phúc” trên trái đất, như trong những khát vọng của sách vở kinh tế thế kỷ 18, và do đó nó bác bỏ tất cả các học thuyết mục đích luận, mà theo đó, vào một giai đoạn lịch sử nhất định, loài người sẽ đạt đến tổ chức xã hội cuối cùng. Điều đó chẳng khác nào là đưa mình ra ngoài lịch sử và cuộc sống, vốn là một dòng chảy và phát triển không ngừng.

Về mặt chính trị, chủ nghĩa phát xít hướng đến trở thành một học thuyết hiện thực; trong thực tế, nó chỉ muốn giải quyết các nhiệm vụ mà bản thân lịch sử đặt ra, vạch ra hoặc dự đoán giải pháp cho chúng. [9] Để hành động giữa con người cũng như trong tự nhiên, cần phải đi sâu vào quá trình thực tế và nắm vững các lực lượng hành động [10].

7. Chủ nghĩa chống cá nhân (antiindividualism), và tự do

Khái niệm phát xít về nhà nước là chống chủ nghĩa cá nhân; chủ nghĩa phát xít chỉ thừa nhận cá nhân khi nó đồng nhất với nhà nước, cái nhà nước đại diện cho ý thức và ý chí phổ quát của con người trong sự tồn tại có tính lịch sử của mình [11] .

Chủ nghĩa phát xít đối lập với chủ nghĩa tự do cổ điển, vốn xuất phát từ nhu cầu phản ứng chống lại chủ nghĩa chuyên chế (absolutism) và đã hết nhiệm vụ khi nhà nước trở thành ý thức và ý chí của nhân dân. Chủ nghĩa tự do vì lợi ích của cá nhân mà phủ định nhà nước; còn chủ nghĩa phát xít khẳng định nhà nước là thực tại đích thực của cá nhân [12].

Nếu tự do là một tính chất không thể tách rời của một con người có thực, chứ không phải một con rối trừu tượng, như chủ nghĩa tự do cá nhân hình dung về anh ta, thì chủ nghĩa phát xít là vì tự do. Nó ủng hộ thứ tự do duy nhất có thể hiện hữu như một sự thật nghiêm túc, cụ thể là tự do của nhà nước và tự do của cá nhân trong nhà nước [13]. Và điều này là bởi vì đối với một người phát xít thì mọi thứ đều ở trong nhà nước, và không có gì thuộc về con người hay tinh thần có thể tồn tại, chứ chưa nói đến việc có giá trị, bên ngoài nhà nước. Theo nghĩa này, chủ nghĩa phát xít là toàn trị và nhà nước phát xít, với tư cách là sự tổng hợp và thống nhất của tất cả các giá trị, diễn giải và phát triển toàn bộ cuộc sống của người dân, đồng thời tăng cường nhịp điệu của nó [14].

8. Chống chủ nghĩa xã hội (antisocialism), và chủ nghĩa nghiệp đoàn

Bên ngoài nhà nước không có cá nhân, và cũng không có nhóm (đảng chính trị, xã hội, công đoàn, giai cấp) [15]. Do đó, chủ nghĩa phát xít chống lại chủ nghĩa xã hội, vốn quy sự phát triển lịch sử thành đấu tranh giai cấp và không thừa nhận sự thống nhất của nhà nước, vốn hợp nhất các giai cấp thành một thực tại kinh tế và đạo đức duy nhất; tương tự như vậy, chủ nghĩa phát xít chống lại chủ nghĩa công đoàn giai cấp.

Nhưng trong khuôn khổ của nhà nước cầm quyền, chủ nghĩa phát xít thừa những yêu cầu thực sự mà từ đó các phong trào xã hội chủ nghĩa và công đoàn bắt nguồn, và hiện thực hóa chúng trong một hệ thống các lợi ích tập thể được đồng ý trong sự thống nhất của nhà nước [16].

9. Dân chủ và Dân tộc

Các cá nhân tạo nên: các giai cấp tương ứng các phạm trù lợi ích, các công đoàn theo các lĩnh vực hoạt động kinh tế khác nhau được thống nhất bởi một lợi ích chung; nhưng trước hết và quan trọng nhất, các cá nhân cấu thành nhà nước. Nhà nước không phải là một con số dưới dạng tổng của các cá nhân tạo thành đa số nhân dân. Vì vậy, chủ nghĩa phát xít là chống tư tưởng dân chủ, vì dân chủ coi nhân dân chỉ là đa số, và giảm nhân dân xuống thành đa số [17].

Nhưng bản thân chủ nghĩa phát xít là một hình thức dân chủ thực sự, nếu người dân được hiểu theo đúng nghĩa của nó, tức là định tính chứ không phải định lượng, nghĩa là, như một tư tưởng mạnh mẽ, đạo đức, đúng đắn và nhất quán nhất. Tư tưởng này được hiện thực hóa trong nhân dân thông qua ý thức và ý chí của một số ít, thậm chí chỉ một người, và với tư cách là một lý tưởng, nó cố gắng được hiện thực hóa trong ý thức và ý chí của tất cả mọi người [18].

Đó là những người, phù hợp với bản chất dân tộc và lịch sử của họ, tạo thành một quốc gia, được hướng dẫn bởi một ý thức và ý chí duy nhất trên cùng một dòng phát triển và tổ hợp tinh thần.

Dân tộc không phải là một chủng tộc hay một khu vực địa lý nhất định, mà là một nhóm trường tồn trong lịch sử, tức là một tập hợp được thống nhất bởi một tư tưởng là ý chí tồn tại và thống trị, tức là tự nhận thức, và do đó, cũng là nhân cách [19].

10. Khái niệm nhà nước

Cái nhân cách tối cao này chính là dân tộc, bởi vì nó là nhà nước. Không phải dân tộc tạo ra nhà nước, như cách hiểu của chủ nghĩa tự nhiên cũ, đã hình thành nên cơ sở của các nhà nước dân tộc thế kỷ 19. Ngược lại, nhà nước tạo ra dân tộc bằng cách trao ý chí và do đó, tạo ra sự tồn tại hiệu quả cho nhân dân, những người nhận thức được sự thống nhất về đạo đức của chính mình.

Quyền độc lập của một dân tộc không bắt nguồn từ ý thức văn học và tư tưởng về sự tồn tại của chính nó, càng không phải từ một trạng thái thực tế ít nhiều vô thức và không hoạt động, mà từ một ý thức tích cực, từ một ý chí chính trị tích cực có khả năng chứng minh quyền của mình, tức là từ một loại nhà nước đang hình thành (in fieri). Nhà nước, chính xác với tư cách là ý chí đạo đức phổ quát, là người tạo ra luật [20].

11. Nhà nước đạo đức

Dân tộc, dưới hình thức nhà nước, là một thực tại đạo đức, tồn tại và đầy sức sống, bởi lẽ nó phát triển. Ngừng phát triển nghĩa là chết. Vì vậy, nhà nước không chỉ là lực lượng thống trị, trao hình thái luật cho các ý chí cá nhân và tạo ra giá trị của đời sống tinh thần, mà còn là lực lượng thực hiện ý chí của mình ở cả bên ngoài, buộc họ phải thừa nhận và tôn trọng nó, tức là thực sự chứng minh tính phổ quát của nó trong tất cả những biểu hiện cần thiết của sự phát triển của nó [21]. Từ đó mà có sự tổ chức và bành trướng, ít nhất là trong khả năng có thể. Như vậy, ý chí của nhà nước về bản chất được coi là đồng nhất với ý chí con người, ý chí này không có giới hạn trong sự phát triển của nó và chứng tỏ tính vô tận của bản thân thông qua việc thực hiện [22].

12. Nội dung của nhà nước

Nhà nước phát xít, hình thức cao nhất và mạnh mẽ nhất của nhân cách, là một lực lượng, nhưng là lực lượng tinh thần. Nó tổng hợp tất cả các hình thức của đời sống đạo đức và đời sống trí tuệ của con người. Do đó, nhà nước không thể chỉ giới hạn trong các nhiệm vụ trật tự và bảo vệ, như chủ nghĩa tự do mong muốn. Nó không phải là một cơ chế đơn giản chỉ để phân định phạm vi của các quyền tự do cá nhân được đề xuất.

Nhà nước là một hình thái và chuẩn mực bên trong, bó buộc bằng kỷ luật toàn bộ con người, và bao trùm cả ý chí lẫn trí tuệ của anh ta. Nguyên lý chủ đạo của nó là cảm hứng chính của nhân cách con người sống trong xã hội dân sự, thấm vào trong sâu thẳm, bén rễ trong trái tim của con người hành động, dù đó là nhà tư tưởng, nghệ sĩ hay nhà khoa học: đây là tâm hồn của tâm hồn.

13. Quyền hạn

Do đó, chủ nghĩa phát xít không chỉ là nhà lập pháp và người tạo ra các thể chế, mà còn là nhà giáo dục và động cơ của đời sống tinh thần. Nó tìm cách thay đổi không phải hình thức của cuộc sống con người, mà là nội dung của nó, bản thân con người, tính cách, và đức tin.

Vì mục đích này, nó hướng đến kỷ luật và quyền hạn, thâm nhập vào tinh thần của con người và cai trị anh ta một cách miễn bàn cãi. Do đó, biểu tượng của nó là bó gậy của đao phủ thủ (fasces, Lictor’s rods) – biểu tượng của sự thống nhất, sức mạnh và công lý.

Còn nữa

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here