Trường Huy – 12 tháng 8, 2021
Mấy chục năm làm cái nghề gọi là “báo-chí-cách-mạng” ở Việt Nam, tôi nghiệm ra một điều: Chửi dân là dễ nhất!
Trong những ngày đầu tiên phong tỏa Sài Gòn, mạng xã hội lan truyền chóng mặt một clip quay cảnh một thanh niên không đeo khẩu trang, nhẩn nha khởi động ở một công viên, ngay trước mặt của các công an, dân phòng. Ngay lập tức, báo chí lề phải rần rần bêu riếu anh thanh niên này bằng đủ thể loại. Bình luận phê phán có. Châm biếm có… và hả hê khi kết quả vụ việc là chính quyền phạt anh này mấy triệu đồng! Trong khi đó, chả ai chịu làm một cái động tác là tìm hiểu anh này có bệnh tâm thần không? Biết đâu, nếu anh ta có bệnh thật thì sao?
Còn mấy hôm nay, cũng liên quan đến dịch bệnh, đang ồn ào câu chuyện một nhà báo tên tuổi, là phó Tổng biên tập của một tờ báo chuyên về tuyên truyền pháp luật. Đầu tiên, anh này viết một cái bài trên Facebook của mình và đặt cái tít mượn tên một bài hát của Trịnh Công Sơn – Hát trên những xác người!
Nội dung bài viết là phê phán giới nhà đòn (các cơ sở dịch vụ mai táng, hoàn toàn của tư nhân). Bài viết rất chung chung, chỉ nêu vài trường hợp người nghèo chẳng may có người thân tử vong vì dịch, và bị các cơ sở mai táng nâng giá lên đến 20-25 triệu đồng (khoảng $877 đến $1,000) cho một ca xử lý từ A đến Z. Bài viết này sau đó được đăng trên chuyên mục “Bạn đọc viết” của tờ báo mà chính anh này làm Phó tổng.
Tháng Năm 2021, khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu ra ứng cử làm Đại biểu HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026, ông quan báo này – Nguyễn Đức Hiển, Phó TBT Báo Pháp Luật TP.HCM – đã trả lời phỏng vấn báo Dân Việt rằng: “Dù có trở thành đại biểu HĐND hay không, thì với tư cách một nhà báo đang làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý tại một cơ quan báo chí, tôi cũng luôn cố gắng hết sức đóng góp cho một nền báo chí hiện đại, nhân văn và thượng tôn pháp luật”. Tuy nhiên, “đồng chí” Đức Hiển, với “nghệ danh” “Năm Mực”, đã trở thành tâm điểm “nổi bật” làng báo Việt Nam những ngày qua với một cú “fake news” gây chấn động cả nước (ảnh: báo Pháp Luật TPHCM)
Chủ một cơ sở mai táng lớn nhất Sài Gòn đã phản ứng dữ dội bài viết trên, và khẳng định vị nhà báo tên tuổi suy cho cùng cũng chỉ là anh hùng bàn phím. Cô chủ cơ sở mai táng C.T cung cấp những bằng chứng cho thấy Sài Gòn đang hết sức bất thường, nên đừng lấy chuyện của ngày thường mà so trong thời buổi này. Ví dụ, hiện nay cơ sở của cô đang quá tải, không đảm đương nổi đơn đặt hàng của các bệnh viện. Mỗi một lao động làm cái việc vào nhà xác bệnh viện xử lý tử thi theo đúng quy định (khử trùng, khâm liệm, đưa vào hòm…) mỗi ngày ít nhất bảy triệu đồng (10 tử thi, mỗi tử thi được trả 700 ngàn đồng – tức khoảng $30); còn dân làm lâu năm thì mỗi ngày xử lý được 20 tử thi, thu nhập 14 triệu đồng (khoảng $612).
Thu nhập cao thế nhưng chả mấy ai dám làm, khiến các cơ sở mai táng khủng hoảng lao động thật sự. Nghe thì thu nhập khủng thật, nhưng thử hỏi có mấy ai dám làm công việc này? Chưa hết, xe chuyển quan tài ra lò thiêu Bình Hưng Hòa, thoạt nghe chi phí mỗi quan tài là 3-4 triệu đồng, để đưa từ một bệnh viện trong nội thành ra lò thiêu với quãng đường chỉ 4km, mà mỗi xe thì chở bốn quan tài. Do đó, không ít kẻ mới nghe qua đã lập tức kết luận là người ta chặt chém! Nhưng anh hùng bàn phím không biết rằng, mỗi một xe như thế mất ít nhất một ngày để thực hiện cái quãng đường 4km đó. Chưa kể, chở quan tài chứa tử thi chết vì dịch, nghe có ngán không?
Câu chuyện mỗi xe phải mất cả ngày mới vào được lò thiêu Bình Hưng Hòa cũng là bình thường, nếu tìm hiểu cặn kẽ: Bình Hưng Hòa có 15 lò, hoạt động hết công suất thì mỗi ngày cũng chỉ thiêu được 60 xác. Vậy nên chuyện quá tải, một chuyến xe xếp hàng cả ngày, thậm chí hơn, là chuyện bình thường.
Vẫn chưa hết, áo quan đâu có cơ sở nào trữ sẵn cho một cuộc bất thường như hiện nay, thế nên chạy đôn chạy đáo khắp các tỉnh để mua. Và nguyên tắc khi cầu vượt xa cung thì giá cả tăng vọt, thế thôi.
Dĩ nhiên, không phải 100% cơ sở mai táng đều tử tế, nhưng viết cái kiểu chung chung như anh nhà báo nổi tiếng kia là không thể chấp nhận. Từ đây, mới thấy một điều là khi đụng chuyện với dân thì hầu hết các nhà báo ở Việt Nam đều hành xử rất đơn giản, là cứ “đánh đập” thoải mái.
Trong khi đó, ai sống trong làng báo trong nước đều biết rằng nếu đụng chuyện tương tự với công an chẳng hạn, có dám viết khơi khơi vậy không? Ví dụ, một anh cảnh sát giao thông ăn hối lộ thì được răn dạy rằng chỉ được viết cụ thể “công an A ăn hối lộ” chứ không được “khái quát” là “công an ăn hối lộ”. Các quan báo răn đe, dạy dỗ phóng viên của mình rất kỹ chuyện ấy, nhưng khi đối xử với dân thì… “thoải mái” đi!
Chả trách sao báo chí Việt ngày càng xấu xí trong mắt người dân. Bốn ông nhà báo ra ứng cử Hội đồng nhân dân TPHCM đều rớt cả bốn, dù cái hội đồng ấy cũng chỉ là ông phổng. Số lượng báo giấy sụt giảm thê thảm. Những tờ báo hàng đầu 400-500 ngàn bản/ngày bây giờ chỉ còn 20-30 ngàn bản/ngày trong những ngày này. Lượng truy cập của các bài báo trên online thì không bằng được lượng truy cập Facebook của các cây bút tên tuổi…
Báo chí Việt đang tự đào hố chôn mình… À không, nói chính xác hơn là nhà nước đang tự đào hố chôn các “đứa con” làm nhiệm vụ tuyên truyền cho họ!
Nguồn : Sài Gòn Nhỏ