Tin từ Geneva, ngày 26/6/2019: Năm cơ chế nhân quyền đặc biệt của Liên Hợp quốc (LHQ) đã gửi một báo cáo chung lên Uỷ ban Nhân quyền LHQ nói rằng Cảnh sát Hoàng gia Thái đã bắt cóc cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất và trao cho mật vụ Việt Nam.
Trong một lá thư chung mã số UA THA 5/201918gửi trong tháng Tư vừa qua, 2 nhóm công tác về bắt giữ độc đoán và về mất tích, 3 báo cáo viên đặc biệt về bảo vệ và cổ suý quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền, và về tra tấn và đối xử vô nhân đạo đã nói rằng blogger Nhất đã chạy khỏi Việt Nam và nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan vào ngày 19/1/2019.
Ông đến Văn phòng Cao uỷ về Người tỵ nạn của LHQ tại Bangkok ngày 25/1 để ghi danh xin tỵ nạn chính trị. Sau đó, khi đang ở khách sạn, ông thấy có 3 cuộc gọi từ số điện thoại Thái Lan mà phía LHQ cho rằng cảnh sát Thái đã thực hiện. Ông Nhất đã đi ra Future Park Mall ở quận Rangsit của Bangkok và tại đây ông bị giữ bởi cảnh sát Thái trong trang phục dân sự. Những người này giữ ông ở iBerry Café rồi giao ông cho 3 sỹ quan an ninh Việt Nam vào khoảng 20h cùng ngày. Mật vụ Việt Nam đã đưa ông lên một xe mang biển số Thái và đưa ông ra ngoài biên giới.
Ông Nhất được cho là bị đưa vào giam giữ ở Trại tạm giam T16 của bộ công an ở Hà Nội vào ngày 28/1. Gia đình ông được báo tin và đến thăm ông vào giữa tháng 3. Gần đây, phía công an công bố ông bị điều tra về cáo buộc “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 355 của bộ luật hình sự.
Các báo cáo viên cho biết trước khi phải trốn chạy khỏi Việt Nam vì ông có thể bị bắt do có ý định công bố thông tin nhạy cảm về một số quan chức cao cấp.
Họ cũng cho biết do hỗ trợ ông Nhất khi ông đến Thái Lan mà nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền cũng bị cảnh sát Thái theo dõi.
Các báo cáo viên nói việc Cảnh sát Hoàng gia Thái bắt cóc ông Nhất vi phạm vào quyền không bị bắt cóc biệt tích và tra tấn, Công ước về quyền dân sự và chính trị, và đề nghị Uỷ ban Nhân quyền có ý kiến với hai chính phủ Thái Lan và Việt Nam cung cấp đủ thông tin về sự việc của ông Nhất.
Hồ sơ về sự việc của ông Nhất cũng sẽ được chuyển cho Hội đồng Nhân quyền của LHQ.
Thư chung trên được ký bởi bà Elina Steinerte, phó trưởng Nhóm Công tác về bắt giữ độc đoán, ông Bernard Duhaime, phó trưởng Nhóm công tác về mất tích, ông David Kaye, báo cáo viên về bảo vệ và cổ suý quyền biểu đạt và tự do ngôn luận, ông Michel Forst, báo cáo viên đặc biệt về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền, ông Felipe González Morales, báo cáo viên đặc biệt về quyền của người di cư, và ông Nils Melzer, báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo.