“Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các nhà đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, khá nhiều trong số đó là luật sư hoặc đã từng học luật. Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Trần Vũ Hải… Tôi không gán mác đấu tranh dân chủ cho họ, tôi gọi họ là những người “mở miệng – lên tiếng”. Và tôi có cách lý giải riêng của mình cho thắc mắc này
Ở trường Luật, chúng tôi được đào tạo khá bài bản về lý thuyết, và gần như chỉ toàn lý thuyết. Thấy dù nghèo nàn lạc hậu nhưng Việt Nam có hệ thống luật pháp tương đối phát triển. Luật quy định vay phải trả, quan làm sai phải đi tù, cướp vài ổ bánh mỳ cũng bóc lịch, thậm chí làm tình với đàn bà không phải vợ cũng vô nhà đá. Ôi, mới công bằng văn minh bình đẳng bác ái làm sao! Công lý là trên hết, trên cả thượng đế!
Rồi nếu ai từng kinh qua khóa đàp tạo luật sư ở Học viện Tư pháp mới thấy quy trình tố tụng của chúng ta sao mà xuất sắc quá. Luật sư có quyền có mặt từ lúc lấy lời khai của người bị tạm giữ, lấy cung bị can cho đến cả có mặt trong các hoạt động điều tra khác: được quyền đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; được tranh luận tay đôi tay ba tại tòa… Luật sư oai như vua, sang chảnh chẳng khác nào diễn viên phim Ba anh em luật sư xứ Huê Kỳ.
Nhưng rồi sao, rời trường học, đi làm là cả một thế giới khác mở ra, đen ngòm. Nơi đó hầu hết nhưng điều đã học không được thực thi hoặc có thực thi nhưng theo kiểu zích zắc khôn lường. Anh đấy, bỏ mộng tưởng khoác măng tô đen tóc bóng lộn oai vệ bước vào phòng xử án đi, anh xà lỏn lúi cúi cầm phong bì của thân chủ luồn cửa sau đến nhà ai đó xoa tay dấm dúi, anh trưa nắng chiều mưa năm lần bảy lượt đến trụ sở cơ quan điều tra không lấy được cái giấy cho phép gặp thân chủ, anh tái mặt khi giữa phiên tòa thẩm phán quát anh ngậm miệng khi anh mới vừa mở nói được hai từ…
Anh học trường Y, làm bác sĩ anh cứ thế vận dụng cách thức được học mà cứu người. Anh học chế tạo máy, là kỹ sư anh cứ chiểu theo công thức thầy đã dạy anh đã thực hành mà sáng tạo. Còn anh, luật sư, hãy đợi đấy!
Tất nhiên công việc nào đôi khi cũng cần linh động, nhưng linh động trong thực thi pháp luật là điều tối kỵ. Mà chúng ta lại đang “linh động” theo một nghĩa kỳ quái của từ này. ”
Trên đây là stt tôi đã viết bảy năm trước nhân ngày Luật sư Việt Nam. Có vẻ như đã có những thay đổi (bề nổi) tích cực hơn ở phòng xử án. Một chút thôi, nhưng còn hơn không. Cảm ơn các bạn, những luật sư chân chính.
Thật trùng hợp, đúng ngày này, con gái 16 tuổi của tôi được nhận vào làm việc vặt cho một văn phòng luật sư. Khỏi phải nói cháu vui mừng đến mức nào, vì mơ ước của cháu là trở thành luật sư, bước tiếp con đường mà mẹ cháu đã bỏ dở để đi Mỹ xuất khẩu lao động.