Bài phát biểu của thủ tướng Olaf Scholz tại Hội nghị an ninh thế giới tại Munich

0
20
Olaf Scholz
(MSC) 2025. Nên đọc
Kính thưa ông Heusgen,
Kính thưa bà Beddoes,
Kính thưa quý vị,
Chúng ta đang ở cách trại tập trung Quốc xã Dachau khoảng 20 km. Dachau là một trong những nơi mà những tội ác chống lại nhân loại không thể đong đếm đã được thực hiện – bởi người Đức và nhân danh nước Đức. Hai ngày trước, Phó Tổng thống Mỹ đã đến thăm Dachau và sau đó đã nói một câu rất quan trọng. Tôi xin trích nguyên văn „Đài tưởng niệm ở đó cho thấy lý do tại sao chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo rằng điều đó không bao giờ xảy ra nữa.“ Tôi vô cùng biết ơn Phó Tổng thống Vance vì câu nói quan trọng này.
Bởi vì “Không bao giờ nữa” chính là bài học cốt lõi mà chúng tôi, những người Đức, đã rút ra sau Thế chiến thứ hai từ sự cai trị khủng bố của chế độ Quốc xã – cũng nhờ có sự hỗ trợ to lớn của Mỹ. “Không bao giờ nữa” là sứ mệnh lịch sử mà nước Đức, với tư cách là một nền dân chủ tự do, phải tiếp tục thực hiện mỗi ngày. Không bao giờ có chủ nghĩa phát xít, không bao giờ có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, không bao giờ có chiến tranh xâm lược.
Do đó, một đại đa số áp đảo trong đất nước chúng tôi mạnh mẽ phản đối những kẻ ca ngợi hoặc biện minh cho chủ nghĩa Quốc xã tội phạm. Đảng AfD là một đảng mà từ hàng ngũ của họ đã có những người hạ thấp sự tàn bạo của chủ nghĩa Quốc xã và những tội ác khủng khiếp của nó – những tội ác chống lại nhân loại như đã xảy ra ở Dachau – bằng cách gọi đó là “vết phân chim trên trang sử Đức”. Chính vì thế, một cam kết “Không bao giờ nữa” không thể đi đôi với sự ủng hộ dành cho AfD.
Chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài vào nền dân chủ của chúng tôi, vào các cuộc bầu cử của chúng tôi hay vào quá trình hình thành ý kiến dân chủ để ủng hộ đảng này. Điều đó là không thể chấp nhận được, đặc biệt là giữa bạn bè và đồng minh. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ điều đó. Cách nền dân chủ của chúng tôi tiếp tục phát triển như thế nào là do chính chúng tôi quyết định.
Nền dân chủ ngày nay của chúng tôi, ở Đức và ở châu Âu, dựa trên sự chắc chắn về mặt lịch sử rằng các nền dân chủ có thể bị phá hủy bởi những kẻ chống dân chủ cực đoan. Vì vậy, chúng tôi đã xây dựng các thể chế để bảo vệ nền dân chủ trước kẻ thù của nó và tạo ra những quy tắc nhằm bảo vệ chứ không phải hạn chế tự do.
Bảo vệ tự do và dân chủ trước những kẻ thù của nó luôn là điều gắn kết cộng đồng xuyên Đại Tây Dương của chúng ta – và cũng là điều đưa chúng ta đến đây, tại Munich hôm nay. Với tư cách là những người ủng hộ tự do và dân chủ, chúng ta đứng về phía Ukraine, đất nước đang bị tấn công. Tôi rất vui khi chính phủ Mỹ đã tái khẳng định mục tiêu chung của chúng ta: bảo vệ độc lập có chủ quyền của Ukraine. Sự độc lập có chủ quyền này cũng phải được phản ánh trong các cuộc đàm phán. Điều đó có nghĩa là: Không có gì (bàn) về Ukraine mà không có (mặt) Ukraine (Nichts über die Ukraine ohne die Ukraine)
Việc giờ đây các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga có sự tham gia của Ukraine là điều đúng đắn. Tôi cũng đã nhiều lần đối thoại với Tổng thống Nga để truyền tải rằng chúng tôi mong đợi một nền hòa bình công bằng ở Ukraine – và điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng tôi. Chúng ta đều đồng ý rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng hoặc bị thương, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Một nỗi đau khôn lường!
Thêm vào đó là sự leo thang và toàn cầu hóa xung đột ngày càng gia tăng do Putin gây ra: máy bay không người lái từ Iran, pháo và binh sĩ từ Triều Tiên, lính đánh thuê từ Yemen. Những hành động gây hấn của Nga chống lại các quốc gia thuộc liên minh xuyên Đại Tây Dương cũng là một phần của sự leo thang này: phá hoại cáp ngầm và cơ sở hạ tầng khác, các vụ tấn công bằng hỏa hoạn, tuyên truyền sai lệch, và nỗ lực thao túng các cuộc bầu cử dân chủ.
Sau ba năm chiến tranh, vẫn có một điều không thay đổi: Ai muốn thay đổi biên giới bằng vũ lực thì đang phá hoại nền hòa bình của chúng ta. Biên giới không thể bị thay đổi bằng bạo lực. Nguyên tắc này phải luôn có hiệu lực, với tất cả mọi người. Một chiến thắng của Nga hoặc sự sụp đổ của Ukraine sẽ không mang lại hòa bình mà chỉ khiến hòa bình và ổn định bị đe dọa hơn nữa – không chỉ ở châu Âu mà còn trên toàn cầu. Chỉ khi chủ quyền của Ukraine được bảo đảm, hòa bình mới có thể tồn tại. Một nền hòa bình áp đặt sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ của chúng tôi.
Chúng tôi, những người châu Âu, sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình trong các cuộc đàm phán sắp tới. Chúng tôi là những người hỗ trợ Ukraine mạnh mẽ nhất – và sẽ tiếp tục hỗ trợ chừng nào còn cần thiết. Chừng nào còn cần thiết không có nghĩa là kết thúc khi súng ngừng nổ. Ukraine phải có một quân đội đủ sức chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga trong tương lai. Điều này sẽ là một thách thức khổng lồ về tài chính, vật chất và hậu cần. Ukraine không thể tự mình thực hiện nhiệm vụ này trong tương lai gần. Do đó, chúng tôi, những người châu Âu, cùng với các đối tác xuyên Đại Tây Dương và quốc tế, vẫn sẽ cần tiếp tục hỗ trợ.
Viện Kinh tế Thế giới cho thấy Mỹ và Đức là những nước hỗ trợ Ukraine lớn nhất. Tính theo tổng số tiền, Mỹ đứng đầu. Nhưng nếu tính theo tỷ lệ so với sức mạnh kinh tế, Đức đóng góp gấp bốn lần Mỹ. Đây là một hình mẫu chia sẻ gánh nặng hiệu quả giữa các đồng minh và bạn bè.
Chúng tôi cũng cần tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Không chỉ để châu Âu có thể là một đồng minh ngang hàng với Mỹ, mà còn để chính chúng ta tiếp tục sống trong hòa bình. Mục tiêu phải là chống lại mối đe dọa từ Nga và đạt được mọi năng lực mà NATO yêu cầu.
Thưa quý vị, Hội nghị An ninh Munich là nơi lý tưởng để thảo luận về những ý tưởng như vậy. Một cái nhìn thực tế về thế giới cho chúng ta thấy: Đã đến lúc phải hành động!
Xin chân thành cảm ơn!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here