LÂM BÌNH DUY NHIÊN·17 THÁNG 11 2017
Khi soạn lại đóng bài đã viết từ bấy lâu nay, tình cờ thấy lại bài viết này. Mới đây đã gần 10 năm rồi!
Khi ấy viết dưới tên Lâm Bách Việt và bài này đã đăng trên trang Đàn Chim Việt. Nay không còn tìm thấy vết tích của nó trên này nữa.
—————————————————–
Sau cùng thì lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa hè 2008 cũng đã diễn ra. Đó là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với chính phủ Trung Quốc sau hơn 7 năm chuẩn bị. Họ hy vọng những chỉ trích về nhân quyền, về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tôn giáo sẽ được quên đi sau một lễ khai mạc rực rỡ với những tia pháo bông sáng rực trời Bắc Kinh.
Quả thật họ đã thành công khi đã đem lại những màn trình diễn nghệ thuật thật đặc sắc, đậm chất văn hóa Trung Hoa xen lẫn bất ngờ thú vị. Với gần 100 triệu mỹ kim cho lễ khai mạc và bế mạc, chính phủ Trung Quốc muốn làm thay đổi cách nhìn của thế giới tự do. Họ cũng không quên « phô trương » sức mạnh của một quốc gia đông dân nhất, của một Trung Quốc với nền kinh tế thứ 4 trên thế giới, với những con số phát triển đến chóng mặt…Thế vận hội là sự quảng cáo tuyệt vời nhất đối với chính phủ cộng sản. Hơn 5000 năm văn hiến, người Tàu như muốn truyền tải đến thế giới còn lại qua gần 4h trình diễn công phu, hoành tráng. Họ cứ như sợ nhân loại chưa hiểu, chưa biết rõ sức mạnh cũng như tiềm năng khổng lồ của họ. Bắc Kinh trở thành trung tâm của thế giới trong một đêm hè tháng 8, mọi ánh mắt đổ dồn về đây để tận mắt nhìn thấy sự trở lại của Thiên triều…Và cả 4 tỉ người đã trầm trồ trước khả năng cũng như sức mạnh Trung Hoa.
Và dường như cũng vào ngày 8 tháng 8, người Tây Tạng với nỗi niềm mất nước đã trở nên cô đơn hơn bao giờ hết ! Những cuộc biểu tình đâu đó tại Ấn Độ, tại Népal của người Tây Tạng, của những nhà sư tha hương dường như lạc lõng trước sức mạnh của hệ thống truyền thông quốc tế đang tập trung hướng về Bắc Kinh. Họ vẫn bị đàn áp, cấm đoán vì chính phủ các nước trên không muốn làm mất lòng Trung Hoa. Loáng thoáng tại New York, Bruxelles, Paris và Lausanne, những cuộc biểu tình êm dịu đã diễn ra như muốn nhắn nhủ với nhân loại rằng đằng sau sự hoành tráng, tưng bừng tại Bắc Kinh, nỗi đau của những người Tây Tạng vẫn còn nguyên đó !
Đức Dalai Lama và cuộc đấu tranh hòa bình của ông cho Tây Tạng như rơi vào sự lãng quên. Tất cả và gần như tất cả các nguyên thủ quốc gia đều đổ dồn về Bắc Kinh. Không biết họ nghĩ gì về những bạo tàn của nhà cầm quyền cộng sản, về sự tồn tại của những dân tộc thiểu số bị gán tội « khủng bố » hay về tương lai của dân tộc Tây Tạng vô cùng bé nhỏ trước « siêu thị trường ». Kinh tế là trên hết, số phận của những nhà sư chắc không thể bằng hơn 1 tỉ người Tàu đang thèm khát sự hưởng thụ !
Tất cả khác hẳn cái không khí cực kỳ căng thẳng của những ngày đầu tháng 3 khi chính phủ Trung Quốc ra sức đàn áp người Tây Tạng. Ngọn đuốc Olympic đã phải trãi qua những giờ phút « ô nhục » khi vấp phải sự chống đối mãnh liệt của những người yêu chuộng tự do, ủng hộ vấn nạn Tây Tạng. Lúc ấy, nhân loại như bị tát vào mặt, tự ái, sợ đụng chạm đến tâm thức vốn bình an của mình nên ra sức ủng hộ kẻ yếu thế. Họ cũng đã làm như vậy với nỗi đau Dafour, với dân tộc Miến Điện của bà Augn San Suu Kyi trong vài tuần lễ…thế là hết ! Cuộc sống vẫn là cuộc sống, sự phồn vinh của vài trăm triệu người trên thế giới này vẫn thắng nỗi đau của hơn 5 tỉ người còn lại. Đó cũng là thực tế phũ phàng của thời đại thị trường hóa.
Thế cho nên, sự vắng mặt của bà Angela Merkel, của Stephen Harper, thủ tướng Cananda khi quyết định không đến Bắc Kinh là một hành động đáng được trân trọng. Không thể nhắm mắt làm ngơ, thờ ơ mãi. Chính các vị lãnh tụ của các cường quốc, chứ không ai khác, là những người phải gởi đến nhà cầm quyền cộng sản, một bức thông điệp cứng rắn, nhất quyết về vấn nạn Tây Tạng. Chính sự thờ ơ này mà Ủy ban Olympic quốc tế đã sử dụng để tránh đề cập đến việc vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Jacques Rogge có lẽ là người lo âu và hồi hộp nhất. Ông lo âu vì đã trót trao quyền tổ chức cho một chính phủ độc tài. Hẳn ông và các vị có thẩm quyền của Ủy ban Olympic quốc tế đã hơi “nhẹ dạ” khi bỏ phiếu bầu Bắc Kinh. Nhưng có lẽ trên hết, ông đã thầm hy vọng sẽ được lưu danh về sau như người đã can đảm, đã nhìn xa khi ủng hộ Bắc Kinh. Ông tin rằng Trung Quốc sẽ thay đổi nhờ vào Thế vận hội, sẽ trở nên một quốc gia dân chủ nhờ vào Ủy ban Olympic, nhờ vào thể thao, và nhờ vào…ông. Thế cho nên ông ít phát biểu hay phản ứng khi được hỏi về tự do nhân quyền, về Tây Tạng…Ông im lặng một cách thờ ơ, chỉ biết nói rằng tinh thần Thế vận hội không dính đến chính trị. Ngay khi chính quyền Trung Quốc lật lọng đòi kiểm soát chặt chẽ Internet cách ngày khai mạc chỉ còn 1 tuần, ông cũng nín thinh, cau mày, nhăn nhó, khó chịu…Dẫu đêm 8 tháng 8, ông rất hài lòng, nhẹ nhõm đôi chút khi thấy sự tưng bừng, hoành tráng của lễ khai mạc, nhưng còn đến gần 18 ngày tranh tài tại Bắc Kinh, và cả những năm tháng “hậu Olympic” mà ông sẽ hồi hộp theo dõi những chuyển biến về chính trị, về xã hội ở xứ sở đông dân nhất này. Hẳn ông rất muốn tự hào chỉ tay với thế giới rằng ông đã có lý, nhưng ông có biết rằng ván bài mà ông và Ủy ban Olympic đang chơi với Bắc Kinh dường như rối rắm, chứ không đơn giản như ông tự nhủ!
“Một thế giới, một ước mơ – One World, One Dream”, chủ đề của đêm khai diễn do nhà đạo diễn Trương Nghệ Mưu dàn dựng, có lẽ chỉ thơ mộng và cao thượng trên phương diện nghệ thuật. Ác mộng bá quyền của chính quyền Trung Quốc không còn lạ lẵm gì nữa đối với các quốc gia nhỏ bé bên cạnh. Ước mơ hòa bình mà những người cộng sản phương Bắc hô hào chỉ nhằm mê hoặc dư luận quốc tế. Đàn áp và đồng hóa Tây Tạng hay những người thiểu số theo đạo Hồi Ouïgours. Xâm chiếm bất hợp pháp lãnh thổ Việt Nam, chính sách bành trướng kinh tế ở các nước Châu Phi nghèo khổ, “bảo kê” những chính quyền độc tài, đẫm máu tại Miến Điện, Sudan…đổi lại độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên… đó mới chính là bộ mặt thật của một chính phủ cộng sản. Họ thừa biết đang sở hữu một thị trường rộng lớn và trong một bối cảnh toàn cầu hóa, ai cũng muốn quan hệ song phương với họ. Chính cái tư tưởng ấy đã khiến họ hống hách hơn bao giờ hết. Ít ai dám can thiệp với họ, có chăng chỉ bóng gió như vẫn thường làm các nước khác. Thậm chí đối với nguồn tư tưởng bài Mỹ, Trung Quốc sẽ trở nên cường quốc số một vào năm 2035 để thay đổi cán cân trên bình diện quốc tế!

Nhưng đằng sau sự phát triển vượt bực về kinh tế, sự hào nhoáng nơi đô thị là cả một thảm cảnh về sự đói nghèo, lạc hậu của đại đa số người dân. Nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc chỉ được rất ít người thừa hưởng. Trên phương diện chính trị thì các hậu duệ của Mao vẫn luôn trung thành với lập trường của đảng. Thế vận hội 2008 là tủ kiếng phô trương thành tụ của đảng, nhưng lại là thảm họa của hàng triệu dân nghèo. Họ phải mất đất, mất nhà, nhường chỗ cho những xây dựng tiền tỉ dành cho hơn 19 ngày tranh tài. Dân nghèo tứ xứ đổ về Bắc Kinh làm việc từ 2001 đến nay chỉ để được “nén dồn” trong những ồ chuột ngoại thành. Sự mất thăng bằng trong phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng, sự chênh lệch giàu nghèo đến chóng mặt chắc chắn sẽ là cái giá phải trả lớn nhất của nhà cầm quyền sau những giờ phút huy hoàng khi bức màn nhung được kéo xuống.
Cao Hành Kiện trong tác phẩm Linh sơn, đã cho thấy một đất nước Trung Hoa vĩ đại với nền văn hóa giàu có, của núi rừng kỳ vĩ…nhưng ông cũng cho ta thấy một nước Trung Hoa với lịch sử của 5000 năm bạo liệt. Đó không chỉ là nền văn hoá của người Hán mà còn là nền văn hoá của các dân tộc ít người trên vùng biên giới Tây Nam, vốn luôn bị người Hán khinh rẻ và bị văn hoá Hán áp chế. Điều đó vẫn tiếp diễn ngày nay, và có lẽ khó chấm dứt khi giấc mộng bành trướng của họ vẫn chưa thành!
Và dẫu đêm nay, Trung Quốc có là trung tâm của nhân loại (họ muốn bằng mọi giá), có là cái rốn của vũ trụ đi chăng nữa, nó cũng chỉ là nhất thời vì họ còn khối việc phải làm để “cai trị” đất nước rộng lớn nhưng “dễ vỡ” của họ. Cuộc đấu tranh của người Tây Tạng và Đức Dalai Lama sẽ vẫn tiếp tục dẫu có được các ông lớn hậu thuẫn hay không, vì đó chính là sự sống còn của một nền văn hóa, là bản sắc của cả một dân tộc.
Dư luận và lương tâm quốc tế sẽ lại tự trăn trở, tổn thương trước thảm cảnh, sẽ lại huy động để ủng hộ người dân Tây Tạng. Hy vọng đó không chỉ là một hành động đấu tranh nhất thời. Bởi không, một ngày rất gần, Tây Tạng và những dân tộc thiểu số khác sẽ bị đồng hóa bởi sắc dân Hán dưới chiêu bài đoàn kết dân tộc.
Đó cũng chính là nước cờ sai lầm của Jacques Rogge và Ủy ban Olympic quốc tế khi trao quyền tổ chức sự kiện thể thao cao thượng lớn nhất hành tinh vào tay Bắc Kinh với hy vọng đối thoại sẽ mở cửa cho một Trung Quốc tự do dân chủ.
Lausanne, đêm 8 tháng 8 2008-08-09
Lâm Bách Việt