VOA
Bắc Triều Tiên cho tới giờ chưa trả lời đề nghị đối thoại quân sự hồi đầu tuần này của Nam Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nam Hàn Moon Sang-kyun hôm thứ Sáu 21/7 nói: “Bộ Quốc phòng một lần nữa kêu gọi Bắc Triều Tiên nhanh chóng trả lời đề nghị của chúng tôi.”
Lại bác bỏ
Tân tổng thống lên nắm quyền hồi tháng 5 vừa rồi của Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đi theo chính sánh hai mặt để giải quyết cuộc khủng hoảng đối đầu hạt nhân của Bắc Triều Tiên bằng việc ủng hộ các biện pháp chế tài của Mỹ đối với chế độ Kim Jong Un, nhưng cũng đồng thời tăng nỗ lực nối lại đối thoại liên Triều và trợ giúp miền Bắc khi có cơ hội.
Bộ Quốc phòng Nam Hàn đề nghị đối thoại với Bình Nhưỡng hôm thứ Sáu 21/7 để mở lại kênh liên lạc quân sự giữa hai nước, và để giảm thiểu hiểu lầm và ước tính sai lệch vào lúc tình hình căng thẳng leo thang khi Bắc Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Đây là đề nghị chính thức đầu tiên của Seoul kể từ khi các quan hệ xuyên biên giới bị cắt đứt hồi đầu năm ngoái dưới chính quyền của cựu Tổng thống Park Geun Hye, người đã áp dụng các lệnh chế tài đơn phương đối với miền Bắc khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân và phóng phi đạn.
Nhưng cho tới giờ Bắc Triều Tiên không đếm xỉa tới hoặc bác bỏ không những đề nghị đối thoại quân sự mà cả đề nghị tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, và đề nghị viện trợ nhân đạo của miền Nam.
Trước đó có những đồn đoán và lo ngại rằng Seoul có thể đề nghị một số nhượng bộ đơn phương để nối lại tiếp xúc, chẳng hạn như ngưng phát loa phóng thanh tuyên truyền dọc theo biên giới thường mạnh mẽ đả kích lãnh tụ Kim Jong Un của miền Bắc.
Nhà phân tích chính trị Bong Young-shik của khoa nghiên cứu Bắc Hàn thuộc Đại học Yonsei ở Seoul nhận định rằng: “Nam Triều Tiên có thể thôi đưa ra nhiều nhượng bộ quá mức cho Bắc Triều Tiên mà không nhận lại được gì.”
Nhưng báo Rodong Sinmun của nhà nước Bắc Hàn hôm thứ Năm gọi nỗ lực nối lại tiếp xúc của Nam Hàn là “vô nghĩa” và hàm ý rằng các mối quan hệ liên Triều sẽ không thể cải thiện chừng nào Seoul còn ủng hộ các lệnh chế tài đối với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã lên tiếng đề nghị Hoa Kỳ ngưng các cuộc diễn tập quân sự chung với Nam Triều Tiên để đổi lại việc Bắc Triều Tiên ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Không bên nào đồng ý với đề nghị của Bắc Kinh, nhưng Tổng thống Moon nói ông ủng hộ việc tái tục hoạt động ở khu công nghiệp liên doanh Kaesong và khu du lịch Núi Kim Cương – những dự án mang về cho miền Bắc hàng triệu đôla – để đổi lại việc Bình Nhưỡng ngưng hoạt động hạt nhân.
Các đồng minh cảnh giác
Nỗ lực nối lại tiếp xúc của Tổng thống Moon cho đến giờ không những bị Bình Nhưỡng bác bỏ mà còn khiến cho Mỹ lo ngại trong lúc nước đồng minh chính của Nam Hàn này đang gia tăng các biện pháp trừng phạt để đòi Bình Nhưỡng bỏ chương trình hạt nhân.
Washington đã đặt ra những điều kiện để làm việc với Bắc Triều Tiên, trong đó có việc Bình Nhưỡng phải thể hiện những bước chắc chắn ngưng hoạt động hạt nhân và đồng ý đám phán giải trừ hạt nhân. Hồi đầu tuần này, người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Sean Spicer dường như bác bỏ ý kiến nối lài đàm phán với Bắc Triều Tiên với phát biểu rằng điều đó “còn quá xa với điều kiện hiện nay của chúng tôi.”
Những người ủng hộ trừng phạt Bắc Hàn lo ngại rằng nỗ lực của Tổng thống Moon nối lại tiếp xúc với Bình Nhưỡng sẽ làm yếu đi áp lực của quốc tế.
Nhà phân tích tình hình an ninh khu vực Grant Newsham của Diễn đàn Nhật Bản về Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo nhận định: “Cách làm này đứng về mặt lý thuyết là mở cho Bắc Triều Tiên không gian rộng hơn để thở và có tiềm năng gây chia rẽ liên minh.”
Tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ kêu gọi áp dụng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng hôm 4 tháng 7 thử một phi đạn có thể là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên tin nói Nga chống lại đề nghị của Mỹ và cho rằng tên lửa đó không phải là tên lửa xuyên lục địa mà chỉ là một tên lửa tầm trung, do đó không cần đặt ra thêm biện pháp trừng phạt.
Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét một dự luật cho phép các biện pháp chế tài giáng tiếp đối với các công ty quốc tế và các cá nhân làm ăn với Bắc Triều Tiên, nhất là ở Trung Quốc, nơi có đến 90% giao dịch thương mại của Bắc Triều Tiên được thực hiện.
Thay đổi chế độ
Cũng trong ngày thứ Năm, tân giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA), ông Mike Pompeo đưa ra chỉ dấu rằng mục tiêu tối hậu của Mỹ là phế truất lãnh tụ Kim Jong Un của chế độ Bắc Triều Tiên.
Ông Pompeo phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Aspen, bang Colorado: “Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, dẹp sạch vũ khí hạt nhân ở đó điều trọng đại. Nhưng yếu tố nguy hiểm nhất của vấn đề là nhân vật đang kiểm soát những vũ khí đó vào lúc này. Do đó theo quan điểm của chính quyền, điều quan trọng nhất là phải tách rời hai yếu tố đó ra, đúng không?”
Ông giám đốc CIA nói rằng cộng đồng tình báo đang chuẩn bị nhiều phương án để chấm dứt mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Phát biểu của ông dường như mâu thuẫn với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson hồi tháng 5 rằng Mỹ không tìm cách thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên.