Huỳnh Thế Du
Theo quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 124/QĐ-TTg, ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ), đến năm 2020 tổng đàn lợn sẽ là 34 triệu con và sản lượng thịt là 4,8-4,9 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê trên trang Chăn nuôi Việt Nam, tổng đàn lợn đến ngày 01/10/2011 là 27,1 triệu con và sản lượng thịt là 3,1 triệu tấn (các số liệu được làm tròn đến một số thập phân và thống kê được thực hiện vào 01/04 và 01/10 hàng năm).
Với giả thiết kế hoạch tăng dần đều thì đến ngày 01/10/2016, tổng đàn lợn là 30,7 triệu con và sản lượng thịt là 4 triệu tấn.
Số liệu thực tế là 29,1 triệu con lợn và 3,7 triệu tấn thịt, thấp hơn kế hoạch đề ra.
Theo tình hình chăn nuôi tháng 04/2017 trên trang Chăn nuôi Việt Nam: “Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số lượng lợn cả nước giảm 0,2% so với cùng kỳ 2016.”
Như vậy, khả năng cao là đàn lợn hiện tại đang thấp hơn Quy hoạch 2012 do Bộ NN&PTNT lập và được Thủ tướng phê duyệt năm 2012.
Bây giờ tình hình đàn lợn như vậy và những người nuôi lợn lãnh đủ thì tội vạ thuộc về ai? Người trình, người ký, người dân hay tất cả hoặc không ai cả?
Là người nghiên cứu về công tác quy hoạch và kế hoạch, thú thực tôi chưa thấy quy hoạch/kế hoạch nào của Việt Nam (từ nuôi con này, trồng cây kia đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp) là thực tế mà gần như tất cả đều bị “vỡ trận”.
Thực ra, vấn đề không nằm ở các “bản vẽ” vì hầu như chẳng ai biết ngày mai mình sẽ như thế nào huống gì ngồi “vẽ” những thứ trong hàng chục năm tới mà chúng chịu tác động bởi vô vàn các yếu tố khác nhau.
Do vậy, trên thực tế các “bản vẽ” dạng này hoặc là để cho có hoặc là vì những “mục tiêu” cụ thể nào đó mà thôi và công tác quy hoạch và lập kế hoạch ở Việt Nam đang trở thành công cụ rất tốt cho các nhóm lợi ích và lợi ích cục bộ thao túng để rồi làm cho kinh tế thị trường bị dặt dẹo và méo mó như hiện nay.
Cách tốt nhất là Việt Nam nên bỏ cách làm quy hoạch hiện tại chứ cứ ngồi “vẽ” rồi tập trung nguồn lực một đằng, nhưng thực tế một nẻo thì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” vẫn là điệp khúc quen thuộc và Việt Nam sẽ vẫn “chả chịu phát triển” như bà Phạm Chi Lan từng nói.
Thị trường có những khuyết tật/thất bại cần sửa chữa nên cần có vai trò của nhà nước, nhưng không phải bằng cách nhà nước làm thay hay áp đặt chủ quan và duy ý chí để dẫn đến hậu quả tồi tệ hơn.