Nguyễn Văn Tung
28-3-2017
Vào giữa tháng 3, khi hai báo lề dân “Dân luận” và “Anh Ba sàm” công bố 3 tài liệu mật của dự án Mobifone mua AVG (2 công văn của Bộ TTTT, 1 công văn của Bộ KH-ĐT) thì mọi người đã hoàn toàn tin tưởng vào sự chính xác trong loạt bài phóng sự điều tra của Nguyễn Văn Tung. Bài 13 của loạt bài “Ai làm khánh kiệt đất nước”, với những số liệu xác đáng và những lập luận sắc như lưỡi dao lam, tác giả Dương Vũ đã cung cấp cho độc giả góc nhìn sâu hơn về âm mưu lừa đảo của nhóm lợi ích Phạm Nhật Vũ – Phạm Đình Trọng – Lê Nam Trà trong vụ đại án AVG.
Theo thông tin mới nhất, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ sẽ phải công bố kết luận thanh tra toàn diện vụ việc Mobifone mua AVG trước ngày 31/3 (vì đã quá hạn công bố kết quả thanh tra như quy định tại Luật Thanh tra).
1. Hoàn cảnh u ám của MobiFone sau khi mua AVG:
Có lẽ, cái nhìn khách quan nhất và tổng quan nhất là việc đánh giá ngôi thứ trong làng viễn thông Việt Nam của ba nhà mạng: Viettel, Mobifone, VNPT Vinaphone.
Theo “Báo cáo đánh giá 20 nhà mạng có thương hiệu giá trị nhất của Đông Nam Á” do Brand Finance (công ty hàng đầu thế giới về tư vấn và thương hiệu, có trụ sở chính tại Anh) công bố vào ngày 15/3 thì Viettel đứng thứ 2 trong khu vực (tăng 5 bậc so với năm trước) với giá trị thương hiệu là 2.68 tỷ USD (tăng 1.7 tỷ USD so với năm trước). VNPT Vinaphone đứng thứ 10 trong khu vực (tăng 10 bậc so với năm trước) với giá trị thương hiệu là 1.04 tỷ USD (tăng 758 triệu USD so với năm trước). Trong khi đó, Mobifone đứng thứ 17 (giảm 2 bậc so với năm trước) với giá trị thương hiệu là 391 triệu USD (giảm 148 triệu USD so với năm trước). Brand Finance đánh giá giá trị thương hiệu dựa trên 3 yếu tố chính: sức mạnh thương hiệu, kết quả kinh doanh, các khía cạnh bên ngoài.
Đây là kết quả rất đáng buồn cho Mobifone, khiến cho toàn thể cán bộ nhân viên Mobifone qua các thế hệ rất ngậm ngùi. Sau nhiều năm đứng ở vị trí thứ 2 trong top 3 nhà mạng di động (Viettel, Mobifone, Vinaphone) thì Mobifone đã chính thức rơi xuống vị trí thứ 3! Giá trị thương hiệu của Mobifone chỉ bằng 1/6 so với Viettel! Lý do chính khiến giá trị thương hiệu Mobifone giảm sút mạnh chính là do kết quả kinh doanh năm 2016 rất yếu kém (lợi nhuận của Mobifone năm 2015 đạt 7.200 tỷ đồng thì lợi nhuận năm 2016 chỉ đạt 5.200 tỷ đồng). Mức lợi nhuận năm 2016 của Mobifone bằng mức lợi nhuận của Mobifone đúng 10 năm trước!
Mức lợi nhuận của Mobifone giảm đi 2.000 tỷ đồng trong năm 2016 chính là do tác động của thương vụ Mobifone mua AVG (vì Mobifone chỉ đầu tư khoảng 4.000 trạm BTS trong năm 2015 nên chi phí khấu hao tính vào năm 2016 không nhiều). Nếu là tiền của riêng Lê Nam Trà thì Lê Nam Trà cũng không dại gì bỏ ra 8.900 tỷ đồng để ôm “cục nợ” AVG có doanh thu thực chưa đến 1.000 tỷ đồng/năm và lỗ thực khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Sau khi nhẫn tâm loại vị khai quốc công thần Lê Ngọc Minh ra khỏi vị trí chủ tịch Công ty VMS vào tháng 7/2015, ngay trước thời điểm VMS tách ra khỏi VNPT. Lê Nam Trà lên chức Tổng Giám đốc Mobifone vào tháng 9/2015 và kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone từ ngày 31/12/2015. Như vậy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất của Mobifone về kết quả kinh doanh yếu kém và sự rớt hạng của Mobifone năm 2016?
Trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2016, lợi dụng việc tập trung quyền lực (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc), Lê Nam Trà đã dùng chiêu bài “tái cơ cấu” tổ chức, nhân sự để sắp xếp đội ngũ đệ tử vào tất cả cả vị trí then chốt của Mobifone (từ Tổng Công ty đến các trung tâm khu vực) dẫn đến việc Mobifone trở thành một tổ chức khép kín hoạt động theo sự điều khiển của riêng Lê Nam Trà (một hình thức băng đảng mafia). Toàn bộ các dự án lớn của Mobifone trong các lĩnh vực: viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ thuê ngoài… đều rơi vào tay các công ty sân sau của Lê Nam Trà như ITT, Sao Phương Nam… Dưới thời Lê Nam Trà cai trị, toàn bộ hệ thống quản trị tiên tiến và văn hóa doanh nghiệp minh bạch của Mobifone kế thừa từ giai đoạn triển khai hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Thụy Điển đều đã mất sạch, thay vào đó là thứ văn hóa sặc mùi “kim tiền”, “làm ngay, ăn liền” của nhóm băng đảng đến từ Sài Gòn. Thương thay cho Mobifone!
Sau khi Mobifone bỏ ra 8.900 tỷ đồng (bằng 60% vốn điều lệ) để mua AVG, tình hình luồng tiền của Mobifone căng như dây đàn! Năm 2016, Mobifone chỉ hoàn thành 30% chỉ tiêu phát triển truyền hình, việc Lê Nam Trà tuyên bố AVG có lãi trong năm 2016 chỉ là bố láo khi Mobifone đã dùng nhiều biện pháp để chuyển lợi nhuận sang trợ giá cho AVG. Số đầu thu AVG mua từ năm 2016 vẫn còn đang tồn kho 360.000 cái (AVG tồn 180.000 đầu thu, 180.000 đầu thu còn lại đang nằm trong kho của 9 công ty kinh doanh khu vực). Với giá đầu thu cao ngất ngưởng (trong khi các đối thủ VTV Cap, SCTV, K+ đều khuyến mãi cho không đầu thu) thì dự báo tình hình kinh doanh truyền hình của AVG và Mobifone trong năm 2017 sẽ tiếp tục bết bát.
2. Vạch trần kế hoạch lừa đảo của Phạm Nhật Vũ, Phạm Đình Trọng và Lê Nam Trà:
Như tác giả Dương Vũ đã nêu, công ty Hồng Kông 8026 hoàn toàn chỉ là con chim mồi. Số tiền đặt cọc 10 triệu USD của công ty Hồng Kông 8026 chỉ là con số tưởng tượng và Bộ Công An có thể xác minh ngay. Ngoài ra, với việc Bộ TTTT gửi Bộ Công An xin phê duyệt giá và Bộ TTTT gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính xin ý kiến về công nghệ cũng là chiêu trò lắt léo của nhóm lợi ích này.
Công văn ngày 20/1/2016 của Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Bộ TTTT chỉ đạo Mobifone tạm dừng việc thực hiện hợp đồng mua AVG để đánh giá lại. Tuy nhiên, một số quan chức Bộ TTTT và Lê Nam Trà đã phớt lờ cảnh báo này, Lê Nam Trà chỉ đạo Mobifone tiếp tục gấp gáp chuyển số tiền 8.000 tỷ đồng cho Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016 nhằm đưa vụ mua AVG vào “sự đã rồi”, ở đây, hành vi cố ý làm trái đã quá rõ!
Với các chứng cứ nói trên, Thanh tra Chính phủ hoàn toàn có thể gửi hồ sơ thanh tra sang Bộ Công An để khởi tố Phạm Nhật Vũ, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Nhà nước” và “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Số tiền tham nhũng trên 5.000 tỷ đồng từ vụ đại án này, Phạm Nhật Vũ đã chia cho những ai? Có lẽ Thanh tra Chính phủ, phối hợp với cơ quan điều tra, biết cách làm cho Phạm Nhật Vũ và Lê Nam Trà khai ra.
3. Về giá trị thực của công ty AVG:
Theo thông tin từ Tổng cục 5 thì Hội đồng thẩm định giá (Bộ Tài chính) đang làm những bước cuối cùng trong việc thẩm định giá AVG. Với hàng nghìn tỷ đồng chạy án của Lê Nam Trà và sức ép từ Tô Lâm, liệu các thành viên Hội đồng định giá này có dám làm việc công tâm hay không?
Rõ ràng, việc định giá AVG vào cuối năm 2015 của VCBS, MAXX, ASC… là rất có vấn đề khi các công ty này tính giá trị của bốn băng tần 700 Mhz (vốn là tài nguyên quốc gia) vào giá trị vô hình của AVG và các số liệu dự báo kinh doanh AVG trong giai đoạn 2016-2020 được “vẽ” bức tranh tăng trưởng rất hoành tráng (đáng lẽ phải dự báo số liệu kinh doanh AVG giai đoạn 2016-2020 trong điều kiện AVG tiếp tục kinh doanh và kế thừa đà thua lỗ của các năm trước chứ không phải là trong điều kiện được chuyển nhượng về cho Mobifone). Cũng cần lưu ý là Brand Finance chỉ định giá thương hiệu Mobifone chỉ ở mức 391 triệu USD (tương đương khoảng 9.000 tỷ đồng), vậy mà giá trị vô hình của AVG được định giá lên đến 7.300 tỷ đồng (?).
Với một công ty quặt quẹo, đã thua lỗ hơn nửa vốn điều lệ, là nạn nhân của Phạm Nhật Vũ trong việc rút ruột hơn 2.000 tỷ đồng qua việc đầu tư vào An Viên BP và Mai Lĩnh, số thuê bao thực chưa đến 700 nghìn, gặp nhiều thế yếu trong kinh doanh (vùng phủ sóng hẹp, chất lượng sóng không ổn định, giá đầu thu cao, không có kênh truyền hình nội dung độc quyền…) thì giá trị AVG tối đa cũng chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng (hiện nay, VTV Cap và SCTV đang được định giá khoảng 3.000 tỷ đồng trong khi SCTV và VTV Cap có số thuê bao và làm ăn có lãi gấp nhiều lần AVG).
4. Về các sai phạm của Lê Nam Trà:
Trong loạt 16 bài đã đăng từ tháng 1/2016 đến nay, chúng tôi đã nêu rõ sai phạm của Lê Nam Trà trong các bài từ bài 10 đến bài 15. Các sai phạm mang tính “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng” của Lê Nam Trà là rất rõ ràng: không lập dự án nhóm A để báo cáo phê duyệt, bỏ qua tình hình tài chính yếu kém nghiêm trọng của AVG, dự báo số liệu rất lạc quan mà không có sở cứ (đặc biệt lại dự báo trong điều kiện Mobifone mua và hỗ trợ AVG), gấp gáp chuyển hết tiền cho Vũ khi đã có cảnh báo của Bộ KHĐT, đổi thương hiệu AVG thành MobiTV (dẫn đến việc thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng từ việc mất thương hiệu AVG), bù chéo lợi nhuận của Mobifone sang AVG (hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động truyền thông và dịch vụ giá trị gia tăng)….
Với những sai phạm rõ ràng như trên, không hiểu sao Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh và đoàn Thanh tra Chính phủ không có hành động gì, không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra (như chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng)? Họ đã làm mất thanh danh của toàn ngành Thanh tra Chính phủ!
Hội nghị Trung ương 5 sắp đến gần, Trịnh Xuân Thanh sẽ sớm bị bắt và bị dẫn độ về Việt Nam. Nhân dân cả nước nói chung và cán bộ, nhân viên Mobifone các thế hệ đang trông ngóng Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo quyết liệt để Thanh tra Chính phủ phải công bố kết luận trước 31/3 để những con sâu tham nhũng như Phạm Nhật Vũ, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Phạm Phương Anh, Hồ Tuấn sẽ phải ra trước vành móng ngựa và Phạm Nhật Vũ phải trả lại số tiền 8.900 tỷ đồng tham nhũng AVG cho Nhà nước.
____
Mời xem lại: Kỳ 1: Lê Nam Trà – Tay trong con gái Thủ tướng phá hoại 20 năm phát triển bền vững của Mobifone — Kỳ 2: Lê Nam Trà và đại án tham nhũng ở Mobifone — Kỳ 3: Sau AVG, Lê Nam Trà và Nguyễn Thanh Phượng đang âm mưu những gì ở Mobifone? — Kỳ 4: Mobifone ngang nhiên thách thức các nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ — Kỳ 5: Việc thanh tra toàn diện vụ tham nhũng AVG ở Mobifone liệu đã bắt đầu? — Kỳ 6: Cuộc điều tra tham nhũng AVG tại Mobifone đã thực sự bắt đầu — Kỳ 7: LÊ NAM TRÀ ĐANG PHÙ PHÉP VỤ AVG NHƯ THẾ NÀO? — Kỳ 8: Đại án 8.900 tỷ tại Mobifone: hồi chuông đã gióng — Kỳ 9: Đại án tham nhũng MobiFone mua AVG: Lê Nam Trà đang lo lót đoàn Thanh tra Chính phủ — Kỳ 10: Đã đủ điều kiện cấu thành một vụ đại án, thưa Tổng Bí thư và Quốc hội! — Kỳ 11: Đại án tham nhũng MobiFone mua AVG: đã quá đủ điều kiện để khởi tố, thưa Tổng Bí thư và Thủ tướng — Kỳ 12: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: đừng để “con voi lọt qua lỗ kim”, thưa Tổng bí thư và Thủ tướng — Kỳ 13: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: xin hãy giải cứu Mobifone — Kỳ 14: Yêu cầu Thanh tra Chính phủ công bố ngay kết luận — Kỳ 15: Phép thử đối với Tổng Bí thư và Thủ tướng về khả năng chống tham nhũng — Kỳ 16: đề nghị Tổng bí thư, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ công bố ngay kết luận Thanh tra