Vua Tiếng Việt là ai?

0
64
   

Thái Hạo

Vua Tiếng Việt là một trò chơi truyền hình có mục đích và tham vọng khá lớn như chính những người làm chương trình đã tuyên bố. Sau những sai sót suốt 2 năm qua ở chương trình này, dù ông Hoàng Tuấn Công đã kiên nhẫn chỉ ra, đến nỗi, nay, nhiều người phải phát biểu rằng VTV nên dừng chương trình này lại; nhưng cùng với sự “kiên định” của mình, Vua Tiếng Việt không những không sửa lỗi mà còn lặp lại và phát sinh thêm. Điều ấy khiến tôi tò mò: không biết ai là “tác giả” của Vua Tiếng Việt?.

Theo báo Lao Động (2021), nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng Ban sản xuất các chương trình Giải trí – Đài Truyền hình Việt Nam là Chỉ đạo sản xuất chương trình Vua tiếng Việt; còn Khuất Ly Na là đạo diễn của chương trình này.

Một thông tin thú vị mà chúng tôi đọc thấy trên nhiều báo, trong đó có VietnamNet (2021), là đạo diễn Khuất Ly Na là con gái của bà Tạ Bích Loan. Bài báo cho biết “Là con gái của người phụ nữ quyền lực nhất kênh VTV3 – nhà báo, MC Tạ Bích Loan nhưng Khuất Ly Na lại cực kỳ kín tiếng. Cô gái sinh năm 1992 được biết là một người trẻ tài năng, đam mê với nghệ thuật kịch”.

Tuy thế, theo tôi, ngoài những sai sót chuyên môn liên tục mắc phải mà ông Hoàng Tuấn Công cùng nhiều người khác đã lên tiếng, Vua Tiếng Việt còn tồn tại nhiều vấn đề rất đáng bàn.

Cái tên “Vua Tiếng Việt” có lẽ ngầm ý rằng, đây là cuộc chơi/ cuộc thi nhằm tìm ra người giỏi tiếng Việt nhất. Nhưng với những phần thi và câu hỏi của nó, tôi thấy rằng khó mà tìm ra “vua” bằng cách ấy. Trước hết, giỏi tiếng Việt cần được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất là người nào dùng tiếng Việt một cách chính xác, hay và hiệu quả; thứ hai là người có tri thức sâu rộng, uyên bác về tiếng Việt. Căn cứ vào nội dung của chương trình, chúng tôi thấy Vua Tiếng Việt chủ yếu được tổ chức theo hướng thứ nhất. Tuy nhiên, như đã nói, với cách hỏi – đáp như đang diễn ra, khó lòng mà tìm được Vua Tiếng Việt, dù có thể tìm ra được “nhà vô địch” với số tiền thưởng lên tới 320 triệu đồng. Vì sao?

Vua Tiếng Việt có 4 phần chơi, gồm Phản xạ, Giải nghĩa, Xâu chuỗi, Soán ngôi. Nhưng các phần chơi này đều có vấn đề nếu đặt mục tiêu tìm ra “vua”. Đầu tiên là Phản xạ. Những câu trả lời đúng trong phần này khó mà khẳng định được là người ấy có giỏi tiếng Việt hay không. Ví dụ, cho các chữ cái được sắp xếp lộn xộn và yêu cầu xếp lại để thành một từ đúng với đáp án của chương trình. Cách ra đề kiểu này cùng lắm là tìm được những người nhanh tay nhanh mắt, chứ khó mà nói lên điều gì. Hay, như phần Giải nghĩa: người chơi phải diễn giải làm sao để bạn chơi gọi đúng được từ mà chương trình đưa ra. Đây là một ví dụ. Để giúp bạn chơi gọi ra được từ “đậu tương”, người chơi đã “giải nghĩa” như sau: “từ ghép, hai từ. Từ thứ nhất là trong các loại đỗ thì có đỗ gì đó, và từ thứ hai thì là nó phù hợp với cái gì đấy. […] Đỗ gì? Đỗ đen này, đỗ xanh này… Đỗ gì mà để làm đậu ấy”. Một bạn nhấn chuông trả lời “tương đồng”. “Sắp đúng rồi đấy. Từ thứ hai… Nó nghiệm với một cái gì đấy”. “Mẩn ngứa ngoài da đấy”. Bấm chuông: “Tương ứng”. “Tương ứng, chính xác!” (Vua Tiếng Việt mùa 3, tập một).

Đó, cái cách người ta “giải nghĩa” một từ theo lối ấy thì hoàn toàn không phải là giải nghĩa mà cũng chẳng giúp ai nâng cao hiểu biết tiếng Việt hơn, nếu không nói là góp phần làm hỏng vì không những không cung cấp được khái niệm chính xác mà còn “giải nghĩa” rất buồn cười, khiến người chơi và người xem hiểu biết lệch lạc về nghĩa của từ.

Phần Xâu chuỗi cũng có vấn đề tương tự. Ở đây, chương trình đưa ra những từ được sắp xếp lộn xộn và ”người chơi giành điểm bằng cách sắp xếp các từ thành câu có nghĩa”. Lạ là, khi người chơi đã “sắp xếp thành câu có nghĩa” nhưng lại không được chương trình chấp nhận. Ví dụ: với chuỗi “bát/ ba/ cơm/ Ăn/ những” nhưng khi người chơi đưa ra đáp án là “Ăn những ba bát cơm” thì lại không được chương trình chấp nhận, mà “đáp án đúng” phải là “Ăn cơm những ba bát!” (mùa 3 – tập 2).

Một ví dụ khác (VTV mùa 3, tập 1) với chuỗi “mơ,/ đắng?/ Bao/ nhiêu/ mà” người chơi đã xếp lại “Bao nhiêu mơ, mà đắng?” và đây chính là đáp đúng của chương trình. Nhưng căn cứ vào đâu để cho rằng đây là trật tự đúng, giả sử người chơi xếp là “Bao nhiêu mà mơ, đắng?” thì sao, liệu có được chấp nhận không? Không, bởi đây là một câu thơ của Vũ Hoàng Chương, và người chơi phải xếp đúng trật tự của câu thơ ấy, không cần biết anh có biết gì đến bài thơ ấy hay không. Đây là một đòi hỏi vô lý, vì ngôn ngữ thơ ca rất đặc biệt, lắm khi nó tạo ra một thứ ngôn ngữ không bình thường chút nào; vậy sự sắp xếp của người chơi là rất hên xui; thứ nữa, nó [đáp án] phủ nhận luôn cả những trật tự đúng trong tiếng Việt (chỉ vì không đúng với câu thơ). Lấy ngôn ngữ thi ca làm chuẩn duy nhất cho tiếng Việt, đó không phải là một nhận thức đúng. 

Tôi gặp lại cách “ra đề” này của Vua Tiếng Việt thường xuyên, ví dụ ở mùa 3 – tập 2 với “chuỗi” “son/ mềm!/ Trên/ ta/ lưỡi/ liếc/ môi/ gươm” và sau một hồi đưa ra hết phương án này đến phương án khác, như  “Trên lưỡi gươm ta liếc môi son mềm”, “Trên lưỡi gươm môi son mềm ta liếc”, nhưng không được chấp nhận, dù rằng chúng đều có nghĩa. Cuối cùng một người nói: “Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm”. Xuân Bắc đã phải kêu lên “Làm sao có thể nhờ! Cứ loanh quanh luẩn quẩn thì trăm bó đuốc cũng bắt được con ếch, nhỉ”. Nhưng đây là câu thơ trong bài Mộng cầm ca của Bích Khê, người chơi không hề biết điều ấy và cứ đoán mò, nhưng phải đúng trật tự của câu thơ. Đó là một cách ra đề rất phản tiếng Việt. Vì nếu đề chỉ yêu cầu sắp xếp lại cho “chuỗi” có nghĩa thì người chơi hoàn toàn có thể xếp: “Trên lưỡi gươm mềm ta liếc môi son”/ Trên gươm mềm môi son, ta liếc”…Cách ra đề này không thể tìm ra vua được, cùng lắm nó chỉ có thể tìm ra người may mắn bằng một sự đánh đố của người ra đề.

Điểm qua mấy phần chơi của Vua Tiếng Việt với cách “ra đề” và cách “làm bài” như thế để thấy nó gặp vấn đề rất lớn về “phương pháp thi cử”, nếu không nói rằng nó đang góp phần làm hỏng tiếng Việt, chỉ vì những thứ vui vui được tạo ra một cách rất tùy tiện của những pha mất điểm hoặc ăn điểm.

Tóm lại, cùng với những sai sót liên tục về mặt chuyên môn cụ thể thì phương pháp thi của Vua Tiếng Việt không hề hứa hẹn sẽ tìm thấy “vua” dù có tìm ra người chiến thắng đi chăng nữa. Bởi, năng lực tiếng Việt không phải được thể hiện ở những sự đoán mò, những lối giải nghĩa bậy, những kiểu sắp xếp tình cờ và vi phạm các nguyên tắc sơ đẳng của đặc trưng một ngôn ngữ. Một chương trình mà sai sót nhiều về cả kiến thức chuyên môn và hỏng cả về “phương pháp thi cử” như vậy, liệu có thể nói rằng đạo diễn của nó là một “tài năng”, ít nhất là đối với sự am hiểu tiếng Việt? Vai trò và trách nhiệm của đạo diễn lẫn chỉ đạo sản xuất ở đâu trước các sai sót và sai lầm này? Phải chăng những người tổ chức và sản xuất Vua Tiếng Việt đang lực bất tòng tâm?

Giỏi tiếng Việt trước tiên được thể hiện ở chỗ nói đúng, viết đúng (chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp…) và cùng với nó là nói hay, viết hay, diễn tả được những nội dung từ đơn giản đến phức tạp và có những sáng tạo độc đáo, góp phần làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc. Ở Vua Tiếng Việt, tôi chưa thấy hầu như tất cả những đòi hỏi này, ngoại trừ yêu cầu viết đúng chính tả. Oái oăm thay, ở chính nội dung này, Vua Tiếng Việt lại rất hay sai chính tả với những lỗi nặng tới mức không ai có thể ngờ tới.

Thái Hạo

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here