Cảm nhận sau suất chiếu ra mắt bộ phim “Cảm tình viên” của HBO

1
94
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt gặp gỡ khán giả sau buổi chiếu phim (Ảnh: Bùi Văn Phú)
   

Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú [bbc.com/vietnamese 04.04.2024]

Tối thứ Hai 1 tháng Tư, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã gặp gỡ khán giả ở miền bắc California để giới thiệu bộ phim “Cảm tình viên” – The Sympathizer – dựa trên tiểu thuyết cùng tên đã đưa ông lên đỉnh văn đàn Mỹ với giải Pulitzer 2016.

Năm 2021 hệ thống truyền hình HBO đã chọn tiểu thuyết gián điệp này để chuyển thể thành phim và sau ba năm thực hiện bộ phim sẽ được chính thức tung ra chiếu vào ngày 14/4 tới đây.

Khoảng 150 khách mời đã có mặt tại rạp AMC – Eastridge Mall, San Jose để xem tập đầu tiên, trong 7 tập, mỗi tập dài 60 phút.

Buổi chiếu phim ra mắt hôm nay do HBO và Gold House tổ chức, cùng sự hợp tác của A24, CapeUSA, Vietnamese American Roundtable và Diasporic Vietnamese Artists Network. Nhiều khách đến sớm đã nhận được quà tặng là tác phẩm “The Sympathizer” ấn bản mới nhất.

Ai đã đọc tác phẩm này thì biết cảm tình viên chính là điệp viên hai mang, một đại uý cảnh sát làm việc ngay trong văn phòng Tư lệnh Cảnh sát Đặc biệt do một ông tướng có tên Trưởng là cấp chỉ huy.

“I am a spy, a sleeper, a spook, a man of two faces”, câu dẫn nhập vào tiểu thuyết đã mô tả nhân vật chính: một điệp viên, nằm vùng, quỉ quái, hai mặt.

Phần giới thiệu của bộ phim đan xen hình ảnh cảm tình viên (Hoa Xuande) tìm cách lấy thông tin mật từ văn phòng của ông tướng (Toan Le), những cảnh gặp gỡ, trao đổi với nhân viên CIA (Robert Downey Jr., vừa đạt giải nam diễn viên phụ xuất sắc của Oscar 2024), là cảnh nữ cán bộ giao liên cộng sản (Kayli Tran) bị bắt vì nhận tài liệu, bị tra tấn nhưng không chịu khai ra người đã chuyển tài liệu mật, chính là cảm tình viên đang ngồi trong phòng thẩm vấn cùng nhân viên CIA và an ninh của Việt Nam Cộng hoà.

Không gian là Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975 khi chiến tranh ngày càng lan gần đến thủ đô, với pháo kích vào thành phố, người dân tìm đường di tản, trong khi ông tướng vẫn tin vào Hoa Kỳ, tin vào Kissinger, còn người của CIA khuyên ông nên ra đi.

Trong phim có cặp nghệ sĩ đàn hát, vang vang lời ca: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe… một vùng thịt xương có mẹ có em” của Trịnh Công Sơn, mà có người lính cho nhạc sĩ là cộng sản, có người chỉ coi ông là một nghệ sĩ phản chiến.

Khi quyết định đem gia đình ra đi, xe của ông tướng chạy qua đường phố trong tiếng hùng ca: “Khoẻ vì nước kiến thiết quốc gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba…” là một bi hài kịch Việt Nam mà Nguyễn Thanh Việt muốn nói lên xuyên suốt qua tác phẩm. Nhiều hình ảnh của Sài Gòn hiện lên, như quá khứ tháng Tư hiện về. Xe chạy qua trụ sở Hạ viện, nơi dưới chân bức tượng Thuỷ quân Lục chiến có một trung tá cảnh sát vừa dùng súng tự vẫn. Ông tướng và đoàn tuỳ tùng giơ tay chào tiễn biệt rồi chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất. 

Bốn là người lính Việt Nam Cộng hoà, nha sĩ Mẫn theo cộng sản và cảm tình viên, ba người cắt máu kết nghĩa với nhau. Khi cuộc chiến đến hồi kết thúc, Mẫn ở lại và cảm tình viên cũng muốn ở lại để chung tay xây dựng đất nước. Nhưng như biết trước rằng ông tướng khi qua Mỹ sẽ tiếp tục chống cộng, tổ gián điệp cộng sản muốn gài cảm tình viên đi theo ông, để tiếp tục theo dõi hoạt động của người Việt chống cộng ở Mỹ, như thế sẽ giúp cho tổ quốc nhiều hơn, vì cảm tình viên từng sống ở Mỹ, hiểu về văn hoá xã hội Hoa Kỳ.

Gia đình Bốn và cảm tình viên vào được bên trong phi trường giữa cơn hỗn loạn và đạn pháo đã giết chết vợ và con của Bốn. Còn hai người lên được máy bay di tản.

Phần cuối của tập một giới thiệu sơ qua về cuộc sống của cảm tình viên ở khu vực Little Saigon, California, về những ngày trong nhà tù cộng sản là chủ đề chính cho những tập kế tiếp trong bộ phim.

Mở đầu phần thảo luận, giám đốc điều hành của Vietnamese American Roundtable là ông Philip Nguyễn và cũng là người điều hợp chương trình đã rót rượu Hennessy để mời nhà văn Nguyễn Thanh Việt, chúc mừng việc hoàn tất bộ phim, chào mừng tác giả trở lại San Jose, nơi ông đã lớn lên và để mừng thành phố này là nơi đầu tiên chiếu ra mắt giới thiệu “The Sympathizer”.

Trong phần thảo luận với nhà văn, khán giả được biết là vì không được quay ở Việt Nam nên phim được thực hiện tại Bangkok. Qua tập phim đầu khán giả vừa được xem, khung cảnh tái dựng khá giống khung cảnh Sài Gòn năm 1975.

Phần còn lại của phim được quay tại vùng Los Angeles mà mọi người đang chờ đợi xem cảnh trí cùng những tình tiết về cuộc đời, về hoạt động của cảm tình viên giữa lòng cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản sẽ căng thẳng, hồi hộp như thế nào. Tuy là tiểu thuyết giả tưởng, nhưng tác giả cũng đã cấu trúc câu chuyện với nhiều nhân vật như một cựu tướng mở quán rượu; như nhà báo bị ám sát chết hay những cái chết vì chính trị hay vì tình, tiền là những nét đặc thù của cộng đồng người Việt tại Mỹ.

Về ảnh hưởng của tác phẩm đối với độc giả gốc Việt, theo nhà văn nó đã giúp cho họ có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc chiến. Ông nhấn mạnh đến sự việc đây là một tác phẩm qua các góc nhìn của người Việt. Cũng như trong bộ phim, ông hãnh diện khi có đến 90% các vai trong phim đều là diễn viên người Việt từ nhiều châu lục khác nhau như Hoa Xuande, Toan Le, Kayli Tran, Fred Nguyen Khan, Kiều Chinh, Kỳ Duyên, Vy Le, Alan Tong v.v…

Chính vì thế mà tác phẩm Sympathizer, dù đạt giải Pulitzer 2016 của Hoa Kỳ nhưng đã có những phê bình khen chê từ độc giả gốc Việt và trong nước đến nay vẫn chưa có bản dịch tiếng Việt.

Khi được hỏi làm sao người Việt trong nước có thể xem bộ phim này, Nguyễn Thanh Việt cho biết HBO không phát hình tại Việt Nam, nhưng chắc chắn không muộn lắm sau khi trình chiếu thì cả triệu người Việt trong nước sẽ được xem qua bản sao chép lậu. Nhà văn vừa nói vừa cười như cho thấy vấn đề kiểm duyệt và nạn vi phạm bản quyền trong nước là có thật.

Ba tập đầu của bộ phim với đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook, một nghệ sĩ đã có những tác phẩm điện ảnh với đông khán giả như “Oldboy”, “The Handmaiden”. Các tập sau là do Don McKellar đạo diễn.

Cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt từ năm 1975, nhưng sau 49 năm vẫn còn là đề tài tranh luận giữa người Mỹ với nhau cũng như trong cộng đồng người Việt khắp nơi. Chính tác giả Nguyễn Thanh Việt, qua những tác phẩm và bài viết liên quan đến chiến tranh và về cộng đồng người Việt, cũng là đề tài tranh cãi tại hải ngoại.

Nguyễn Thanh Việt cũng nhận ra những điều đó và kể lại câu chuyện ông gặp một cô gái gốc Việt tuổi chừng đôi mươi đã nói với nhà văn rằng: “Trong gia đình tôi, ông là người bị ghét thứ nhì, người bị ghét nhiều nhất là Joe Biden.”

Tiếc là ông Philip Nguyễn đã không có câu hỏi tiếp theo cho tác giả, là khi nghe cô gái nói thế, nhà văn đã có phản ứng ra sao?

Advertisement
   

1 COMMENT

  1. Thank you for the auspicious writeup It in fact was a amusement account it Look advanced to more added agreeable from you By the way how could we communicate

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here