VN nói tước quốc tịch ông Hoàng là ‘đúng luật’

0
109
   
BBC
Ông Phạm Minh HoàngFB Pham Minh Hoang
Ông Phạm Minh Hoàng bị tước quốc tịch Việt Nam, theo một văn bản, do Chủ tịch nước ký ngày 17/5/2017.

Việc tước quốc tịch Việt Nam đối với nhà giáo Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân có song tịch Việt – Pháp, là ‘đúng pháp luật’, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này hôm 15/6/2017, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng nói với AFP rằng ông Hoàng đã ‘phạm pháp’ và xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam.

Phản ứng của ông Phạm Minh Hoàng

GS Hoàng ‘khủng hoảng vì bị tước quốc tịch’

Nhà giáo Phạm Minh Hoàng bị tạm giữ

Hãng tin Pháp hôm thứ Năm đặt câu hỏi:

“Xin bà cho biết Việt Nam đã xử lý như thế nào đối với khiếu nại của ông Phạm Minh Hoàng về việc tước bỏ quốc tịch của ông này. Với quyết định đó, sự hiện diện của ông Phạm Minh Hoàng tại TP.HCM là hợp pháp hay bất hợp pháp? Nếu sự hiện diện của ông Hoàng tại TP.HCM là bất hợp pháp thì bao giờ Việt Nam sẽ trục xuất ông Hoàng?”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đáp:

“Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thông báo tới cá nhân ông Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam,”

‘Không có thẩm quyền’

Đưa ra phản ứng hôm 16/6, ông Phạm Minh Hoàng, người từng có nhiều năm giảng dạy môn toán ở đại học tại Việt Nam, cho rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thẩm quyền để ‘kết tội ông’, ông nói với BBC:

“Phản ứng đầu tiên của tôi là tôi rất ngạc nhiên bởi vì bà ta nói là tôi đã vi phạm pháp luật của Việt Nam, vi phạm an ninh quốc gia, thì theo tôi được biết, bà Hằng là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, nghĩa là một cơ quan hành pháp.

Ông Phạm Minh Hoàng nói Bộ Ngoại giao Việt Nam không có thẩm quyền nói ông có tội.

“Bà ta không có thẩm quyền để kết tội tôi, kết tội tôi chỉ có tòa án và chỉ có tòa án có thể nói tôi có tội, hay không có tội mà thôi.

“Thứ hai nữa mà bảo là các trình tự tước quốc tịch của tôi là đúng pháp luật, tôi không hiểu bà căn cứ vào cái gì để nói đúng pháp luật.”

Theo ông Hoàng, một văn bản tước quốc tịch được Chủ tịch nước của Việt Nam, ông Trần Đại Quang ký, đã không nêu rõ ông vi phạm vào điều khoản nào trong luật Quốc tịch và đây cũng là lý do ông đã gửi khiếu nại cách đây năm hôm tới lãnh đạo nhà nước với sự trợ giúp của các luật sư.

Trả lời câu hỏi của BBC về phản ứng của nhà nước Pháp cho tới nay, nhất là sau khi ông tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp, ông Phạm Minh Hoàng nói:

“Cho đến ngày hôm nay, phản ứng của Pháp, tôi chưa thấy gì cả, tôi đã tiếp xúc với Tổng lãnh sự Pháp nhiều lần, kể từ khi họ thông báo cho tôi là nhà nước Việt Nam đã tước quốc tịch của tôi.

“Tôi đã tiếp xúc với họ, tôi chỉ trình bày những suy nghĩ và nguyện vọng của tôi muốn sống, phục vụ, làm việc và có thể, được chết trên đất nước của tôi và tôi hy vọng họ sẽ hành xử theo nguyện vọng của tôi…

“Tôi đã lập lại điều đó cho ông Tổng lãnh sự Pháp và tôi mong là nguyện vọng của tôi được đề cập lên cao hơn, cấp cao hơn, còn về phía Chính phủ Pháp ở Paris, thì đến ngày hôm nay, tôi vẫn chưa nghe thấy tin tức gì cả.”

Ông Hoàng cũng cho BBC biết ông đang chuẩn bị nộp đơn ra Tòa án của Việt Nam trong trường hợp đơn khiếu nại về việc bị tước quốc tịch của ông không được chính quyền Việt Nam xem xét, giải quyết.

Quyết định tước quốc tịchFB Pham Minh Hoang
Quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với ông Phạm Minh Hoàng.

Hôm 16/6, trên trang Facebook cá nhân, ông Hoàng cho hay ông đã từ chối lời mời của Cục xuất nhập cảnh Việt Nam mời ông tới cơ quan này làm việc vào sáng ngày 17/6 vì nhiều lý do, như ông viết:

“Tôi sẽ không đi vì những lý do sau: Thời gian mời quá gấp. Đưa chiều nay, hẹn sáng mai; Không nêu lý do rõ ràng; Đối với tôi Thư mời này vô giá trị vì trong thư có ghi tôi chỉ có quốc tịch Pháp, trong khi tôi đã nộp đơn khiếu nại về việc tước quốc tịch VN từ ngày 13/6 mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời” và “sau cùng, với những gì họ đã hành xử, gia đình chúng tôi có quyền nghi ngờ họ có thể sẽ dùng vũ lực trục xuất tôi một cách phi pháp.”

Năm 2010, ông Phạm Minh Hoàng bị bắt tại TP. Hồ Chí Minh và bị đưa ra xử tháng 8/2011 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự.

Ông bị tuyên án 3 năm tù giam, sau đó được giảm còn 17 tháng tù. Ông ra tù ngày 13/1/2012.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here