
Tôi tự hào về ba tôi, một người tài hoa, thông tuệ, nhưng phẩm hạnh nổi bật nhất của ông lại là sự tử tế, khiêm cung, và nỗ lực phấn đấu không ngừng để vượt qua nghịch cảnh.
Để lại một di sản dồi dào tiền bạc cho con cái đã khó, để lại một di sản tinh thần cho con cháu như ba tôi lại còn khó hơn.
Từ Facebook của ba Cam Tu Tran :
TIỂU SỬ TÓM TẮT
Hôm nay tôi viết lên những dòng này để tóm tắt cuộc đời của chính mình, một việc tôi chưa từng làm qua, nhưng cố gắng thuận theo ý muốn của Thụy Mân, con gái đầu của tôi, để con cháu có dịp hiểu biết hơn về cuộc đời của cha ông mình, đồng thời cũng là dịp để chia tay với thân quyến, bạn bè và các em học sinh cũ.
I. Sinh Ra và Sự Nghiệp Dạy Học
Tôi được sinh ra năm 1939 ở nhà ngoại ở làng Phú Phong. Lúc đó cha tôi là một viên thư lại ở huyện Bình Khê, cha mẹ tôi sống ở một căn nhà riêng sát cạnh nhà ngoại. Vì là đứa cháu đầu tiên của đại gia đình nhà ngoại nên tôi nhận được sự thương mến, chăm lo hết mực của ông bà ngoại và các cậu dì.
Cuộc sống êm đềm trôi cho đến năm 1945, Việt Minh khởi nghĩa. Do chính sách vườn không nhà trống tiêu thổ kháng chiến, nhà cửa của dân làng Phú Phong bị Việt Minh tàn phá, gia đình tôi phải chạy về nương náu nơi quê nội ở thôn Phú Mỹ, một vùng sát chân núi cách đó ba cây số.
Cha tôi từ một viên thư lại ở huyện Bình Khê trở thành một nhân viên của Ủy Ban Kháng Chiến huyện, ông được tuyển với tính cách tạm thời cho công việc giấy tờ và sau đó bị loại khỏi biên chế. Nhận thấy tôi học được, cha mẹ cho tôi tiếp tục học các lớp bậc tiểu học ở các trường làng. Sau khi xong bậc tiểu học, tôi trúng tuyển vào lớp năm trường Phổ Thông Cấp II Bình Khê. Lúc đó học xong lớp 7 đã là xong cấp II, học sinh con nhà kháng chiến được cho đi tập kết miễn phí, còn con em nhà dân thường muốn đi tập kết phải trả cho chính phủ 2 triệu đồng (tiền Việt Minh). Năm 1953, cha tôi bị sa thải khỏi biên chế, không thể đi tập kết miễn phí nên gia đình không có ý định cho tôi ra đi. Cha tôi và một số người lập kế hoạch trốn khỏi vùng kiểm soát của Việt Minh, về vùng Pháp tạm chiếm, và cả nhóm đã đến được thành phố Tuy Hòa vào năm 1954. Mẹ và bốn người con ở lại quê nhà.
Mẹ tôi lấy hết số tiền dành dụm của gia đình, mua cho tôi một cái máy may. Tôi theo học hai ông thợ may người Huế, lúc đó một trong hai người là ông thầy già không có máy may. Phần tiền ông thầy già làm ra được chia một nửa cho mẹ tôi, và tôi học may không phải trả tiền. Vì ông thầy muốn tận dụng thời gian để làm ra tiền, ông dạy tôi kiểu được chăng hay chớ, và tôi bỗng lâm vào cảnh vô nghề nghiệp.
Hai năm sau tôi vẫn chưa thành nghề, mẹ mới cho tôi vào Sài Gòn học may tiếp. Sau khi tốt nghiệp, tôi và cậu em họ mở chung một tiệm may tên Ngọc Trang ở Phú Phong. Công việc làm không có gì khả quan. Nhân lúc cha tôi từ Tuy Hòa về thăm nhà, ông quyết định cho tôi đi học lại. Tôi tự ôn bài để chuẩn bị nhập học vào lớp Đệ Tứ (theo hệ thống giáo dục của chính phủ VNCH) trường Trung học Bồ Đề Tuy Hòa, niên khóa 1959 – 1960. Cuối năm tôi giữ được vị thứ cao nhất. Nhờ các hoạt động nổi bật trong trường, Ban Giám hiệu trường quyết định trao tặng bằng danh dự toàn trường cho tôi, với phần thưởng đặc biệt của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.
Dù học lực xuất sắc ở nhiều mặt, tôi chỉ yêu thích văn chương. Nhưng thời đó ở toàn miền Trung không có các khóa học cho ban Văn Chương, nên để tiếp tục, tôi được gởi vào Sài Gòn theo học chương trình Đệ Nhị Cấp ở trường Trung Học Hàn Thuyên và trường Nguyễn Bá Tòng. Năm 1962 tôi về quê lập gia đình nhưng vẫn tiếp tục việc học, đến cuối năm học 1963 tôi thi đậu Tú Tài 2 ban Văn Chương.
Năm 1963 tôi đệ đơn xin việc làm ở tòa hành chánh tỉnh Phú Yên, nhưng không may chỉ sau vài tháng làm việc thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tôi quay về xin dạy tư ở các trường trong tỉnh. Do chiến tranh đi lại khó khăn, công việc này cũng không thành công, tôi lại phải tìm việc làm khác. Sau đó từ năm 1966 – 1969 tôi làm cho hãng thầu Pacific Architect & Engineer Inc. ở An Khê với tư cách một nhân viên hành chánh.
Đầu năm 1969, Sư Đoàn Kỵ Binh 1 rút khỏi An Khê. Lo sợ cho an ninh của gia đình, tôi xin về dạy học ở quê nhà, quận Bình Khê và đưa cả nhà về đó. Vừa làm vừa học, sau ba năm tôi đậu Cử Nhân Giáo Khoa Văn Chương. Đồng thời với việc dạy học, tôi còn đảm nhận chức vụ Giám học ở trường Trung Học Quang Trung. Năm 1975, miền Nam bị cưỡng chiếm, tôi chịu chung số phận với các trí thức miền Nam khác, bị nghi kỵ, bị phân biệt, và bị ép buộc phải nghỉ hẳn việc dạy học. Sự nghiệp dạy học ngắn ngủi của tôi chỉ kéo dài được sáu năm, mặc dù đó là nghề nghiệp tôi yêu thích nhất suốt cuộc đời mình.
II. Về Quê Làm Rẫy
Không biết phương cách nào để kiếm sống sau khi bị ép buộc nghỉ dạy, và để tránh không bị ép đi Kinh Tế Mới, gia đình tôi quay về quê cũ. Ở thôn Phú Mỹ, chúng tôi có thể dựa vào ruộng rẫy để ít ra không phải lâm vào cảnh đói rách. Lúc đó gia đình tôi phải quay về làm quen với việc cày cuốc gánh gồng khổ nhọc. Trước năm 1979, hoàn cảnh có khó khăn nhưng vẫn còn được giữ được ruộng đất nên gia đình tôi có thể sống tạm qua ngày. Từ năm 1979, ruộng đất bị sung vào Hợp tác xã nông nghiệp, nông dân đi làm cho hợp tác xã được trả lúa theo chế độ công điểm. Gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn đến mức chúng tôi chỉ hơn được người dân Bắc Hàn là chưa đến nỗi bị chết đói.
III. Trôi Nổi Xứ Người
Ngày 15/08/1980, gia đình chúng tôi phải chia cắt làm đôi. Một nửa gồm vợ tôi và hai đứa con gái nhỏ ở lại quê. Nửa còn lại gồm tôi, đứa con gái đầu và đứa con trai dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của dì Bảy Nam là người dì ruột, vào Sài Gòn tìm cách vượt biên. Trong suốt bốn năm, chúng tôi bôn ba ngược xuôi trên những chuyến đi, cố gắng tìm đường trốn thoát khỏi VN, nhưng những chuyến đi đó đều không thành. Hy vọng tắt dần, và tôi quyết định ở lại Sài Gòn làm ăn.
Năm 1985 tôi tự học cách thức quản lý ngành may công nghiệp và tìm được việc làm trong ngành này. Sau vài năm, khi có được nhiều kinh nghiệm, tôi đã được thăng tiến đến chức Phó Tổng Giám đốc Kỹ Thuật Công Ty May Trường Hải cho đến năm 1989.
Từ năm 1989 – 1994, tôi xin được việc làm ở Công ty may Loyal Hongkong ở Sài Gòn với tư cách là quản đốc. Từ 1994 – 1995, tôi làm việc ở Phnom Penh với nhiệm vụ là xây dựng một công ty chi nhánh cho hãng Loyal, trong tư cách là trưởng nhóm kỹ thuật.
Đầu năm 1996 tôi quay về VN. Thời gian đó cho đến năm 1998 tôi làm việc ở các hãng may khác nhau ở Sài Gòn với tư cách là cố vấn kỹ thuật.
Đến năm 1998 tôi và vợ đi định cư ở Mỹ dưới sự bảo lãnh của con gái đầu.
IV. Công Việc Trên Miền Đất Mới
Năm 1999, tôi xin được việc làm ở một hãng may tại một thành phố lân cận. Đây là một hãng nhỏ may màn cửa theo đơn đặt hàng (customized draperies) do hai ông bà Desmond và Debra Johnson làm chủ. Họ nhận đơn đặt hàng từ lúc thiết kế cho đến công đoạn giao và lắp đặt màn cửa cho khách hàng. Nhờ công việc này tôi có dịp học hỏi nhiều về một lĩnh vực mới và tận mắt thấy bên trong những ngôi nhà trị giá nhiều triệu đô la mà đôi khi chỉ có một hay hai người sống trong đó.
Ông bà Johnson rất tốt với nhân viên. Hãng nhỏ nên mọi người thân nhau như người trong gia đình, nhưng vì ông bà chỉ nhận hàng đặt, chứ không nhận hàng bán ra theo số lượng lớn ở các siêu thị, nên đã có một khoảng thời gian công việc trở nên rất chậm, nhiều nhân viên phải từ giã ông bà ra đi tìm công việc khác trong số đó có tôi, vì mục đích của tôi là phải làm ít nhất 40 quý (quarter), để có thể đủ điều kiện nhận tiền hưu trí và bảo hiểm sức khỏe.
Tôi xin được công việc cuối cùng, cũng là ở một hãng may màn cửa ở Concord, Carol’s Roman Shades, Inc., và làm ở đó cho đến năm 2009 thì nghỉ hưu. Sau đó chúng tôi mua một căn nhà ở Vacaville vào mùa hè năm 2009 và sống ở đây từ đó đến giờ.
V. Sở Nguyện Đã Thành
Năm 1998, gia đình tôi tổ chức đám cưới cho Bảo Khuê, đứa con gái út. Trong năm đó, vợ chồng chúng tôi sang Mỹ, còn con gái út của tôi theo chồng về Nhật Bản. Sau khi qua được Mỹ, tôi vẫn luôn đau đáu lo cho hai đứa con giữa còn mắc kẹt ở Việt Nam. Năm 2006, tôi bảo lãnh được cho Thúy Thảo, con gái giữa của tôi, sang Mỹ. Con trai tôi, Anh Triết, do đã có gia đình, nên mặc dù hồ sơ bảo lãnh được lập từ năm 2005, nhưng phải mất 11 năm, năm 2017 mới qua được Mỹ để đoàn tụ với gia đình.
Cuộc đời của tôi, cũng giống như bao nhiêu thân phận người Việt Nam khác, đã chịu nhiều cay đắng theo vận nước nổi trôi. Tuy nhiên tôi vẫn có được sự may mắn là những năm tháng cuối đời, được quây quần cùng con cháu (ngoại trừ gia đình đứa con gái út ở Nhật) ở một bến bờ tự do. Sở nguyện của tôi đã được thành tựu, và tôi hết lòng cảm tạ ơn trên về sự mầu nhiệm đó.
VI. Căn Bệnh Viêm Gan Siêu Vi B và Những Ngày Cuối Cùng
Khi đến Mỹ năm 1998, từ kết quả thử nghiệm máu, tôi được biết cơ thể mình bị nhiễm Hepatitis B. Vì vẫn còn khỏe mạnh, nên tôi chỉ phải thử máu theo định kỳ để bác sĩ theo dõi.
Đến cuối năm 2014 thì người ta thấy khối u đầu tiên, đề nghị nhiều phương pháp chữa trị và gia đình đã chọn phương pháp Microwave Ablation (MWA). Chữa xong thì tôi lại bị stroke nhẹ, dẫn đến sự giảm sút của trí nhớ, tuy không để lại tật nguyền. Từ đó tôi phải uống thuốc Cumadin thường xuyên và phải được theo dõi độ loãng của máu.
Giữa năm 2017 thì người ta lại tìm thấy một khối ung thư khác, và cũng làm MWA lần nữa. Sáu tháng sau, vừa khỏe lại đôi chút thì bác sĩ lại đề nghị chữa trị lần thứ ba, vì có một khối u bị khuất mà lẽ ra người ta có thể thấy được và chữa cùng lúc với lần thứ hai. Sau mỗi lần như vậy tôi rất mệt, cả mấy tháng sau mới ăn được ngủ được trở lại bình thường nên sau lần thứ ba này, tôi quyết định không chữa trị nữa và chỉ uống thảo mộc, thuốc ngoại khoa. Sau đó thì bác sĩ cho tôi thử máu mỗi sáu tháng một lần để biết tình trạng gan của tôi.
Mọi thứ bình thường cho đến tháng 10 năm 2022, kết quả thử máu cho thấy lượng virus tăng lên khá cao, bác sĩ cho tăng lượng thuốc antiviral, nhưng thử máu lần nữa vẫn cao. Bác sĩ bèn cho tôi làm CT scan để xem gan ra sao. Sau đó bác sĩ có nói riêng cho con gái tôi biết là tôi chỉ còn vài tháng nữa thôi vì các khối ung thư đã phủ kín gan rồi, nhưng con tôi quyết định giấu, để tôi không đầu hàng quá sớm.
Sau đó thì con tôi đem hết hy vọng đặt vào một số thuốc Tây Tạng chữa ung thư. Số thuốc này do một người bạn của con gái tôi, có cha cũng bị ung thư và đã được chữa khỏi, chỉ giúp. Tôi cũng đã cố gắng dùng các thuốc này để điều trị trong nhiều tháng.
Đến sau Tết tôi bắt đầu yếu dần. Đầu tháng 4, bác sĩ gia đình đề nghị hospice care (chăm sóc cuối đời). Dịch vụ này mang giường bệnh viện đến nhà để bệnh nhân có thể nằm dễ chịu hơn, vì nó có thể được nâng lên hạ xuống tùy ý. Họ cũng cung cấp bình oxygen, thuốc men cùng các vật dụng cần thiết, có y tá đến thăm bệnh tuần vài lần. Họ cũng cho người đến lau mình và thay drap giường mỗi tuần hai lần. Mục đích của hospice care là giúp chữa trị triệu chứng ở người bệnh, để người bệnh được dễ chịu hơn, chứ căn bệnh ung thư gan vào giai đoạn cuối thì không thể chữa trị được nữa.
Trước đó con gái tôi có đề nghị muốn thành lập một group chat trong nhóm bạn thân của tôi để tôi có thể liên lạc và chia sẻ với thân hữu tình trạng của mình, nhưng với hy vọng sẽ khỏe lại, tôi không để tâm lắm. Nhưng rồi càng ngày người càng yếu, không còn hứng thú vào Facebook đọc, viết nữa, nên tôi từ từ ngưng các hoạt động trong đó.
Biết rằng sẽ không thể gởi lời tạm biệt đến từng người thân, bạn hữu, và các em học trò thân mến của tôi, tôi xin gửi lại nơi đây một lời xin lỗi, cùng với lời cảm ơn đến tất cả mọi người. Riêng về sự nghiệp dạy học ngắn ngủi sáu năm, đó vẫn là mơ ước lớn lao của cuộc đời mình, và trong tận đáy lòng, tôi vẫn giữ được những kỷ niệm thân ái mà đồng nghiệp và các em học sinh đã đặc biệt dành cho tôi.
Trân trọng cảm ơn và xin tạm biệt tất cả!
************
Những ngày đầu tháng 6/2023
Viết theo lời của ba tôi
Thụy Mân