Để hiểu rõ một cá nhân, một tập thể hay một nhà nước có gây ra hành vi gọi là khủng bố đối với cá nhân, tập thể hay quốc gia khác hay không chúng ta phải tìm hiểu hiện tượng, khái niệm và bản chất của khủng bố là gì?
[Khủng bố, theo nghĩa rộng nhất, là việc sử dụng bạo lực và nỗi sợ hãi để đạt được một mục đích về mặt ý thức hệ. Thuật ngữ này được sử dụng chủ yếu để chỉ bạo lực có chủ ý trong thời bình hoặc trong bối cảnh chiến tranh chống lại những người không tham chiến (chủ yếu là dân thường và quân nhân trung lập).
Trong cộng đồng quốc tế, khủng bố không có một định nghĩa có tính pháp luật hay hình sự rõ ràng nào. Định nghĩa chung của chủ nghĩa khủng bố chỉ đề cập đến những hành vi bạo lực được dự định để tạo ra sự sợ hãi cho một mục tiêu tôn giáo, chính trị hay ý thức hệ, và cố tình nhắm vào các mục tiêu hoặc không quan tâm đến sự an toàn của những người không có khả năng tự vệ (ví dụ, nhân viên dân sự trung lập hay dân thường). Một số định nghĩa của khủng bố hiện nay bao gồm cả các hành vi bạo lực bất hợp pháp và chiến tranh.
Trong một số trường hợp, cùng một nhóm vũ trang có thể được những người ủng hộ họ mô tả là “chiến sĩ đấu tranh vì tự do”, trong khi đối thủ của họ thì coi đó là những kẻ khủng bố. Khái niệm về khủng bố có thể gây tranh cãi vì nó thường được sử dụng bởi cơ quan nhà nước (và cá nhân được nhà nước hỗ trợ) để làm giảm tính chính danh của các đối thủ, và có khả năng hợp pháp hóa việc sử dụng lực lượng vũ trang riêng của nhà nước để chống lại đối thủ. Đồng thời, ngược lại cũng có thể diễn ra khi các quốc gia thực hiện thì sẽ bị cáo buộc phạm vào tội khủng bố cấp nhà nước.
Cách phân loại khủng bố có sự khác nhau giữa từng quốc gia, hệ thống chính trị và thời điểm trong lịch sử. Đơn vị tác chiến về bất ổn và khủng bố Hoa Kỳ định nghĩa khủng bố là “một chiến thuật mà trong đó hành động bạo lực hoặc sự đe dọa sẽ hành động bạo lực được sử dụng để tạo ra nỗi sợ hãi nhằm mục đích cưỡng chế”. Theo đơn vị tác chiến này, bất ổn và khủng bố được chia thành 6 loại:
1. Bất ổn xã hội
2. Khủng bố chính trị
3. Khủng bố phi chính trị
4. Khủng bố nặc danh
5. Hành động giống khủng bố
6. Khủng bố chính trị hạn chế
Một cách phân loại khác dựa trên lãnh thổ là khủng bố nội địa và khủng bố quốc tế.
Các cá nhân và tổ chức lựa chọn khủng bố làm biện pháp bởi khủng bố có khả năng:
Đóng vai trò là một dạng chiến tranh phi đối xứng nhằm buộc một chính phủ chấp nhận các yêu cầu. Đe dọa một nhóm người để khiến họ phải chấp nhận yêu cầu nhằm tránh tiếp tục chịu thương vong. Thu hút sự ủng hộ chính trị dành cho một mục đích. Trực tiếp kêu gọi thêm nhiều người tham gia (chẳng hạn như vào các hoạt động cách mạng). Gián tiếp kêu gọi thêm nhiều người tham gia bằng cách khiêu khích phản ứng thù địch hoặc thái quá từ phía phe đối lập.] Wikipedia.
CHÚNG TA SẼ PHÂN TÍCH
Đặc điểm cơ bản của một tổ chức khủng bố đó là các thành viên được đào tạo bài bản về khả năng chiến đấu, khả năng triển khai kế hoạch, có nguồn quỹ để duy trì sự tồn tại, tất yếu phải có vũ trang, và các thành viên trong tổ chức luôn luôn ở vị thế liều chết.
Không cần xét đến khái niệm rộng lớn dễ gây tranh cãi về bản chất của khủng bố, chỉ với những đặc điểm cơ bản người viết vừa nêu trên, xét lại điều kiện thụ hưởng chính trị của người dân Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy rằng, khó có khả năng một tổ chức khủng bố (không thuộc phạm vi nhà nước) có thể tồn tại ở Việt Nam, hoặc có thể nói, đó là điều hầu như không thể. Ngược lại, nếu nói đến sự hội đủ các yếu tố để hành thành tổ chức khủng bố cấp nhà nước thì ở Việt Nam lại thừa điều kiện.
Như vậy, để phán xét một vài cá nhân, một tập thể có hành vi khủng bố hay không, về định nghĩa đã là khó khăn rồi. Nó phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của thể chế chính trị, của tập đoàn lãnh đạo, sự chuyên nghiệp am hiểu về khủng bố, nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực… nhất là không loại trừ “thuyết âm mưu” nhằm đẩy những cá nhân, tổ chức đó vào “thế trận bạo lực bắt buộc” từ đó gây mất tính chính danh của những cá nhân, tổ chức gây ra hành vi bạo lực đó.
Trên đây là những định nghĩa, khái niệm quen thuộc về khủng bố mà chúng ta đã biết. Đối với riêng người viết, người viết muốn đưa thêm một quan điểm cá nhân về định nghĩa cho khủng bố.
Định nghĩa quen thuộc về khủng bố là hành vi đi liền với vũ trang và bạo lực. Nhưng ở đây người viết muốn nâng lên một tầng mới đó là “khủng bố phi bạo lực”, có lẽ khái niệm này sẽ phù hợp hơn với thời đại ngày nay khi mà các phương pháp quân sự của chiến tranh đã thay đổi về hình thức rất lớn. Các hình thức chiến tranh không quân sự và vũ trang đã dần hình thành từ sau chiến tranh Vùng Vịnh 1991. Trong cuộc chiến này, tổn thất về chi phí quân sự, vũ trang và con người với con số thật nặng nề. Từ sau chiến tranh Vùng Vịnh, một hình thái mới về chiến tranh bắt đầu hình thành, các quốc gia bắt đầu kết hợp nhiều hình thức phi quân sự hoặc cả hai, vừa quân sự kết hợp với phi quân sự, và xuất hiện một khái niệm mới đó là “Siêu hạn chiến”.
Lướt sơ qua như vậy để chúng ta có thể quay lại khái niệm “Khủng bố phi bạo lực” vừa đề cập ở trên.
Ở đây người viết muốn đề cập đến những gia tộc, những tập đoàn có khả năng điều hành trật tự thế giới, mà ta có thể gọi thế lực đó là “Siêu quyền lực”. Nếu như những tổ chức khủng bố thông thường với hành vi bạo lực có thể gây ra tổn hại ở phạm vi nhỏ trong một quốc gia hoặc lớn hơn nữa là cho quốc gia hay một vài quốc gia, thì những tập đoàn quyền lực này, với siêu tài chính trong tay, họ có thể nhúng tay, điều khiển vô số quốc gia về mặt chính trị và tôn giáo, xoay trục thế giới theo đặc quyền mà họ mong muốn.
Chúng ta có thể chưa hình dung ra vấn đề bởi vì “Siêu quyền lực” là thế lực ngầm trong bóng tối và hoạt động bảo mật. Hai tập đoàn quyền lực nhất trên thế giới hiện nay là gia tộc Rothschild và gia tộc Rockefeller. Hai gia tộc này với khối tài sản khổng lồ, nắm quyền điều hành các ngành nghề quan trọng nhất như tài chính ngân hàng, kinh doanh khoáng sản, buôn bán vàng và kinh doanh dầu mỏ đứng đầu thế giới. Tài chính từ những ngành nghề kinh doanh của họ đã phân bổ len lỏi vào khắp các quốc gia trên thế giới. Vấn đề quan trọng hơn là hai gia tộc này lại bắt tay cùng hợp tác, cũng như hổ mọc thêm cánh vậy. Có nhiều chứng cớ cũng như giả thuyết cho thấy rằng hai gia tộc này đã nhúng tay vào điều khiển những nền chính trị lớn nhất thế giới và từ đó xoay trục trật tự thế giới theo ý muốn của họ. Đây mới thật sự là “Khủng bố phi bạo lực”, hậu quả của nó tác động vô cùng rộng lớn cho cả phạm vi thế giới, trong đó việc nắm quyền điều khiển về mạng lưới truyền thông là quan trọng nhất.
Truyền thông là một dạng “khủng bố phi bạo lực” có thể thấy rõ ràng tác hại của nó lên đời sống con người nếu những cá nhân hay tập đoàn có quyền lực thao túng và lèo lái theo hướng xấu và tiêu cực, nhưng lại thu được quyền lợi cho họ. Hoặc có thể dùng mạng lưới viễn thông làm gián điệp mạng để giám sát, theo dõi đời sống cá nhân hay cộng đồng quốc gia thì chúng ta cũng có thể xếp nó vào “khủng bố phi bạo lực”, và điều này đang xảy ra hàng ngày trong đời sống chúng ta, gây tác hại nghiêm trọng đến quyền con người, gây thiệt hại về giá trị vật chất và tinh thần cho con người.
Có thể kết luận, trong thời đại ngày nay, khái niệm khủng bố đã không còn bó hẹp trong hành vi bạo lực, vũ trang mà nó nghiêng về sức mạnh tài chính và quyền lực. Trong một thế giới mà sức mạnh đồng tiền đã được tôn vinh lên trên hết thì sự tha hóa về đạo đức và cái ác lên ngôi là điều tất yếu. Con người chúng ta thật sự rất cô thế và nhỏ bé trước những quyền lực tà của bóng tối này.
Trong dòng chảy đó, nếu lương tri con người không thể thức tỉnh thì thế giới này sẽ đi về đâu?
Huỳnh Thị Tố Nga (Selena Zen)
June 14, 2023