Người trong một nhà bị đưa ra xét xử vì phê phán chính quyền
Human Rights Watch April 8, 2021
(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích nhà vận động dân chủ Cấn Thị Thêu cùng hai con trai bà và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với họ. Bà Cấn Thị Thêu cùng con trai út của mình, Trịnh Bá Tư, sẽ phải ra tòa ngày mồng 5 tháng Năm năm 2021. Cả ba mẹ con đã bị giam giữ từ tháng Sáu năm 2020.
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, bà Cấn Thị Thêu cùng với chồng là ông Trịnh Bá Khiêm và hai người con trai đã tham gia một số cuộc biểu tình và vận động về nhân quyền, quyền lợi đất đai, bảo vệ môi trường cùng nhiều vấn đề khác. Nhà cầm quyền đã từng bắt giam cả hai vợ chồng bà, cũng như liên tục sách nhiễu và đe dọa hai người và những người khác trong gia đình họ.
“Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền trực ngôn ở Việt Nam,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam cần lắng nghe người dân như những người trong gia đình can đảm này, thay vì tống giam họ.”
Công an tỉnh Hòa Bình và công an Hà Nội đã bắt giữ bà Cấn Thị Thêu, 59 tuổi, và hai con trai bà Trịnh Bá Tư, 32 tuổi và Trịnh Bá Phương, 36 tuổi trong các vụ bắt giữ riêng biệt vào ngày 24 tháng Sáu năm 2020. Ba người bị báo buộc tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Cùng ngày, chính quyền cũng bắt giữ bà Nguyễn Thị Tâm, 49 tuổi, một nhà vận động quyền lợi đất đai cùng hoạt động với gia đình họ, và cũng cáo buộc bà theo cùng tội danh. Bà Tâm vẫn đang bị công an tạm giam chờ xét xử.
Suốt chín tháng kể từ ngày bị bắt, chính quyền cản trở không cho luật sư gặp bà Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, là một sự vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Chính quyền cũng không cho người nhà được gặp hai người. Vẫn chưa có lịch xét xử người anh, Trịnh Bá Phương, và anh vẫn tiếp tục bị giam giữ không được gặp luật sư hay người nhà.
Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã bắt giữ hàng trăm nhà bất đồng chính kiến và hiện có 137 tù nhân chính trị đang thụ án hình sự vì hoạt động nhân quyền hay phê phán chính quyền, theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Trong bốn tháng đầu năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam bắt thêm 10 nhà bất đồng chính kiến nữa, trong đó có nhà vận động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Thúy Hạnh. Trong cùng khoảng thời gian này, các tòa án Việt Nam đã kết án ít nhất thêm 12 nhà bất đồng chính kiến và áp đặt các mức án tù từ 2 đến 15 năm.
Từ giữa thập niên 2000, bà Cấn Thị Thêu đã nổi lên trong vai trò một nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai, phản đối việc chính quyền trưng thu đất đai. Tháng Tư năm 2014, công an bắt bà vì đã quay phim một vụ cưỡng chế đất, và sau đó xử bà 15 tháng tù vì tội “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 của bộ luật hình sự. Chồng bà cũng bị bắt cùng ngày hôm đó và phải chịu 14 tháng tù cũng với cáo buộc tương tự.
Sau khi mãn hạn tù, bà Cấn Thị Thêu lập tức nối lại các hoạt động vận động nhân quyền của mình. Bà tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường, và công khai lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền và tù nhân chính trị khác. Tháng Sáu năm 2016, công an lại bắt giữ bà vì tham gia biểu tình phản đối trưng thu đất, và ba tháng sau đó, bà bị kết án 20 tháng tù.
Sau khi được thả vào tháng Hai năm 2018, bà Cấn Thị Thêu lập tức tái khởi động các hoạt động nhân quyền. Bà đã có một bài diễn thuyết nồng nhiệt trước những người ủng hộ sau khi trở về nhà, tuyên bố rằng mình chỉ “ra khỏi nhà tù nhỏ, trở về nhà tù lớn.” Bà lên án các vi phạm của chính quyền đồng thời tuyên bố tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và phát biểu rằng chính phủ các nước khác và các tổ chức nhân quyền quốc tế cần lên tiếng ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.
Con trai bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư trở thành một nhà hoạt động sau khi chứng kiến chính bố mẹ mình bị trả đũa. Tháng Sáu năm 2015, khi anh và các nhà hoạt động khác đi đón cha mình được ra tù ở tỉnh Nghệ An, họ bị một nhóm người – nhiều khả năng là công an mặc thường phục – tấn công và Trịnh Bá Tư bị một số vết thương nặng.
Được biết hồi tháng Tám năm ngoái Trịnh Bá Tư đã tuyệt thực 20 ngày để phản đối việc “ngược đãi mình và các tù nhân khác.”
Trước khi bị bắt giữ, ba mẹ con có vai trò quan trọng trong việc tiếp sức cho tiếng nói của cộng đồng người dân xã Đồng Tâm, nơi vụ tập kích của công an trong tháng Giêng năm 2020 đã gây ra cái chết cho lão nông 84 tuổi Lê Đình Kình và ba người công an. Bà Cấn Thị Thêu và các con trai là các đồng tác giả của “Báo cáo Đồng Tâm,” tài liệu đã làm rõ về vụ xung đột đất đai đầy bạo lực.
Tháng Mười, công an bắt giữ một tác giả khác của Báo cáo Đồng Tâm, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang. (Chỉ còn lại một tác giả của bản báo cáo này chưa bị bắt, đang sống ở nước ngoài.) Vụ án nhằm vào Cấn Thị Thêu và các con trai bà dường như có một phần lý do là quan hệ của họ với Phạm Đoan Trang. Công an nói với báo chí nhà nước rằng sau vụ bắt giữ, trong khi khám xét nơi ở của họ, công an đã thu giữ một số sách báo, tài liệu và trong danh sách đó có một vài đầu sách do Phạm Đoan Trang chấp bút.
Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư có vẻ đã lường trước được việc bị bắt giữ. Vào ngày họ bị bắt, các đoạn video ghi sẵn từ trước được đăng tải trên Facebook, trong đó họ bày tỏ quan ngại về việc có thể bị công an tra tấn và giết, và yêu cầu những người ủng hộ và người thân trong gia đình phơi bày thi thể công khai nếu họ bị chết, để vạch trần các tội ác nhằm vào họ.
Sau khi bắt giữ Cấn Thị Thêu và các con trai bà, công an tiếp tục sách nhiễu và đe dọa các thành viên khác trong gia đình bà, như chồng, con dâu Đỗ Thị Thu và con rể Phạm Xuân Trường.
“Ngay cả khi phải đối diện với đàn áp và bạo hành, bà Cấn Thị Thêu cùng gia đình bà đã thể hiện lòng can đảm lớn lao quyết tâm vận động cho nhân quyền, trong khi chính quyền Việt Nam lại không đủ can đảm thậm chí chỉ để lắng nghe tiếng nói khiếu nại của người dân,” ông Sifton nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ những người bất đồng chính kiến can đảm này và lên án hồ sơ nhân quyền tồi tệ đàn áp người dân của Việt Nam.”