Chính quyền Trung Quốc không hề dấu diếm tham vọng trở thành bá chủ thế giới.
Để thực hiện ý đồ ấy, với các láng giềng thấp cổ bé họng hơn, Trung Quốc đang mài nanh vuốt và không loại trừ sử dụng “sức mạnh cứng” nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ cũng như mâu thuẫn nội bộ và bảo vệ cái gọi là những “giá trị cốt lõi” của họ. Tại Biển Đông, nơi có vị trí sống còn với họ, Trung Quốc đang tập trung sức mạnh kéo căng dần các tranh chấp để lấn theo kiểu “cỏ dại” chiếm các vị trí chiến lược trong “Đường lưỡi bò”nhằm thôn tính biển và thuần phục các nước xung quanh.
(https://www.facebook.com/100000006199056/posts/2611041572239357?sfns=mo)
Ở những nơi khác của thế giới, để không bị giàn trải lực lượng, Trung Quốc tránh va chạm đối đầu mà sử dụng sức mạnh mềm của đồng tiền, con người và công nghệ cho việc chuẩn bị thế trận trong cuộc chơi cờ vây toàn cầu chiếm giữ không gian địa lý, không gian mạng, tài nguyên số, không gian vũ trụ, không gian văn hoá tư tưởng… trong một ván cờ vây mà quân cờ là các quốc gia và số phận con người.
Ván cờ vây ấy đang được Trung Quốc triển khai thế nào?
I. CHỦ NGHĨA THỰC DÂN TIỀN TỆ – Chiếm giữ không gian địa lý.
1. Trung Quốc đang trở thành chủ nợ thế giới với một chiến lược khá rõ ràng:
Với các quốc gia phát triển thì mua trái phiếu chủ yếu nhằm đảm bảo nguồn dự trữ an toàn, đầu tư vốn để nắm bắt công nghệ và thị trường.
Với các quốc gia đang phát triển thì cho vay, tài trợ thương mại để phát triển thị trường tiêu thụ và đầu tư vốn chủ yếu vào các dự án hạ tầng và tài nguyên.
Với các nước chậm phát triển thì chỉ cho vay, tài trợ thương mại, đầu tư vốn vào hạ tầng và tài nguyên.
Cả thế giới thành con nợ của Trung Quốc. Và Trung Quốc hưởng lợi và nhẫn nhịn chờ cơ hội biến các khoản vay, các khoản đầu tư thành cái bẫy sập vào cổ con nợ.
H.1 là toàn cảnh đầu tư vốn và tài sản nợ (trái phiếu, cho vay) của Trung Quốc. Nhìn vào bức tranh này mới thấy sự hiện diện của Trung Quốc đã phủ kín toàn cầu không từ quốc gia nào dưới nhiều hình thức khác nhau.
H.2 là bản đồ đầu tư vốn.
H.3 bản nắm giữ Trái phiếu chính phủ và Tín phiếu kho bạc các quốc gia.
H.4 là bản đồ các quốc gia đang vay nợ Trung Quốc.
Hầu như không còn điểm trắng.
Và cuối cùng: sau khủng hoảng 2008 NHTW Trung Quốc (PBoC) trở thành tổ chức cấp tín dụng cho rất nhiều NHTW các quốc gia khác nhằm tạo thanh khoản cứu thị trường tài chính ngân hàng đóng băng. Đến 2018 PBoC đã cấp tổng hạn mức tương đương đến 550 tỷ USD cho các NHTW các quốc gia khác: H.5.
H.6 là danh sách 50 con nợ lớn nhất thế giới theo tỷ lệ vay Trung Quốc/GDP.
2. Bẫy nợ “sập” như thế nào?
Case Study: Sri Lanka.
Trung Quốc đã đẩy mạnh cho vay các dự án hạ tầng và tài nguyên quy mô lớn, với điều kiện việc triển khai được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc với chủ yếu là công nhân Trung Quốc làm việc ở đó.
Nếu bên vay không thể thực hiện nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ thì hoặc nước con nợ phải chịu lùi trong các thương lượng chính trị – kinh tế hoặc cơ sở hạ tầng xây dựng, quyền đặt căn cứ quân sự, mỏ và tài nguyên thiên nhiên… của con nợ sẽ được chuyển giao cho Trung Quốc sử dụng và khai thác. Tất nhiên quyền sử dụng, khai thác ấy không phải là mãi mãi mà chỉ trong một khoảng thời gian, và cũng tất nhiên khoảng thời gian này không phải là một vài tuần.
Ví dụ cảng Hambantota của Sri Lanka. Do không trả được nợ cho Eximbank Trung Quốc – ngân hàng tài trợ việc xây dựng cảng này – nên chính phủ Sri Lanka đã buộc phải chuyển cảng Hambantota cho Trung Quốc sử dụng trong vòng 99 năm thông qua việc tái cơ cấu nợ thành vốn góp. Phía Trung Quốc chiếm 80% cổ phần (sau hình như giảm xuống còn 70%) và phía Trung Quốc sẽ đầu tư thêm trên 1,1 tỷ USD để đưa cảng vào hoạt động. Như vậy đối với chính phủ Trung Quốc cuối cùng chỉ mất có 292 triệu USD (tương đương 20% vốn góp) để thuê suốt cả thế kỷ một cảng biển có vị trí chiến lược trong sơ đồ “Chuỗi ngọc trai” nhằm xây dựng con đường tơ lụa trên biển của mình chứ không phải tiền thuê hơn 1 tỷ đô như báo chí thỉnh thoảng đưa tin. Bởi thuê xong người thuê cũng phải đầu tư nâng cấp cảng mới sử dụng được và trên thực tế toàn bộ hơn 1.1 tỷ USD đã được đầu tư và nâng cấp hạ tầng và thiết bị cảng cho Trung Quốc sử dụng. Bên cho thuê cũng không nhận được tiền mặt mà chỉ 20% cổ phần trong một dự án lãi hay lỗ sẽ do bên nắm 80% quyết định, tức là 20% ấy có thể cũng chỉ là số 0 tròn trĩnh. Một sơ đồ quen thuộc nhỉ. Và cái giá cuối cùng cũng thật rẻ mạt.
Và có khả năng tình huống này sẽ tiếp tục xảy ra nữa, nhiều hơn một lần và ở nhiều hơn một nơi.
Như tôi đã có lần nhận xét: Cho vay để con nợ được trả nợ đúng hạn mới khó, chứ cho vay mà không nhằm mục đích để bên vay trả được nợ dễ hơn nhiều. Điều kiện càng dễ dãi càng khuyến khích vay mượn, khuyến khích chấp nhận rủi ro và đầu tư vào các dự án khổng lồ không hiệu quả… và khi đã không hiệu quả thì vay nợ trở thành nhu cầu như ma tuý: dừng là không thể chịu được và mỗi ngày cần nhiều hơn. Vấn đề không phải chỉ ở vay bao nhiêu, vấn đề ở chỗ sử dụng vốn vay hiệu quả hay không.
IMF hay WB cũng chả phải là các ông Bụt tử tế, thiện lành mà cũng đầy trò chơi chính trị… nhưng ít nhất các điều kiện cho vay của họ thường có các điều khoản yêu cầu cam kết tuân thủ kỷ luật tài chính – tiền tệ – tài khoá tương đối chặt và phổ quát theo chuẩn mực chung, đối tượng vay cụ thể và nhằm mục đích thu hồi khoản vay. Những nước vay nợ có hệ thống luật pháp, quy chuẩn không theo thông lệ phải thay đổi theo chuẩn mực quốc tế.
Trung Quốc thì chỉ cho chính phủ vay và chấp nhận cho vay chả theo một hệ thống tiêu chuẩn chuẩn mực chung nào, bỏ qua các cảnh báo rủi ro về ngưỡng nợ hay các rủi ro đòn bẩy và sẵn sàng cho vay theo luật của nước đi vay. Và đặc biệt là Trung Quốc và bên đi vay trong rất nhiều trường hợp không công bố thông tin. Do vậy ước đến hơn 50% các khoản vay là nằm trong vòng bí mật và chỉ có người trong cuộc biết mà thôi. Do vậy việc thống kê gặp rất nhiều khó khăn.
Quốc gia nào có hệ thống kỷ luật tài chính tốt thì họ cho vay kiểu tài chính tốt. Quốc gia nào sẵn sàng vay nợ bất chấp rủi ro hay có chuẩn mực thấp họ cũng sẵn sàng giải ngân theo chuẩn mực thấp. Nếu tranh chấp thì thường xử lý theo luật Trung Quốc hay Hồng Kông (?).
Việc cho vay để xây dựng hạ tầng giao thông thường phục vụ các dự án thúc đẩy giao thương với Trung Quốc. Nếu dự án thành công, nợ trả đúng hạn thì Trung Quốc hưởng lợi từ quan hệ chính phủ và có cơ hội mở rộng giao thương thương mại, đầu tư tạo cơ hội cho việc xuất khẩu hàng hoá dịch vụ, công nghệ và xuất khẩu vốn cho Trung Quốc: các nước vay mượn vốn thường có nền kinh tế kém cạnh tranh hơn so với Trung Quốc.
Nếu đầu tư không thành công, kinh tế không phát triển và không trả được nợ thì… như đã nói ở trên.
Kiểu gì Trung Quốc cũng có lợi: trả được nợ thì họ có vị thế ở thị trường hôm nay, không trả được nợ thì họ có căn cứ cho chiến trường ngày mai.
3. Một vài con số:
a. Châu Á, nơi có nền kinh tế đang phát triển, dân cư trẻ và nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh, dư địa tăng trưởng lớn… nhu cầu đầu tư vào hạ hạ tầng hiện đang khủng khiếp: theo một vài đánh giá đến 26 ngàn tỷ USD. Tự thân mình các quốc gia châu lục không thể lo nổi và nhu cầu vay vốn là hiển hiện.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Viện Kinh tế Thế giới, Đại học Harvard và Đại học Munich, trong danh sách các quốc gia nhận khoản vay trực tiếp lớn nhất từ Trung Quốc bao gồm cả các đồng minh quan trọng của Nga: Belarus, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Việc Trung Quốc tích cực cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ vay cũng dễ hiểu: xuất phát từ vai trò quan trọng của không gian Á-Âu là cầu nối giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu. Đó cũng là cái thòng lọng kề cổ nước Nga một ngày không xa.
Kyrgyzstan, một đối tác khác của Nga trong Liên minh kinh tế Á-Âu, là một trong năm quốc gia được Bắc Kinh cho vay nhiều nhất cùng với Djibouti, Tonga, quốc đảo Maldives và Cộng hòa Congo. Theo các nhà nghiên cứu, số nợ của Kyrgyzstan từ Trung Quốc là 30% GDP nước này. Turkmenistan nợ Trung Quốc khoảng 6,7 tỷ USD cao hơn Belarus. Tajikistan nợ Trung Quốc khoảng 15% GDP. Uzbekistan đã nợ Trung Quốc trên 5% GDP. Trong số các đối tác gần nhất của Nga, chỉ Armenia và Kazakhstan nợ Bắc Kinh dưới 5% GDP.
b. Đông Nam Á:
Tính đến năm 2016, Trung Quốc đầu tư vào Campuchia gần 12 tỷ đô la, tương đương gần 35% các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia đó. Tính đến năm 2014, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào đã vượt quá 6 tỷ đô la. Tại Philippines, Trung Quốc đã cam kết tài trợ cho 12 dự án trị giá tổng cộng 4,4 tỷ USD, bao gồm tuyến đường sắt phía nam trị giá 3 tỷ USD và dự án đập Kaliwa trị giá 374 triệu USD ở tỉnh Quezon. Trung Quốc cũng đã cung cấp khoản tài trợ trị giá 700 triệu đô la cho dự án xây dựng hai cây cầu sông Pasig và trung tâm cai nghiện ma túy ở Mindanao.
Trung Quốc đang nắm giữ “yết hầu” tài chính đối với Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và cả Thái Lan… nhằm ngăn chặn các nước này thực thi một chính sách đối ngoại thực sự độc lập và đảm bảo là ASEAN sẽ luôn mất đoàn kết khi nói đến việc xâm lược Biển Đông của Trung Quốc.
Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã gọi cách cho vay nợ của Trung Quốc là một kiểu “Chủ nghĩa thực dân kiểu mới”. Ông đã cương quyết từ chối triển khai các dự án lớn có nguồn vốn Trung Quốc tổng giá trị 22 tỷ USD bởi không muốn Malaysia trở thành “quốc gia vỡ nợ”.
c. Châu Âu
Hiện Belarus – nước CH vị trí chiến lược nằm giữa Nga và Balan thuộc NATO- đang nợ Bắc Kinh khoảng 7,8 tỷ USD tương đương 13% GDP Belarus. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chuẩn bị cung cấp một khoản vay cho chính phủ Belarus ở mức 0,5-0,6 tỷ USD.
Serbia, một trong những đối tác chính tại châu Âu của Trung Quốc, và hiện đã vay khoảng 5 tỷ euro. Tiền cuả Trung Quốc sẽ tài trợ cho dự án xây dựng lại tuyến đường sắt đến Macedonia – hiện Tập đoàn Xây dựng Đường bộ và Cầu đường Trung Quốc đã tham gia vào việc phát triển hồ sơ dự án. Dự kiến tổng đầu tư vào dự án sẽ lên tới khoảng 600 triệu euro.
Hy Lạp trong cơn khủng hoảng tài chính kinh tế đã vay từ Trung Quốc và đổi lại Trung Quốc được quyền vận hành cảng Piraeus.
d. Châu Phi
Trung Quốc tích cực tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở châu Phi. Đặc biệt họ tận dụng khoảng trống quyền lực tạo ra bởi:
– Sự tan rã của khối XHCN những năm 90s thế kỷ trước.
– Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 làm cho những nền tài chính mạnh như Mỹ và châu Âu lung lay.
– Chính sách “America First!” hiện nay.
Trung Quốc đặc biệt quan tâm đầu tư vốn vào các khu vực giàu tài nguyên khoáng sản (năng lượng, kim loại) và hạ tầng, tất nhiên. Theo UNCTAD tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào đây 40 tỷ USD, đứng sau Mỹ (57 tỷ), Anh (55 tỷ) và Pháp (49 tỷ). Tuy nhiên 3 quốc gia đứng đầu đã đầu tư vào lục địa đen từ rất lâu, còn Trung Quốc thì mới từ những năm 2007-2008. Trung Quốc đang đầu tư xây dựng đường sắt, nhà máy điện và sân bay tại châu Phi. Với tình hình này có vẻ như việc Trung Quốc vượt mặt lên thứ 1 chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tiền Bắc Kinh chiếm 80% tổng cho vay song phương cho Nigeria, nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi. Ethiopia đã nợ Trung Quốc 12 tỷ đô la vào đầu năm 2019. Kenya đã vay 9,5 tỷ đô la từ Bắc Kinh từ năm 2006 đến 2017 và Kenya hy vọng sẽ thu hút thêm vốn từ các đối tác Trung Quốc để xây dựng tuyến đường sắt giữa Mombasa và Nairobi với tổng vốn đầu tư là 10 tỷ USD.
Các chuyên gia về châu Phi lo ngại rằng cuối cùng số phận dự án đường sắt nói trên cũng sẽ tương tự dự án cảng Hambantota của Sri Lanka, bởi dự án quy mô lớn này sẽ không thể hoàn vốn đầu tư sớm.
Djibouti đã vay Trung Quốc gần 100% GDP và đã phải cho Trung Quốc triển khai một căn cứ quân sự trên đất mình.
Các chuyên gia của Jubilee Debt Campaign đã ước tính rằng Trung Quốc chiếm 20% nợ nước ngoài của các nước châu Phi và kể từ năm 2012, số nợ này đã tăng khoảng 10 tỷ đô la mỗi năm. Và chắc không phải tất cả các chính phủ sẽ có thể trả được nợ.
e. Châu Mỹ Latin
Trung Quốc không ngại ngần tấn công vào sân sau của nước Mỹ bằng các chiêu bài tương tự và không phải là không thành công.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất tính theo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực Mỹ Latin (ngoại trừ với Mexico) và thặng dư thuộc về Trung Quốc – tất nhiên.
Sáng kiến “Một vành đai – Một con đường”: sau Panama lần lượt 15 nước khác của châu Mỹ Latin đã ký bản ghi nhớ tham gia sáng kiến này.
Ngay lập tức Trung Quốc cam kết sẽ đầu tư 250 tỷ USD vào khu vực.
Các khoản vay đã được giải ngân cho Venezuela, Brazil, Argentina trong năm 2017.
Tất nhiên để có được các dòng tiền như thế các nước trong khu vực này còn phải chấp nhận lùi cả về quan điểm chính trị.
Trong năm 2017-2018 Panama, El Salvador, CH Dominican… đã từ bỏ việc công nhận Đài Loan mà quay sang công nhận và ủng hộ Trung Quốc.
f. Tổng cộng, theo các nhà phân tích của Viện nghiên cứu kinh tế thế giới Kiel, Trung Quốc tăng gấp 10 lần dư nợ cho vay nước ngoài trong vòng 10 năm: từ dưới 500 tỷ USD năm 2007 lên hơn 5 nghìn tỷ USD năm 2017 – gấp đôi danh mục cho vay của Ngân hàng Thế giới và IMF cộng lại.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới.
Đối với 50 nước đang phát triển đã vay Trung Quốc, các khoản nợ đã tăng từ dưới 1% GDP của các nước này trong năm 2015 lên hơn 15% trong năm 2017.
Đôi khi Bắc Kinh đã đồng ý xóa nợ cho một số nước. Nhưng việc xoá nợ này khả năng cao là không hề vô tư: Năm 2011 Trung Quốc xoá một khoản nợ lớn (không được nêu rõ) cho Tajikistan – một nước Trung Á – và đổi lại được nước này “nhường” cho Trung Quốc 1.158km2 đất được coi là “tranh chấp”. Không biết bình luận gì hơn!
Từ 2000 đến 2009 Trung Quốc đã xoá nợ cho 35 nước châu Phi với tổng số tiền 2,85 tỷ USD và các điều kiện thoả thuận phía sau luôn trong vòng bí mật.
Thế nhưng lại có một nghịch lý là hiện hàng năm Trung Quốc vẫn vay hàng tỷ USD từ các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB). Ví dụ: Ngân hàng Tái thiết và Phát triển thuộc WB từ năm 2016 đến nay đã cho Trung Quốc vay 7,8 tỷ USD.
Điều này không làm TT Donald Trump nổi điên mới là lạ.
(Hết P.1).