Home NHÂN QUYỀN TRONG CHẾT, CƯỜI…NGẶT NGHẼO. ( Chương 10 – kỳ 4 – Tập II )

TRONG CHẾT, CƯỜI…NGẶT NGHẼO. ( Chương 10 – kỳ 4 – Tập II )

0
TRONG CHẾT, CƯỜI…NGẶT NGHẼO. ( Chương 10 – kỳ 4 – Tập II )
Tran Khai Thanh Thuy
 

Không khí trại tù lặng ngắt, tiếng Mi rơi tõm vào thinh không như thể đá ném ao bèo:
-Buồn qúa cô Thủy ơi, kể chuyện hài hước đi!
Không nỡ để mọi người thất vọng, nên ngay sau tiếng “đá’ rơi tõm của Mi xuống “ao bèo” tôi cất giọng nhàn tản, khươ khoắng:
– Trèo lên dãy núi Thiên Thai
Thấy chim bướm lượn giữa hai …là hai …cặp đùi.
Tình tính tang, tang tính tình…Dân làng rằng, dân làng ơi, rằng có thấy là …thấy hay không, rằng có thấy là thấy hay không?,
-Ối giời! Đang sấp ngửa lao từ “bệ rồng” xuống đất đi “toa lét”, chị Hạnh giật nẩy mình, quay lại, đay đả:- Lại phong dao hoa tình à, phồn thực nhảy?
… Trong khi tất cả còn ớ ra, năm, sáu đôi tai cùng giỏng lên nghe ngóng. Tôi nhào người ra, vỗ bốp vào vai chị một cái đau điếng:
– Giỏi! Bà này dân thương nghiệp mà trí óc nhạy bén ghê. Hiểu ngay ra vấn đề nhạy cảm.
– Cái gì cơ? Mi láu táu…Trong khi tôi biết chị Dung ngồi cạnh, mặt ngay đơ như cán tàn!
– Có gì đâu! Tôi đáp- Hình ảnh đôi trai gái yêu nhau được tác giả dân gian khắc họa trong thơ ấy mà.
– Dân gian nào? Chị Hạnh nhẩy bổ vào cuống họng tôi chất vấn:- Có mà hiện sinh thời hiện đại thì có.
Tôi chưa kịp phản đòn, Mi nôn nóng :
– Cô Thủy nói rõ hơn được không? Cháu chả hiểu gì cả. Toàn cảnh núi non, hoa lá, chim muông từ ngày xửa ngày xưa đấy chứ?
– Hớ hớ hớ, chị Hạnh cười , không giấu nổi vẻ thỏa mãn: – Đọc lại bài thơ đi, cháu ơi.
Bên kia tường Mi lẩm nhẩm lại làn điệu dân ca quen thuộc :
Trèo lên dãy núi Thiên Thai…ý a..Thấy chim bướm lượn … lượn, ý a …giữa hai là hai…
Không để Mi cất lời, chị tung lời nhận định:
– Thấy cái tài giỏi cùng sự tinh ranh của các “cụ” chưa? Hình ảnh tính giao của đôi vợ chồng trẻ đang nhịp nhàng hóa thân vào các động tác tính dục ngàn đời mà gói gọn trong hai câu thơ cô đọng xúc tích, ý tại ngôn ngoại đấy nhé. Giỏi đến thế là cùng.
– À! Cháu hiểu rồi: – Mi láu táu giải thích: – Trái núi Thiên Thai là đôi gò bồng đảo tức cặp tuyết lê của người con gái đúng không? Còn chim bướm lượn…Ối giời!
Ý nghĩ của Mi như bừng sáng từ bên trong. Sâu sa mà thực tế, huyền ảo mà trần trụi , lãng mạn mà tức cười…
Đúng là phút giây thiêng liêng của sự sáng tạo. Dân gian thì sáng tạo ngôn ngữ, còn đôi trẻ trong thơ sáng tạo ra vật chất, tức thực thể con người. Thảo nào trong giới nhà văn Hà Nội, mọi người luôn nhắc đến câu nói kinh điển của bậc đàn anh Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm dấu chân người lính( tất nhiên là dấu chân trên giường cùng vợ): – “Trên đời này làm ra trẻ con là dễ nhất, chỉ cần vài phút” .Tôi vơ vẩn nghĩ .
Cuộc kiếm tìm ngôn ngữ cuối cùng cũng kết thúc. Quả thực, nếu không nhờ hai chữ “ cặp đùi” soi sáng, thì sự tranh cãi còn kéo dài đến đâu? Cũng như sự dày vò đầy khốc liệt của ngôn từ trong trí não, tâm hồn tôi, lần đầu bắt gặp câu thơ vậy. Tất cả chỉ được giải tỏa bằng thực tế chăn gối của mỗi người cùng vốn hiểu biết xuyên qua lịch sử bốn nghìn năm…dâng hiến của ông bà, tổ tiên, cha mẹ dòng tộc, giống nòi . Rõ ràng khoa học, sự hiểu biết hay trí tuệ cao siêu đơn thuần không có chỗ đứng nơi đây…Tôi chấm dứt suy nghĩ của mình bằng cái ngáp ngủ quen thuộc, vì lượng thuốc ngủ đã bắt đầu ngấm dần trong não.
Hết cơn cười ngặt nghẽo là nỗi buồn tủi, sự chán ngán lên đến tột đỉnh, thậm chí cả thần chết cũng đang rình rập. Tôi lủi thủi cúi đầu rời bể phốt, leo lên bệ xi măng của mình tìm giấc ngủ. Phía đối diện chị cũng ngồi lù lù một đống ngay trước mặt. ..Chợt một tiếng cười muộn màng cất lên:
-Kha kha kha! Danh nhân thế giới nói quả không sai: “Đặt những người đẹp cạnh nhau thật là nguy hiểm”
Vừa nhận ra danh tính, tên tuổi, tội trạng của phạm nhân mới, Trí vui vẻ móc máy:
– Nguy hiểm qúa đi chứ! Nhất là trong số người đẹp đó lại có một nhà thơ dân gian, hậu duệ của bà chúa thơ nôm…Gì chứ cái tên của ông chú là bị bà ấy “thiến” đầu tiên đấy, liệu mà giữ.
Chưa biết rõ tài nói lái của cánh chị em chúng tôi nguy hiểm đến mức nào, phạm mới tự khai:
-Ô, tên mình thì có sao đâu ? Mình là Cơ, tức căn cơ chứ không phải cơ hội đâu.
Trí càng được thể móc máy:
– Căn cơ qúa, không chịu chung chi cho các đồng chí, đặc biệt là bọn an ninh kinh tế nên bị chúng bày mưu tóm gáy chứ gì?
-Ờ! Đúng đấy, người đàn ông tên Cơ vồn vã đáp: – Ba lần từ trưởng phòng an ninh kinh tế đến nhân viên mò đến tận nhà thăm, gặp. Mình tiếp đón lịch sự, chu đáo, lôi hết hoa quả bánh trái thuốc lá, rượu ngoại ra mời. Chán chê mê mỏi chúng mới thèm đứng dạy. Ấy thế mà khi về chúng còn bảo: – Ông anh hào hoa, chơi đẹp đấy. Giờ cho bọn em xin ít tiền cà phê đi. Tưởng chúng nó nói thật, mình lật đật rút ví ra đưa mỗi thằng một trăm nghìn tiền Hồ, chẳng phong bao, phong bì gì. Chúng nó cầm, vẻ sượng sùng, miễn cưỡng. Lần sau và sau nữa, vẫn thế. Cho dù chúng nó bảo:
– Thôi không nói nhiều nữa, lần này xin ông anh cái phong bì kê ghế.
Giật mình, tưởng chúng nó đùa, nên cứ nghĩ kê ghế là kê cái chỗ ngồi ở quán cóc vỉa hè hay quán nhậu nào thôi. Đâu có nghĩ nó cần cả sấp tiền dày cộp để kê chỗ đứng. Vì thế, sau khi đưa cho mỗi thằng một tờ hai trăm nghìn đồng mới toe, mình bảo, giọng ngùi ngùi xúc động :
– Các cậu thông cảm , tớ chỉ có tiền Việt .
Cả ba thằng đặt tiền xuống bàn, hai thằng cười nhăn nhở không nói gì, một thằng đập nắm tay vào tờ tiền mới cứng hất hàm bảo:
– Vừa thừa, vừa thiếu …liệu hồn đấy ông anh.
Nói rồi cả ba lặng lẽ cút, mình chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào, chỉ có linh cảm lành lạnh, vội vàng nói với vợ, không ngờ vợ la toáng lên:
– Chết rồi, anh dây vào bọn công an kinh tế là có chuyện rồi, hai lần đầu nó bỏ qua, lần thứ ba, nó đã gợi ý đến nơi đến chốn thế rồi mà còn không hiểu là nó sẽ cố tình bới bèo ra bọ, vạch lá tìm sâu, bóp thẳng thành cong… chết cả lũ đấy
– Nhưng…mình thanh minh: – Mình làm ăn chân chính mà, cửa hàng mới mở, lãi lờ có là bao đâu? Hay là để anh đưa thêm cho chúng nó mỗi đứa một phong bì năm trăm nghìn đồng.
– Ông ơi! Vợ quắc mắt lên, giọng nói cũng long lên sòng sọc: -Chúng xin đểu chứ không xin thật mà ông định cúng chúng nó năm trăm nghìn tiền Việt. Cứ theo lời chúng bảo, vừa thừa vừa thiếu có nghĩa là thừa một số không cuối cùng( nếu tính ra tiền Đô), còn thiếu hẳn ba số không đằng sau (nếu tính ra tiền Việt).
-Cái gì ? Mình la hoảng: – hai mươi nghìn USD – tức ba trăm triệu tiền Việt á, lấy đâu ra?
– Vậy đấy, nếu không có đô Mỹ thì chí ít ông cũng phải chơi lịch sự hai trăm triệu tiền Hồ ông ạ.
Chưa kịp chồng đủ tiền đã bị chúng tóm gáy lôi lên phường rồi tống thẳng vào đây, mọi việc đành khoán trắng cho vợ vậy.
Trí cười khoái trá:
-Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Ông dại không chịu để tiền đi trước thì tiền đành phải đi sau ông vậy. Yên tâm đi, cùng lắm hết một lệnh ông sẽ về. Tin tôi đi, bà xã không thể xa ông qúa ba tháng được đâu. Thời kỳ “rực rỡ tên người” này, cứ có hình ảnh của “Người” trên các loại tiền là : “Từ tòa án này mình sẽ đi ra, ba tháng rong chơi khắp chốn tù đày. Khóc lóc làm gì. Bác sẽ hiện về cùng ta xóa án. Thời thế thật nhiễu nhương, người người bị nhốt trong lao, cho đến khi nào vợ ta đấm mõm. Thời thế, thời thế ơi” (1)