Home Blog Page 1454

Chuyến đi Mỹ của ông Phúc làm giảm bớt sự lo lắng về Biển Đông

Chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc không có tính đột phá, nhưng lại mở ra triển vọng hợp tác quốc phòng, giúp giảm bớt sự lo lắng về xung đột Biển Đông, một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam cho biết.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại Tòa Bạch Ốc, ngày 31/5/2017.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại Tòa Bạch Ốc, ngày 31/5/2017.

Giáo sư Tương Lai nhận định về chuyến thăm Mỹ ba ngày của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc ngày 31/5 như sau:

“Chuyến đi không có những thành công manh tính đột phá nhưng mở ra những triển vọng tương đối tốt đẹp.”

Chuyến đi không có những thành công manh tính đột phá nhưng mở ra những triển vọng tương đối tốt đẹp.

Theo ông Tương Lai, các triển vọng đó là tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, như Mỹ quyết định chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam, nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, và đặc biệt “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.”

“Trong tuyên bố chung nêu nhiều yếu tố cho thấy rõ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt quan hệ quốc phòng, quân sự theo chiều hướng Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình, còn Việt Nam thì sẵn sàng mua tàu tuần tra biển của Mỹ.”

Binh lính Việt Nam tại quần đảo Trường Sa

Binh lính Việt Nam tại quần đảo Trường Sa

Giáo sư Tương Lai cũng lưu ý một chi tiết quan trọng trong tuyên bố chung Việt – Mỹ: “Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước.”

Tuyên bố “hợp tác hơn nữa giữa hải quân hai nước”, theo nhận định của ông Tương Lai, phần nào làm giảm đi nỗi lo lắng việc Hoa Kỳ có khả năng “đi đêm” với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, nơi cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

“Ông Trump không chủ trương xoay trục sang châu Á như ông Obama, nhưng qua thông cáo chung giữa hai nước và qua thái độ đón tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc một cách trọng thị, thân tình, thì tôi đánh giá rằng mối lo đối với tình hình Biển Đông, đối với âm mưu của Trung Quốc, đối với việc Mỹ có khả năng đi đêm với Trung Quốc phần nào giảm bớt.”

Mối lo đối với tình hình Biển Đông, đối với âm mưu của Trung Quốc, đối với việc Mỹ có khả năng đi đêm với Trung Quốc phần nào giảm bớt.

Một chi tiết nữa trong tuyên bố chung, mà theo ông Tương Lai, là rất đáng chú ý: “Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác; bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”

Ông Tương Lai nói rằng mặc dù bản tuyên bố chung “không điểm mặt chỉ tên Trung Quốc” trong tranh chấp Biển Đông, nhưng thể hiện rõ quan điểm của Mỹ:

Tuyên bố chung của hai bên không nói nhiều đến Biển Đông, nhưng nói nhiều đến vấn đề hợp tác quân sự. Quân đội Mỹ lưu trữ những thiết bị vật tư y tế trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng ngay khi cần thiết. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Tôi đặc biệt lưu ý việc hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kìm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tuy không điểm mặt chỉ tên, nhưng ai cũng biết, đó là hành động ăn cướp của Trung Quốc, đang gây căng thẳng ở Biển Đông và xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.”

Đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ do TNS John McCain dẫn đầu đến thăm tàu USS John McCain tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, ngày 2/6/2017. (Ảnh Người Lao động)

Đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ do TNS John McCain dẫn đầu đến thăm tàu USS John McCain tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, ngày 2/6/2017. (Ảnh Người Lao động)

Ngoài ra, vị giáo sư 81 tuổi này còn cho rằng Mỹ thể hiện rõ quan điểm có trách nhiệm trong vấn đề Biển Đông:

“Khi mà bản tuyên bố nói rằng Tổng thống Trump nhấn mạnh việc Hoa Kỳ tiếp tục cho các tàu và máy bay di chuyển, hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép – điều đó thể hiện rằng Mỹ có thái độ trách nhiệm đối với vấn đề Biển Đông, Mỹ không làm lơ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng Giêng. Đài truyền hình CNBC nói rằng Hà Nội có thể nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nỗ lực dài hạn của chính quyền Mỹ về Đông Nam Á, nhắm mục đích hóa giải ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Biển Đông.

Trong một diễn biến liên quan, tại diễn đàn Đối thoại Shangri – La hàng năm ở Singapore vào ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực và cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trang Zing.vn cho biết Việt Nam không tham dự cấp bộ trưởng nên không phát biểu tại phiên toàn thể tại Đối thoại Shangri-La 2017.

Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam, đại diện Đoàn Việt Nam nêu quan điểm để giải quyết xung đột trên Biển Đông như sau: “Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Việt Nam tiếp tục trao đổi với mọi đối tác có liên quan để thống nhất mọi vấn đề trên biển được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chủ quyền của nhau, giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, chúng ta cũng tạo sự tin cậy và tăng cường hợp tác, tránh hiểu lầm và cố gắng để các nước gần nhau hơn”.

Ông Putin: Tôi chưa bao giờ gặp ông Trump

0

VOA

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông chưa bao giờ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow đã thu thập thông tin về người đồng cấp Mỹ.

Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra trong cuộc phỏng vấn vào tuần trước với nhà báo Megyn Kelly của kênh tin tức NBC. Một phần của buổi phỏng vấn được phát sóng vào đêm Chủ nhật (4/6).

Khi ông được hỏi rằng liệu ông có bất cứ điều gì gây tổn hại cho ông Trump không, ông Putin nói “lại thêm một điều vô nghĩa khác”.

“Chúng tôi lấy những thông tin này từ đâu? Tại sao chúng tôi có một mối quan hệ đặc biệt với ông ta? Chúng tôi không có một mối quan hệ nào cả. Có lần ông ấy đến Moscow, nhưng quý vị biết đấy, tôi chưa bao giờ gặp ông ấy. Chúng tôi có rất nhiều người Mỹ đến thăm. Hiện nay, tôi nghĩ chúng tôi có đại diện từ 100 công ty Mỹ đến Nga. Quý vị có cho rằng chúng tôi đang thu thập những thông tin nhạy cảm về tất cả họ hay không? Quý vị bị mất trí hết cả rồi sao?”

Tổng thống Nga một lần nữa bác bỏ cáo buộc việc Điện Kremlin can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái qua việc xâm nhập các email của Đảng Dân chủ.

Ông nói: “Các hacker có thể ở bất cứ nơi nào, có thể ở Nga, châu Á, thậm chí ở Mỹ, ở Mỹ Latinh. Thậm chí có thể đó là tin tặc ở Hoa Kỳ, vốn rất khéo léo và chuyên nghiệp, đẩy trách nhiệm về phía Nga. Liệu quý vị có chấp nhận điều đó hay không? Trong một cuộc chiến chính trị đã được mưu tính, tiết lộ thông tin sẽ thu lợi, vì vậy họ đã tiết lộ thông tin rồi gán cho Nga.”

Ông Putin nói không có lý gì mà Nga lại can thiệp vào vấn đề này. Bởi vì, theo ông, bất kể ai là tổng thống, thì Nga cũng biết phải trông đợi gì từ một nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông cũng phủ nhận có bất cứ tiếp xúc nào với vị tướng hồi hưu Michael Flynn, người đã bị sa thải khỏi chức cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng Hai.

Hiện có một bức ảnh chụp ông Flynn và ông Putin đang ngồi trong cùng một bàn tiệc ở Moscow vào năm 2015, khi ông Flynn đang cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Ông Putin có mặt trong bữa tiệc tối vì có một bài phát biểu tại đó. Ông nói với nhà báo Kelly rằng ông gần như không nói chuyện với ông Flynn và sau đó mới được biết đó là ông Flynn.

Ông Trump sa thải ông Flynn vì đã giấu giếm việc gặp gỡ các giới chức Nga.

Nhật thúc giục lãnh đạo thế giới cảnh cáo Trung Quốc

VOA

Cả bảy quốc gia giàu nhất thế giới hồi tháng rồi đã cảnh báo bằng văn bản về tình trạng quân sự hóa Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang xây các đảo nhỏ dành cho chiến đấu cơ và hệ thống radar.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng chính Nhật Bản đã thúc đẩy nhóm G7 lên tiếng cảnh báo trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh với Trung Quốc về ảnh hưởng chính trị ở châu Á.

Nhật Bản quan ngại

Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhận định:

“Tôi nghĩ rằng thời gian gần đây, Nhật Bản đang nỗ lực sử dụng các diễn đàn quốc tế và khu vực khác nhau để phơi bày các hành động mở rộng quân sự và các hoạt động liên quan khác của Trung Quốc”.

“Vì vậy, tôi cho rằng trong bối cảnh này, sử dụng G7 là một diễn đàn đặc biệt kịp thời”.

Nhóm G7, trong đó bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số nước Tây Âu, đã bày tỏ những quan ngại về Biển Đông và Biển Hoa Đông trong một thông cáo chung của các lãnh đạo tại cuộc họp diễn ra từ ngày 26-27/5 tại Ý.

G7 “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm tăng căng thẳng” và “chúng tôi kêu gọi tất cả các bên theo đuổi việc phi quân sự hóa các địa điểm có tranh chấp”.

Đường băng và các tòa nhà trên đảo nhân tạo ở Đá Subi do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Đường băng và các tòa nhà trên đảo nhân tạo ở Đá Subi do Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Trung Quốc, mặc dù không có tên trong bản tuyên bố, đang dẫn đầu trong việc quân sự hóa khu vực Biển Đông rộng 3,5 triệu cây số vuông. Ước tính, Bắc Kinh đã cải tạo khoảng 3.200 ha để mở rộng các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm cải thiện các cơ sở hải quân và không quân.

Nhật Bản có một vai trò đặc biệt trong tranh chấp. Nước này không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lại đối đầu với Bắc Kinh khi liên minh với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại đây.

Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Tokyo kiểm soát khu vực tranh chấp và tám hòn đảo không có người ở. Trung Quốc năm ngoái đã đưa tàu đến gần các đảo này trong hơn 30 ngày để khẳng định chủ quyền. Thậm chí trong một vài lần còn khiến Nhật phải đưa máy bay ra cảnh cáo.

Trung Quốc còn thù Nhật vì những vấn đề mà Bắc Kinh cho là chưa được giải quyết từ lúc Nhật chiếm đóng Trung Quốc vào thời Chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhật Bản muốn đóng vai trò ở Biển Đông

Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington, nhận định:

“Thủ tướng Nhật rất kiên định về quan điểm là Nhật Bản cần phải có một vị trí danh dự ở Biển Đông”.

Trong khi Hoa Kỳ hiện đang bớt chú ý đến vấn đề này, bà Yun Sun nói, “Tôi nghĩ Nhật Bản có lẽ quan ngại nhất về những gì Trung Quốc đang làm”.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại hội nghị G7.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại hội nghị G7.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã dẫn đầu các cuộc thảo luận tại cuộc họp của G7 về an ninh hàng hải, trong số các vấn đề khác, theo trang web của Bộ Ngoại giao Nhật.

“Khi cuộc thảo luận đề cập đến Trung Quốc, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc và rằng G7 nên thúc giục Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Nhật cho biết.

Hoa Kỳ đang rút lui

Các giới chức Nhật Bản đặc biệt lo lắng vì Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt vấn đề Biển Đông sang một bên kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng, Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nhận định.

Tokyo và Washington từ trước tới nay đã hợp tác với nhau trong việc kiểm tra hoạt động mở rộng của Trung Quốc. Nhưng bây giờ, ông Trump muốn Trung Quốc giúp đỡ kiềm chế Bắc Triều Tiên và có phần chắc sẽ không chống lại Bắc Kinh trong lúc hợp tác.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã sử dụng diễn đàn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm 10 thành viên, để đưa ra các “cảnh cáo”, và các cuộc họp cấp cao ở châu Âu “để đưa ra quan điểm và vận động hỗ trợ cho các quan điểm này”, theo lời nhà nghiên cứu Koh.

Trung Quốc tức giận với cảnh báo chống quân sự hóa của G7

Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi tuyên bố của G7 là "vô trách nhiệm".

Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi tuyên bố của G7 là “vô trách nhiệm”.

Trung Quốc gọi tuyên bố của nhóm G7 là “vô trách nhiệm”. Giáo sư Huang nói có thể Bắc Kinh sẽ phản đối G7 vì đang làm nóng lại vấn đề.

“Về cơ bản, Trung Quốc muốn vấn đề này chìm xuống. Vì vậy, nếu G7 không đề cập đến bất cứ điều gì về Biển Đông, thì đó là tốt nhất cho Trung Quốc”, ông Huang nói.

“Tôi nghĩ Trung Quốc tin rằng họ đang làm một điều gì đó về vấn đề này, và không cần thiết phải đưa nó ra vào lúc này”.

Từ khi tòa trọng tài ở La Haye đưa ra phán quyết hồi năm ngoái cho rằng Bắc Kinh thiếu cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền trên 95% Biển Đông, chính quyền Cộng sản đã tìm cách hội đàm với bốn quốc gia Đông Nam Á có vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên khu vực biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của mình.

Cụ thể, Bắc Kinh đề nghị viện trợ phát triển cho Philippines, thảo luận hợp tác hàng hải với Việt Nam và bơm tiền vào Brunei và Malaysia.

Trung Quốc và ASEAN hồi tháng 5 đã đồng ý về phần khung cho bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn ngừa rủi ro trên biển.

Trong một phần phản ứng đối với Trung Quốc, các ủy ban của đảng cầm quyền Nhật Bản đã soạn thảo bản sửa đổi Luật Lực lượng Phòng vệ, cho phép quân đội có nhiều quyền lực hơn là chỉ giữ vai trò là một lực lượng tự vệ được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến.

Các lãnh đạo G7 đã thêm vào tuyên bố chung rằng họ muốn “giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh hải thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, bao gồm cả trọng tài trung gian”.

VÌ SAO CÂY XÀ CỪ PHÙ HỢP CHO ĐÔ THỊ?

4
Hiện nay HN đang muốn chặt phá cây Xà Cừ, không chỉ Xà Cừ trên đường Phạm Hùng (nói là làm đường), mà còn định làm chiến dịch “thay thế” hơn 4000 cây xà cừ cổ thụ lâu năm (có phải tiếp theo chiến dịch chặt 6700 cây chưa kết thúc?). Sự phá hoại cây xanh và môi trường đô thị này quả độc nhất vô nhị trên Thế Giới!
Một số người nói cây xà cừ không hợp với đô thị là thể hiện sự thiếu hiểu biết và ngụy biện! Cụ thể:
1) Người Pháp nổi tiếng về quy hoạch, chẳng vô cớ mà họ đã chọn cây xà cừ trồng khắp TP từ trăm năm nay trên các tuyến phố vô cùng đẹp Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng… bao năm nay vẫn vững chắc và đẹp mê hồn đó! Xà cừ có tán lá rộng, phát triển nhanh, dễ sống và phù hợp việc cho bóng mát trong đô thị, nên người Pháp mới chọn, họ đâu có Ngu!

2). Cây thế nào cho đô thị là phù hợp? Trong danh sách 6 loại cây lựa chọn để tìm cây phù hợp cho đô thị này thì xà cừ được các nhà khoa học Quốc Tế phân tích lựa chọn là cây phù hợp cho đô thị bởi nó: lớn nhanh (so tuổi), thân (d) và tán rộng (cr), lại cao (h) (cây cao cho bóng râm mát hơn cây lùn, với cùng 1 đường kính): https://www.mdpi.com/1999-4907/7/6/111/pdf
Xà cừ rất phù hợp cho đô thị bởi ngoài những lợi thế trên thì:
A) Tán cây rộng giúp ích rất nhiều cho việc nhả khí Ô-xy tạo không khí trong lành cho con người.

B) Tán cây rộng giúp lọc các chất bụi bẩn trong không khí được tốt hơn, TÁC DỤNG KỲ DIỆU CỦA TÁN LÁ CÂY GIÚP LỌC KHÍ BỤI BẨN VÀ GIẢM Ô NHIỄM đó cần phải được tăng cường bằng việc có nhiều cây xanh tán lá rộng trong đô thị. Chính vì vậy 1 cây lớn với nhiều tán lá có tác dụng lọc khí bụi bẩn hơn rất nhiều cây nhỏ cộng lại. Điều vô cùng quan trọng này nhiều người không hiểu khi họ cố tình chặt phá cây xanh, ngụy biện thay cây lớn bằng cây nhỏ!

C) Tán cây rộng giúp tạo nhiều bóng râm làm mát không khí, cây lớn chính là những chiếc ĐIỀU HÒA TỰ NHIÊN khổng lồ làm mát không khí, giúp nhiệt độ ngoài trời những ngày hè nắng nóng giảm bớt tại những chỗ có cây xanh. Việc chặt cây tất nhiên sẽ làm cho TP thêm nóng bức ngột ngạt và ô nhiễm!

Những cây xà cừ cổ thụ đó chính là di sản của Thủ Đô và vẻ đẹp nên thơ của Hà Nội từ trăm năm nay, đẹp mê hồn trên các phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng… chúng là tài sản chung của dân Hà Nội, cần phải được bảo vệ, giữ gìn nghiêm ngặt- đã được quy định trong luật thủ đô cấm chặt cây xanh. Chính quyền muốn động chạm đến cây xanh phải trưng cầu ý dân, không thể làm tùy tiện được!
Người dân có quyền lên tiếng bảo vệ cây và yêu cầu chính quyền minh bạch công khai những cây nào sâu mục cần thay phải có danh sách cụ thể cho dân giám sát. Hãy bảo vệ cây xanh và môi trường sống của mình!

Bất kỳ việc kiếm cớ để chặt phá/”thay” cây di sản nào của thủ đô là hành vi phá hoại không thể chấp nhận được! Ngoài việc xâm phạm đến di sản văn hóa, việc chặt cây còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân, gây hậu quả khôn lường!

Không hiểu tầm hiểu biết và ý thức về môi trường của mấy ông Sở + UBND ra sao, TP đã ô nhiễm ở mức độ khùng khiếp và ngột ngạt vì thiếu cây xanh, việc chặt cây xanh, giết những lá phổi của TP là giết chính mình! Xin hãy đừng chỉ vì cái lợi trước mắt mà giết hại cây xanh- báu vật của môi trường sống và sức khỏe của dân – không gì có thể thay thế được!
Phát triển TP phải đi đôi với PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG và BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG!

Cũng đừng ngụy biện là “chủ trương đúng”, bởi năm 2015 kế hoạch chặt phá 6700 cây xanh cũng được các ông ngụy biện là “chủ trương đúng” cho tới khi hàng nghìn người dân HN bức xúc nổi giận đổ xuống đường biểu tình phản đối chặt cây thì họ đã phải dừng việc chặt cây và điều tra ra nhiều sai phạm! (những sai phạm này hiện nay vẫn chưa bị truy tố!). Hãy biết LẮNG NGHE và TÔN TRỌNG NGƯỜI DÂN! DÂN LÀ GỐC!

Bên cạnh việc lăm le chặt phá cây, họ mượn danh “GS” Hùng để phát biểu nhăng cuội, ngụy biện cho đám chặt cây, lòe bịp người không có kiến thức sâu về cây xanh! (Được biết hồi HN chặt cây 2015 cũng ông này phát biểu nâng bi cho đám chặt cây như thế đã bị dân chúng và những người có chuyên môn phản đối!).
Bài ngụy biện của ông Hùng: https://m.nguoiduatin.vn/chat-ha-1300-cay-xanh-chuyen-gia-no…

Nhìn lại vụ Đồng Tâm – vì đâu nên nỗi?

Đồng Tâm, Hà Nội
STR/AFP/Getty Các binh sỹ cảnh sát rời khỏi Đồng Tâm sau thời gian bị người dân địa phương nhốt giữ trong vụ việc tranh chấp giữa người dân và chính quyền gây xôn xao dư luận.

Nhìn lại vụ việc ở Đồng Tâm, trước hết về nguồn gốc và diễn biến tranh chấp đất đai, có thể thấy năm 1980, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ra quyết định lấy 208 ha đất thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (nay là thành phố Hà Nội) trong đó có 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức giao cho Bộ Quốc Phòng để thực hiện dự án sân bay Miếu Môn.

Tuy nhiên dự án này đã không được thực hiện và đây là lý do người dân Đồng Tâm lấy lại đất để canh tác. Năm 2014, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định giao 236,7 ha đất cho Bộ Quốc Phòng với lý do đây là diện tích thuộc dự án sân bay Miếu Môn. Diện tích 28,7 ha tăng thêm vẫn thuộc đất nông nghiệp xã Đồng Tâm càng khiến người dân nơi đây bức xúc, cho rằng đây là một sự tham nhũng đất đai ‘trắng trợn’ của UBND thành phố Hà Nội. Từ đó đến nay, căn cứ vào Luật khiếu nại, người dân Đồng Tâm đã liên tục khiếu nại với chính quyền các cấp để bảo vệ quyền sử dụng đất của họ đồng thời chống lại việc cưỡng chế thu hồi đất.

Đồng Tâm: Đối thoại bước đầu thành công

Đồng Tâm: ‘Ta đã thấy gì trong hôm nay?’

Đồng Tâm ‘cần trung gian của xã hội dân sự’

Tiếp theo về diễn biến, cách đây hai tháng, ngày 30/3/2017, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” theo điều 245, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) ra quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” theo điều 257 Bộ Luật Hình sự nhằm vào người dân Đồng Tâm.

Ngày 15/4, Công an thành phố Hà Nội đã bắt bốn người dân Đồng Tâm trong đó có cụ Lê Đình Kình, 83 tuổi, về “Tội gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ Luật Hình sự. Ngay sau đó, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ 38 người gồm hàng chục cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác tham gia vào việc bắt bốn người dân nói trên để phản đối vụ bắt giữ này. Những ngày sau đó, người dân nơi đây đã thả một số cảnh sát cơ động và một số cán bộ khác.

Ngày 22/4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đã có cuộc đối thoại tại chỗ với người dân Đồng Tâm để họ thả nốt 19 cảnh sát cơ động còn bị bắt giữ. Kết thúc đối thoại, người đứng đầu hành pháp thành phố Hà Nội đã ký Bản cam kết với nội dung sau đây.

Vụ Đồng Tâm
STR/AFP/Getty Hàng chục cán bộ và cảnh sát đã bị người dân Đồng Tâm nhốt giữ trong vụ việc gây chú ý của dư luận Việt Nam, trong và ngoài nước.

“Tôi, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xin cam kết như sau: 1- Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật. Khu vực đất Đồng Tâm rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp. Không mập mờ. Đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân Đồng Tâm theo quy định của pháp luật. 2- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Toàn thể Nhân dân xã Đồng Tâm. 3- Chỉ đạo điều tra xác minh việc bắt và gây thương tích cho Cụ Lê Đình Kình, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Ngay sau khi Bản cam kết này được công bố, người dân Đồng Tâm đã thả 19 cảnh sát cơ động còn lại.

Thẩm quyền không truy cứu

Vụ Đồng Tâm thu hút dư luận trong nước

‘Người dân đã vượt qua làn ranh sợ hãi’

Về thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự, trước hết cần khẳng định rằng sở dĩ có cam kết của người đứng đầu thành phố Hà Nội về việc “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Toàn thể Nhân dân xã Đồng Tâm” là vì người dân Đồng Tâm được làm cho tin rằng việc họ bắt giữ cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác là phạm tội. Thực vậy, bên cạnh cơ quan công quyền, nhiều luật sư cả quyết rằng việc người dân Đồng Tâm bắt giữ mấy chục cảnh sát cơ động và một số cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác là hành vi “bắt làm con tin”, là phạm “Tội chống người thi hành công vụ” quy định tại Điều 257 Bộ Luật hình sự, do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người dân này. Vì thế, người dân Đồng Tâm khẳng định, nếu chính quyền khởi tố hình sự họ thì họ sẽ chống lại dù có phải đổ máu.

Nếu như Điều 1 và Điều 3 của Bản cam kết nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của dư luận xã hội thì Điều 2 lại gây ra bão về tính pháp lý của nó. Tựu trung có hai thắc mắc: thứ nhất, Chủ tịch Chung có quyền cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Thứ hai, nếu Chủ tịch Chung có quyền này thì liệu không truy cứu trách nhiệm hình sự “toàn thể” có để ngỏ khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự “một số người”?

Có thể giải đáp ngay thắc mắc thú hai, là sẽ không có việc truy cứu trách nhiệm hình sự một số người dân Đồng Tâm. Thực vậy, “toàn thể” là tất cả cá nhân trong một tập thể hay cộng đồng. Nếu loại trừ một số cá nhân thì “toàn thể” không có nghĩa.

Không ít người, cho rằng Chủ tịch Chung, đại diện cơ quan hành pháp không có quyền đưa ra cam kết như vậy vì thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc về cơ quan tư pháp hay các cơ quan tiến hành tố tụng. Vẫn theo ý kiến này, trong trường hợp ông Chung thực hiện được lời cam kết của mình, sự độc lập mang tính nguyên tắc của cơ quan tư pháp sẽ bị phá vỡ trọn vẹn, cơ quan tư pháp lộ rõ chỉ là công cụ của cơ quan hành pháp mà thôi.

Trước hết, nếu căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng hình sự thì đúng là Chủ tịch Chung không có thẩm quyền quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ Luật này quy định chỉ Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mới có quyền ra quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên theo Khoản 1 Điều 43 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ và quyền hạn “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” thì Chủ tịch Chung hoàn toàn có quyền đưa ra cam kết nói trên. Thực vậy, tháo gỡ mọi điểm nóng xã hội có thể dẫn tới bạo động là ưu tiên hàng đầu không chỉ đối với chính quyền địa phương mà còn đối với cả chính quyền trung ương.

Vụ Đồng Tâm
STR/AFP/Getty Chính quyền thành phố Hà Nội đã lựa chọn giải pháp đối thoại thay vì sử dụng bạo lực trong vụ việc ở Đồng Tâm cuối tháng 4/2017.

Do đó, người viết bài này khẳng định người đứng đầu cơ quan hành pháp thành phố Hà Nội hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan tư pháp, cụ thể là Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thành phố cũng như Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự trung ương không khởi tố bị can hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can nếu có căn cứ cho rằng việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ai đó sẽ “bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” trên địa bàn thành phố.

Tội chống người thi hành công vụ?

TS. Lê Đăng Doanh: ‘Vụ Đồng Tâm, nhà nước học được gì?’

Vụ Đồng Tâm, kinh nghiệm xử lý nhìn từ nước Đức

Về vấn đề thế nào là tội chống người thi hành công vụ, ủng hộ cam kết của Chủ tịch Chung về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm, nhiều người, trong đó có nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Nguyễn Sĩ Dũng, nhấn mạnh đến việc người dân nơi đây đã hành xử theo Công lý (Justice) chứ không hành xử theo Luật (law) trong khi Công lý là mục tiêu cuối cùng mà xã hội hướng tới.

Cũng ủng hộ cam kết của Chủ tịch Chung, Luật sư Trần Thu Nam đặt vấn đề theo hướng khác. Ông nói: “Để giữ được tính tôn nghiêm của pháp luật, vừa giữ được lời hứa của người lãnh đạo trước người dân Đồng Tâm, khi xử lý vụ việc này cơ quan chức năng có thể khởi tố, sau đó vận dụng Khoản 1 điều 25 Bộ luật hình sự để miễn truy trách nhiệm hình sự cho họ”. Điều luật này quy định ” Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Cả hai luồng ý kiến trên đều có chung một điểm là người dân Đồng Tâm đã phạm “Tội chống người thi hành công vụ” cho dù đề xuất xử lý hình sự có khác nhau.

Mặc dầu vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 107 Bộ Luật Tố tụng hình sự theo đó “không được khởi tố vụ án hình sự khi hành vi không cấu thành tội phạm”, người viết bài này cho rằng phải xác định trên cơ sở pháp luật việc người dân Đồng Tâm bắt giữ cảnh sát cơ động có hay không cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ” cái đã. Chỉ khi nào xác định được những người dân này có hành vi phạm tội thì lúc đó mới có thể đặt vấn đề nên xử lý hình sự họ như thế nào.

Để xác định việc người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước khác có hay không cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ”, không thể không xác định “công vụ” và tiếp đó “người thi hành công vụ” là gì.

Vụ Đồng Tâm
STR/AFP/Getty Một biểu ngữ gắn trên tường bên trong xã Đồng Tâm cho hay người dân địa phương ‘không chống đối nhà nước’.

Điều 2 Hiến pháp Việt Nam quy định “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Như vậy, “công vụ” của Nhà nước là phục vụ người dân hay bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là “công vụ” quan trọng nhất của Nhà nước.

‘Dân Đồng Tâm không chống phá chính quyền’

LS Lê Quốc Quân: Những điều ‘vô tiền khoáng hậu’

Điều 3 Luật Cán bộ, công chức quy định “các nguyên tắc trong thi hành công vụ” như sau: “1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; 2. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Chiểu theo các quy định của Hiến pháp và Luật Cán bộ, công chức, người nào nhân danh Nhà nước xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân thì đó là làm trái công vụ. Không những thế, nếu gây thiệt hại cho người dân, người làm trái công vụ còn bị xử lý hình sự theo Điều 281 Bộ Luật Hình sự quy định “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù).

Mặc dầu vậy, có mắc míu là người thi hành quyết định trái pháp luật, tức trái công vụ, có phải là người thi hành công vụ hay không. Có ý kiến cho rằng trường hợp này không phải là người thi hành công vụ.

Ý kiến trên thoạt nghe hợp lý vì người thi hành quyết định trái công vụ không thể là người thi hành công vụ, tựa như người thi hành quyết định sai không thể là người làm điều đúng. Tuy nhiên xét kỹ lại thì ý kiến này không chính xác vì đã đánh đồng chức năng với nhiệm vụ của người thi hành công vụ. Thực vậy, chức năng là thi hành quyết định của cấp trên. Nhiệm vụ là thực hiện một quyết định cụ thể trong khi thực hiện chức năng. Như vậy, người thi hành một nhiệm vụ trái pháp luật hay trái công vụ vẫn là người thi hành công vụ vì chức năng của người này là thi hành quyết đinh của cấp trên.

Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định về “Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” “cấm cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền yêu cầu người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ trái quy định của pháp luật”. Như vậy, thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật là hành vi trái pháp luật.

Vụ Đồng Tâm
STR/AFP/Getty Vụ việc được cho là nhạy cảm vì xã Đồng Tâm, thuộc huyện Mỹ Đức là một địa phương nằm gần trung tâm thủ đô Hà Nội của Việt Nam.

Người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật gây thiệt hại cho người dân thì phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại đã gây ra. Nếu người này biết rõ mình đang thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật thì tùy theo trường hợp cụ thể mà bị truy cứu về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104, “Tội giết người” quy định tại Điều 93, “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại Điều 143…. Bộ Luật Hình sự.

Đồng Tâm ‘rào làng lập ấp’ nhìn từ bên trong

Để khỏi còn nhức nhối những Đồng Tâm

Ngược lại, nếu người thi hành công vụ không biết nhiệm vụ được giao là trái pháp luật mà gây thiệt hại cho người dân thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đươc áp dụng tình tiết “vô ý phạm tội” quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ Luật Hình sự (Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó).

Tóm lại, người dân hay bất cứ ai khác có quyền chống lại người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ trái pháp luật. Nói cách khác, phạm “Tội chống người thi hành công vụ” chỉ xảy ra trong trường hợp người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ không trái pháp luật.

Vậy câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp người dân Đồng Tâm, liệu họ có phạm “Tội chống người thi hành công vụ” hay là không?

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật gia và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị, gửi cho BBC từ Hoa Kỳ trong bối cảnh Quốc hội Khóa 14 của Việt Nam đang họp kỳ hp thứ 3.

Hàng loạt quốc gia cắt đứt quan hệ với Qatar vì ‘chứa chấp khủng bố’

VOA

Ả Rập Xê-út, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Ai Cập đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc nước này hỗ trợ khủng bố.

Đây là động thái riêng biệt trong một chuỗi liên tiếp các biện pháp gần đây của các quốc gia trên.

4 quốc gia nói họ sẽ rút nhân viên ngoại giao khỏi Qatar và cắt giao thông đường hàng không và đường biển đến quốc gia này.

Các hãng hàng không trong khu vực, bao gồm Saudi, Emirates và Etihad, đều cho biết sẽ tạm dừng các chuyến bay tới Qatar, trong khi Qatar Airways thông báo ngừng hoạt động đối với các chuyến bay tới Ả Rập Xê-út.

Yemen sau đó cũng tham gia vào việc cắt đứt quan hệ với Qatar.

Phát biểu từ chuyến công tác ngoại giao tại Sydney, Australia, cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi các quốc gia hãy để mở các kênh thông tin.

“Chúng tôi chắc chắn khuyến khích các bên ngồi lại với nhau và giải quyết các khác biệt. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giúp họ giải quyết vấn đề, nhưng chúng tôi cho rằng điều quan trọng là GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh) phải hợp nhất. Tôi mong rằng điều này không gây tác động đáng kể, nếu như có bất kỳ tác động nào, đối với sự hợp nhất, cuộc chiến hợp nhất chống khủng bố trong khu vực hoặc trên toàn cầu”.

Ả Rập Xê-út, dẫn đầu liên minh các quốc gia chiến đấu ủng hộ chính phủ Yemen, cho biết các lực lượng của Qatar sẽ bị rút ra khỏi cuộc chiến đó.

Hãng thông tấn nhà nước Ả Rập Xê-út, SPA, nói Qatar “chứa chấp nhiều nhóm khủng bố và các nhóm phe phái sắc tộc nhằm gây bất ổn trong khu vực, bao gồm nhóm Huynh đệ Hồi giáo, ISIS và al-Qaida, và cổ xúy cho thông điệp và kế hoạch của các nhóm này thông qua truyền thông”.

Bộ Ngoại giao Qatar nói các biện pháp trên là “vô căn cứ và chỉ dựa trên các cáo buộc thiếu cơ sở và vô căn cứ”.

Hoa Kỳ dọa rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

RFA

Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ có tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Hãng Reuters cho biết, vào tuần trước Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói rằng Hoa Kỳ dự tính làm như vậy nếu Liên Hiệp Quốc không đưa ra những cải cách, bao gồm việc chấm dứt các hành động chống lại Israel một cách thiên vị.

Bà Haley nói thêm rằng Washington sẽ quyết định có nên rút khỏi Hội đồng này hay không sau kỳ họp kéo dài 3 tuần tại Geneva kết thúc trong tháng này.

Washington đã từng tẩy chay hội đồng này trong ba năm dưới thời tổng thống George W. Bush nhưng năm 2009 dưới thời Barack Obama đã tham gia lại.

Mới cuối tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu.

Món quà “cây đèn Hoa Kỳ” của ông Thủ tướng

RFA

Món quà của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gửi tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa qua là một cây đèn dầu, đang tạo ra nhiều suy đoán trên mạng xã hội về ý nghĩa của nó.

Các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến tình hình chính trị bang giao giữa hai nước có ý kiến thế nào?

Không ấn tượng

Đêm 28/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Việt Nam bắt đầu chuyến công du 3 ngày đến Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ chính thức đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, và cũng là lãnh đạo cấp cao Asean đầu tiên tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump tại Toà Bạch Ốc.

Đồng hành với phái đoàn lãnh đạo Việt Nam sang Hoa Kỳ là một món quà giành tặng cho Tổng thống Donald Trump, một cây đèn dầu hay còn gọi là đèn Hoa Kỳ.

Từ Hà Nội, bạn Hoàng Thành, một bạn trẻ rất quan tâm đến mối bang giao giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam, người từng có mặt ở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội để theo dõi trực tiếp cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton cho biết ấn tượng của anh về món quà này.

Em nghĩ nếu mà để truyền bá văn hoá của Việt Nam, đặc biệt là trong sự kiện về ngoại giao thì chiếc đèn dầu rất là lạ, lần đầu tiên em thấy trong ngoại giao với nước ngoài.
-Hoàng Thành

“Đầu tiên em nghĩ nếu mà để truyền bá văn hoá của Việt Nam, đặc biệt là trong sự kiện về ngoại giao thì chiếc đèn dầu rất là lạ, lần đầu tiên em thấy trong ngoại giao với nước ngoài. Văn hoá Việt Nam có thể là chiếc nón lá, hay chiếc áo dài thì sẽ gắn liền với hình ảnh Việt Nam, cũng có thể là cái trống đồng, những hình ảnh rất là đẹp.

Nếu ngoại giao bằng hình ảnh cái đèn dầu như thế theo em nghĩ nó hơi nghiêng về một phía. Một phía đây nghĩa là có thể Việt Nam nghĩ rằng nó rất có ý nghĩa nhưng mình cũng phải hỏi lại một câu ngược lại rằng ông Trump có thấy ý nghĩa? Hay có một ẩn ý gì phía trong món quà đó không thì mình không biết.

Nói một cách khác thì em thấy quà tặng này nó hơi vô nghĩa.”

Từ Sài Gòn, một bạn có nick name là Van Dan Jos cho biết theo suy nghĩ của anh, một món quà ở đẳng cấp ngoại giao giữa hai quốc gia thì không nên tập trung vào giá trị vật chất, thay vào đó là giá trị truyền thống. Tuy nhiên, anh nói rằng cây đèn dầu là một vật thể gắn bó với đời sống của người Việt Nam từ lâu, đặc biệt là những vùng nông thôn đến nay vẫn có gia đình sử dụng đèn dầu, nhưng không vì thế mà cho rằng chiếc đèn dầu mang ý nghĩa truyền thống Việt Nam.

“Nó không thể nói là của Việt Nam hay truyền thống của Việt Nam được. Vì tới giờ em cũng đâu biết gì về chiếc đèn dầu thời đấy nước ngoài làm ra hay Việt Nam? Làm sao mình nói là truyền thống nước mình được?

Ở Việt Nam mình, nói về truyền thống, để tặng, em tặng cái nón lá, nó hay hơn. Vì cái đèn dầu, em chưa thấy giá trị truyền thống ở đây, mà lại đi tặng cho một nguyên thủ quốc gia. Em chưa thấy ở đây nó có ý nghĩa gì hết.”

Khiên cưỡng

Hình ảnh món quà do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Mỹ được truyền đi trên mạng xã hội cho thấy có hình tượng lúa non, hoa sen, hai lá cờ Việt Nam – Hoa Kỳ.

315_den-hoa-ky-5976-1496025216-400
Chiếc đèn Huê Kỳ được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mang đến Mỹ tặng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.Photo courtesy of nongnghiep.vn

Báo chí trong viết rằng “hình tượng lúa non với ẩn ý về nền văn hóa lúa nước; hoa sen biểu trưng cho tính hướng thiện của tâm hồn người Việt; hai lá cờ Việt Nam – Hoa Kỳ với thông điệp mở rộng giao thương, tạo lập vững chắc về sự hợp tác toàn diện”.

Trên trang blog ntuongthuy.blogspot có đăng tải bài viết của tác giả Vũ Thế Long đề cập đến câu chuyện về ý nghĩa khi dùng cây đèn dầu làm quà tặng. Theo đó, trong một lần được mời đi thăm Hoa Kỳ với tư cách là một Đại biểu Quốc hội và là nhà sử học, theo lời gợi ý của Tiến sĩ khảo cổ học Vũ Thế Long, ông Dương Trung Quốc đã dùng cây đèn Hoa Kỳ làm quà tặng một người bạn.

“Đi Mỹ về, Quốc kể lại với tôi về nỗi vui mừng khi bất ngờ người Mỹ được tặng một cổ vật giá trị và ý nghĩa đến thế. Sau này, trong nhiều buổi thuyết giảng, Quốc cũng lấy cái chuyện cây đèn Hoa Kỳ ra làm một ví dụ tốt đẹp cho mối quan hệ Việt Mỹ vốn có từ ngày xửa ngày xưa và cầu mong cho hai dân tộc xích lại gần nhau trong dân chủ bình đẳng và thịnh vượng.”

Và sử gia Dương Trung Quốc chính là người đề xuất ý kiến sử dụng cây đèn Hoa Kỳ làm quà tặng cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp ngày 31 tháng 5.

Thế nhưng, Van Dan Jos, vốn là một hoạ sĩ thiết kế, anh phân tích trên góc độ mỹ học.

“Nếu mà nói 1 hình ảnh đưa lên để nó thành 1 cái rất Việt Nam vậy thì em in hoặc gắn hình bông lúa lên đôi dép em đi tặng cho nhau thì cũng rất Việt Nam sao?

Để rất Việt Nam mà chỉ để gắn hình ảnh lên một vật khác thì em thấy nó không hợp lý. Tặng những cái gì mà nó đã ghi vào tâm khảm của mọi người rồi, như nón lá, áo dài.”

Tất cả những bài viết đăng tải trên báo chí trong nước viết về món quà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến Hoa Kỳ đều bị lấy xuống và không rõ nguyên nhân vì sao. Một trang blog có tên tienbo.org có trích dẫn lại được nội dung viết rằng “vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hãng dầu lửa của Mỹ đã bắt đầu đem hàng đến bán tại Việt Nam. Lúc đó người Việt chỉ quen dùng dầu lạc hoặc nến để thắp sáng, chưa quen dùng dầu hỏa. Để phát triển thị trường, người Mỹ đã tặng đèn cho người mua dầu. Cái tên ‘đèn Hoa Kỳ’ xuất phát từ đó, sau này các loại đèn dầu cho dù được làm bằng chất liệu gì và xuất xứ ở đâu cũng thường được người dân gọi là ‘đèn Hoa Kỳ’, gắn bó với gần như mọi gia đình Việt suốt thế kỷ 20”.

Facebooker Nguyễn Quang Lập biết trên trang cá nhân của mình rằng: “Nếu cho rằng vì đây là đèn Hoa Kỳ nên đem tặng tổng thống Mỹ là trật. Đèn này gọi là đèn Hoa Kỳ thôi chứ không phải của Hoa kỳ. Chẳng qua cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 hãng dầu lửa Shell ( hãng “con sò”) của Mỹ mang dầu hỏa sang bán ở Việt Nam thì đèn dầu hoả này được dân mình gọi là Đèn Hoa Kỳ ( đèn đựng dầu Hoa Kỳ). Cây đèn này gọi là đèn Ba Lan thì đúng hơn, vì nó được ông Ignacy Łukasiewicz, người Ba Lan chế tạo vào năm 1853.”

Nếu mà nói 1 hình ảnh đưa lên để nó thành 1 cái rất Việt Nam vậy thì em in hoặc gắn hình bông lúa lên đôi dép em đi tặng cho nhau thì cũng rất Việt Nam sao?
-Van Dan Jos

Để dẫn đến ý nghĩa thật sự của món quà phải qua những phân tích mang tính “bắt cầu’ như thế thì theo bạn Van Dan Jos, món quà khó truyền tải được hết thông điệp của đất nước và con người Việt Nam.

“Em giả thuyết là họ hiểu, nhưng gần như tất cả mọi người đều không hiểu, vậy thì giá trị sản phẩm này đưa đi tặng cho 1 nguyên thủ quốc gia thì không lẽ phải đi qua giải thích cho người nhận là hãy hiểu như tôi sao?”

Đồng thuận với việc cho rằng không thể gán ghép chiếc đèn dầu vào ý nghĩa của lịch sử, văn hoá truyền thống dân tộc, Hoàng Thành cho biết nếu món quà được gửi đi giữa hai cá thể với nhau thì có thể chấp nhận được.

“Cũng có thể nếu nói ở góc độ là cá nhân ông Nguyễn Xuân Phúc tặng cho ông Trump thì mình sẽ không có vấn đề gì để nói. Nhưng nếu để đại diện hay thể hiện 1 hàm ý nào, ngay cả bản thân em hay những bạn trẻ khác thì bây giờ nói lịch sử của chiếc đèn dầu gắn liền với một thời điểm lịch sử nào đấy thì không có gì rõ ràng cả.”

Anh nói thêm, ngay cả khi muốn nói rằng chiếc đèn đại diện cho một tầng lớp nào đấy ở Việt Nam, hay đại diện cho một thời gian người dân Việt Nam đã có cuộc sống gắn liền với đèn dầu thì  ông Donald Trump, đại diện cho nước Mỹ cũng không quan tâm đến vấn đề ấy.

“Nước Mỹ đâu có quan tâm đến chiếc đèn dầu ra làm sao hay ý nghĩa nó là gì?”

Một năm trước, trong chuyến công du Việt Nam của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama, theo nghi lễ ngoại giao, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tặng ông Obama một món là chiếc hộp cách điệu hình trống đồng, bên trong đựng những hạt lúa giống. Ngược lại, món quà của cựu tổng thống Obama khi đó là bản phục chế Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do chính Tổng thống Jefferson viết bằng tay.

Cũng trong chuyến đi đó, hành trang của ông Obama khi trở về Mỹ còn có thêm một món quà do nhà thiết kế Sỹ Hoàng giành tặng riêng cho bà Michelle Obama, đó là chiếc áo dài Việt Nam với những họa tiết hình hoa được vẽ tỉ mỉ bằng tay. Trong đó, lớp lót lụa bên trong của áo dài phía ngực trái được đính thêm một miếng vải hình trái tim in hình chân dung phu nhân Tổng thống Mỹ và người mẹ của bà – bà Marian Robison.

Tuy rằng theo ghi nhận của báo chí trong nước, món quà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang theo để tặng Tổng thống Mỹ tại cuộc gặp chính thức ở Nhà Trắng ngày 31/5 được đánh giá chứa đựng nhiều ý nghĩa về lịch sử giao thương và quan hệ Việt – Mỹ, nhưng theo các bạn trẻ tham gia Diễn đàn bạn trẻ lần này cho biết, ký ức của các bạn về cây đèn dầu là một hình ảnh rất thô sơ, có chăng là ý nghĩa của sự soi sáng cho con người trong đêm tối.

Trung Quốc hợp pháp hóa việc theo dõi các nhà hoạt động

RFA

Các nhà hoạt động Trung Quốc tỏ ra lo ngại biện pháp tăng cường theo dõi khi mà nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố dự luật hợp pháp hóa việc giám sát các nghi phạm và khám xét nơi ở.

Hãng tin Reuters ngày 5/6 cho biết nhiều nhà hoạt động đã nói với hãng này rằng họ phải đối mặt với sự giám sát tăng cường của an ninh và bị đặt camera bên ngoài nhà. Các hoạt động trên mạng xã hội cũng bị theo dõi và kiểm duyệt chặt chẽ. Một số người cho biết trước đó, họ bị theo sát một cách bí mật nhưng bây giờ an ninh nói thẳng là đang theo dõi họ.

Dự thảo này được Trung Quốc công bố vào ngày 16 tháng 5 với mục đích để củng cố và mở rộng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc trong và ngoài nước.

Tuy nhiên nhiều người cho biết dự thảo này rất mơ hồ và không quy định rõ quyền hạn của các cơ quan nhà nước khác nhau.

Đối lập Campuchia thắng lợi trong kỳ bầu cử địa phương

RFA

Phe đối lập tại Xứ Chùa Tháp là Đảng Cứu Nguy dân tộc Campuchia (CNRP) cho biết đạt được những thành công đáng kể trong cuộc bầu cử địa phương vào hôm chủ nhật 4 tháng 6 vừa qua.

Hãng tin AFP cho biết về những kết quả ban đầu được thông báo  hôm thứ Hai 5 tháng 6. Theo đó phía đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen thu được 51% phiếu phổ thông và đảng đối lập được 46%. Cả hai đảng đều tuyên bố đạt được thắng lợi.

Nếu kết quả phiếu phổ thông được xác nhận, thì Đảng đối lập sẽ giành được quyền điều hành 500 trên tổng số hơn 1600 xã-phường trên cả nước.

Theo AFP, hơn bảy triệu người dân Campuchia đã bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vào ngày Chủ Nhật, cũng là lần đầu tiên kể từ khi có kết quả bầu cử gây tranh cãi năm 2013.

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử xã-phường vào ngày 4 tháng 6 vừa qua sẽ được chính thức công bố vào ngày 25 tháng 6; mặc dù Uỷ ban bầu cử Quốc gia dự kiến thông báo kết quả sơ bộ trong những ngày sắp tới.