Home Blog Page 1365

Bắc Triều Tiên và thương mại, tâm điểm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Hàn

0
RFI

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm qua 29/06/2017 đã được đồng nhiệm Hoa Kỳ tiếp đón tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào đầu bữa tiệc chính thức tối hôm qua với đồng nhiệm Moon Jae In nói rằng hai bên sẽ thảo luận trong hai ngày về hồ sơ Bắc Triều Tiên và thương mại. Lãnh đạo Hàn Quốc đã tìm cách cho Hoa Kỳ thấy rằng ông nghiêm túc muốn đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng mặc dù lâu nay ông chủ trương hòa đàm với Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc cam kết sát cánh với Donald Trump để cùng giải quyết hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhằm đạt được hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á. Sau bữa ăn tối, Donald Trump đã viết trên Twitter rằng buổi gặp với tổng thống Moon đã diễn ra tốt đẹp.

Cũng trong ngày hôm qua, lần đầu tiên Mỹ thông báo trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc vì đã có các hoạt động tài chính trái phép với Bắc Triều Tiên để hỗ trợ chế độ Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Theo AFP, bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ đã khẳng định với Nhà Trắng là ngân hàng Trung Quốc Bank of DanDong của thành phố Đan Đông sát biên giới với Bắc Triều Tiên là mối lo ngại hàng đầu về « rửa tiền ». Bank of DanDong sẽ không được phép tham gia vào thị trường tài chính tại Mỹ.

Hai người Trung Quốc khác bị bộ Tài Chính Hoa Kỳ phong tỏa tài sản và cấm hoạt động thương mại tại Mỹ vì đã tạo điều kiện cho việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nga : Những kẻ trực tiếp sát hại nhà đối lập Nemtsov bị kết án tù

0
RFI

Hôm qua, 29/06/2017, năm kẻ trực tiếp sát hại nhà đối lập Nemtsov đã bị tòa án hình sự tại Matxcơva kết án tù. Hiện còn một kẻ thứ sáu đang lẩn trốn. Vụ nhà đối lập Boris Nemtsov bị bắn chết với 4 viên đạn vào lưng hồi tháng 2/2015 tại trung tâm Matxcơva gây chấn động. Điều đặc biệt được công luận chú ý là trong phiên tòa nói trên, kẻ đứng đằng sau vụ ám sát này đã không bị đưa ra ánh sáng.

media

Thông tín viên Muriel Pomponne tường trình từ Matxcơva,

« 12 bồi thẩm viên của phiên tòa quân sự này đã không dành cho năm bị cáo bất cứ tình tiết giảm nhẹ nào, và cho rằng các thủ phạm này không có quyền được hưởng khoan hồng. Tất cả năm người bị kết án đều là người gốc Tchetchenia và Ingouchie, và một trong số họ là thành viên của đội cận vệ của tổng thống cộng hòa tự trị Tchetchenia, ít nhất là vào thời điểm xảy ra án mạng. Đây chính là lý do khiến vụ án được xét xử tại một tòa án quân sự.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử kể từ cuối năm 2016. Các luật sư cho biết thân chủ của họ có thể yêu cầu phúc thẩm. Họ yêu cầu Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu can thiệp, vì theo họ có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra.

Về phần mình, gia đình và những người thân của ông Boris Nemtsov cũng không hài lòng. Họ lấy làm tiếc là kẻ chủ mưu vụ án mạng đã không bị đưa ra tòa cùng các bị cáo. Ilia Iachine, một người bạn thân của Boris Nemtsov yêu cầu tư pháp tiếp tục điều tra chừng nào mà những kẻ chủ mưu và những người tổ chức vụ này chưa bị bắt. Đối với ông, vụ án chưa được làm sáng tỏ. Gia đình của nạn nhân cũng có cùng một quan điểm khi lên án đây là một ‘‘thất bại hoàn toàn’’.

Nhiều người thân của nhà đối lập quá cố cáo buộc giới thân cận của lãnh đạo người Tchetchenia Ramzan Kadyrov, thậm chí chính người này, là thủ phạm của vụ ám sát. Tuy nhiên, tư pháp Nga đã từ chối triệu tập nhân vật này ra tòa với tư cách nhân chứng ».

Một người Mỹ tại Paris

1
RFI

Donald Trump sẽ đến Paris vào ngày 14/07/2017 theo lời mời của Emmanuel Macron nhân Quốc Khánh Pháp. Nhiều đơn vị Mỹ sẽ diễn hành cùng với quân nhân Pháp trên đại lộ Champs Elysées ghi dấu 100 năm ngày Hoa Kỳ tham dự Thế Chiến Thứ Nhất. Tổng thống Pháp tính toán gì khi mời chủ nhân Nhà Trắng,người không được cảm tình của công luận châu Âu. Đề tài tốn nhiều giấy mực.

Libération đưa độc giả tới Mossoul trong hoang tàn đổ nát do Daech để lại trong khi Le Figaro khẳng định hoàng hôn phủ bóng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Mossul. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa hai tin báo động : thâm thủng trong ngân sách quốc gia do chính phủ trước để lại 8 tỷ đôla. Và cơn gió lạnh thổi qua thị trường chứng khoán châu Âu mà bất trắc đang chờ trong sáu tháng cuối năm 2017.

Nhật báo công giáo La Croix đưa lên trang nhất thông tin gây chấn động tòa thánh Vatican : hồng y người Úc George Pell, bộ trưởng Tài Chính của Vatican bị tư pháp Úc truy tố về tội lạm dụng tình dục trẻ em trong thập niên 1970.

Trong số các chủ đề đa dạng của các nhật báo ghi ngày thứ Sáu 30/06/2017, Le Monde dành bài xã luận với tựa đề : Một Người Mỹ tại Paris, mượn tựa của một tác phẩm nổi tiếng của Ernest Hemingway.

Le Monde mô tả “người Mỹ Donald Trump” phải từ chối lời mời của nữ hoàng Anh và thủ tướng Theresa May vì thần dân Anh và đô trưởng Luân Đôn chống đối. Tại Đức, chính quyền chuẩn bị đối phó với những cuộc biểu tình lớn chống chủ nhân Nhà Trắng sang dự Thượng đỉnh G20 vào ngày 7 và 8/07/2017 ở Hambourg.

Một kết quả thăm dò ý kiến của Pew Research Center tuần qua cho thấy uy tín của tổng thống Donald Trump tuột dốc thê thảm trong công luận châu Âu, kể cả ngưòi Pháp. Tổng thống Barack Obama được hâm mộ bao nhiêu thì tổng thống Donald Trump bị ghét bấy nhiêu. Chỉ có Ba Lan là mong chờ đón tổng thống Trump vào ngày 06/07.

Macron thực tiễn

Thế nhưng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không phải là người dễ bị thuyết phục. Chủ nhân điện Elysée đã từng chứng minh ông không ngại tiếp xúc với những lãnh đạo bị ghét bỏ. Đòn ngoại giao ngoạn mục là mời tổng thống Nga Vladimir Putin sang điện Versailles, chứng tỏ thái độ thực tiễn trên hồ sơ Bachar al Assad, không buộc nhà độc tài phải ra đi làm điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc chiến.

Với Donald Trump, một người xem thường Liên Hiệp Châu Âu, rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris COP21, Emmanuel Macron, áp dụng bí kíp của Machiaveli (quân sư của nhiều lãnh chúa ở nước Ý thời Phục Hưng thế kỷ 14 – 15) đã đoạt ngôi vô địch “tâm cơ khó lường” của lãnh đạo siêu cường số một.

Nếu chủ nhân điện Kremlin được khoản đãi trong cung son điện ngọc thì chủ nhân Nhà Trắng sẽ được chào đón với lễ nghi quân cách trên đại lộ Champs-Elysées. Cũng như khi dùng xe quân sự mui trần cho ngày nhậm chức, Emmanuel Macron muốn nói là ông gắn bó với những hình ảnh biểu trưng sức mạnh của nước Pháp và nước Pháp là cường quốc hạt nhân, là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, ngang hàng với Hoa Kỳ. Donald Trump muốn phục hồi “uy thế vĩ đại cho nước Mỹ ” thì Emmanuel Macron muốn “trả lại uy thế vĩ đại cho địa cầu”.

Để đạt được mục tiêu này, theo tổng thống Pháp, cần phải vượt lên trên tâm lý tranh hơn tranh thua của trẻ con như cú bắt tay thử nội lực (tại Thựơng đỉnh G7) mà phải hợp tác chống khủng bố, giải quyết khủng hoảng Syria và chống biến đổi khí hậu. Làm những chuyện lớn này không thể thiếu nước Mỹ.

Bên cạnh đó, tổng thống Pháp còn muốn đặt mình trong vai trò lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu trên chính trường quốc tế. Liệu nhà lãnh đạo 39 tuổi này có thể làm được không. Kết luận, và cũng là câu trả lời của Le Monde : Được, nhưng phải đi tới chứ không chỉ dừng lại ở hình ảnh và biểu tượng.

Sự kiện tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ngạc nhiên mà tổng thống Mỹ nhận lời lại càng bất ngờ hơn. Đây là một thành công mới của Emmanuel Macron, theo nhận định của một nhà ngoại giao. Trong bài «cử chỉ tính toán của Macron » thông tín viên Stéphane Le Bars từ Washington, cho biết lãnh đạo Mỹ-Pháp sẽ « tăng cường mối hợp tác đã chặt chẽ » từ chống khủng bố cho đến kinh tế.

Trong bối cảnh hai nước đã đe dọa trả đũa Damas nếu một lần nữa, vũ khí hóa học được sử dụng tại chiến trường Syria, hồ sơ này sẽ được thảo luận trong dạ tiệc chiều 13/07. Theo Le Monde, sự kiện vị tổng thống Mỹ từng đưa những thông điệp thiếu lịch sự với Pháp như là « Paris không còn là Paris, thành phố ánh sáng » nay sắp đến Paris đã gây ngạc nhiên tại nước Mỹ nhưng ít được bình luận.

Tại Pháp, nhật báo Công Giáo La Croix đặt câu hỏi có nên mời Donald Trump dự lễ diễn binh 14/07 hay không ? Phe ủng hộ cho rằng đây là biểu tượng của hai nước đồng minh lâu dài, nếu chỉ mời quân đội Mỹ mà không mời tổng tư lệnh tối cao thì chỉ gây bất đồng vô ích. Còn theo phe chống, đa số là cánh tả, thì tổng thống Pháp phải nhân cơ hội này để thảo luận sâu xa về thế cờ chiến lược chung và đặt thẳng vấn đề với Donald Trump về mối quan hệ với tổng thống Nga Putin.

Một người Trung Quốc tại Hồng Kông

Hồng Kông là chủ đề được quan tâm đặc biệt : 20 năm sau ngày Luân Đôn trao trả nhượng địa Hồng Kông cho Bắc Kinh (01/07/1997), vì sao chỉ có 20% người dân bán đảo mang tên Hương Cảng xem mình là người Trung Quốc ?

Bên cạnh bản tin « Nước Pháp kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba » là phóng sự của Le Figaro « Tập Cận Bình triệt hạ Hồng Kông ». Theo tường thuật của đặc phái viên Sébastien Falletti thì Hồng Kông đã biến thành một đồn lũy đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân 20 năm Bắc Kinh lấy lại chủ quyền.

Các biện pháp an ninh đặc biệt, với 11.000 cảnh sát chìm nổi, được bố trí chặt chẽ đề phòng biểu tình và bảo vệ « tư lệnh khủng bố » như lời ta thán của một người đàn ông trung niên thuộc thế hệ thứ ba gốc Quảng Đông : 20 năm qua là 20 năm xấu. Người Hoa lục tràn sang xâm lấn làm vật giá leo thang. Chính nỗi bất bình này đã làm cho xu hướng đòi độc lập lên cao lấn át phong trào đấu tranh dân chủ, theo nhận định của nhật báo cánh hữu.

Nhật báo kinh tế Les Echos điểm qua những khó khăn của « Hồng Kông đang bị Trung Quốc nuốt chửng. Người nghèo khó ngày càng đông và càng nghèo hơn, phải lên nóc cao ốc mà ở. Tuổi trẻ không bao giờ bỏ cuộc ».

Tuổi trẻ không bỏ cuộc là lời xác quyết của Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), cậu học sinh trung học trong phong trào Dù Vàng năm 2014, nay là một sinh viên thủ lĩnh đảng dân chủ Demosito, tiếp tục thách thức người khổng lồ Trung Quốc : chúng tôi sẽ chứng minh cho Tập Cận Bình thấy thời điểm này không phải là lúc ăn mừng mà là biểu tình phản kháng.

Một khi Hồng Kông trở về Trung Quốc, Hoàng Chí Phong chỉ ra những mưu toan của Trung Quốc như dùng tư pháp để trói tay các nhà tranh đấu, dùng « tư bản đỏ » để xâm chiếm Hồng Kông, đầu cơ địa ốc hay qua bàn tay tỷ phú Jack Mã Vân, chủ nhân Alibaba, kiểm soát nhật báo có uy tín South China Morning Post.

Gọng kềm

Chiến thuật ba mặt giáp công : kinh tế, chính trị, văn hóa của Trung Quốc được nhật báo Công Giáo La Croix lược kể nhận xét của một vài thanh niên tuổi 20 trong bài « Định mệnh đắng cay của Hồng Kông ».

Phần dẫn nhập nhắc lại khung cảnh trời mưa u ám trong buổi lễ bàn giao ngày 01/07/1997. Hai mươi năm sau, một thanh niên 27 tuổi nhớ lại : ba mẹ tôi không vui nhưng chấp nhận sự kiện một cách bình thường cho dù họ là những người tị nạn chế độ Mao Trạch Đông.

Một giáo viên Anh văn 28 tuổi tuyệt vọng vì giá nhà đất lên cao quá. Một sinh viên tên Anthus Leung than phiền ra đường nghe tiếng quan thoại ngày càng đông. Mỗi năm có 50.000 dân Hoa lục sang Hồng Kông định cư (theo thỏa thuận với Anh Quốc), nhân lên 20 năm, tổng cộng là 1 triệu trên tổng số 7 triệu dân Hồng Kông : một cuộc xâm lăng văn hóa của Bắc Kinh.

Liberation cũng dành hai trang để tường thuật « nỗi niềm thất vọng » của dân Hồng Kông với bài cùng tựa. Nhưng trong gọng kềm của Bắc Kinh, tuổi trẻ Hồng Kông vẫn tìm cách kháng cự.

Cũng như mỗi thứ sáu, Trung Quốc mua 8 trang của Le Figaro để tuyên truyền. Trong số này có bài « phóng sự » : Tập Cận Bình tuyên chiến với ba thế lực ma quỉ là khủng bố, ly khai và cực đoan hầu chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc có tinh thần trách nhiệm đối với láng giềng và hòa bình thế giới.

Lập luận của Trung Quốc có đáng tin hay không ? Trên trang kinh tế, Le Figaro đưa tin : Hàng giả vẫn phồn vinh tại Trung Quốc. Báo cáo của hải quan Liên Hiệp Châu Âu, phản ánh thực tế này, làm Bắc Kinh bất bình.

Bạo lực gia đình tại Pháp : ai vô tâm ?

Khác với các đồng nghiệp tập trung vào tình hình chính trị, kinh tế, nhật báo cánh tả độc lập chọn tệ nạn bạo lực trong gia đình làm chủ đề chính : 220 phụ nữ thiệt mạng trong ba năm qua trong sự vô tâm của tình nhân, của chồng hay chồng cũ. Án mạng gần nhất xảy ra hôm 11/06/2017 khi một ông chồng trói vợ trên đường rầy xe lửa cao tốc TGV.

Điều tra « vụ án giết người hàng loạt », Libération xem lại những trang báo cũ ở địa phương để báo động trung bình mỗi ba ngày có một vụ giết vợ. Trong số 220 nạn nhân chỉ có 20 người nước ngoài và chỉ có 15 thủ phạm nghiện rượu. Các biện pháp đề phòng có sẵn nhưng theo Libération, hồ sơ này không phải là mối quan tâm hàng đầu của tân chính phủ Pháp.

Brazil: Gần một trăm cảnh sát bị truy lùng trong chiến dịch chống ma túy

0
RFI

Ngày 29/06/2017, chính quyền Brazil, đã mở một chiến dịch chống ma túy trên quy mô lớn tại bang Rio de Janeiro, và nhắm vào gần một trăm cảnh sát bị nghi ngờ tham nhũng.

Theo thông cáo của chính quyền địa phương, được AFP trích dẫn, thì tổng cộng có 185 người bị truy nã, trong số này có 95 cảnh sát vũ trang.

Truyền thông Brazil cho hay chiến dịch truy lùng chống khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước này có mục tiêu phá dỡ một mạng lưới tham nhũng bên trong lực lượng cảnh sát ở Rio, có quan hệ với những kẻ buôn lậu ma túy.

Còn theo website thông tin G1, nhóm cảnh sát tham nhũng này mỗi tháng nhận được một triệu real, tương đương 300 ngàn đô la từ các băng đảng buôn ma túy. Các cảnh sát tham nhũng bị nghi ngờ nhận tiền để bảo kê các tổ chức buôn ma túy và thậm chí cho thuê vũ khí.

Tuần trăng mật Mỹ-Trung dường như đã kết thúc

0
RFI

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hôm 30/06/2017. Bắc Kinh tức giận vì Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc có liên hệ với Bắc Triều Tiên.

Các quyết định của Mỹ và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc tương phản hẳn với không khí tương đối thân mật từ sau cuộc gặp gỡ với chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại tư dinh của nhà tỉ phú tại Florida.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 30/6 tuyên bố : « Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể chỉnh đốn lại hành vi sai trái, để đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại con đường đúng đắn, phát triển một cách vững chắc và ổn định ».

Bắc Kinh nhấn mạnh « kiên quyết chống lại » các biện pháp trừng phạt của bộ Tài Chính Hoa Kỳ đối với một ngân hàng Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông (Dandong) bị Washington cáo buộc rửa tiền cho Bắc Triều Tiên, và từ nay không thể kết nối với hệ thống tài chính Mỹ.

Trung Quốc cũng « cực lực phản đối » việc chính quyền Trump cho phép bán cho Đài Loan 1,3 tỉ đô la vũ khí. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trả đũa : « Ngay cả trong thời bình, chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng Đài Loan bị đe dọa nặng nề. Hòa bình chưa bao giờ có được, và không bao giờ được lơi lỏng việc bảo vệ đất nước chỉ vì hiện đang bình yên ».

Ông Lục Khảng còn đả kích các phát biểu « vô trách nhiệm » của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Washington bày tỏ quan ngại về việc tôn trọng các quyền tự do ở Hồng Kông, trong dịp kỷ niệm 20 năm cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nói với AFP : « Chừng như tuần trăng mật, được bắt đầu với lời hứa của Bắc Kinh sẽ làm điều gì đó về vấn đề Bắc Triều Tiên, đã kết thúc hẳn rồi. Tôi nghĩ rằng ông Trump muốn dùng lá bài Đài Loan để thúc đẩy Trung Quốc hành động nhiều hơn về Bắc Triều Tiên, và có thể cả biện pháp thương mại nữa ».

Nhưng đối với giáo sư James Reilly, chuyên về quan hệ quốc tế ở trường đại học Sydney, « nay ít có khả năng Trung Quốc làm điều gì đó về hồ sơ Bắc Triều Tiên, do vụ Mỹ trừng phạt và bán vũ khí ».

Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt đả kích chính sách thương mại của Trung Quốc, trong thời gian tranh cử. Giọng điệu của ông nhẹ nhàng hẳn đi sau khi gặp ông Tập Cận Bình : ông Trump cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để thúc đẩy Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình nguyên tử và đạn đạo. Nhưng tổng thống Mỹ tuần rồi phải cau mày, trong một tin Twitter ông Trump khẳng định các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả.

Ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc bị Hoa Kỳ cáo buộc là đã tạo điều kiện cho các giao dịch của những công ty có liên can đến việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nhấn mạnh, các trừng phạt này không chủ ý nhắm vào Trung Quốc. Nhưng ông cảnh báo : « Nếu chúng tôi phát hiện một hoạt động nào khác, thì sẽ trừng phạt thêm các định chế khác. Không có ai ngoại lệ cả ».

Trung Quốc là láng giềng và là nước duy nhất ủng hộ Bắc Triều Tiên cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Bắc Kinh coi việc thương lượng là phương cách duy nhất để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đạn đạo và nguyên tử, khuyến khích Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên nhượng bộ lẫn nhau nhưng không đứng về bên nào.

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng hành xử tương tự. Trên chuyến bay đưa ông đến công du Hoa Kỳ, Moon Jae In tuyên bố Seoul và Washington cần phải đưa ra những nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận một số điều kiện – theo báo chí Hàn Quốc. Ông Moon nói : « Tuy không tưởng thưởng Bắc Triều Tiên về những hành động đáng phê phán, nhưng Hàn Quốc và Hoa Kỳ cần phải cùng nhau xem xét nên đề nghị với Bình Nhưỡng những gì để đổi lấy việc đóng băng chương trình nguyên tử của họ ».

Hôm thứ Sáu 30/06/2017, tổng thống Donald Trump tuyên bố « thời kỳ kiên nhẫn với Bình Nhưỡng đã kết thúc », khẳng định Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác trên thế giới để có được « một tổng thể các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh ». Ông không nhắc đến Trung Quốc.

Tuần trăng mật Mỹ-Trung đã thực sự trôi qua rồi chăng ?

Gia đình cựu tổng thống Mỹ Obama nghỉ hè tại Indonesia

0
RFI

Từ Jakarta, thông tín viên Joel Bronner cho biết thêm thông tin :

« Truyền thông Indonesia thỏa chí đưa tin về kỳ nghỉ hè của Barack Obama, một du khách nổi tiếng mà cách nay 6 tháng vẫn còn là tổng thống Hoa Kỳ. Tuần trước, cựu tổng thống Mỹ, mặc quần jean, đi giầy thể thao, đã tới Bali, đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia. Ông nghỉ trong thành phố Ubud thơ mộng trước khi tới đảo Java.

Báo chí Indonesia có dịp miêu tả chi tiết thực đơn các bữa ăn của gia đình ông Obama như cơm chiên hoặc trộn sa-tế, thịt xiên nướng với sốt dầu lạc, hay tường trình chuyến thăm chùa Phật giáo Borobudur, một trong điểm du lịch tuyệt đẹp trên quần đảo.

Trước khi kết thúc kỳ nghỉ vào cuối tuần này, Barack Obama cũng đã tranh thủ tới thủ đô Jakarta để thăm lại ngôi nhà cũ của ông, trong khu trung tâm Menteng. Vào thời đó, thân mẫu của ông kết hôn với một người Indonesia và do vậy, từ 6 đến 10 tuổi, cậu bé Obama đã sống tại Jakarta, rồi sau đó sang sống ở Hawai.

Chuyến thăm được rất nhiều kênh truyền thông đưa tin và do vậy đã quảng bá cho du lịch tại Indonesia. Năm ngoái, Indonesia đã đón tiếp gần 12 triệu lượt du khách, và con số này liên tục tăng trong những năm gần đây ».

Donald Trump : Hoa Kỳ đã « hết kiên nhẫn » với Bắc Triều Tiên

0
RFI

Ngày 30/06/2017, lần đầu tiên tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-In tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ « nguy hiểm và tàn bạo » của Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ đã « hết kiên nhẫn ». Ông Trump không loại trừ khả năng nào, khẳng định đã có trong tay « nhiều phương án » để đáp lại các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Từ Washington, thông tín viên Jean- Louis Pouret gởi về bài tường trình :

« Ông Donald Trump rất muốn biết lập trường của tân lãnh đạo Hàn Quốc, một người sẵn sàng đối thoại với miền Bắc hơn tổng thống tiền nhiệm. Nhưng hai vị tổng thống Mỹ – Hàn có chung mối quan ngại trước mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Sau cuộc hội đàm với tổng thống Hàn Quốc, ông Donald Trump đã lên tiếng cảnh cáo chế độ Kim Jong-Un : « Chiến lược kiên nhẫn với Bắc Triều Tiên đã thất bại. Thật tình mà nói, chúng tôi đã hết kiên nhẫn. Chúng tôi kêu gọi các cường quốc khác trong khu vực cùng với chúng tôi thi hành các biện pháp trừng phạt. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, an ninh và ổn định cho khu vực ».

Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ làm việc chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác về các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh.

Trong một thời gian dài, ông Trump đã trông chờ vào Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, nhưng ông đã thất vọng. Cho nên, tổng thống Mỹ đã thể hiện sự bất bình bằng cách ban hành các biện pháp trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc có liên hệ với ngành công nghiệp hạt nhân Bắc Triều Tiên, đồng thời cho phép bán cho Đài Loan số vũ khí với tổng trị giá gần 1 tỷ rưỡi đôla. »

OIAC xác nhận vụ tấn công bằng khí sarin tại Syria

0
RFI

Hãng tin Reuters ngày 30/06/2017 cho biết Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC, tiếng Anh là OPCW) xác nhận khí độc sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công vào ngôi làng Khan Cheikhoune ở miền bắc Syria hồi tháng 04/2017.

Báo cáo của các chuyên gia OIAC nhấn mạnh, sau khi thẩm vấn các nhân chứng và xét nghiệm các bệnh phẩm, « một lượng lớn các nạn nhân trong đó có một số đã tử vong, đã bị ảnh hưởng bởi khí sarin hoặc một chất tương tự như loại khí độc này ».

Bộ Ngoại Giao Nga tố cáo bản báo cáo dựa trên những « yếu tố đáng ngờ ». Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố « hoàn toàn không nghi ngờ » rằng chính chế độ Bachar Al Assad là thủ phạm, cho biết sẽ ban hành  trừng phạt. Tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ Mỹ Nikki Haley đòi thành lập một ủy ban điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học này.

Khoảng mấy chục người đã thiệt mạng trong vụ không kích làng Khan Cheikhoune thuộc tỉnh Idlib hôm 04/04, trong đó có nhiều trẻ em. Vụ tấn công được cho là của quân chính phủ Damas đã gây phẫn nộ trên thế giới, khiến Mỹ sau đó đã cho bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào căn cứ không quân nơi xuất phát chiếc máy bay thả khí độc.

Tổng thống Venezuela bênh vực tướng tình báo đàn áp biểu tình

RFI

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 30/06/2017 đã thăng cấp giám đốc tình báo Gustavo Gonzales Lopez lên cấp cao nhất là tướng bốn sao. Đây là hành động thách thức viên chưởng lý vừa cáo buộc ông Lopez vi phạm nhân quyền do đàn áp người biểu tình.

Cơ quan công tố do bà Luisa Ortega lãnh đạo, tiếng nói chỉ trích duy nhất trong chính quyền, trước đó vài giờ đã tuyên bố nghi ngờ ông Lopez « vi phạm một cách có hệ thống và trầm trọng các quyền con người », trong các cuộc biểu tình phản đối ông Maduro đã diễn ra liên tục trên toàn quốc từ ba tháng qua, làm 85 người thiệt mạng.

Theo Viện Công tố, có ít nhất 23 người bị cảnh sát và binh lính sát hại. Từng là bộ trưởng Nội Vụ và Tư Pháp cho đến tháng 8/2016, tướng Gonzales Lopez bị tòa án triệu tập hôm thứ Ba 27/6.

Cùng ngày thứ Ba, bà Luisa Ortega lại phải ra trước Tối Cao Pháp Viện vì bị chính quyền cáo buộc « phản quốc ». Hôm thứ Tư 28/6, bà Ortega tố cáo tổng thống Nicolas Maduro đã áp đặt « chính sách khủng bố Nhà nước ». Đến thứ Năm 29/6, bà cáo buộc tướng Antonio Benavides Torres, người thân cận với tổng thống nguyên là lãnh đạo Vệ binh Quốc gia, đã « khám xét và bắt người tùy tiện ».

Viện Công tố đã tiến hành 450 cuộc điều tra về vi phạm nhân quyền trong việc đàn áp các cuộc biểu tình chống tổng thống Maduro, đồng thời khẳng định nắm được các bằng chứng cho thấy « việc sử dụng vũ lực quá đáng, dùng súng không giấy phép, xử sự thô bạo và tra tấn tù nhân ».

Tập Cận Bình vạch «lằn ranh đỏ» cho Hồng Kông

0
RFI
media

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố : « Mọi nỗ lực nhằm làm phương hại đến chủ quyền quốc gia, thách thức chính quyền trung ương và Luật căn bản của Hồng Kông đều bị coi là đã vượt qua một lằn ranh đỏ, hoàn toàn không thể chấp nhận được ». Ông cũng răn đe những ai « muốn dùng Hồng Kông làm bàn đạp để xâm nhập vào Hoa lục và tiến hành các hoạt động phá hoại ».

Trong phát biểu sáng nay, đúng 20 năm sau khi trao trả, ông Tập cũng khẳng định Hồng Kông ngày nay « có nhiều quyền dân chủ và tự do hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử ». Tuy vậy hôm qua bộ Ngoại Giao Trung Quốc lại cho rằng Tuyên bố Anh-Trung năm 1984 với nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ » là « không còn phù hợp ».

Hồng Kông trên nguyên tắc được quyền tự do ngôn luận, hệ thống tư pháp độc lập và bầu cử Quốc Hội tương đối tự do, những điều không hề có tại Hoa lục. Tuy nhiên bàn tay can thiệp của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu, nhất là vụ năm chủ nhà sách « mất tích » năm 2015 rồi sau đó lên truyền hình « tự thú » tại Hoa lục.

Sau phong trào « Cách mạng Dù vàng » đòi phổ thông đầu phiếu đã gây nhiều tiếng vang năm 2014, xuất hiện một trào lưu chính trị khác đòi quyền tự quyết, thậm chí đòi độc lập cho Hồng Kông.

Chuyến thăm Hồng Kông đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền được bảo vệ an ninh tối đa, vào thời điểm vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng là dịp để những người biểu tình tố cáo Bắc Kinh ngày càng muốn bóp nghẹt đặc khu hành chính có 8 triệu dân.

Đặc khu trưởng Hồng Kông tuyên thệ nhậm chức

Vào lúc Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc, tân đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ( Carrie Lam ) hôm nay tuyên thệ nhậm chức trước chủ tịch Tập Cận Bình.

Là một công chức cao cấp 60 tuổi, lãnh đạo hành pháp họ Lâm, cũng giống như những người tiền nhiệm, đã được một ủy ban thân Bắc Kinh bầu lên và chưa gì đã bị lên án là bù nhìn của chính quyền Trung Quốc.

Tân đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên thệ nhậm chức trước chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 01/07/2017.REUTERS/Bobby Yip

Là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan hành pháp Hồng Kông, bà sẽ phải đảm nhận một nhiệm vụ rất khó khăn, đó là làm dịu các căng thẳng chính trị tại đặc khu hành chính này, nơi mà nhiều người cho rằng Bắc Kinh không còn tôn trọng nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », mà họ đã cam kết khi tiếp nhận lại Hồng Kông vào năm 1997.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã tuyên thệ nhậm chức đặc khu trưởng Hồng Kông trước một lá cờ Trung Quốc tại buổi lễ diễn ra tại trung tâm hội nghị, rồi bắt tay chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhưng trước khi buổi lễ nhậm chức diễn ra, nhiều vụ xô xát xảy ra giữa những người thân Bắc Kinh với những người biểu tình tưởng niệm các nạn nhân vụ đàn áp Thiên An Môn 1989. Từ Hồng Kông, thông tín viên Florence de Changy gởi về bài tường trình :

Trong khi các buổi lễ chính thức vẫn chưa bắt đầu, hai đảng thuộc phe dân chủ là Demosisto và Liên đoàn Dân chủ Xã hội đã loan báo ý định biểu tình. Họ muốn diễu hành với một quan tài giả, tượng trưng cho tất cả những người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn. Nhưng cuộc biểu tình không kéo dài được bao lâu. Chỉ vài phút sau, một nhóm thân Bắc Kinh đã tấn công vào chiếc quan tài.

Cựu dân biểu Mạch Quốc Phong (Mak Kwok Fung) tham gia đoàn biểu tình, kể lại : « Ngay khi chúng tôi tuần hành, bọn côn đồ thuộc phía chính quyền cầm những lá cờ có năm ngôi sao của Trung Quốc đã đụng độ với những người đi phía trước và phá hủy chiếc quan tài ».

Nhưng đây không phải là sự cố đầu tiên loại này, từ khi ông Tập Cận Bình đặt chân đến Hồng Kông. Ông Ngô Văn Viễn (Avery Ng), phó chủ tịch đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội cho biết : « Tôi muốn nói thêm là từ 48 giờ qua, chúng tôi và đảng Demosisto đã bị bọn côn đồ tấn công. Chính bọn chúng còn tự xưng là mafia, chúng vây quanh trụ sở của chúng tôi và như quý vị đã thấy, thêm một lần nữa cảnh sát không can thiệp ».

Sau nhiều vụ tấn công bạo lực của những người thân Bắc Kinh vào đoàn tuần hành, cảnh sát đã bắt những người biểu tình ôn hòa, trong những tiếng vỗ tay hoan hô của phe thân chính quyền.