Home Blog Page 1356

Lãnh đạo tình báo Đức lo ngại tin tặc Nga tấn công bầu cử

0
Ít ngày trước thượng đỉnh G20 tại Hambourg, với sự tham dự của tổng thống Nga, bộ Nội Vụ Đức bày tỏ lo ngại có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc bầu cử Quốc Hội Đức, ngày 24/09/2017 sẽ là đối tượng tấn công của tin tặc Nga.
RFI

Theo AFP, trả lời báo giới ngày 04/07/2017, lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa, Hans-Georg Maassen, khẳng định Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử. Theo ông Hans-Georg Maassen, có thể tổng thống Nga Putin « sẽ vui mừng với việc một lãnh đạo khác » kế nhiệm thủ tướng Merkel.

Phát biểu nói trên được đưa ra nhân dịp giới thiệu cơ quan phản gián Đức – tên gọi chính thức là Cơ Quan Bảo Vệ Hiến Pháp Đức – công bố báo cáo thường niên. Báo cáo nhấn mạnh đến việc « email cá nhân » có thể bị xâm nhập, « các thông tin nhạy cảm » của các chính trị gia Đức bị đánh cắp và thông tin có thể bị phổ biến « vào bất cứ lúc nào ».

Theo lãnh đạo tình báo Đức, các vụ tấn công tin tặc có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó có những hình thức rất « cổ điển như bóp méo thông tin, với các lời lẽ dối trá, những sự thật nửa vời, nhằm tác động đến công luận ». Theo ông Hans-Georg Maassen, cần phải đối phó lại các tấn công này với « thái độ điềm tĩnh, tái lập sự thật ».

Lãnh đạo tình báo Đức nhắc lại các cuộc tấn công tin học trong hai năm 2014 và 2015 nhắm vào Hạ Viện Đức, mà Nga bị nghi là thủ phạm. Vụ này hoàn toàn im ắng kể từ đó đến nay, nhưng theo ông Hans-Georg Maassen, một phần các thông tin bị đánh cắp có thể được công bố trong những tuần tới.

Tình báo Đức nhiều lần cáo buộc Matxcơva đứng sau các vụ tin tặc với mục tiêu lấy cắp thông tin hoặc phá hoại, cụ thể là trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, chống lại ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, hay trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp đầu năm 2017, khi hàng nghìn trang tài liệu của ê kíp tranh cử của tổng thống tương lai Emmanuel Macron bị đưa lên mạng ngay trước vòng hai cuộc bầu cử. Nga thường xuyên bác bỏ cáo cuộc này.

Syria : Tuyến phòng thủ của Daech tại Raqqa bị chọc thủng

0
Hôm nay 04/07/2017, các chiến binh thuộc lực lượng FDS, bao gồm người Kurdistan và quân nổi dậy, được các oanh tạc cơ của liên quân hậu thuẫn, đã chọc thủng tuyến phòng ngự xung quanh khu phố cổ của Raqqa, thủ phủ của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria.
RFI

Bộ Tư Lệnh Quân Đội Mỹ tại Trung Đông (Centcom) cho biết, các đợt không kích đã phá hủy hai đoạn tường thành cổ, dài khoảng 25 mét mỗi đoạn, cho phép bên tấn công lọt được vào trong, với tổn thất sinh mạng ít nhất. Bộ chỉ huy Mỹ cũng cho biết toàn bộ phần còn lại của thành cổ dài tổng cộng 2.500 mét, được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII, vẫn được bảo tồn.

Theo liên quân, khoảng 2.500 quân thánh chiến đang cố thủ tại Raqqa. Còn theo Liên Hiệp Quốc, gần 100.000 thường dân bị kẹt lại trong thành phố này.

Chiến dịch giải phóng Raqqa được khởi sự từ tháng 11/2016. Ngày 6/6/2017, FDS lọt được vào thành phố và chiếm được nhiều khu phố đông và tây của Raqqa từ đó đến nay. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, hôm nay là trận đánh quan trọng nhất kể từ ngày 6/6, và đây là lần đầu tiên lực lượng FDS lọt được vào khu thành cổ, nơi cố thủ của Daech.

Đàm phán lần thứ 5 tại Astana

Tại Astana (Kazakhstan), vòng thương lượng thứ năm về Syria được khai mạc ngày 04/07, với trọng tâm là vấn đề an ninh tại Syria, và được tổ chức với sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu của thương lượng lần này là nhằm tìm kiếm các biện pháp để thiết lập « các vùng giảm căng thẳng » tại Syria. Vòng thương lượng dự kiến sẽ kết thúc vào ngày mai, thứ Tư, 05/07.

Trước phiên đàm phán, quân đội Syria tuyên bố đơn phương ngừng bắn từ ngày 2 đến ngày 6/7 tại các tỉnh Deraa, Qouneitra và Soudeia, nơi chiến sự diễn ra ác liệt. Khu vực này là một trong bốn vùng « giảm căng thẳng » dự kiến, cùng với tỉnh Idleb, một phần tỉnh Homs và vùng Gouta, do đối lập kiểm soát, bao quanh thủ đô Damas.

Kế hoạch lập các vùng giảm căng thẳng được nêu ra trong đợt thương lượng lần trước tại Astana hồi tháng 5. Đợt họp lần này diễn ra ngay trước vòng đàm phán tìm giải pháp chính trị cho xung đột Syria lần thứ bảy, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, dự kiến khai mạc ngày 10/07 tại Genève.

Xung đột Syria kéo dài hơn sáu năm nay, khiến hơn 320.000 người thiệt mạng, khoảng một phần ba dân cư của quốc gia 22 triệu dân phải đi lánh nạn, sáu triệu người phải sống dựa vào các cứu trợ nhân đạo quốc tế, chưa kể hàng trăm ngàn người khác bị thương.

Hàng chục ngàn người lao động nhập cư chạy khỏi Thái Lan

0
Hơn 60.000 người lao động nhập cư hoảng hốt rời Thái Lan trong những ngày qua, để tránh bị cảnh sát bắt giữ và bị phạt vạ nặng nề, sau khi các quy định mới về người lao động nước ngoài bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/06/2017. Tình trạng này đã buộc chính quyền Thái Lan phải tạm ngưng áp dụng một số điều khoản trong bộ luật đã ban hành.
RFI

Thông tín viên RFI, Carol Isoux tường thuật từ Bangkok :

“Giới lao động nhập cư đã hốt hoảng, nhất là những người Miến Điện, phần đông là thuộc sắc tộc Karen, cộng đồng thiểu số sống ở biên giới Miến Điện-Thái Lan.

Tại Thái Lan, những người Karen này làm công việc chân tay : khuân vác ngoài chợ, lao động trong các công trường xây cất, trợ giúp việc nhà… Cùng với người Cam Bốt và Lào, họ chiếm phần quan trọng trong số nhân công trên thị trường Thái Lan. Một số người đã lớn lên trong các trại tị nạn ở vùng biên giới và phần lớn cuộc sống là ở Thái Lan.

Quy định mới của chính phủ Thái Lan về người lao động nhập cư được đưa ra vài ngày sau báo cáo của Mỹ về tình trạng buôn người, và Thái Lan lại bị liệt vào danh sách “học trò kém cỏi”.

Những thông báo của chính quyền Thái Lan thường không có hiệu quả lâu dài. Vào năm 2014, cũng trong tình hình tương tự, hàng trăm ngàn người lao động Cam Bốt đã trở về nước, nhưng vài tháng sau, đã thấy họ quay trở lại Thái Lan.

Đường dây người lao động nhập cư bất hợp pháp mang lợi không nhỏ, không chỉ cho kẻ tổ chức mà còn cho một số viên chức ở vùng biên giới. Và để tránh tình hình hốt hoảng hỗn loạn, chính quyền Bangkok vừa cho một kỳ hạn 120 ngày để người lao động không giấy tờ hợp thức hóa tình trạng của họ”.

Đan sĩ Đan viện Thiên An: Sự thật và hệ thống tuyên truyền sai sự thật của nhà nước

Tin Mừng Cho Người Nghèo

#GNsP (05.07.2017) – Hơn 107 hécta đất-nhà-rừng thông thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An đang có dấu hiệu bị chặt phá, đốn hạ, vắt kiệt nhựa thông khiến nhiều vạt thông chết rũ là hành vi tàn phá môi trường sinh thái thiên nhiên, hủy diệt lá phổi xanh của thành phố Huế, phá vỡ cảnh quan thơ mộng của đất Thần Kinh.

Các cơ quan có thẩm quyền tại tỉnh Thừa Thiên Huế và truyền thông báo chí nhà nước “đổ thừa” trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho rằng, chính các Đan sĩ Đan viện Thiên An đã có hành vi phá hoại rừng thông.

Sự thực vụ việc này như thế nào, “ai” đang ác ý và dã tâm phá hủy môi trường thiên nhiên, xin mời quý vị dõi theo cuộc phỏng vấn giữa phóng viên GNsP với quý Đan sĩ Đan viện Thiên An.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào đầu tháng 6.2017, trước một tháng xảy ra biến cố nhà cầm quyền huy động trên dưới 200 côn đồ, cán bộ địa phương, an ninh mặc thường phục tùy tiện xông vào nội vi Đan viện, mang theo hung khí đủ loại tháo dỡ, làm bể cong rồi nhổ bật cây Thánh Giá trong nội vi Đan viện, và sau đó tấn công, hành hung các Đan sĩ.

Nhà cầm quyền tỉnh huy động xe tải, xe múc chuyên dụng cỡ lớn, công nhân vào chặt phá rừng thông, đào xới khu đất… ngang nhiên làm một con đường được gọi là “đường dân sinh” trên diện tích đất thuộc quyền quản lý và sở hữu của Đan viện Thiên An.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, trong thời gian vừa qua, báo chí nhà nước liên tục đưa tin tuyên truyền rằng các Đan sĩ Đan viện Thiên An (ĐVTA) đang có hành vi chặt phá rừng thông, tàn phá môi trường xung quanh nơi đây. Xin thầy có thể chia sẻ rõ hơn về sự việc này và thầy nhận xét như thế nào về cách đưa tin của báo chí nhà nước?

Đan sĩ Paul Vicent Vũ Thanh Long: Trong thời gian vừa qua, nhà nước đã dùng công cụ báo chí và các trang facebook của nhà nước để bôi nhọ và nói xấu Đan viện, người ta đặt “ai đó” [chặt phá rừng thông] là ám chỉ các Đan sĩ ĐVTA. Thực sự 107 hécta [đất-nhà-rừng thông] của ĐVTA là do cha ông khai phá và để lại. Nhà nước đã cho người dân vào rừng thông khai thác [nhựa] thông bằng các hình chữ V, đục khoét, nạo… khiến thông dần dần chết đi.107 hécta rừng thông của ĐVTA là lá phổi xanh của thành phố Huế, tuy nhiên nhà nước đang muốn tàn phá lá phổi xanh này. Điển hình như:

Khu rừng thông ngay mặt đường quốc lộ dẫn vào ĐVTA bị nhà nước lấy, các ông cán bộ [lợi dụng chức] quyền bán đất cho người dân. Họ xây cất nhà, xây dựng chuồng gà ngay trước cổng đi vào Đan viện là bằng chứng cụ thể nhà nước chặt phá rừng thông của ĐVTA, tàn phá môi trường thinh lặng của các Đan sĩ. Ngay dưới chân đồi Đức Mẹ, người ta đã chiếm đoạt, chặt phá rừng thông và trồng tràm.

Khu vực nhà hàng Cát Tường Quân và nhà hàng Bội Trân là vườn cam cũ của Đan viện, nằm giữa khu rừng thông của ĐVTA và đồi Đức Mẹ. Nhà nước đã chiếm đất và bán cho họ, họ chặt phá rừng thông và cứ lấn chiếm dần dần vào rừng thông của Đan viện. Tuy nhiên nhà nước lại vu khống cho Đan viện [chặt phá, đốn hạ rừng thông].

Về Hồ Thủy Tiên, [vào năm 2001], Thừa Thiên Huế là một tỉnh nghèo nhưng lại bỏ ra gần 80 tỷ để xây dựng một công trình mà công luận trong và ngoài nước gọi là công viên ma và không làm lợi ích gì cả. Đây chỉ là cách rửa tiền của các ông cán bộ. Giữa rừng thông của ĐVTA có nhiều chòi mà nhà nước đã làm dang dở [với mục đích] chặt phá rừng thông. Hồ Thủy Tiên được đầu tư với số tiền lớn để phá vỡ khu sinh thái và môi trường tĩnh lặng của Đan viện.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, cũng liên quan đến môi trường rừng thông của Đan viện, báo điện tử Thừa Thiên Huế viết rằng, ĐVTA đang phá “con đường dân sinh” “dẫn vào nhà của hơn 100 hộ dân trong thôn Kim Sơn và cũng là đường xe đặc dụng ứng cứu nếu có rủi ro hỏa hoạn xảy ra trong khu vực”, thực hư chuyện này như thế nào?

Đan sĩ Joseph Marie Trữ Mạnh Cường: Tôi rất ngạc nhiên khi nghe thông tin này vì sai sự thật. Vào năm 1960, các cha các thầy xây xong đập Chatađê, tiếp tục đào thêm hai đập nhỏ nữa. Đoạn đường nhà nước gọi là “con đường dân sinh” chính là đoạn đê dài khoảng 50m [đập thứ ba] để các Đan sĩ trữ nước, lấy nước tưới cho vườn cam, bơm nước lên khu vực Đan viện để phục vụ cho sinh hoạt. Do đó, con đường đó không phải là “con đường dân sinh” [như báo chí nhà nước nói] mà là con đê của đập trữ nước. Người dân đã đi qua con đường này vào khu vực rừng thông để lấy nhựa thông trái phép được sự tiếp tay của chính quyền. Hướng Tây của con đê này là khu vực Hồ Thủy Tiên thì không có chuyện người dân tự do đi ngang qua khu vực Hồ Thủy Tiên, tiếp cận với “con đường dân sinh” và đi ngang qua làng Kim Sơn. Do đó không có “con đường dân sinh” nào [như báo chí đề cập].

Vị Đan sĩ cao niên hơn 80 tuổi Stanislas Trần Minh Vọng từng đổ mồ hôi xương máu và gắn bó cuộc đời của ngài trên mảnh đất này ngót 60 năm phủ nhận “không có con đường dân sinh” nào đi ngang qua khu đất của Đan viện. Đây là lối mòn đi lên đập Chatađê – thuộc nội vi Đan viện Thiên An.

Một sự sai trái của truyền thông [nhà nước khi đưa tin là] làng Kim Sơn có 100 hộ gia đình mà chính xác là làng Kim Sơn chỉ có 27 hộ gia đình. Các hộ gia đình này sống tách biệt hẳn với khu vực ở đây, xung quanh họ có nhiều con đường lớn để đi lại. Nên không có chuyện người dân làng Cư Chánh đi xuyên qua Hồ Thủy Tiên, rồi cắt ngang qua đất của ĐVTA, rồi đến làng Kim Sơn. Do đó không có “con đường dân sinh” nào như báo chí nhà nước nói.

Một khía cạnh khác liên quan đến phương tiện chữa cháy [như báo chí nhà nước đề cập], bản thân tôi ở [Đan viện] được 7 năm, mỗi lần chữa cháy [rừng] thì chính các thầy là người ra chữa cháy đầu tiên, hầu như chữa cháy xong rồi thì họ mới đến, mà mỗi lần đến họ không mang phương tiện gì ngoài những cái bình giống như bình xịt thuốc sâu vậy. Nếu muốn cho xe đặc dụng vào chữa cháy thì xung quanh ĐVTA phải có những con đường lớn để có thể đưa các xe này vào phục vụ cho việc chữa cháy nhưng không có.

Ban truyền thông [tỉnh Thừa Thiên Huế] đại diện cho nhà nước [đưa tin] không chính xác, bịa đặt sẽ mất lòng tin nơi người dân.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, cách báo chí nhà nước đưa tin bóp méo sự thật về công việc của các Đan sĩ thì phản ứng của các Đan sĩ như thế nào trước những lời vu cáo này?

Đan sĩ Lui Đặng Duy Hưng: Chúng ta không nên quá ngạc nhiên và bất ngờ về cách đưa tin của các báo đài cộng sản, việc đưa tin [của họ] theo định hướng của nhà nước đã vạch ra, người dân VN hiểu quá rõ về điều này. Tuy nhiên, anh em chúng tôi muốn khẳng định lập trường của mình, phải nói lên sự thật [nên] ba lý do chính yếu Đan viện chúng tôi muốn chia sẻ:

Thứ nhất, tài sản của ĐVTA là tài sản chung của Giáo Hội. Mỗi người Kitô hữu là thành viên của Giáo Hội và các Đan sĩ cũng chính là thành viên của Giáo Hội. Các Đan sĩ đã sống ở đây có trách nhiệm bảo vệ, quản lý tài sản của Giáo Hội. [Khi] bị xâm phạm đến quyền sở hữu đất đai của Đan viện thì anh em chúng tôi lên tiếng bảo vệ quyền chính đáng của Đan viện.

Thứ hai, linh đạo của chúng tôi là “Ora Et Labora” có nghĩa là “Cầu Nguyện và Lao Động”. Trong đời sống cầu nguyện, các Đan sĩ cần có bầu khí thinh lặng là một trong những điều cơ bản và quan trọng nhất để các thầy kết hợp với Chúa trong mọi khoảnh khắc cuộc sống. Về lao động, chúng tôi không được nhà nước trả lương hàng tháng nên chúng tôi phải lao động chân tay thì chúng tôi cần có đất có vườn để canh tác. Đó là lý do chúng tôi quyết tâm đòi lại đất để có đất canh tác và có bầu không khí thinh lặng cầu nguyện.

Thứ ba, quyền tư hữu [đất đai] là quyền cơ bản của người dân Việt Nam nhưng nhà nước phủ nhận quyền này. Chính vì thế rất nhiều bà con bị mất đất, rất nhiều người dân nghèo chạy đôn chạy đáo đi kiện tụng về đất đai, đời sống của họ khá bấp bênh. Các Đan sĩ ĐVTA chúng tôi là những người nghèo của xã hội, muốn góp một chút tiếng nói để nói lên hiện trạng của xã hội Việt Nam ngày hôm nay, lên tiếng bảo vệ người nghèo. Đây chính là một trong những lý do căn bản mà anh em chúng tôi muốn nhắm đến lên tiếng cho Công lý và Sự thật, nói thay cho những người thấp cổ bé miệng, những người nghèo mà đất nước VN chúng ta đang trải qua.

Huyền Trang, GNsP: Thưa thầy, qua các biến cố của Đan viện như các Đan sĩ vừa nêu liên tục bị báo đài nhà nước đưa tin sai sự thật, vu khống các Đan sĩ thì nguyện ước của thầy là gì? Thầy có lời chia sẻ gì đến những người đã, đang và sẽ quan tâm đến vụ việc của ĐVTA?

Đan sĩ Gioan Kim Khẩu – Phạm Đình Hưng: Mong muốn của Đan viện là cái gì của Đan viện thì nên trả lại cho Đan viện, đặc biệt là tài sản, đất đai của Đan viện. Qua phóng sự này, Đan viện xin cám ơn tất cả mọi người đã và đang theo dõi, hiệp thông, chia sẻ và cầu nguyện cho Đan viện trong thời gian qua. Qua đây cũng xin mọi người hiệp ý cầu nguyện và tiếp tục chia sẻ với Đan viện trong những hoàn cảnh khó khăn và cùng với Đan viện lên tiếng bảo vệ Sự thật, bảo vệ tài sản chung của Giáo hội. Đan viện luôn hiệp thông cùng với mọi người đang chịu cảnh áp bức vì Công lý và Sự thật.

Huyền Trang, GNsP: Kính thưa thầy, thầy là một trong những vị cao niên là thế hệ đầu tiên của ĐVTA, thầy đã chứng kiến nhiều biến cố tang thương của Đan viện. Thầy nghĩ như thế nào về việc các Đan sĩ trẻ mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ 107 hécta đất-nhà-rừng thông của ĐVTA? Sự lên tiếng này có cần thiết không? Vì sao ạ?

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng: Rất cần thiết. Tôn chỉ của ĐVTA, tu luật Thánh Biển Đức là “Ora Et Labora” (tiếng Latinh), “Cầu Nguyện và Lao Động” (Tiếng Việt). Đời sống Đan sĩ chúng tôi có tinh thần biệt thế, xa lìa thế gian, cần có môi trường thinh lặng vì thế chúng tôi cần có môi trường rừng rú xung quanh để giúp chúng tôi cô tịch cầu nguyện.

Chúng tôi có hai hồ nước chính để lao tác cho việc sinh hoạt là giếng nước dưới lòng Hồ Thủy Tiên sâu 12m, dài 14m, ngang 18m và đập Chatađê. Vào năm 1958, Đan viện xây dựng đập Chatađê để có nguồn nước tưới rau, trồng cam, chăn nuôi và nước sinh hoạt hằng ngày. Đan viện cũng xây thêm hai cái đập nhỏ dẫn về Đan viện. Xây dựng hai đập nhỏ để phòng hờ nếu đập lớn Chatađê hết nước thì còn có hai đập nhỏ dự trữ nước. Vào năm 2000, nhà nước lấy hồ nước và trang trại của chúng tôi để xây dựng Khu du lịch Hồ Thủy Tiên.

Nhà nước không được xen vào đời sống riêng tư của chúng tôi, tôi yêu cầu nhà nước tôn trọng nơi cầu nguyện của chúng tôi, nên phải trả lại rừng thông cho chúng tôi để chúng tôi có nơi cầu nguyện. Cầu nguyện không chỉ cho riêng bản thân mà chúng tôi cầu nguyện cho Giáo hội toàn cầu và cho thế giới, cầu nguyện cho đất nước Việt Nam được hòa bình. Chúng tôi yêu cầu nhà nước trả lại Hồ Thủy Tiên do ĐVTA quản lý, phải trả lại đập Chatađê để nhà dòng có nguồn nước sinh hoạt.

Huyền Trang, GNsP: Kính thưa thầy, thầy có lời nhắn nhủ gì đến các Đan sĩ trẻ đang dấn thân bảo vệ Sự thật và Công lý?

Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng: Chúng tôi mong muốn các Đan sĩ trẻ gìn giữ đất đai của Đan viện cũng như tài sản của Giáo Hội. Tre tàn măng mọc thì tất cả các Đan sĩ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ đất của Thiên An.

“Chúng tôi mong muốn các Đan sĩ trẻ gìn giữ đất đai của Đan viện cũng như tài sản của Giáo Hội. Tre tàn măng mọc thì tất cả các Đan sĩ tiếp tục gìn giữ, bảo vệ đất của Thiên An”. Đó là ước nguyện của vị Đan sĩ già, bền bỉ ươm mầm và vun trồng ơn gọi đời sống Thánh hiến một cách thầm lặng tại Đan viện Thiên An hơn 60 năm trung tín – Đan sĩ Stanislas Trần Minh Vọng.

Huyền Trang, GNsP: Kính thưa quí vị, tuyên truyền dối trá, kích động bạo lực, chống lại Công lý và Sự thật đang diễn ra hàng ngày trên quê hương mà đỉnh điểm hiện nay là ở Giáo xứ Song Ngọc thuộc Giáo phận Vinh và Đan Viện Thiên An. Nhưng Sự thật sẽ sáng tỏ, Công lý sẽ được thực thi một ngày không xa.

Huyền Trang, GNsP

https://www.tinmungchonguoingheo.com/…/dan-si-dan-vien-thie…/

Việt Nam lại bỏ qua một cơ hội…

0

Nhân Tuấn Trương

1 Tháng 2 2016 ·

Tàu khu trục của Mỹ USS Curtis Wilbur hôm thứ bảy 30 tháng giêng 2016 đã thực hiện một chuyến tuần tra đi qua khu vực 12 hải lý đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, hiện do TQ chiếm đóng). Theo tin tức của Bộ quốc phòng Mỹ, chuyến tuần tra nằm trong chương trình “Bảo vệ quyền Tự do Hàng hải” (FONOP) của Mỹ, nhằm thách thức đòi hỏi quá lố của ba nước VN, TQ và Đài loan, như hạn chế quyền tự do hàng hải, hay các việc phải thông báo, hoặc phải xin phép, khi đi qua vùng lãnh hải (của các thực thể địa lý ở Biển Đông). Theo Bộ quốc phòng Mỹ, các nước VN, TQ và Đài Loan đều có những yếu sách quá đáng, đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế, điển hình là bộ Luật quốc tế về Biển 1982.

Bộ ngoại giao TQ lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hành vi của Mỹ. Nước này cho rằng Mỹ đã “cố tình khiêu khích” và “xâm phạm lãnh hải của TQ”. Còn VN, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao cũng đã lên tiếng :

“Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế… Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế..”

Hành vi của Mỹ có “phù hợp với luật quốc tế” hay không? Phản ứng của TQ có chính đáng hay không? và thái độ (chung chung) của VN có chấp nhận được hay không?

Để tìm hiểu ta cần biết thế nào là quyền tự do hàng hải trong khu vực lãnh hải của một quốc gia.

Chỉ nêu một thí dụ: Ngày 13 tháng giêng 2016, trong khu vực biển thuộc lãnh hải của Iran (Vịnh Ba Tư), 10 hải quân Mỹ (9 nam, 1 nữ) trên hai chiến thuyền nhỏ có vũ trang, đã bị hải quân Iran bắt giữ. Lý do đưa ra từ phía Iran: xâm phạm lãnh hải của Iran. Cùng lúc, có mặt cách đó không xa (thuộc hải phận quốc tế) hai chiếc hàng không mẫu hạm Trumann (Mỹ) và Charles de Gaulle (Pháp) cùng nhiều chiến hạm hộ tống khác.

10 người lính Mỹ cùng 2 chiếc tàu sau đó được trả tự do nhưng hình ảnh 10 quân lính Hoa Kỳ bị bắt quì gối trên bong tàu dưới họng súng đe dọa của hải quân Iran đã loan truyền khắp thế giới. Theo tin tức báo chí, bộ ngoại giao Iran đòi Mỹ phải xin lỗi.

Rốt cục, “tai nạn” được dàn xếp ổn thỏa. Các bên tìm được lý do thỏa đáng (để Mỹ không xin lỗi) là hai chiếc tàu của Mỹ “đi lạc” vào vùng lãnh hải của Iran vì lý do kỹ thuật: bộ phận hải hành bị hư.

Trở lại vụ chiến tàu khu trục USS Curtis Wilbur khi đi vào lãnh hải của đảo Tri Tôn, nếu so sánh với sự kiện vừa nói trên trong vịnh Ba Tư, ta thấy hai thái độ mâu thuẩn của Mỹ về khái niệm “qua lại không gây hại” của bộ Luật Biển 1982.

Xét bản đồ dưới đây. Bản đồ vẽ hệ thống đường cơ bản quần đảo Hoàng Sa (đường đỏ vẽ liên tục) cùng với đường giới hạn lãnh hải (đường đỏ gián đoạn), chiếu theo Luật Biển 1996 của TQ.

Đường đen số (1) và (2) là đường giả định tuyến hành trình của chiếc USS Curtis Wilbur.

Nếu tuyến hành trình là đường (2), tàu USS Curtis Wilbur chỉ đi vào “lãnh hải” của đảo Tri Tôn. Nếu là đường (1), tàu này không chỉ đi vào lãnh hải của đảo Tri Tôn mà còn đi vào khu vực “nội thủy” của TQ.

Theo qui định của Luật quốc tế về Biển, tàu bè có quyền “qua lại không gây hại” trong vùng lãnh hải. Ta có thể quan niệm chuyến tuần tra của chiếc khu trục hạm USS Curtis Wilbur khi đi qua vùng lãnh hải của đảo Tri Tôn là “qua lại không gây hại”. Nhưng nếu so sánh với trường hợp 10 lính hải quân của Mỹ bị bắt trong vùng lãnh hải (thuộc đảo Farsi) của Iran, thì quyền “qua lại không gây hại” được giải thích một cách “vô chừng”.

Còn về “nội thủy”, theo Luật Biển 1982, là vùng nước bên trong đường cơ sở để tính lãnh hải, mà trong đó quốc gia có chủ quyền (như trên đất liền).

Ta thấy TQ vẽ các đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa, gồm 29 điểm cơ bản, biến vùng nước bên trong (quần đảo HS) thành vùng “nội thủy”.

Nếu tuyến hải hành của chiếc USS Curtis Wilbur là đường (1), rõ ràng Mỹ đã thách thức đòi hỏi của TQ về hệ thống đường cơ bản (và nội thủy) ở quần đảo HS.

Ngoài ra, chiếu theo Luật Biển 1996 của TQ, việc “qua lại không gây hại trong lãnh hải” phải được sự “chuẩn nhận trước” của nhà cầm quyền TQ. Còn Luật Biển VN 2013, tàu bè qua lại “không gây hại trong lãnh hải” phải “thông báo trước”. Trong hai trường hợp, tuyến hải hành (1) hay (2) đều thách thức luật biển của VN và TQ.

Thái độ của VN như vậy có hợp lý không?

Theo tôi, VN lại bỏ qua môt cơ hội để làm “nóng” lại tranh chấp Hoàng Sa đã bị phía TQ “đông lạnh” từ 42 năm nay, sau khi nước này chiếm quần đảo này trên tay của VNCH qua trận hải chiến đẩm máu ngày 17-1-1974.

Không chỉ vậy, trước dư luận quốc tế, phản ứng của VN là quá yếu ớt và mờ nhạt trước phản ứng của TQ. Trước mắt quan sát viên quốc tế, người ta tưởng rằng sự lên tiếng của VN chỉ là “bên dự thính” trong vấn đề “chủ quyền của TQ bị Mỹ xâm phạm”.

Nếu đọc thêm những ý kiến của các học giả VN trên báo chí, người ta tưởng rằng vấn đề của VN tại HS chỉ tụ quanh các yêu sách của TQ về hiệu lực biển ở các đảo HS.

Không phải vậy. HS thuộc chủ quyền của VN. VN phải lên tiếng (thế nào) để cho quốc tế biết VN là một bên tranh chấp chủ quyền ở HS. Đây mới là điều căn bản để giải quyết mọi tranh chấp, mà VN không bị thiệt hai nhiều, về lãnh thổ, hay do những khác biệt của các bên về cách diễn giải bộ luật Biển 1982.

Đức hối thúc Trung Quốc cho Lưu Hiểu Ba đi nước ngoài chữa bệnh

VOA

Đức hôm thứ Hai hối thúc Trung Quốc cho phép ông Lưu Hiểu Ba được đi nước ngoài để chữa bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhắc lại những lời kêu gọi tương tự từ Liên minh Châu Âu và Mỹ.

Trung Quốc nói rằng nhà bất đồng chính kiến này bị bệnh quá nặng không rời khỏi đất nước được, nhưng hôm thứ Hai bạn của ông Lưu và nhà bất đồng chính kiến Hồ Gia nói một đoạn video xuất hiện trên YouTube vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu dường như đang trong tình trạng ổn định.

“Chúng tôi hoan nghênh việc ông Lưu Hiểu Ba được phóng thích để được điều trị y tế,” phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert nói, lưu ý về tin tức cho biết có những yêu cầu để hai vợ chồng ông Lưu được đi nước ngoài. “Chính phủ tin rằng trong tình thế khó khăn như vậy, một giải pháp nhân đạo cho ông Lưu Hiểu Ba nên là ưu tiên hàng đầu.”

Ông Lưu là nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền, bị bắt sau khi viết Hiến chương ’08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 cho chiến dịch đấu tranh của ông vì dân chủ và nhân quyền.

Có được thông tin đáng tin cậy, độc lập về tình trạng của ông Lưu và mong muốn đi nước ngoài của ông là điều khó khăn, vì ông và vợ, Lưu Hà, đã bị chính quyền cô lập nên bạn bè và giới truyền thông không thể tiếp cận.

Dù hai vợ chồng chưa công khai bày tỏ ý muốn ra nước ngoài, bạn bè của họ tin rằng họ muốn đi, dựa trên những điều mà trước đây bà Lưu Hà đã cho bạn bè của bà biết.

Ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù về tội “kích động lật đổ quyền hành nhà nước.” Luật này thường bị nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để làm im tiếng những nhà bất đồng chính kiến.

Bắc Triều Tiên dường như dùng xe tải TQ trong vụ phóng phi đạn

0
VOA

Bắc Triều Tiên dường như đã dùng một chiếc xe tải do Trung Quốc sản xuất để vận chuyển và kê dựng một phi đạn đạn đạo mà nước này đã phóng thành công hôm thứ Ba, hãng tin Reuters cho biết. Chiếc xe tải này nguyên thủy được dùng để chở gỗ.

Đài truyền hình nhà nước Bắc Triều Tiên chiếu cảnh một chiếc xe tải lớn sơn kiểu ngụy trang quân sự chở theo phi đạn này. Nó giống hệt với chiếc xe tải mà một ban chế tài của Liên Hiệp Quốc nói là “có nhiều phần chắc” đã được chuyển đổi từ một chiếc xe tải chở gỗ của Trung Quốc.

Kể từ năm 2006, các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc đã cấm việc vận chuyển trang thiết bị quân sự cho Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, việc kiểm soát những thiết bị và xe cộ có ứng dụng quân sự và dân sự “lưỡng dụng” kém nghiêm ngặt hơn.

Chiếc xe này được nhập khẩu từ Trung Quốc và Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên tuyên bố chúng được sử dụng cho mục đích dân sự, theo một báo cáo năm 2013 của ban chế tài Liên Hiệp Quốc. Vụ phóng hôm thứ Ba là lần đầu tiên xe tải này được nhìn thấy trong một hoạt động quân sự ngoài trời trong những bức hình được truyền thông nhà nước đăng tải, Reuters cho hay.

Chiếc xe tải này trước đây đã được đem ra phô bày tại các cuộc diễu hành quân sự vào năm 2012 và năm 2013, chở theo thứ mà các chuyên gia nói dường như là những mô hình phát triển hoặc mẫu mô phỏng của những phi đạn đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Triều Tiên.

Trong báo cáo năm 2013, ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho biết các tính năng của xe này trong cuộc diễu hành năm 2012 hoàn toàn giống hệt với các tính năng của một loại xe được bán bởi Công ty Xe Đặc chủng Vạn Sơn Không gian Tam Giang Hồ Bắc của Trung Quốc.

Công ty này là một công ty con của Tập đoàn Khoa học Công nghệ Không gian Trung Quốc, một công ty nhà nước sản xuất phi thuyền Thần Châu cũng như phi đạn.

Reuters cho biết một người quản lý công ty được hãng tin này liên lạc bằng điện thoại từ chối bình luận vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Trung Quốc đã nộp cho ban chuyên gia của Liên Hiệp Quốc bản sao giấy chứng nhận người dùng cuối được cung cấp bởi miền Bắc nêu rằng sáu chiếc xe được nhập khẩu cho mục đích vận chuyển gỗ.

Ban chuyên gia nói họ “xem là có nhiều phần chắc Bắc Triều Tiên đã cố tình vi phạm” giấy chứng nhận và chuyển đổi những xe tải này thành thiết bị vận chuyển-kê dựng-phóng.

Năm nay, Bắc Triều Tiên đã sử dụng một mô hình xe tải khác do Trung Quốc sản xuất để kéo các phi đạn đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong một cuộc diễu hành quân sự vào dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của lãnh tụ lập quốc Kim Il Sung.

Năm ngoái, truyền thông nhà nước đăng những bức ảnh cho thấy xe tải do Trung Quốc chế tạo đang được sử dụng trong một hệ thống tên lửa di động mới của Bắc Triều Tiên.

Cả hai chiếc xe đều mang logo hoặc có các dấu hiệu đặc trưng của công ty Trung Quốc Sinotruk.

Vì sao quyền im lặng không được sử dụng tại các phiên tòa chính trị?

RFA

Vừa qua, từ một phiên tòa mà bị cáo là một nhân vật có tiếng trong ngành giải trí Việt Nam, dư luận bàn tán khá nhiều về “quyền im lặng của bị can, bị cáo”, một điều luật chính thức có hiệu lực trong Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.

Cũng cùng thời điểm đó có phiên tòa chính trị xử blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra nhanh chóng với bản án 10 năm tù. Từ đó, một vấn đề được đặt ra, “quyền im lặng” được thực hiện như thế nào trong các phiên tòa khác nhau, đặc biệt đối với các phiên tòa chính trị?

Tồn tại gián tiếp

Theo cách phân tích của luật sư, cũng là cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân, quyền im lặng vốn đã từng có trong luật tố tụng cũ, nhưng ở một vị trí ông gọi là ‘tiềm ẩn”.

“Nó không nêu ra một cách cụ thể nhưng luật tố tụng cũ nói như thế này: đương sự có quyền nhưng không buộc nói về hành vi phạm tội của mình. Tức là trong đó có bao gồm cả quyền im lặng, mình được quyền nói về nó nhưng không buộc phải nói. Trong luật mới, họ đưa ra 1 cái cho dễ hiểu và đơn giản hơn, người ta dùng từ là ‘có quyền im lặng’”

Nó không nêu ra một cách cụ thể nhưng luật tố tụng cũ nói như thế này: đương sự có quyền nhưng không buộc nói về hành vi phạm tội của mình. Tức là trong đó có bao gồm cả quyền im lặng, mình được quyền nói về nó nhưng không buộc phải nói.
-LS Lê Quốc Quân

Cụ thể, khoản 3 Điều 309 cho phép tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Nhớ lại thời điểm khi “quyền im lặng” theo pháp luật Việt Nam chính thức được thực hiện vào 1 tháng 7 năm 2016, dư luận và cộng đồng mạng xã hội từng đưa ra những ý kiến tích cực, trong đó có cả sự hy vọng về các trường hợp bị giam giữ, hoặc các phiên tòa liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến, có thể áp dụng quyền hạn này.

Thế nhưng, từ đó đến nay, rất nhiều những bản án được tuyên, mà bị cáo trong phiên tòa đó phần lớn bị cáo buộc tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam, hoặc “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, quy định tại điều 88, bộ luật Hình sự… hoàn toàn không thể thực hiện “quyền im lặng” đã qui định trong pháp luật.

Vì không muốn im lặng!

Trả lời câu hỏi này, từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho nhiều vụ án dân oan, và gần đây nhất, thân chủ của ông là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bút danh Mẹ Nấm, cho biết.

000_Q20YG_1.jpg
Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phiên xử tại tòa án tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/06/2017. AFP

“Các phiên tòa đều có quyền sử dụng quyền im lặng của mình, nghĩa là người ta không trả lời hội đồng xét xử, có quyền từ chối, nhưng các phiên tòa chính trị thì không bao giờ có trường hợp đó, vì người ta có 1 quan điểm trái ngược với chính quyền, người ta muốn trình bày. Bởi vì chính quyền kết án họ, thì họ phải nói ra chứ không ai im lặng.”

Theo luật sư Võ An Đôn, chính vì cáo trạng của người bị cáo buộc phạm tội theo điều 258, hoặc điều 88 bị đưa ra từ quan điểm trái ngược của họ đối với nhà nước, cho nên họ phải trình bày nguyên nhân vì sao. Có những lúc, chính họ là luật sư cho chính mình.

“Người bị kết án trình bày hết tâm tư của họ. Họ nói rất hay, rất ý nghĩa, nhưng không ai được nghe, bên ngoài thì không ai được vào.

Khi xử những vụ án chính trị thì không cho ai lạ vào, ngoài luật sư, hội đồng xét xử, với lực lượng an ninh. Không cho đem máy móc gì vào vì sợ ghi âm những nội dung đó mang ra ngoài thì rất nguy hiểm.”

Càng im lặng, càng dễ tuyên án

Khi “quyền im lặng” đã được luật định và trở thành quyền của bất kỳ một bị can bị cáo nào, thì việc sử dụng quyền im lặng có được xem là quyền lợi hoặc một vũ khí nhằm bảo vệ họ trước tòa án hay không? Câu trả lời của luật sư Lê Quốc Quân là “không”, vì theo ông, khi không nói, việc tuyên án càng dễ dàng hơn.

“Im lặng thì dễ làm cho tòa và viện kiểm sát coi đó là cái đúng đắn, từ xưa giờ vẫn vậy. Nó chưa bao giờ được coi là một chế định tranh tụng trong tòa án ở Việt Nam.”

Tranh tụng, theo luật sư Lê Quốc Quân giải thích, là hai bên đáp đi đáp lại. hoặc trong trường hợp im lặng thì bị can bị cáo phải làm sao đó để tòa án hiểu đúng sự việc. Nhưng, cũng theo ông, ở Việt Nam, cáo buộc của Viện kiểm sát gần như là cáo buộc chính thống và tòa án sẽ dựa vào đó để tuyên án, đặc biệt là với những vụ án chính trị.

“Nếu im lặng như thế thì đối với những vụ án chính trị, họ càng tuyên nặng hơn, và mọi người càng cảm thấy những cáo buộc của Viện kiểm sát là hợp lý, là đúng đắn.”

Cũng bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến này, luật sư Võ An Đôn còn nói thêm không phải chỉ riêng đối với những vụ án chính trị, mà ngay cả những vụ án dân sự cũng không ngoại lệ.

“Im lặng không nói gì, người ta càng kết án mạnh hơn vì người ta nói thay đổi chứng cứ.”

Tùy phiên tòa, thẩm phán và Viện kiểm sát

Cô ấy (Phương Nga) sử dụng quyền im lặng là im lặng với Viện kiểm sát, tức cô không thèm nói, vì tôi không tin, ông nói gì nói, tôi không trả lời, ông hỏi gì hỏi tôi không trả lời vì tôi không tin. Còn lại cô vẫn trả lời tòa, trả lời luật sư để chứng minh sự vô tội của cô.
-LS Lê Quốc Quân

“Quyền im lặng” mặc dù được qui định trong pháp luật, nhưng quyền đó có được bị cáo sử dụng triệt để và hiệu quả hay không, còn tuỳ thuộc vào Viện kiểm sát, thẩm phán và đặc biệt là thể loại của phiên tòa, đó là nhận định của luật sư Lê Quốc Quân.

Nhắc đến hai phiên tòa cùng diễn ra ngày 29 tháng 6, đó là phiên tòa xử blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và phiên tòa của cô hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, với hai kết quả bản án hoàn toàn khác nhau, luật sư Lê Quốc Quân muốn minh chứng cho điều vừa nói.

“Cô ấy (Phương Nga) sử dụng quyền im lặng là im lặng với Viện kiểm sát, tức cô không thèm nói, vì tôi không tin, ông nói gì nói, tôi không trả lời, ông hỏi gì hỏi tôi không trả lời vì tôi không tin. Còn lại cô vẫn trả lời tòa, trả lời luật sư để chứng minh sự vô tội của cô.

Thế còn những vụ chính trị 258, 88, 79 như Mẹ Nấm thì bản thân luật sư nêu ra nhưng Viện kiểm sát không tranh luận. Luật sư Luân đưa ra 5 điểm chứng minh rằng Viện kiểm sát đã sai, truy tố không đúng, nhưng Viện kiểm sát chỉ đứng dậy nói chúng tôi không tranh luận với luật sư, chúng tôi giữ nguyên quan điểm của mình. Cũng giống như vụ án của tôi.”

Qua phiên tòa của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, qua ý kiến của các luật sư, có thể thấy được quyền im lặng tuy hiện hữu trong luật pháp Việt Nam, thế nhưng tác dụng của quyền ấy dường như vẫn còn rất xa trong qui trình tố tụng của Việt Nam. Thêm vào đó, để nhìn và đánh giá vấn đề theo góc độ chuyên môn, luật sư, cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân cho rằng vẻ đẹp của tranh tụng ở tại tòa án là hai bên đi kiếm tìm công lý, để tranh luận một vấn đề và để đi tìm sự thật của vụ án thì điều đó không có được ở các vụ án chính trị ở Việt Nam.

Lực lượng do Mỹ hậu thuẫn phá tường xâm nhập thành trì Raqqa của IS

0
VOA

Các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn ở Syria đã xuyên thủng bức tường bao quanh khu Phố Cổ của thành phố Raqqa, quân đội Mỹ cho biết hôm thứ Ba, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong trận chiến kéo dài hàng tuần nhằm đánh đuổi những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ra khỏi thủ đô tự xưng này.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho hay liên minh đã không kích hai “phần nhỏ” của Bức tường Rafiqah, cho phép Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo “tiến vào khu vực được phòng thủ dày đặc nhất” của thành phố, vượt qua bẫy mìn và những tay súng bắn tỉa. Bộ Tư lệnh nói phần lớn bức tường dài 2.500 mét vẫn nguyên vẹn sau các cuộc không kích.

Người đứng đầu Đài Quan sát Nhân quyền Syria ở Anh, Rami Abdurrahman, nói rằng việc xuyên thủng bức tường là diễn biến quan trọng nhất tới giờ trong trận chiến giành lại Raqqa. Ông cho biết ba đơn vị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tiến về phía bức tường dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, phá vỡ hàng phòng ngự của Nhà nước Hồi giáo (IS), và rằng những vụ đụng độ ác liệt đang diễn ra.

Đoạn video do SDF cung cấp cho thấy các chiến binh đi lại trong Qasr al-Banat, một khu di tích lịch sử bên trong Phố Cổ của Raqqa. Một đơn vị khác đi qua cổng được gọi là Cổng Baghdad, mở ra mặt trận thứ hai bên trong Phố Cổ.

Brett McGurk, đặc sứ Mỹ cho liên minh quốc tế chiến đấu chống IS, ca ngợi vụ xâm nhập này, nói rằng đây là “cột mốc quan trọng” trong chiến dịch chiếm giữ thành trì của IS.

Quân đội Mỹ nói rằng những kẻ chủ chiến IS đang sử dụng bức tường lịch sử như một vị trí chiến đấu, và cài chất nổ tại một số lỗ hổng. Quân đội cho biết lực lượng liên quân đang cố gắng hết sức để bảo vệ thường dân và các địa điểm lịch sử.

Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo mở một cuộc tấn công nhiều mũi nhọn nhắm vào Raqqa vào đầu tháng 6, sau khi chiếm giữ vùng nông thôn xung quanh. Hôm Chủ nhật, những chiến binh được Mỹ yểm trợ đã vượt sông Euphrates ở rìa phía nam của thành phố, hoàn tất việc bao vây nó.

Nhà nước Hồi giáo chiếm Raqqa, thành phố cứ địa đầu tiên của họ tại Syria, vào tháng 1 năm 2014. Thành phố này sau đó trở thành thủ đô trên thực tế của lãnh địa “caliphate” mà IS tự tuyên bố, trải dài trên những lãnh thổ do nhóm chủ chiến này kiểm soát ở Syria và Iraq.

Các quan chức Liên Hiệp Quốc nói từ 50.000 đến 100.000 thường dân vẫn còn ở lại trong thành phố giữa tình trạng “nguy khốn.” Những người tìm cách thoát thân có nguy cơ bị những kẻ chủ chiến IS tấn công hoặc bị buộc tuyển mộ làm lá chắn sống.

Đứa con nào cũng cần có mẹ

Ngô Thị Kim Cúc

4-7-2017

Blogger Mẹ Nấm. Ảnh: internet

Khi hình ảnh trước tòa của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xuất hiện trên mạng, nhiều người biết cô phải kinh ngạc kêu lên: Sao lại thế này?

Đó là vì người ta phải thấy Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong chiếc áo thun mà ngực áo có hình in, còn bên dưới là chiếc quần màu hồng, hoàn toàn tương phản với hình ảnh quen thuộc của cô từ trước đến nay.

Nhưng rồi mọi người lập tức hiểu ra: Như Quỳnh không có quần áo tươm tất để mặc ra tòa.

“Trong suốt tám tháng qua, tôi đã bị lừa khi lặn lội đến thăm con tại một trại tù mà con tôi không có ở đó. Mỗi lần đến nhà tù công an Khánh Hòa, tôi gửi quần áo và thực phẩm cho con mình mà cứ lo lắng không biết có đến tay con mình không. Tôi luôn hỏi những người công an: Tại sao ai gửi thực phẩm vào cho người thân, họ đều được nhận lại giấy gửi thực phẩm ngay, còn tôi hai tuần sau tôi mới được nhận? Vậy khi nhận đồ họ có chuyển cho con tôi trong ngày không, hay thực phẩm đến tay con tôi đã bị ôi thiu? Bây giờ thì tôi đã biết được sự thật. Một sự thật vô nhân tính và lừa đảo”.

Đó là thông tin từ mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan. Bà Tuyết Lan đã ngoài sáu mươi tuổi, đang nuôi hai cháu ngoại (Gấu bốn tuổi và Nấm mười tuổi) thay con gái, cùng lúc với việc chăm sóc mẹ già hơn chín mươi tuổi đang ngồi xe lăn.

Blogger Mẹ Nấm và hai con. Ảnh: internet

Thông tin từ luật sư Nguyễn Khả Thành, người bào chữa cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói rõ hơn: “Em nhờ tôi nhắn gửi với mẹ, gửi cho em vài chiếc áo bình thường để mặc lúc ra tòa, một số đồ dành riêng cho phụ nữ. Hơn tám tháng chẳng biết nhắn gửi với ai, hiện Quỳnh chỉ có đồ tù do trại phát. Về nói lại với mẹ Quỳnh, chị nói, là phụ nữ tôi vẫn biêt con tôi sẽ thiếu thốn những thứ cần thiết này, tôi gửi vào nhưng họ không nhận. Tôi nói chị tìm gặp các vị lãnh đạo trại, chị nói gặp tôi họ cứ tránh. Tôi nói gần ra tòa rồi, ai chẳng có tình người, chị cứ thử một lần nữa xem sao…”.

Và cuối cùng, Như Quỳnh đã ăn mặc như chúng ta thấy.

Blogger Mẹ Nấm và hai con. Ảnh: internet

Nhưng bộ quần áo kỳ cục đó có khiến Quỳnh bị “mất tư thế” hay không?

Hoàn toàn không.

Vẻ mặt, khí chất của Như Quỳnh vẫn chẳng khác những lần cô giương cao biểu ngữ lúc xuống đường, dù để “Yêu cầu khởi tố Formosa”, hay “Bảo vệ ngư dân Việt Nam”, “China back-off”…

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã buộc lòng phải xa cách hai con, điều mà bất cứ người mẹ nào cũng không cam lòng dù với bất cứ lý do gì.

Đọc những lời cô nhắn dặn con gái sau khi bị bắt, thật quá xót lòng:

“Nấm nhớ những điều sau:

– Tự học, phải nghe lời bà
– Nhớ uống thuốc bổ hàng ngày & nghe tiếng Anh 30 ph/ngày
– Không chọc em.

Mẹ yêu Nấm nhiều”.

Blogger Mẹ Nấm trong một lần xuống đường bảo vệ chủ quyền đất nước. Ảnh: internet

Suốt tám tháng bị bắt, hẳn trong Như Quỳnh dằn xé bao nỗi nhớ thương con.

Vậy mà: “Quỳnh kể với luật sư Nguyễn Hà Luân là, vào ngày sinh nhật của con trai Quỳnh là Gấu, thì điều tra viên của công an có cho phép Quỳnh viết thư chúc mừng sinh nhật con trai, và hứa sẽ chuyển thư. Luật sư Luân cho biết sự thật là gia đình không nhận được tin tức, thư từ gì của Quỳnh cả. Quỳnh đã khóc vì uất ức khi biết rõ sự thật này, khi biết rằng mình đã bị lừa và cứ tưởng là bé Gấu đã nhận được thư của mẹ mình”.

Hãy nghe bà Tuyết Lan tâm sự: “Cô thường bị đánh thức giữa đêm khuya bởi tiếng khóc nấc nghẹn ngào nhớ mẹ của Gấu. Cô sợ nhìn vào đôi mắt đầy nước mắt của Gấu khi cháu hỏi: “Sao Mẹ chưa về hả ngoại?”…

https://www.facebook.com/167211953352555/videos/1563304427076627/

Là mẹ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh không được ở gần, chăm sóc con. Là con, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng không được hưởng sự thăm nuôi, chăm sóc của mẹ mình.

Có lẽ, điều an ủi duy nhất là bởi cô có một người mẹ tuyệt vời. Bà Tuyết Lan gốc bắc, dân di cư. Trưởng thành ở miền nam trước 1975, bà đã nói về điều này: “Tôi lớn lên ở một xã hội khác, một nền giáo dục khác, nên những chuyện con tôi làm, tôi coi đó là chuyện bình thường. Khi xã hội không tốt ở mặt này mặt nọ, chúng ta phải lên tiếng để người lãnh đạo họ xem xét. Tôi nuôi dạy con tôi bằng điều đó. Nhưng con tôi làm điều bình thường ở cái xã hội bất bình thường nên phải trả giá bằng tù đày, bằng các đòn thù”…

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng có công ty du lịch riêng, rồi bị phá sản. Cô đi làm cho công ty khác, nhưng bị công an gây áp lực nên bị đuổi. Cô đã bán nước mía, làm cá khô bán qua mạng, làm đủ nghề…. Mẹ cô cho biết.

Về việc mà một phụ nữ có thể phải chịu đựng trong tù, bạn của Như Quỳnh- cựu tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh đã viết: “Tôi tin rằng mẹ Nấm bị cấm dùng băng vệ sinh trong tù… Nếu tôi nói tôi từng bị giam trong khu giam giữ chỉ một mình, và khu giam giữ đó đã gần hai năm rồi chưa giam ai, như một ngôi nhà ma. Nếu tôi nói, vào ngày hành kinh tôi bị chuyển hơn hai ngàn cây số, và máu kinh nguyệt ướt từ đầu đến chân tôi trên xe tù, ai có tin không? Vì vậy tôi tin mẹ Nấm. Tôi không thể quên được những điều đã xảy ra với tôi…”.

Liệu chúng ta có chia sẻ được với Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bất cứ điều gì mà cô đang hứng chịu, chỉ vì cô đã vượt qua được nỗi sợ hãi…

Tòa án Khánh Hòa đã không cho bà Tuyết Lan vào dự phiên xử con gái mình, đã tuyên Nguyễn Ngọc Như Quỳnh một bản án mười năm, và đã không cho cô gặp mẹ mình ngay cả sau phiên xử.

Những gì đã diễn ra trong cuộc gặp ngắn, tám tháng sau khi Như Quỳnh bị bắt, và một ngày trước khi diễn ra phiên tòa, bà Tuyết Lan kể:

“Tôi dặn: Con phải giữ gìn sức khỏe. Không lo việc nhà. Các con của con, mẹ xin hứa sẽ nuôi nấng nên người. Quỳnh nói: Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Nếu làm lại từ đầu, con sẽ vẫn đi con đường này mẹ à. Con vẫn đi con đường để con đấu tranh cho tự do dân chủ. Tôi mới nói: Mẹ chưa bao giờ oán trách con điều gì. Con không làm điều gì sai và mẹ luôn đồng hành với con, đi hết cuộc đời này”.

Buổi tối sau phiên xử, bà Tuyết Lan kể tiếp: “Tôi về nhà, Nấm buồn lắm. Nấm hỏi: Bà ơi, sao rồi bà. Tôi mới nói: Khi con học đại học, ra trường, mẹ con với bà cháu mình mới sống với nhau”.

Ba thế hệ phụ nữ nhà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thật may mắn đã biết cách để có mặt cùng nhau.

Tất cả những việc làm từ trước đến nay của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, trong tư cách một người mẹ-công dân, đã được cô minh bạch một cách hết sức ngắn gọn và đơn giản:

“Tôi không muốn con tôi phải đấu tranh và làm những gì tôi đang làm bây giờ”.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bạn không hề đơn độc.