Home Blog Page 1138

Vụ Charlottesville: một người ra đầu thú

0
VOA

Cảnh sát cho hay một người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng xuất hiện trong đoạn băng ghi hình cuộc biểu tình trong tháng này ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, đã ra đầu thú cảnh sát sau khi bị truy nã.

Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên cảnh sát Ben Rexrode của Đại học Virginia nói, ông Christopher Cantwell, hôm thứ Tư 23/8, đã tới văn phòng cảnh sát tại thành phố Lynchburg, Virginia, để đầu thú, đối mặt với cáo buộc về việc sử dụng bất hợp pháp hơi cay và gây thương tích trên thân thể người khác do chất này gây nên.

Tuần trước ông Cantwell nói trong các cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times rằng ông đã sử dụng tiêu bột xịt “thẳng vào mặt” một người đàn ông trong một cuộc tuần hành của hàng trăm người ủng hộ chủ nghĩa da trắng trong khuôn viên đại học Virginia vào ngày 11/8.

Đoạn băng ghi hình ông Cantwell được kênh truyền hình Vice News tường thuật vụ Charlottesville được phát sóng hai ngày sau đó.

Trong bằng ghi hình, ông Cantwell nói rằng cái chết của bà Heather Heyer, người đã thiệt mạng khi một chiếc xe lao vào đám đông người phản đối những người biểu tình, là “không chính đáng.”

“Tôi có tham gia vào vụ bạo lực,” ông Cantwell nói, “nhưng tôi làm như vậy là để tự vệ và bảo vệ những người khác.”

Cảnh sát trường đại học cho biết ông Cantwell bị tạm giam tại thành phố Lynchburg và sẽ được chuyển tới thành phố Charlottesville.

Mỹ tiếp tục chế tài Nga cho tới khi Moscow thay đổi hành vi

0
VOA

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 24/8 trong chuyến thăm Ukraina nói rằng Nga đang “tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực” và các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn giữ nguyên cho đến khi chính phủ Moscow thay đổi hành vi của mình.

Ông Mattis phát biểu như vậy khi xuất hiện bên cạnh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau cuộc họp với ông Poroshenko và các nhà lãnh đạo khác ở Kiev.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraina, và nói rằng Washington không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ông cũng cho biết việc đưa vũ khí sát thương tới Ukraina là một điều mà chính quyền Trump rất quan tâm.

Ông Mattis nói: “Gần đây chúng tôi mới chỉ chấp thuận cho một số thiết bị trị giá 175 triệu đôla, trong đó có những thiết bị chuyên dụng được Ukraine sử dụng cho quốc phòng trong gần một thập niên qua. Chúng tôi cũng đang tích cực xem xét các vũ khí phòng vệ có tính sát thương khác.”

Chính quyền Obama trước đó giữ lập trường rằng việc bán vũ khí sát thương cho quốc phòng Ukraina sẽ có thể khiêu khích Nga một cách không cần thiết, nhưng chính quyền Trump đã xem xét lại kế hoạch đã bị từ chối trước đó.

Ông Mattis nói: “Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục hối thúc Nga tôn trọng các cam kết của mình tại Minsk và các biện pháp trừng phạt của chúng tôi vẫn sẽ được duy trì cho tới khi Moscow đảo ngược những hành động của họ. Như Tổng thống Trump đã nói rõ, Hoa Kỳ vẫn cam kết nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraina.”

Chuyện ở cấp Bộ

0
FB Luân Lê

24-8-2017

Bộ Giao thông vận tải đối mặt với các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng liên tiếp đội vốn ngàn tỷ mà vẫn chậm tiến độ, chất lượng thấp và các bê bối lớn về các dự án BOT gây bức xúc trong cả nước.

Bộ Công thương thì liên tiếp các sự việc rúng động về công tác nhân sự và tham nhũng kinh tế, chính sách. Và một loạt các cán bộ, công chức đã và đang chờ bị xử lý. Vụ cách chức trong quá khứ cũng là một phát minh táo bạo trong cách giải quyết các khối u tham nhũng ở bộ này.

Bộ Tư pháp thì lùm xùm với dự án Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa có hiệu lực đã phải đình chỉ thi hành và sau khi sửa đổi thì thêm quy định luật sư phải tố giác thân chủ (với 83 Điều luật về các tội danh). Kèm theo đó là Quốc hội thảo luận, họp bàn cật lực nhưng vẫn để con Voi chui tọt qua lỗ kim với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong các bộ luật nêu trên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đối mặt với một loạt các thảm hoạ về môi trường (lớn nhất là sự huỷ diệt biển miền Trung do Formosa gây ra) và mới đây là sai phạm nghiêm trọng về kết quả đánh giá tác động môi trường bị giả mạo chữ ký các nhà khoa học về dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở biển. Rừng bị phá ở nhiều nơi, môi trường ngày càng suy thoái.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì liên quan đến một loạt các sự kiện tai tiếng như phá rừng để kịp tổ chức thi hoa hậu, cấp phép cho cả bài hát quốc ca và cấm lưu hành một số ca khúc trước năm 1975. Các lễ hội bạo lực, mê tín dị đoan và tâm linh thần thánh diễn ra tràn lan và không có xu hướng dừng lại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng cải cách và năm trước thì thi đại học như chơi chứng khoán, năm nay thay đổi phương pháp nên dù điểm rất thấp vẫn nhiều khả năng đậu đại học, cao đẳng, nhất là ngành sư phạm. Hàng loạt cách vụ bằng cấp giả được khui ra ở nhiều nơi. Nổi cộm lên một số vụ việc bạo lực học đường, giáo viên bị điều đi tiếp khách, thày gạ trò đổi tình lấy điểm, dâm ô học sinh. Nhiều sự việc suy đồi được phát tán và lộ ra làm rúng động dư luận.

Bộ Quốc phòng dính dáng đến một số dự án lớn về đất đai như Sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), trường bắn Miếu Môn (Đồng Tâm). Và đặc biệt nóng về vấn đề bỏ chế độ quân đội đi làm ăn kinh tế lần đầu tiên được bàn thảo gay gắt.

Bộ Xây dựng để lọt nhiều dự án căn hộ nhà cao tầng không phép hoặc vượt phép thản nhiên mọc lên. Một số toà nhà xảy ra hoả hoạn lớn vì không đủ điều kiện vận hành.

Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước để các ngân hàng và chính sách tài khoá vĩ mô rơi vào tình trạng nguy bách, thu không đủ bù chi và nhiều ngân hàng vỡ nợ và bị giải thể, phá sản. Chính sách tiền tệ về ngoại hối, vàng thay đổi chóng mặt và nhiều tin đồn về đổi tiền đã xuất hiện rất nóng cách đây nửa năm. Chính sách thuế, phí liên tục tăng.

Bộ Thông tin và Truyền thông ra sức kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội và vấn đề kiểm duyệt, hạn chế hết sức ngặt nghèo đối với báo chí và xuất bản sách, ấn phẩm, tạp chí. Báo chí “không bị hạn chế nhưng chỉ được họp 5 phút đầu cuộc họp Thường vụ quốc hội”, nhằm tránh đưa tin thất thiệt cho các đại biểu khi phát ngôn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa tháo gỡ được các khó khăn về thủ tục hành chính trong đầu tư và điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi năm hàng trăm ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản hoặc phải đóng cửa vì khó khăn trong hoạt động.

Bộ Nội vụ vẫn thường thống kê có 99.6 % cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ nhưng người đứng đầu Chính phủ thì cho rằng có tới 30% lượng cán bộ, công chức “rảnh rỗi”, tức sáng cắp ô đi tối cắp ô về. Nhiều vụ việc luân chuyển cán bộ, đại biểu ở cấp trung ương và cấp tỉnh lộ ra nhiều sai phạm. Cả họ làm quan ở huyện, sở hay xã là điều bình thường. Nhiều nơi cán bộ dùng bằng giả mà “không biết” hoặc “do bị lừa”.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch xuất khẩu không chỉ hàng vạn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp mà còn xuất khẩu cả giáo sư, tiến sỹ sang nước ngoài để làm việc bên cạnh việc đưa những người ngư dân, nông dân ở vùng thảm hoạ biển chết đi ra khỏi lãnh thổ để làm ăn. Tin tức cũng cho biết đương kim Bộ trưởng bộ này quay cóp khi thi tiến sỹ và bị kỷ luật nhưng vẫn đỗ và làm quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ không có thông tin gì nổi bật về khoa học và công nghệ cho đất nước. Tuy rằng có nhận định về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và “đã từng bước làm chủ về công nghệ vũ trụ”. Tuy nhiên, như ông Bộ trưởng tiền nhiệm đã nói, nhiều đề tài khoa học bỏ xó và vứt ngăn kéo chứ không có tính thực tiễn hoặc không thể thực hiện được.

Bộ Ngoại giao trong quan hệ với các quốc gia từ láng giềng cho đến nửa kia thế giới, luôn có quan điểm nhất quán và rõ ràng trong cách vụ lên tiếng. Chúng ta vẫn làm bạn với tất cả các quốc gia và không liên minh với nước thứ ba để chống lại một nước khác. Trước các sự việc căng thẳng vẫn lên tiếng quan ngại sâu sắc và cực lực phản đối.

Bộ Công an cho hay, hiện nay có rất nhiều phần tử xấu, thành phần cực đoan, thế lực thù địch, thường kích động dân chúng và lợi dụng các sự kiện nóng, bức xúc của dân chúng, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn mà lôi kéo, bôi nhọ và xúi giục những người dân chống đối chính quyền, xâm hại đến đảng và nhà nước. Tuy nhiên, để xác định cụ thể là thành phần nào, những ai mang danh như vậy thì lại không rõ là ai ngoài việc cáo buộc tổ chức “Việt Tân” phản động nhúng tay vào.

Bộ Y tế dưới thời bà Kim Tiến trước nhiều đợt dịch bệnh nhưng không công bố (như Sởi cách đây 2 năm), nay đã lại phát hiện một việc động trời là buôn bán thuốc điều trị ung thư giả với số lượng lớn, trong đó tiền hoa hồng cho các bác sỹ được khai lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Vụ kiện “Trịnh Vĩnh Bình đối với CSVN ở Paris” đã củng cố thêm niềm tin vào công lý của dân mình

TIẾNG DÂN

Ngô Văn Hiếu

24-8-2017

Việc Trịnh Vĩnh Bình đang kiện CSVN tại Paris để đòi hơn 1 tỉ dollars là bài học quý báu để xiển dương công lý, quyền pháp lý và định chế xã hội. Cho nên, dù có tốn VN 1 tỉ hay 100 tỉ dollars thì đó cũng là giá quá rẻ cho 1 bài học để đời về việc nâng cao dân trí, nhất là dân trí của giới trí thức được CSVN đào tạo cũng như những nhà dân chủ trong nước – hai trong những thành phần cốt lõi cho dân chủ hóa nước ta.

Đến nay có thể còn quá sớm để nói trước kết quả vụ kiện như ai thắng ai thua; nhưng, việc 1 cá nhân vốn là “tội phạm tại đào” lại có thể ngang nhiên đi kiện 1 nhà nước thống trị 90 triệu dân, một nhà nước từng xé hết các hiệp định quốc tế này đến hiệp định quốc tế khác, một nhà nước gây chiến triền miên khiến hàng chục triệu người thương vong ly tán, thì ta có thể nói là công lý đã thắng, lẽ phải đã chiếu sáng!

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm ngoái tòa Trọng Tài Quốc Tế đã chiếu theo công pháp quốc tế xử về hải phận 12 hải lý và chủ quyền Biển Đông mà Tàu (bị đơn) ỷ mạnh ăn hiếp Phi (nguyên đơn) và các nước khác trong vùng. Phiên tòa là 1 thắng lợi và phán quyết của tòa cho Phi thắng lại càng là thắng lợi vĩ đại cho công lý và định chế xã hội cho dù tân tổng thống Phi Duterte có xem nhẹ nó đi.

Cho nên, dân ta chẳng những phải đấu tranh thay đổi giới lãnh đạo quốc gia mà lại còn phải thay thế chế độ độc tài đảng trị CSVN này bằng 1 nền dân chủ pháp trị với các định chế dân sự xã hội bền vững – như tòa án, cơ quan trọng tài, cơ quan ngôn luận, cơ quan bảo hiến, cơ quan bảo vệ dân quyền, và cơ quan giám sát bầu cử.

(Thay thế lãnh đạo mà không thay đổi và thay thế thể chế, chế độ, hệ thống cầm quyền, và những người có não trạng lạc hậu thì cũng không khác trước bao nhiêu. Sau 1969, Lê Duẩn đã thay Hồ Chí Minh làm lãnh đạo tối cao CSVN nhưng sự tàn ác của nó còn tàn khốc hơn trước!)

Cũng vì cái não trạng độc đoán, kiêu căng, gian manh, bạo ngược và ngu dốt cho nên mới có việc như mật vụ CSVN bất chấp công pháp quốc tế và chủ quyền Đức để lén bắt cóc rồi dàn dựng Trịnh Xuân Thanh từ Bá Linh về VN. Thiết nghĩ, CSVN nhân danh luật do đảng CSVN chỉ đạo có thể chà đạp luật quốc tế, luật EU, luật Đức, vv thì đừng nói là cá nhân mà ngay cả các tập thể như dân Đồng Tâm hay dân 4 tỉnh Miền Trung cũng phải bị nó đàn áp dễ dàng.

Thấy kẻ vượt ngục tại đào Trịnh Vĩnh Bình đi kiện tại tòa quốc tế ở Paris, kẻ đào tị Trịnh Xuân Thanh được Đức đòi CSVN trả lại, nhược tiểu Phi kiện cường quốc Tàu ở tòa quốc tế Hòa Lan, vv đã làm cho những kẻ thấp cổ bé miệng thêm chút niềm tin vào lẽ phải, vào công lý, vào các nguyên tắc và cơ cấu mà người ta gọi là định chế xã hội. Các định chế xã hội quốc tế ấy phải được ứng dụng xuống tầm mức quốc gia, xuống cả làng mạc xóm giềng, thì xã hội mình mới được hòa giải và có hạnh phúc.

Đúng vậy. Niềm tin mạnh hơn hy vọng. Niềm tin làm cho ta biến hy vọng thành ý chí sắt đá và hành động đấu tranh mãnh liệt, thành lòng kiên trì phục vụ mục đích đấu tranh, và thành quyết tâm phụng sự cho những giá trị lý tưởng.

Niềm tin cho ta sức mạnh vô biên, sức mạnh đó dù bất bạo động cũng có thể đủ làm cho cường quyền có xe tăng, giáp sắt, súng đạn và tiền tỉ phải khiếp sợ!

Thụ động chính trị có liên quan gì tới bạo lực học đường?

0
TIẾNG DÂN

Triệu Tử, Đại học KHXHNV TP.HCM

24-8-2017

Nhiều người Việt đang sống trong nước, dù ở lứa tuổi đi học, còn rất trẻ nhưng họ đã chọn thái độ sống thụ động, không quan tâm tới chính trị, ngoan ngoãn đóng nộp, bảo gì nghe nấy. Cho đến khi họ tham gia một vụ đánh nhau, gia đình mới ngã ngửa ra rằng tại sao con mình tự dưng có bản tính côn đồ như vậy. Cần phải xâu chuỗi hai tính cách đó với nhau, mới lý giải được thực trạng học đường Việt Nam ngày nay.

Những người sinh trong một gia đình cam chịu, dường như không tham gia đấu tranh khi bị áp bức, bất công. Cá nhân tôi được sinh ra trong một gia đình mà ông cố “địa chủ” bị cướp đất, ông nội đi dân quân hỏa tuyến mà không được hưởng chế độ, bố thi đại học làm bài tốt nhưng bị chấm rớt… Lớn lên trong một gia đình ba bốn thế hệ như vậy, từ nhỏ tôi được nghe ông cha chửi những kẻ cầm quyền khốn nạn, hà hiếp dân, cho nên nhận thức của tôi cũng khác với những bạn trẻ cùng trang lứa. Trong lớp, tôi thường cãi lại thầy cô khi nói về lịch sử, tôi luôn cãi lại mỗi khi nhận ra những điều thầy cô dạy không đúng với sự thật mà tôi đã biết.

Nhưng xung quanh tôi, các gia đình hàng xóm dạy con cái phải sống hiền, không được chống đối chế độ, không được “phản động”. Đây có phải là sự hiền lành không? Tôi nghĩ là không. Những ông bố bà mẹ này cũng gặp những oan ức, nhưng họ không dám trỏ mặt quan xã, quan huyện mà chửi thẳng. Sự ấm ức, bức xúc đè nén trong con người họ lâu dần, sinh ra cáu tính. “Giận cá chém thớt”, những ông bố, bà mẹ không làm gì được đám quan chức địa phương nhũng nhiễu, áp bức, họ chuyển qua chửi mắng vợ/ chồng, con để xả stress. Con cái lớn lên trong gia đình có bố mẹ như thế, cũng bị lây nhiễm tính khí đó, chúng không dám cãi lời thầy cô, dù biết thầy cô nói sai, nhưng sẵn sàng tát bạn bè, xem họ như kẻ thù từ đời nào.

Khi một cơn bực bội bị dồn nén trong lòng, nếu không thoát ra đường này thì ắt phải thoát ra đường khác, giống như dòng nước bị bịt ở chỗ này thì sẽ trào ra chỗ kia. Tôi nhận ra rằng, ở những nơi học sinh quan tâm đến chính trị thì ít hành xử bạo lực ở chốn học đường. Ngược lại, ở những nơi mà tâm lý bảo gì nghe nấy, chính là nơi cảm xúc dễ bị bộc phát thành “bạo lực cách mạng” mà chúng ta thường thấy trên tivi, như nữ sinh đánh nhau, cởi áo nhau quay clip tung lên mạng, hoặc nam sinh đánh nhau chỉ vì mấy cái nhìn.

Điều này có thể minh chứng khi ở Hong Kong, hàng vạn sinh viên rủ nhau đi biểu tình chống bầu cử rubber-stamp, nhưng chúng ta hiếm khi thấy bạo lực học đường ở Hong Kong. Hoặc ví dụ như thời VNCH, một nền giáo dục vàng son đã qua, nơi học sinh, sinh viên rủ nhau đi biểu tình nhiều nhất nước, nhưng hiếm khi thấy học sinh đánh nhau như thời nay. Trong khi đó, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, mặc dù chẳng có học sinh nào xuống đường biểu tình chống lạm thu học phí, hay chống bất công lần nào, nhưng bạo lực học đường liên tục xảy ra. Năng lượng mà các em sở hữu trong độ tuổi ấy, nếu không được tháo ra bằng những giờ tranh luận tự do, cởi mở, hay bằng những cuộc tuần hành ôn hòa, thì ắt sẽ bùng phát bằng cách thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.

Tôi thường nghe nhiều bạn bè nói rằng, ở nước nào cũng có cái xấu, chẳng có nước nào là tốt đẹp hoàn toàn cả, sao cứ phải chống đối? Từ đó tôi cố gắng tìm hiểu xem, vì sao những bạn bè đồng trang lứa với tôi, có thể chấp nhận bị áp bức, bất công, bị đè đầu cưỡi cổ.

Trước đây tôi khá tức giận với họ, nhưng sau này, khi đã đặt mình vào hoàn cảnh của họ, tôi bắt đầu hiểu ra nguyên nhân. Có lẽ giới trẻ chưa cảm thấy tin tưởng vào công lý, chưa tin rằng nếu đứng lên tranh đấu, họ có thể chống lại áp bức, như những gì họ đã được học, “ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”.

Một khi giới trẻ nhận ra sức mạnh của sự tranh đấu, có thể giúp thay đổi xã hội, thì họ sẽ dùng hết khả năng và trí tuệ của mình, cùng nhau lên tiếng đấu tranh cho những áp bức, bất công mà họ đối mặt hàng ngày. Chính bản thân của từng cá nhân hợp lại, những bạn trẻ này có thể giúp thay đổi vận mệnh đất nước.

Triệu Tử

Viết riêng cho Tiếng Dân, từ Đại học KHXHNV TP.HCM, đại học Quốc gia TP.HCM, Sài Gòn

Cần hiểu thiết chế “Nhà nước Pháp quyền” trong vụ Trịnh Xuân Thanh

TIẾNG DÂN

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

24-8-2017

Từ đầu tháng, vụ Trịnh Xuân Thanh chấn động truyền thông Việt Nam, Đức và thế giới trở thành điểm nóng trong mối quan hệ bang giao giữa 2 nước tới mức phía Đức yêu cầu một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam phải rời Đức kèm những tuyên bố sẽ có những “động thái tiếp”, nhằm đòi được Việt Nam trao trả lại đương sự, do những thủ tục pháp lý mà thiết chế Nhà nước Pháp quyền buộc họ phải thực thi, không liên quan tới nhân thân hay tội danh ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc. Tầm cấp “trục xuất” nhân viên ngoại giao có thể nhận thấy giữa 2 nước Nga và Mỹ từ cuối năm 2016 tới nay do liên quan tới những “cáo buộc” Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Sự kiện Trịnh Xuân Thanh đang mở rộng sang chính trường Đức hiện đã sôi sục bởi kỳ bầu cử Quốc hội; các Đảng phái ra sức vận động lấy phiếu cử tri, buộc phải lên tiếng để chứng minh khả năng “cầm quyền” của họ trước mọi vấn đề nảy sinh. Mới đây, phát ngôn viên đối ngoại của khối Nghị sỹ 2 đảng mạnh nhất trong Quốc hội CDU/CSU, ông  Jürgen Hardt tuyên bố “phải có biện pháp chung với EU để đáp trả Việt Nam, có thể tính đến việc đòi tiếp cán bộ sứ quán Việt Nam ra khỏi nước Đức cũng như cấm vận trong phạm vi không ảnh hưởng tới người dân Việt Nam”. Cũng vậy, Đảng đối thủ mạnh thứ 2 SPD, phát ngôn viên đối nội của khối nghị sỹ Đảng này trong Quốc hội, ông Burkhard Lischka tuyên bố “cần đòi tiếp nhân viên an ninh Việt Nam ở Đức về nước và đóng băng các khoản tiền liên quan tới các dự án hợp tác phát triển cho Việt Nam”.

Những tuyên bố trên làm người ta nhớ lại sự kiện nhà soạn nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Isang Yun xảy ra cách đây tới 50 năm, mặc dù Hàn Quốc cùng thể chế với Tây Đức. Ngày 17.6.1967, Isang Yun (được quyền cư trú ở Spandau, Tây Berlin từ năm1950) nhận được điện thoại có người quen muốn gặp ở trung tâm thành phố. Tới nơi, ông bị mật vụ Hàn Quốc bắt cóc đưa về nước xét xử tội phản quốc làm gián điệp cho chế độ Bắc Triều Tiên để lật đổ chế độ Nam Hàn. Lập tức chính trường Đức sôi sục, kết quả nhiều nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc bị Đức yêu cầu phải về nước, mọi khoản viện trợ kinh tế cho Hàn Quốc hồi đó rất cần thiết, bị đình chỉ. Sự kiện vượt ra khỏi Đức bị cả phương Tây đe doạ cấm vận. Rốt cuộc để tránh thiệt hại, chấm dứt khủng hoảng bang giao, năm 1969 (tức chỉ sau 2 năm tính từ khi bị bắt), Isang Yun mặc dù bị toà sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân, qua phúc thẩm giảm xuống 15 năm, tới chung thẩm xuống tiếp 10 năm, Hàn Quốc vẫn buộc phải đình chỉ thi hành án trao trả cho Tây Đức.

Tại sao cả 2 nhân vật đều bị quốc gia họ cáo buộc, “tháng 9-2016 ông ​Trịnh Xuân Thanh bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, và “tham nhũng lớn”, được dư luận cả nước đồng tình hưởng ứng theo chủ trương “lò đã nóng lên rồi củi tươi vào cũng phải cháy (TBT Nguyễn Phú Trọng)”; còn ở Hàn Quốc ông Isang Yun đã bị toà tuyên phán, bản án được dân chúng ủng hộ thậm chí tổ chức biểu tình phản đối nước ngoài can thiệp vào nền tư pháp họ, nhưng cả hai lại bị Đức nhất mực đòi trao trả? Ngoài lý do chủ quyền quốc gia phải được khôi phục lại trạng thái ban đầu nếu bị vi phạm (kể cả ngờ vực), nhà nước họ thuộc thiết chế NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN (tiếng Đức Rechtsstaat, tiếng Anh state of law, constitutional state) sinh ra để bảo vệ các quyền cơ bản của con người, vận hành tự động do luật pháp (chứ không phải cá nhân, hay giai tầng, nhóm nào) điều chỉnh.

Quyền tỵ nạn, tự do cư trú (liên quan tới 2 nhân vật trên) nằm trong số hàng chục quyền cơ bản đó. Nó có nội hàm là quyền tự nhiên (bất kể họ là ai, quốc tịch nào Việt Nam hay Hàn Quốc) bởi do “tạo hóa cho họ”. Tiếp theo, cũng bởi vậy quyền đó “không ai có thể xâm phạm được (trích Tuyên ngôn độc lập)”. Tiếp nữa, quyền “bất khả xâm phạm”, “không thể trao nhượng” đó, phải được đưa vào Hiến pháp để “ràng buộc (chế tài) các cơ quan lập pháp hành pháp và tư pháp phải bảo đảm tính bất khả xâm phạm của nó (Điều 1 Hiến pháp Đức)”. Nói cách khác, luật pháp đứng trên nhà nước chế tài cả ba cơ quan quyền lực nhà nước phải tuân thủ để bảo đảm quyền cơ bản của con người, không một giai tầng, nhóm, cá nhân dù chức vụ cao tới đâu cũng không được phép can thiệp khác đi. Đó chính là bản chất của nhà nước pháp quyền ràng buộc được bộ máy của nó vận hành tự động, không phụ thuộc nhận thức chủ quan động cơ của bộ máy đó; như sự kiện Isang Yun từ thủ tướng đến nghị sỹ… đều không thể làm khác; tới nhân viên công lực cũng vậy.

Như vụ Hội người Việt Leipzig, Đức, tổ chức Tết Nguyên đán cách đây dăm năm mời Thị trưởng và ban ngành thành phố tới dự. Một giờ trước lịch khai mạc, nhân viên công lực tới kiểm tra, rồi phong toả luôn hội trường vì không bảo đảm quy định phòng chống cháy. Hội phân trần lý do và nại cớ Thị trưởng đang trên đường tới dự, nên không thể đóng cửa. Nhân viên công lực thoạt đầu tỏ ra ngạc nhiên, rồi chừng như hiểu ra sự khác biệt hai nước, trả lời: “Thật đáng tiếc cho các ngài, ở Đức ngay cả Thủ tướng Merkel tới dự cũng không thể làm khác. Chúng tôi chịu trách nhiệm pháp lý đối với phòng chống cháy chứ không phải Thị trưởng hay Thủ tướng”. Tất cả cỗ bàn tiệc Tết bày sẵn đành phải “tuỳ nghi di tản”. Tết mang nặng tâm linh bỗng bị mất làm ai cũng ngẩn ngơ, lúc này mới chiêm nghiệm được hậu hoạ tai hại thiếu hoà nhập thế giới (may mới chỉ là Hội đoàn không phải “quốc gia tự trị” mang tính dân tộc như tại một số nhà nước Liên bang).

Vậy để quyền tỵ nạn trong một nhà nước pháp quyền như Đức được bảo đảm tự động, nó phải được thực hiện theo trình tự thủ tục pháp lý như thế nào (tức “quyền về thủ tục”, khái niệm trong luật học)?

Tỵ nạn tiếng Đức là Asyl, tiếng la tinh là asylum, được hiểu theo nghĩa phổ thông là nơi trú ẩn trước nguy hiểm hoặc bị theo dõi. Quyền cơ bản tỵ nạn ở Đức áp dụng cho người bị “theo dõi chính trị” được hiến định tại Điều 16a, đồng thời cũng áp dụng cả cho những người tìm tới Đức để tránh bị nguy hiểm hay đe doạ theo tiêu chí quy định tại “Hiệp định Quốc tế về lánh nạn – The 1951 Refugee Convention” mà họ đã ký kết, chủ yếu là nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, bạo lực, tôn giaó, phân biệt chủng tộc, giới tính…

Để được hưởng quyền cơ bản tỵ nạn, người xin tỵ nạn (hiểu theo nghĩa quyền chủ thể – khái niệm trong luật học)  phải chứng minh được lý do họ xin tỵ nạn đáp ứng những thước đo, chuẩn mực, quy tắc xử sự quy định tại Luật tỵ nạn AsylG (quyền khách thể trong luật học) trước cơ quan xét duyệt tỵ nạn BAMF có trụ sở tại Nürnberg và chi nhánh toàn Liên bang; trải qua một trình tự thủ tục pháp lý chặt chẽ được điều chỉnh bởi các văn bản luật (quyền về thủ tục) chứ không phải theo chủ quan của nhân viên công vụ hay bất kỳ chỉ thị nào từ cấp cao nhất. Quyền thủ tục nhằm bảo đảm luật pháp được áp dụng công minh hoàn toàn khách quan, đúng người, đúng tội, tránh bỏ sót, oan, sai; ngăn chặn và chế tài mọi áp đặt chủ quan hay động cơ cá nhân của bộ máy công bộc thụ lý, hành xử.

Quyền về thủ tục bắt đầu từ khi đương sự tới đăng ký nhập trại tỵ nạn tại một điểm tiếp nhận của BAMF. Kể từ thời điểm đó, người xin tỵ nạn được hưởng quy chế bảo vệ quyền tỵ nạn bất khả xâm phạm (không bị trục xuất hay dẫn độ dù trước đó phạm tội gì, nặng tới đâu, ở nước nào) mặc dù chưa phải tỵ nạn (tức chưa được công nhận). (Ông Trịnh Xuân Thanh rơi vào trường hợp này, nên quyền về thủ tục đã buộc nhà chức trách Đức phải tuân thủ, đòi đương sự phải có mặt để giải quyết đơn xin tỵ nạn họ đang thụ lý. Họ chỉ được Luật AsylG, Điều 33, cho phép đình chỉ khi có đủ chứng cứ để xác định “Đơn xin tỵ nạn coi như được rút khi người đệ đơn rời lãnh thổ Đức và trở về đất nước mình với bất kỳ lý do gì (hiểu theo nghĩa tự thân, không có tác động bên ngoài).

Sau khi đơn được tiếp nhận, quyền về thủ tục quy định người xin tỵ nạn được cấp giấy phép lưu trú tạm thời trong phạm vị điạ phương Aufenthaltsgestattung (theo điều §56 Luật AsylG) kèm các tiêu chuẩn được hưởng (được cấp chỗ ở, đồ dùng, tiền ăn uống, sinh hoạt, tiêu vặt…). (Chỉ riêng tiêu chuẩn trên thôi, Đức thuộc nhà nước pháp quyền nên không thể muốn xử sự thế nào cũng được. Cách 2 năm trước 2 người xin tỵ nạn đã đệ đơn lên Toà án Bảo hiến đòi nâng tiêu chuẩn trợ cấp cho họ ngang bằng tiêu chuẩn trợ cấp tối thiểu cho người dân Đức nào không có thu nhập; bởi Hiến pháp Đức quy định quyền bình đẳng, nên một khi đã gọi là tiêu chuẩn tối thiểu để con người tồn tại thì phải bằng nhau. Kết quả được toà chấp thuận, buộc nhà nước phải đồng nhất tiêu chuẩn).

Nếu đơn xin tỵ nạn bị từ chối bởi không có lý do (Điều § 30 Luật AsylG), đồng nghĩa giấy phép lưu trú đã cấp bị mất hiệu lực, phải ra khỏi nước Đức, họ được quyền đệ đơn lên Toà án Hành chính chống lại. Lúc này, họ được cấp giấy phép lưu trú tạm dung, tức quyền lưu lại Đức cho tới thời điểm ghi trong án quyết. Nếu họ bị xử thua, nhưng việc rời nước Đức bất khả kháng như: bệnh nan y chỉ có thể chữa được tại Đức, mang thai hay không đủ sức khoẻ đi máy bay, kết hôn với người Đức hay người nước ngoài có quyền lưu trú ở Đức, không có giấy tờ tùy thân hoặc nước họ không tiếp nhận, về nước sẽ bị xử tử hình… được quyền đệ đơn tiếp lên Toà chống lại trục xuất. Nếu Toà chấp thuận, họ được cấp quyền lưu trú thích ứng với từng dạng đối tượng chiểu theo các điều khoản quy định tại Luật Lưu trú Đức. Ngược lại sẽ bị trục xuất (không ngoại trừ đối với ông Trịnh Xuân Thanh).

Thực tế, năm 2014, Đức tiếp nhận 202 834 đơn xin tỵ nạn. Chỉ 1,6% được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị, 24,1% với lý do nạn nhân chiến tranh, một phần còn lại thuộc diện cấm trục xuất, hay do toà bác bỏ lệnh trục xuất,  tổng cộng được  cư trú ở Đức trên 51%.  Năm 2015 với 476 649 đệ đơn tỵ nạn, số được ở lại Đức chiếm 61%. Năm 2016 với 745 545 đơn xin tỵ nạn, số được ở lại 71%. Nghĩa là cả văn bản pháp lý đã dẫn giải, lẫn thực tế thực hiện trên cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh được bảo đảm quyền về thủ tục xét tỵ nạn chứ chưa phải được công nhận tỵ nạn. Chính vì vậy, hồi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20, khi phía đồng nhiệm Việt Nam đặt vấn đề giúp họ dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về nước, Thủ tướng Đức mới trả lời “sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền (bởi họ phải bảo đảm quyền về thủ tục, chứ không mang nghĩa họ có quyền đồng ý hay từ chối)”, (đúng cách trả lời của nhân viên công lực kiểm tra phòng chống cháy đối với Hội Người Việt Leipzig).

Cũng do quyền về thủ tục, việc ông Trịnh Xuân Thanh đệ đơn nhưng vắng mặt tại lịch hẹn mà họ nhận thấy có dấu hiệu ngờ vực bị bắt cóc (tức thuộc án hình sự) đã buộc Viện Kiểm sát Đức (hoạt động độc lập, không cần bất kỳ chỉ thị nào) phải tự động cho mở cuộc điều tra hình sự vụ án (dù nạn nhân là ai, nếu không chính Viện Kiểm sát sẽ bị luật pháp họ chế tài). Tới nay, nghi can đầu tiên là một người Việt sống ở Tiệp đã bị Đức bắt giam (có thể bị phạt tới 3 năm tù nếu bị toà kết án), qua đầy đủ các khâu từ phát lệnh truy nã toàn châu Âu, đến cảnh sát Tiệp bắt nghi can, tới Toà án Tiệp ra án quyết (do nghi phạm đệ đơn chống lệnh bắt dẫn độ), tới dẫn độ, bàn giao, theo đúng quyền về thủ tục trong thể chế pháp quyền. (Hoàn toàn khác với Mỹ hạ sát Bin Laden ở Pakistan có cả Tổng thống Obama giám sát trực tiếp vốn thuộc tình huống chiến tranh chống khủng bố. Cũng khác các đảo quốc nhỏ bé, tội phạm tham nhũng của Trung Quốc trốn ở đó, Trung Quốc đột nhập bắt cóc nhưng chẳng hề hấn gì. Hay tại một số quốc gia không có thiết chế nhà nước pháp quyền đúng nghĩa chỉ cần thoả thuận ngầm giữa các quan chức hành xử 2 nước nên không ảnh hưởng tới quan hệ quốc gia…).

Sở dĩ phía Đức tuyên bố đang “cân nhắc,  bàn thảo các biện pháp” đối với Việt Nam là do quyền về thủ tục buộc họ phải chờ đợi kết quả điều tra hình sự này. Nếu kết quả điều tra bác bỏ ngờ vực, thì Điều 33 Luật AsylG được Viện kiểm sát áp dụng, đình chỉ vụ án do “người đệ đơn rời lãnh thổ Đức”; phía Đức sẽ xin lỗi, rút lại các lời cáo buộc ngờ vực trước đây. Ngược lại, nếu ngờ vực được khẳng định thì thiết chế nhà nước pháp quyền họ buộc họ phải thực hiện các “động thái tiếp theo”, nằm ngoài ý muốn, nhận thức chủ quan của 2 bên. Lúc đó không ngoại trừ sự kiện Nhà soạn nhạc Hàn Quốc Isang Yun 50 năm trước lặp lại.

Tiết lộ mới: Chiếc xe thứ hai Audi-Limousine trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

24.08.2017 08:13 32129
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào khoảng 10 giờ 40 sáng ngày 23.07.2017 giữa thủ đô Belin, tại công viên Tiergarten, gần khách sạn Sheraton.

Một vài nhân chứng đã thấy Trịnh Xuân Thanh và một phụ nữ Việt Nam đi cùng, đã bi một số người dùng vũ khí cưỡng bức đẩy lên một chiếc xe mang biển số CH Séc. Đó là chiếc xe 7 chỗ ngồi, hiệu Volkswagen (VW) của Đức, kiểu xe: Multivan màu ánh bạc mang biển số 2AB-3140.

Chiếc xe thứ nhất trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Multivan VW (Volkswagen) – biển số 2AB-3140

Nghi can Nguyễn Hải Long 46 tuổi ở Praha đã bị bắt tại CH Séc và hôm qua 23.08.2017 bị dẫn độ về Đức, đúng một tháng sau ngày xảy ra vụ bắt cóc, vì chính ông Long đã đứng tên thuê chiếc xe Multivan VW mà được dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mặc dù ông Long không phải là tài xế lái chiếc xe này. Trong thời gian chiếc xe được thuê nhiều nhân chứng vẫn thấy ông Long làm việc tại cửa hàng ở Praha thủ đô CH Séc, ông Bùi Quang Hiếu chủ cho thuê xe cũng xác nhận điều này.

Tuy nhiên, có một chi tiết mà ít ai để ý, ngay từ ban đầu báo chí Đức đã đưa tin, những nhân chứng đã nhìn thấy một chiếc xe Limousine 5 chỗ ngồi tham gia vụ bắt cóc.

Tờ báo Bild (bản online trên mạng) ngày 16.08.2017 có đăng một bài mang tựa đề “Tiết lộ bí mật nhà nước – Vai trò của Cơ quan cứu xét tỵ nạn trong vụ gián điệp hình sự” nói về vụ việc ông Hồ Ngọc Thắng nhân viên của cơ quan này bị tình nghi có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Nhật báo Bild (bản online trên mạng) ngày 16.08.2017

Nguồn: https://www.bild.de/bild-plus/regional/berlin/asyl/welche-rolle-spielte-das-fluechtlingsamt-im-agenten-krimi-52882370,view=conversionToLogin.bild.html#remId=1575068491355808573

Trong bài báo của tờ Bild có nêu ra một tiết lộ mới, chiếc xe thứ hai tham gia vụ bắt cóc là chiếc xe Audi Limousine 5 chỗ ngồi, cũng mang biển số CH Séc và là xe thuê mướn. Như vậy cả hai chiếc xe tham gia vụ bắt cóc đều là xe nhãn hiệu Đức: Volkswagen (VW) và Audi. Cả hai chiếc xe đều mang biển số CH Séc và đều là xe thuê mướn

Ảnh chụp đoạn trong bài báo Bild nói về 2 chiếc xe tham gia trực tiếp vụ bắt cóc TXT

Chiếc xe thứ nhất cảnh sát Đức phối hợp với cảnh sát CH Séc đã tìm ra rất nhanh chóng và cẩu về Đức hôm 28.07.2017, nghĩa là vọn vẹn chỉ vài ngày sau khi vụ bắt cóc xảy ra và 3 ngày trước khi Việt Nam công bố Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú.

Nhưng còn chiếc xe thứ hai thì ra sao? Các cơ quan điều tra của Đức phối hợp với các cơ quan chức năng CH Séc đã tìm ra chiếc xe thứ hai này hay chưa? Chiếc xe thứ hai có gắn hệ thống định vị GPS chống trộm giống như chiếc xe thứ nhất hay không? Chiếc xe thứ hai có nhiệm vụ gì? v.v.

Nhật báo B.Z. số ra ngày Thứ Bảy 05/08/2017 có đăng một bài báo với tựa đề, tạm dịch như sau: Mật vụ Việt Nam dùng người tình để “chim mồi” bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Bài báo trên nhật báo B.Z. số ra ngày 05/08/2017

Nguồn: https://www.bz-berlin.de/tiergarten/seine-geliebte-fuehrte-den-geheimdienst-zum-ex-funktionaer

Bài báo của tờ B.Z. cho biết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một kế hoạch tinh xảo của mật vụ Việt Nam. Người tình của ông Thanh đã trở thành một tai họa cho ông.

Mật vụ Việt Nam đã biết từ lâu, Trịnh Xuân Thanh có mối quan hệ tình cảm với một cô gái Việt Nam 25 tuổi trẻ đẹp. Cô gái này là con của một Bộ trưởng.

Những nhân viên mật vụ đã đón cô gái ở sân bay Tegel tại Berlin bằng một chiếc xe Limousine thuê mướn mang biển số Cộng hòa Séc, và chở thẳng đến gặp Trịnh Xuân Thanh đúng hẹn tại khách sạn Sheraton ở trung tâm Berlin gần công viên Tiergarten.

Ảnh chụp đoạn trong bài báo B.Z. kể về chiếc xe Limousine đón cô gái ở sân bay Tegel và chở thẳng đến gặp Trịnh Xuân Thanh

Điểm đáng chú ý, bài báo của tờ B.Z. cho biết, chiếc xe thứ hai này cũng có gắn hệ thống định vị GPS chống trộm xe, cho nên toàn bộ lộ trình chiếc xe di chuyển đều được lưu trữ lại qua hệ thống định vị GPS. Nhờ vào đó mà các cơ quan điều tra của Đức có thể xác định chính xác địa điểm, ngày giờ đúng từng giây, và hành trình di chuyển của chiếc xe.

Phương án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được mật vụ Việt Nam chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cân nhắc và tính toán từng chi tiết một. Thế nhưng khi thuê xe thì cả hai xe đều đều trúng vào loại xe có trang bị hệ thống định vị GPS. Đây cũng là điều đáng ngạc nhiên.

Cực kỳ ngạc nhiên nếu biết rằng thiết bị định vị GPS chống trộm xe không xa lạ gì đối với người dân bình thường ở Việt Nam, nói chi đến những nhân viên mật vụ được đào tạo có nghiệp vụ hẳn hoi. Thiết bị này được rao bán khắp nơi, quảng cáo đầy trên mạng:

Thiết bị định vị GPS chống trộm xe của Viettel

Đó là một sản phẩm của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, chẵng nhẽ những nhân viên đặc vụ của Tổng cục 2, tức là Cục tình báo quân đội lại không biết đến thiết bị này sao!

Do đó một câu hỏi được đặt ra, đội đặc nhiệm vô tình lơ đễnh bị lỗi lầm hoặc cố ý thuê cả 2 chiếc xe đều có gắn hệ thống định vị GPS ? Nếu cố tình thì ý đồ là gì? Mục đích như thế nào? Phục vụ cho ai, phe nhóm nào?

Mặt khác, từ những dữ kiện nêu trên, có thể kết luận rằng chiếc xe thứ hai đã được tìm ra từ lâu, nhưng chưa được công bố. Ai cũng nhận thấy rằng, không phải tất cả những gì các cơ quan điều tra của Đức thu thập được, đều được tiết lộ cho báo chí biết hết. Chắc chắn sau một tháng điều tra, phía Đức nắm trong tay nhiều chi tiết về vụ bắt cóc và nhiều chứng cớ v.v.

Lần lượt tất cả sẽ được đưa ra ánh sáng dần dần.

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Nghi can Nguyễn Hải Long đã đích thân lái chiếc xe từ Praha đến Berlin

24.08.2017 14:29 14395
Thông cáo báo chí ra ngày hôm nay của Tổng Công tố viên Liên bang Đức cho biết, theo kết quả điều tra cho đến nay nghi can Nguyễn Hải Long 46 tuổi đã đích thân lái chiếc xe từ Praha đến Berlin vào ngày 20.07.2017 tức là 3 ngày trước khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Nghi can Nguyễn Hải Long đã đích thân lái chiếc xe từ Praha đến Berlin
Thông cáo báo chí của Tổng Công tố viên Liên bang Đức ngày 24.08.2017
Thông cáo báo chí của Tổng Công tố viên Liên bang Đức ngày 24.08.2017

Có lẽ nghi can Nguyễn Hải Long đã từ Berlin trở về Praha ngay lập tức bằng một phương tiện chuyên chở giao thông khác. Vì những ngày sau đó nhiều nhân chứng vẫn thấy ông Long làm việc tại cửa hàng ở Praha thủ đô CH Séc, ông Bùi Quang Hiếu chủ cho thuê xe cũng xác nhận điều này.

Sau đây là tóm lược diễn tiến cuộc điều tra theo thứ tự thời gian:

+ 20.07.2017     Nguyễn Hải Long sau khi thuê mướn xe ở văn phòng Hiếu Bùi đã lái chiếc xe Volkswagen 7 chỗ ngồi từ Praha đến Berlin.

+ 23.07.2017     Trịnh Xuân Thanh và người tình 25 tuổi bị bắt cóc đưa lên chiếc xe Volkswagen do Nguyễn Hải Long thuê mướn. Vụ bắt cóc này có một vài nhân chứng trông thấy, họ đã ghi số xe và lập tức gọi điện thoại báo cho cảnh sát biết.

+ 24.07.2017     Những luật sư của Trịnh Xuân Thanh đã báo động cho các cơ quan chức năng biết về sự mất tích của thân chủ và có lẽ đã bị bắt cóc.

+ 24.07.2017     Công tố viện bang Berlin cũng như Sở cảnh sát hình sự bang Berlin (LKA Berlin) bắt đầu vào cuộc điều tra.

+ 28.07.2017     Cảnh sát Đức phối hợp với cảnh sát CH Séc đã tìm ra chiếc xe Volkswagen 7 chỗ ngồi và cẩu từ Praha đưa về nước Đức.

+ 31.07.2017     Việt Nam đưa tin Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện về Việt Nam đầu thú

+ 02.08.2017     Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố, không còn hoài nghi gì Trịnh Xuân Thanh đã bị mật vụ Việt nam bị bắt cóc áp tải về nước và đuổi về nước Tùy viên tình báo Nguyễn Đức Thoa của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin.

+ 10.08.2017     Công tố viện Liên bang cũng như Sở cảnh sát hình sự Liên bang (BKA) đảm nhận cuộc điều tra, vì có những chứng cớ cho thấy đây là một vụ hoạt động gián điệp nước ngoài trên lãnh thổ Đức. Kể từ đây cuộc điều tra có một tầm vóc mới, từ bình diện tiểu bang được nâng lên bình diện cao nhất là liên bang và tất nhiên Cục tình báo liên bang Đức (BND) cũng vào cuộc.

+ 11.08.2017     Thẩm phán Điều tra của Tối cao Pháp viện Liên bang Đức ra lệnh bắt giam nghi can Nguyễn Hải Long.

+ 12.08.2017     Nghi can Nguyễn Hải Long bị cảnh sát CH Séc bắt ở Praha.

+ 17.08.2017     Cảnh sát CH Séc khám xét văn phòng dịch vụ chuyển tiền của nghi can Nguyễn Hải Long ở Praha.

+ 23.08.2017     Nghi can Nguyễn Hải Long bị dẫn độ từ Praha về nước Đức.

Dưới đây là bản dịch toàn văn Thông cáo báo chí của Tổng Công tố viên Liên bang Đức:

Nguồn: https://www.generalbundesanwalt.de/de/showpress.php?themenid=19&newsid=727

 

Tổng Công tố viên Liên bang tại Tối cao Pháp viện Liên bang

24.08.2017 – 72/2017

Lệnh bắt giam vì hoạt động gián điệp và trợ giúp cưỡng đoạt sự tự do (bắt cóc)

Căn cứ vào đơn yêu cầu dẫn độ của Công tố viện Liên bang Đức, hôm qua (ngày 23.08.2017) người đàn ông mang quốc tịch Việt Nam N.H. Long đã được CH Séc giao nộp cho CHLB Đức nhằm mục đích truy nã tội trạng. Người bị buộc tội đã bị bắt ở CH Séc vào ngày 12.08.2017 và kể từ đấy bị giam giữ ở đó chờ dẫn độ. Cơ sở pháp lý cho việc này là lệnh bắt giam ngày 11.08.2017 của Thẩm phán Điều tra của Tối cao Pháp viện Liên bang Đức.

Một cách khẩn cấp, người này bị tình nghi hoạt động gián điệp (chiếu theo điều §99 Abs. 1 S. 1 Nr. 1 của Bộ Luật hình sự) cũng như trợ giúp cưỡng đoạt sự tự do (chiếu theo điều § 239 Abs. 1 và Abs. 3 Nr. 1, điều § 27 của Bộ Luật hình sự). Theo kết quả điều tra cho đến nay, N. H. Long đã thuê mướn ở Praha thủ đô CH Séc một chiếc xe chuyên chở hiệu Volkswagen trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 24.07.2017 và đã mang chiếc xe đến Berlin trong ngày đầu tiên thuê mướn. Vào ngày 23.07.2017 người đàn ông mang quốc tịch Việt Nam Trịnh Xuân Thanh cùng với một phụ nữ tháp tùng đã bị giằng kéo lên chiếc xe chuyên chở do N. H. Long thuê mướn. Sau đó Trịnh Xuân Thanh bị cưỡng bức đưa về Việt Nam và bị nhà nước giam cầm ở đó.

Ngày 10.08.2017 Công tố viện Liên bang đã tiếp nhận từ Công tố viện bang Berlin cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và phụ nữ đi cùng (theo Thông cáo báo chí số 69 ngày 10.08.2017).

Hôm nay người bị buộc tội đã bị đưa đến Thẩm phán Điều tra. Thẩm phán đã ký lệnh bắt giam và ra chỉ thị thi hành giam tù điều tra.

Hiếu Berlin – Thoibao.de

Nguyên Phó Tổng Thanh tra CP: Cô nhân viên phụ trách bảo hiểm nói như tát nước vào mặt tôi

0

HẾT QUAN HOÀN DÂN

Trước đây, đến chủ tịch tỉnh cũng phải nể sợ ông, nay ra phường phải chịu để nhân viên nó mắng. Khi xưa, ông ở trong một thể chế chính quyền nắm quá nhiều quyền lực, ông và các đồng chí của ông say sưa vận hành và bây giờ trở thành nạn nhân của nó.

Các vị đang tại chức nên lấy tấm gương này để ngay từ bây giờ, thay vì lót ghế đưa con cái lên, hy vọng ô lọng cả đời, cần phải góp phần cải cách. Giảm các tầng nấc trung gian, giảm các thủ tục rắc rối, có thể sẽlàm cho túi tham của các vị nhỏ lại; nhưng, không những chắc chắn, bà con, lối xóm, bạn bè quý vị ở quê sẽ bớt bị nhũng nhiễu, mà trong tương lai, khả năng các vị bị mắng té tát vào mặt cũng ít hơn.

Ai cũng về làm dân cả thôi.

————-

Nguyên Phó Tổng Thanh tra CP: Cô nhân viên phụ trách bảo hiểm nói như tát nước vào mặt tôi.
“Tôi nói thẻ dùng bình thường và lương trước đó vẫn được hưởng thì lỗi làm sao, giải quyết thế nào nhưng cô này cứ nói bỏ thẻ đi”, ông Nguyễn Chiến Bình nói.
Nguyên Phó Tổng Thanh tra CP: Cô nhân viên phụ trách bảo hiểm nói như tát nước vào mặt tôi

Ông Nguyễn Chiến Bình khi còn đương chức. Ảnh: thanhtra.gov.vn

Theo ông Nguyễn Chiến Bình, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, từ ngày 25/3/2017 đến nay ông không nhận được lương hưu qua tài khoản của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đăng ký với Bảo hiểm xã hội quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi với PV chiều 23/8, ông Bình cho hay, sau buổi làm việc tại UBND phường 7 và trao đổi với Bảo hiểm xã hội quận 3 ngày 22/8 thì đến sáng nay, đại diện Bảo hiểm xã hội quận gọi điện cho ông để xin lỗi và giải thích nguyên nhân do giữa ngân hàng và bảo hiểm có trục trặc về ký hiệu gì đó nên chuyển tiền qua thì không nhận được.

“Tôi nói nếu đúng lỗi về kỹ thuật thì không vấn đề gì, xin lỗi tôi sẵn sàng bỏ qua, nhưng tránh tình trạng chiếm dụng lương của các đồng chí về hưu…”, ông Bình nói.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu lại việc ông lên làm việc tại UBND phường 7, quận 3 nhưng thái độ của nữ nhân viên phụ trách làm bảo hiểm ở đây không rõ, nhận có lỗi mà lại liên tục đổ lỗi cho ông.

“Ban đầu cô nhân viên nói thẻ hết hạn. Lúc đó, tôi nói thẻ ATM lương thì làm gì có hạn. Cô này cầm thẻ đi một lúc rồi cho biết tài khoản bị lỗi nên tiền lương hưu của tôi bị ngân hàng trả lại.

Tôi nói thẻ vẫn dùng bình thường, lương trước đó vẫn hưởng thì lỗi làm sao, giải quyết thế nào, cô này nói bỏ thẻ đi. Chưa hết, cô này còn nói do tôi có hai tài khoản, làm kinh doanh nên khai nhầm, trong khi tôi có kinh doanh gì đâu, chỉ có một thẻ này thôi!

Tại buổi làm việc chiều 22/8, tôi nói với Chủ tịch phường 7: Tôi đang ở bên bị hại, tiền nhiều tháng không nhận được mà không xin lỗi lại cứ đổ lỗi, cô nhân viên nói như tát nước vào mặt tôi như thế là không được”, ông Bình nêu rõ.

Ông khẳng định, cho đến chiều 23/8, nữ nhân viên này cũng như phía phường 7 chưa có lời xin lỗi hay giải thích nào đối với ông. Dù bảo hiểm xã hội quận 3 có giải thích, nhưng ông vẫn sẽ đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân sự việc và xem có hay không việc chiếm dụng lương.

********

“Trung Quốc, chuẩn bị đi ! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam”

0
RFI

Quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ tiến triển rõ nét tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới phân tích. Trong bài viết mang tựa đề rất hóm hỉnh « Trung Quốc, chuẩn bị đi ! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam – Get Ready, China: U.S. Navy Aircraft Carriers are Headed to Vietnam » đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest ngày 20/08/2017, nhà báo Zachary Keck đã phân tích thêm về ý nghĩa của sự kiện một  tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam vào năm tới 2018.

Nhà báo Mỹ trước hết ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên mà một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam, từ ngày chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Đối với giới quan sát, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên thắt chặt thêm, và cùng nhắm vào một đối tượng là Trung Quốc. Và dĩ nhiên là Bắc Kinh không hài lòng chút nào.

Cách đây hai tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch công du nước Mỹ và tiếp xúc với đồng nhiệm James Mattis. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, hai bên đã thảo luận về những bước tăng cường hợp tác song phương cũng như về an ninh khu vực, và đồng ý mở rông hợp tác hải quân và chỉa sẻ thông tin.

Nhân dịp này, hai bên đã bàn về chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ khi điều kiện kỹ thuật cho phép. Tên chiếc tàu sẽ ghé Việt Nam chưa được cho biết, cũng như cảng mà chiếc tàu sẽ ghé thăm. Bộ Quốc Phòng Mỹ chỉ cho biết là vào năm tới.

Tuy thế, các nhà quan sát cho là tàu sân bay sẽ ghé Cam Ranh, vì như nhà báo của tạp chí Nhật Bản The Diplomat, Prashanth Parameswaran ghi nhận vào năm ngoái, cầu tầu của cầu cảng Cam Ranh đã được tu sửa để có thể đón hàng không mẫu hạm.

Quan hệ thắt chặt nhanh chóng

Dẫu sao thì chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ là dấu hiệu mới nhất phản ánh đà nhanh chóng thắt chặt thêm quan hệ giữa hai nước, để đối phó với sự vươn lên của Trung Quốc, cho dù sự nghi kỵ Mỹ-Việt bắt nguồn từ cuộc chiến trước đây vẫn còn.

Từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, phải chờ đến năm 1995 hai bên mới tái lập bang giao, với quan hệ ấm dần với các cuộc viếng thăm của các tổng thống Mỹ khởi đầu là Bill Clinton năm 2000, George W. Bush năm 2006. Nhưng phải chờ đến thời Obama thì quan hệ song phương mới thật sự được củng cố, với chính sách « xoay trục » bắt đầu từ cuối năm 2011.

Tháng 7/2013, tổng thống Obama và chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang thông báo hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối Tác Chiến Lược. Qua năm 2014, Mỹ giảm cấm vận vũ khí một phần, trước khi hoàn toàn bãi bỏ hai năm sau.

Sau đó không lâu, vào tháng 10/2016, hai tàu chiến Mỹ : tàu hâu cần tàu ngầm USS Frank Cable, và khu trục hạm USS John S. McCain ghé cảng Cam Ranh. Đó là lần đầu tiên từ sau chiến tranh mà chiến hạm Mỹ cập bến Cam Ranh. Tàu Mỹ trước đó cũng đã ghé cảng này, nhưng không phải là tàu chiến. Khu trục hạm USS John S. McCain, đặt căn cứ ở Nhật Bản, cũng đã viếng thăm các cảng khác ở Việt Nam trước khi ghé Cam Ranh. Mới tháng Sáu vừa qua, chiếc John S. McCain cũng đã trở lại Cam Ranh.

Tuy nhiên, Zachary Keck cũng công nhận rằng quan hệ Việt Mỹ thời Donald Trump, khởi đầu vất vả khi mà quyết định đầu tiên của ông là rút khỏi hiệp định thương mại TPP. Nhưng rồi quan hệ lại tiếp tục trên con đường của chính quyền Obama trước đây.

Vào tháng 5, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tổng thống Trump ở Nhà Trắng, ông Trump cũng có kế hoạch viếng thăm Việt Nam nhân thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017. Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam một tuần dương hạm lớp Hamilton vào tháng 5 và một tháng sau thì một tàu chiến hiện đại LCS được bảo trì ở Cam Ranh. Và tháng 7 vừa qua Hải Quân Việt Nam và Mỹ tiến hành  diễn tập thường niên (NEA).

Trung Quốc trong tầm nhắm

Theo nhận định của Zachary Keck, tuy hai bên không thừa nhận, nhưng động lực thắt chặt quan hệ này là Trung Quốc, một mặt do sức mạnh quân sự ngày vươn lên và thái độ ngày quyết đoán hơn, nhất là ở Biển Đông, một mặt khác là do ảnh hưởng Trung Quốc ngày quan trọng hơn.

Từ khi lên nắm quyền năm 2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích hẳn lại gần Trung Quốc khiến Việt Nam trong thế cô lập hơn trong các quốc gia Đông Nam Á trong việc đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

Zachary Keck nhắc lại nhận định của Gregory Poling, giám đốc trung tâm Minh Bạch Hàng Hải Châu Á của CSIS (Center for Strategic and International Studies’ Asia Maritime Transparency Initiative) trên đài CNN tuần qua : « Khi nói đến tranh chấp ở Biển Đông, lãnh đạo Việt Nam có lẽ cảm thấy rất lẻ loi những ngày này.”

Việt Nam cũng trong tình thế bị Trung Quốc liên tiếp hù dọa trong năm nay.

Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam đã cho phép một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol khoan dò dầu khí ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc cũng tranh giành.Bắc Kinh đã phản đối ngay qua các kênh ngoại giao. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu mời đại sứ Việt Nam, dọa sử dụng sức mạnh nếu Việt Nam không bỏ việc khoan thăm dò và hứa không khoan lại ở vùng biển này.

Mặc dù bất đồng quan điểm trong tầng lớp lãnh đạo, nhưng Việt Nam đã phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, một phần do Hà Nội không tin tưởng là có thể dựa vào chính quyền Trump đến giúp đỡ.

Một sự cố khác là trong tháng này, là ngoại trưởng Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc gặp ngoại trưởng Việt Nam vì Hà Nội đưa vấn đề Biển Đông trong thông cáo cuối cùng của các ngoại trưởng ASEAN.

Nhà báo Zachary Keck nhìn thấy thực tế là tổng thống Philippines ‘xoay trục’ sang Trung Quốc và Thái Lan, một đồng minh khác của Mỹ, cũng ve vãn Bắc Kinh từ sau cuộc đảo chính 2014, khiến Washington ngày tin tưởng hơn vào Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông. Động thái biểu tượng như tàu sân bay là bước khởi đầu, nhưng rõ ràng là chưa thể đủ để đối phó với Trung Quốc.