Home Blog Page 1132

Việt Nam chuẩn bị khung pháp lý công nhận bitcoin năm 2018

0

VOA

Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt một đề án mà có thể đưa tới việc chính thức công nhận tiền ảo bitcoin như một hình thức thanh toán đến năm 2018.

Thông tấn xã Việt Nam cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Tư pháp chủ trì rà soát thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan.

Bộ này cũng được yêu cầu nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Tham gia nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý này còn có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, Thông tấn xã cho biết.

Một đánh giá toàn diện phải được hoàn tất trước tháng 8 năm 2018, và tất cả những văn bản quy phạm pháp luật về các loại tiền tệ ảo phải sẵn sàng trước cuối năm sau, theo quyết định của Thủ tướng.

Nếu được phê duyệt, đây sẽ là tín hiệu cho thấy giới lãnh đạo của Việt Nam đang bớt dè dặt hơn so với quan điểm mà họ thể hiện vào năm 2014, khi các quan chức ngân hàng trung ương cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ của những loại tiền ảo.

Bitcoin là loại tiền điện tử mã hóa được mua, bán, và chuyển khoản như tiền tệ truyền thống thông qua Internet. Những giao dịch bằng bitcoin được thực hiện mà không có sự tham gia hoặc quản lý của bên thứ ba hay chính phủ.

Tính thời thời điểm này một đồng bitcoin có trị giá hơn 4.400 đôla Mỹ.

Cột trụ suy yếu nhất của Lâu Đài Độc Đảng

0
VOA

Trong chế độ cộng sản độc đảng, 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, 3 cột trụ của Nhà nước – đều bị Đảng thâu tóm, nắm chặt, không chia sẻ cho ai.

Đó là một Quốc hội của đảng, do đảng, vì đảng, được «đảng chọn, dân bầu», gần 90% là đảng viên cộng sản, luôn cầm quyền theo chỉ thị của đảng.

Đó là một Chính phủ từ Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng… đều là Ủy viên Bộ Chính Trị, Ủy viên TƯ đảng, điều hành theo các Nghị quyết và luật pháp do đảng quyết định, không có một chính đảng nào khác tham gia.

Đó là một ngành Tư pháp do đảng nắm trọn, các Tòa án mà các thẩm phán, Hội đồng xét xử đều do đảng cử ra, xét xử theo chỉ thị của đảng, tuyên án theo ý kiến và xét duyệt của đảng.

Tại đó không có trường Luật một thời gian dài, khi có cũng là đào tạo theo mô hình một nền tư pháp đảng trị, theo tinh thần Cương lĩnh đảng cao hơn Hiến pháp, nghị quyết đảng cao hơn luật pháp. Theo đó, người công dân yêu nước, lương thiện, chống bành trướng – xâm lược có khi bị tù tội nặng nề, bất công.

Trong xã hội văn minh, pháp quyền chặt chẽ, 3 ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp luôn phân lập, tách riêng, kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau, do đó không có quyền nào bị lạm dụng, làm thiệt hại cho người công dân luôn bình đẳng trước pháp luật. Trong xã hội độc đảng toàn trị, ngành tư pháp là ngành tàn bạo, bất công, phi lý nhất, gây oan ức cho người dân nhất.

Trong 3 cột trụ của Nhà Nước Cộng Sản, ngành nào cũng lạc hậu, bất minh, quay lưng lại với nhân dân, nhưng ngành tư pháp luôn bênh vực bọn quan tham cầm quyền, ưu ái với bọn bành trướng xâm lược, độc ác với công dân kiên cường yêu nước, yêu dân chủ và nhân quyền, rộng lượng với bọn cường hào mới ăn cướp đất của nông dân, là ngành đáng chê trách và đáng lên án mạnh mẽ nhất.

Cũng cần chỉ rõ, ngành tư pháp đảng trị trong thời hội nhập là ngành phơi bày những nhược điểm, những tội ác tệ hại nhất, làm mất hết uy tín của chế độ đảng trị, thúc đẩy công dân đứng lên đấu tranh cho một chế độ dân chủ – tự do, một chế độ pháp quyền công minh hiện đại, có 3 quyền phân lập, buộc đảng Cộng sản phải «sống trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp» như được ghi rõ trong Hiến Pháp, không được vượt rào, ra khỏi sự ràng buộc ấy.

Gần đây, 2 vụ án liên quan đến pháp luật quốc tế văn minh, hiện đại đang diễn ra sốt dẻo, là thời cơ hiếm có để người dân hiểu rõ thế nào là một nền tư pháp quốc tế, dân chủ công bằng, bình đẳng, thế nào là một phiên tòa liêm chính, thượng tôn luật pháp, không có một uy quyền hay số tiền nong nào có thể mua chuộc, làm cho kẻ gian bị lọt lưới, người ngay bị án oan.

Đó là vụ án ngang nhiên tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ một nước phương Tây có pháp quyền vững mạnh bất chấp luật pháp quốc tế, phơi bảy bản chất lạc hậu phi pháp của một chế độ liều lĩnh dám xuất khẩu bạo lực hung hãn trên đất lạ, lại còn không biết điều để nhận lỗi, xin lỗi, còn cho bộ hạ lên án ngược phía CHLB Đức là phản ứng vô lối, quá đáng.

Đó là vụ doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện lần thứ 2 Nhà nước CH XHCN Việt Nam về tước đoạt tài sản của ông và giam ông trong nhà tù nghiệt ngã thiếu dưỡng khí, không cho tắm vào mùa hè, bị xiềng xích kéo dài theo kiểu khủng bố…

Trong vụ án này, Nhà nước độc đảng lần đầu phải ngồi vào ghế bị cáo, cúi đầu phải nghe và trả lời quan tòa một cách lễ phép, để rồi phải cúi đầu nghe các bản luận tội đanh thép. Đây là bài học nhớ đời cho những kẻ quen xử án theo uy quyền tuyệt đối – pháp luật là ta.

Chính vì cái lẽ đó mà Bộ Chính Trị suốt một tháng nay, nghiêm cấm mọi sự bàn tán về 2 vụ án liên quan đến 2 ông họ Trịnh trên đây, không cho nhà báo nào sang Paris tường thuật về vụ xử án quốc tế đang diễn ra.

Càng cấm bao nhiêu thì xã hội càng tò mò tìm hiểu kịp thời cặn kẽ bấy nhiêu. Đây xứng đáng là mẫu mực sinh động của một nền tư pháp quốc tế hiện đại, quan tòa thât sự vô tư, độc lập, các luật sư bênh vực thân chủ của mình bằng lý lẽ, bằng chứng, bằng các điều luật rõ ràng minh bạch.

Đây cũng nên là bộ phim sinh động về nền tư pháp quốc tế văn minh trong thế kỷ 21 cho các sinh viên trường Luật ở Việt Nam đang khao khát hội nhập quốc tế, tham gia xây dựng nền tư pháp Việt Nam hiện đại, độc lập công bằng, thoát khỏi sự lũng đoạn của đảng Cộng Sản phạm quá nhiều bất công, tội ác, chuyên dùng các tòa án bất công của mình để trị tội các công dân đáng quý trọng như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm – Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh… Từ nay, các phiên tòa mờ ám phi lý, trơ tráo như thế sẽ rất khó xảy ra trước sự giám sát cảnh giác của xã hội và thế giới.

Cái cột trụ Tư pháp độc đảng là cái cột trụ yếu ớt nhất trong 3 cột trụ của «lâu đài Cộng sản» độc đảng đã mọt ruỗng từ gốc đến mái.

Cái cột trụ mọt ruỗng ấy đang bị sấm sét của thời đại bủa vây và đang có ánh chớp báo hiệu một đòn sét quyết định, làm cho cả cái lâu đài oanh liệt hão một thời đổ sập tiêu tan, nhường chỗ cho một chế độ dân chủ – pháp trị mới xuất hiện trong niềm hân hoan của toàn dân.

Một tin tặc Trung Quốc bị Mỹ bắt ở Los Angeles

0
VOA

Giới hữu trách Hoa Kỳ hôm thứ Năm 24/8 cáo buộc một công dân Trung Quốc đang ở Hoa Kỳ đã cung cấp một phần mềm độc hại có liên quan đến vụ đánh cắp lý lịch an ninh của hàng triệu viên chức chính quyền liên bang Mỹ.

Ông Vu Bình An, người Thượng Hải, bị bắt vào ngày 21/8 tại phi trường Los Angeles vì bị cáo buộc cùng một số người khác sử dụng một phần mềm độc hại có tên gọi là Sakula, phát ngôn nhân Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết hôm 24/8.

Cáo buộc nói rằng ông Vu và những người đồng lõa với ông dùng Sakula, phần mềm được sử dụng trong vụ đánh cắp dữ liệu của Cơ quan Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ (OPM) hồi năm 2014 và 2015.

Việc bắt giữ ông Vu có thể đem đến những thông tin về vụ tấn công mạng của OPM mà giới chức Mỹ cáo buộc chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau.

Một đặc vụ FBI khai rằng ông tin ông Vu là người đã cung cấp các phiên bản Sakula cho hai người đàn ông không rõ danh tính mà ông biết rằng sẽ được dùng cho các vụ tấn công.

Luật sư được tòa chỉ định cho ông Vu, ông Michael Berg, nói rằng ông Vu là một giáo viên không hề có liên hệ gì với chính quyền Trung Quốc.

“Ông ấy nói ông ấy không có bất cứ liên hệ gì,” Berg nói và cho biết ông Vu đến Los Angeles để dự một hội nghị.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 25/8, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng bà không biết về vụ việc nhưng bà cũng nói Trung Quốc luôn tích cực đảm bảo quyền lợi pháp lý cho công dân của họ ở nước ngoài. Bà nói Trung Quốc phản đối mọi hình thức tội phạm trên Internet.

Hồ sơ của tòa án cho biết trước khi xảy ra vụ tấn công vào các công ty Mỹ, phần mềm Sakula rất hiếm thấy, và ông Vu biết rõ phần mềm mà ông ta cung cấp sẽ được sử dụng trong các vụ tấn công mạng trong khoảng thời gian từ năm 2010 cho đến 2015.

Mặc dù tên tuổi các công ty bị tấn công không được tiết lộ, một số công ty dường như hoạt động trong ngành hàng không và năng lượng.

Ông Adam Meyers, phó Chủ tịch công ty an ninh CrowdStrike của Mỹ, nói các lỗ hổng phần mềm và địa chỉ IP được nêu trong hồ sơ vụ án khớp với các vụ tấn công vào công ty Capstone Turbine, nhà sản xuất turbine của Mỹ và một công ty bán máy bay của Pháp.

Ông nói rằng Sakula có thể được nhiều nhóm khác nhau sử dụng nhưng tất cả các mục tiêu cho đến nay đều phục vụ cho lợi ích của Chính phủ Trung Quốc.

Vụ đột nhập dữ liệu của OPM là một chủ đề trong các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc và phía Chính phủ Trung Quốc đã từng nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng họ đã bắt giữ một số người liên quan đến vụ việc.

Mỹ áp đặt chế tài mới, mạnh tay với Venezuela

0
VOA

Tòa Bạch Ốc loan báo Tổng thống Donald Trump vừa ký một sắc lệnh áp đặt “những trừng phạt tài chánh mới, mạnh tay lên chế độ độc tài tại Venezuela.”

“Chế độ độc tài Maduro tiếp tục tước bỏ thực phẩm và thuốc men của người dân Venezuela, bắt giam các thành phần đối lập được bầu chọn một cách dân chủ, và đàn áp khốc liệt quyền tự do ngôn luận,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nêu rõ. “Quyết định của chế độ thành lập một Quốc hội Lập hiến bất hợp pháp—và gần đây nhất cho phép cơ quan này vượt quá quyền hạn của Quốc hội Lập pháp được bầu chọn một cách dân chủ–đã phá vỡ một cách căn bản trật tự hiến pháp chính đáng của Venezuela.”

Tòa Bạch Ốc cho hay lệnh chế tài mới “cấm giao dịch các khoản nợ mới và mua bán cổ phiếu của chính phủ và công ty dầu quốc doanh Venezuela, cấm giao dịch với một số trái phiếu hiện hữu do lãnh vực công của Venezuela làm chủ, cũng như việc trả tiền lời cổ phần cho chính phủ Venezuela.”

Tòa Bạch Ốc nói Hoa Kỳ nhắc lại lời kêu gọi Venezuela phục hồi dân chủ, tổ chức những cuộc bầu cử tự do và công bằng và thả tất cả các tù chính trị.

Tuần trước Quốc hội Lập hiến Venezuela tự quyền thông qua luật, chiếm quyền lập pháp của Quốc hội do đối lập kiểm soát.

Quốc hội lập hiến đồng thanh thông qua một sắc lệnh cho phép cơ quan này “làm luật về những vấn đề trực tiếp nhắm vào việc đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh, chủ quyền, hệ thống kinh tế xã hội tài chánh, những mục tiêu của nhà nước, và tính ưu việt của nhân quyền Venezuela.”

Cuộc bầu cử quốc hội lập hiến hồi tháng rồi bị phe đối lập tẩy chay và thế giới lên án. Cơ quan này được giao trách nhiệm viết lại hiến pháp 1999 của Venezuela và cho phép Tổng thống Nicolas Maduro tùy tiện ra luật mà không cần Quốc hội thông qua.

Nghi ngại gia tăng trước sự vắng mặt bí ẩn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

0

Atsushi Tomiyama
Tqvn2004 chuyển ngữ

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, bên phải, bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp tháng 6 ở Moscow, là lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng cách đây khoảng một tháng. © Reuters

Sự vắng mặt trong vòng một tháng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm nổi lên những tin đồn…

HÀ NỘI – Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã không xuất hiện trước công chúng trong gần một tháng mà chính phủ không hề có lời giải thích, tạo ra những đồn đoán về một cuộc đấu tranh quyền lực và dự đoán rằng nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia – người đứng đầu Đảng Cộng sản – có thể từ chức vào năm sau.

Không tuân thủ nghi thức

Hành trình của chuyến thăm viếng của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tới Việt Nam đã được điều chỉnh đột ngột vào đêm thứ Ba (22/8/2017). Phiên bản sửa đổi được gửi tới các phương tiện truyền thông đã xóa bỏ cuộc gặp với Trần Đại Quang được dự kiến ​​vào ngày hôm sau. Bộ Ngoại giao không đưa ra lý do gì để giải thích cho sự thay đổi.

Các vị khách mời của quốc gia thường gặp với Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, xử lý các sự kiện như các buổi lễ tiếp đoàn đến và các buổi tiệc. Không có chỉ dấu nào cho thấy Quang đang công cán ngoài Việt Nam, điều này có nghĩa là ông ta vẫn còn ở trong nước, làm cho sự vắng mặt của ông càng trở nên bất thường hơn trong một quốc gia cộng sản, vốn đặt trọng tâm vào trật tự chính trị.

Lần xuất hiện công khai cuối cùng của ông Quang là ngày 25 tháng 7, khi ông gặp Nikolai Patrushev, thư ký của hội đồng an ninh Nga. Chủ tịch nước kể từ đó đã bỏ lỡ các sự kiện quan trọng như lễ kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân, là cốt lõi của cảnh sát Việt Nam, diễn ra vào thứ Sáu tuần trước.

Lễ kỷ niệm này có ý nghĩa đặc biệt đối với Quang. Lực lượng này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và Quang trước đây là Bộ trưởng Bộ Công An sau nhiều thập niên hoạt động trong lĩnh vực này. Sự có mặt của ông tại sự kiện cũng quan trọng trên phương diện chính trị, để củng cố ảnh hưởng của ông. Tuy nhiên, ông đã không xuất hiện, chỉ gửi một lời chúc mừng với những lời động viên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường các hoạt động ngoại giao như thể để che cho sự vắng mặt rõ ràng của Chủ tịch nước, người thường đảm nhiệm những nhiệm vụ như vậy. Trọng ghé thăm Indonesia từ thứ ba đến thứ năm, gặp Tổng thống Joko Widodo. Tiếp theo là một chuyến đi ba ngày tới Myanmar, nơi mà Trọng sẽ nói chuyện với Tổng thống Htin Kyaw. Đây đánh dấu chuyến thăm Myanmar đầu tiên của Tổng bí thư trong vòng 20 năm kể từ khi Đỗ Mười đến đó năm 1997.

Trùng hợp ngẫu nhiên?

Sự biến mất của Quang không phải là điều kỳ quặc duy nhất trên chính trường Việt Nam trong vài tháng qua. Đã có thông báo vào ngày 30 tháng 7 rằng ông Đinh Thế Huynh, một thành viên thường trực của Ban Bí thư Trung ương Đảng, được cho là một ứng cử viên để thay thế Trọng, sẽ được thay thế bởi thành viên Bộ Chính Trị Trần Quốc Vượng vì lý do bệnh tật. Cơ hội để Huynh quay trở lại vị trí của ông là mờ nhạt, một chuyên gia về chính trị Việt Nam cho biết, trích dẫn tin đồn rằng ông đang tìm cách điều trị ung thư.

Ngày hôm sau, chính quyền đã bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Công ty Xây dựng Dầu khí Việt Nam vì đã gây ra thiệt hại 150 triệu USD tại công ty này. Vài ngày sau đó, chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc Thanh từ Berlin. Hà Nội đã gọi tuyên bố này là “điều đáng tiếc” nhưng không đi sâu giải quyết tính xác thực của tuyên bố này.

Ông Thanh được cho là có quan hệ với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị buộc phải rời khỏi năm ngoái, và ông Đinh La Thăng, người đã bị truất nhiệm làm bí thư của thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5.

Các nhà lãnh đạo của Việt Nam được lựa chọn tại các kỳ Đại hội Đảng diễn ra năm năm một lần, và lần kế tiếp là vào năm 2021. Tuy nhiên, ông Trọng đã 73 tuổi và yếu tố ông đã nắm quyền lực từ năm 2011 đến nay thúc đẩy các dự đoán rằng ông có thể bàn giao quyền lực cho một người kế nhiệm vào năm tới.

Lựa chọn có nhiều khả năng nhất là Quang, bây giờ dường như vắng mặt. Bệnh tình của Huynh cũng đã đưa ông khỏi danh sách. Sự bắt cóc của Thanh cũng liên quan đến chuyện này, khi mà anh ta giữ mối quan hệ với Dũng, một cựu đối thủ chính trị của Trọng. Liệu tất cả những diễn biến này có phải là “ngẫu nhiên” hay không, cho đến nay không ai biết rõ ràng.

Dịp lễ lớn kế tiếp là Ngày Quốc khánh, ngày kỷ niệm tuyên bố độc lập của Việt Nam. Các nhà quan sát ở Hà Nội sẽ xem xét liệu Quang có xuất hiện vào ngày 2 tháng 9 hay không.

Theo Dân Luận

CHÚT KỶ NIỆM NHÂN NGÀY GIỖ BỐ.

0

Tôi là con út trong gia đình có tám người con. Anh trai thứ hai của tôi, Phạm Thanh Bình đã qua đời chỉ sau 15 ngày tuổi. Anh sinh đúng chiều 30 tết năm 1970. Mùa đông năm ấy, miền Bắc rất lạnh.

Tám lần mẹ tôi sinh con, chỉ duy nhất sinh tôi là bố tôi ở nhà. Ông là thủy thủ, lênh đênh trên biển trước khi lấy mẹ tôi. Năm tôi 4 tuổi, ông về hưu vì mất sức. Khi mẹ tôi sinh anh Bình rồi anh qua đời, ông cũng không ở nhà. Tôi may mắn nhất so với các anh chị. Giây phút tôi chào đời được gần cả bố lẫn mẹ. Bảy lần trước, mẹ tôi một mình cắp làn (*) quần áo đi, rồi hôm sau bế đứa con đỏ hỏn về nhà. Sinh anh Bình, mẹ tôi được bà nội, chính xác là mẹ kế của bố tôi lên tận khoa sản thăm, cho ba lạng thịt. Anh Bình là đứa cháu duy nhất bà tôi chiếu cố.

Bố mẹ và các chị tôi kể lại: Từ khi chào đời cho tới khi mất – tức là 15 ngày tuổi – anh mới mở mắt duy nhất một lần. Anh mở mắt rồi đi. Ông bác họ đóng cho cái quan tài nho nhỏ, quấn mấy lần tã rồi mang anh đi chôn. Mẹ tôi khóc ngất. Anh Sơn, chị Yến, chị Oanh, chị Phượng lít nhít từ 1 đến 8 tuổi thấy mẹ khóc cũng hoảng sợ khóc theo. Mấy người cô, người chú họ mỗi người bế một đứa, dỗ dành: “Đừng khóc, em Bình đi bộ đội đánh Mỹ, đánh Mỹ xong em về”.

Các tên đẹp, đặt hết cho các anh chị cả rồi. Bố mẹ tôi nghĩ mãi không ra tên cho đứa út. Tìm cái tên vừa ý, lại không bị “phạm húy” không phải dễ. Nghĩ mãi, bố tôi chép miệng:

– Đặt là Phạm Kim Liên đi, để kỷ niệm Làng Sen quê Bác.

– Không, các anh chị nó đệm là “Thanh”, giờ nó lại “Kim”. Tôi không thích. Đặt là Phạm Thanh Liên đi. Mẹ tôi quả quyết.

– Ừ thì Phạm Thanh Liên cũng được. Bố tôi miễn cưỡng đồng ý.

Mẹ tôi ra phường. Một hồi sau trở về, chìa tấm giấy khai sinh cho bố tôi. Ông giãy nảy lên:

– Này, sao bà lại đặt tên con thế?

– Tên gì? Thì ông chả đồng ý còn gì?

-Tôi bảo bà đặt tên con là Phạm Thanh Liên, sao bà lại “tha” cái tên Nghiên về thế này?

Mẹ tôi hốt hoảng, dí sát mắt vào tờ giấy khai sinh:

– Ơ, rõ ràng tôi nói Phạm Thanh Liên mà. Sao lại thành ra Phạm Thanh Nghiên thế này?

Thế là tên tôi, không phải do bố mẹ chọn mà “chú” công an hộ tịch vô tình đặt cho. Ông ta, hết lần này đến lần khác nghe thành “Nghiêm”, “Nhiên”, rồi lại Hiên. Khi ông ta cáu kỉnh hỏi lại mẹ tôi: “Rút cuộc chị đặt tên cháu là Phạm Thanh Nghiên phải không?” thì lại đến lượt mẹ tôi nghe nhầm. Tưởng ông ta nói đúng ý mình là Phạm Thanh Liên rồi, nên gật đầu cái rụp: “Vâng”. Với lại, thấy quan… cáu, ai mà không cuống.

Bố mẹ tôi vì nhát, sợ gặp “chính quyền” nên không làm lại tên khai sinh cho tôi đành ngậm ngùi để cái tên “vừa xấu, vừa khó đọc lại chẳng giống ai”. Nhưng không bao giờ bố mẹ, gia đình hay họ hàng gọi tôi bằng cái tên ấy. Tôi vẫn tưởng tên mình là Liên. Mãi tới khi đi học, tức lên 7 tuổi tôi mới biết tên thật của mình.

Năm lên 6 tuổi, mẹ dẫn tôi đi xin học. Ông hiệu trưởng trường đó chê tôi bé, không nhận. Tôi lại tha thẩn chơi ở nhà một năm. Năm sau, đến lượt bố tôi đưa con đi. Vẫn ông hiệu trưởng ấy, vẫn Ban Giám hiệu ấy chê tôi “còi”, không nhận. Bố tôi đưa giấy khai sinh cho họ xem. Ông ta chê tên tôi xấu và phán:

– Chắc là khai man tuổi. Tôi nhìn nó bé thế này, cùng lắm là 5 tuổi, chứ 7 tuổi gì mà bé như cái kẹo mút dở.

Bị vu vạ là “khai man” tuổi cho con, bố tôi tức lắm:

– Giấy trắng mực đen có đóng dấu nhà nước đàng hoàng mà ông vẫn nói khai man.

Rồi bố tôi ấm ức bỏ về.

Hôm sau, mẹ tôi cùng mấy cô hàng xóm mang giấy khai sinh và hồ sơ xin học đến trường. Giấy trắng mực đen, dấu đỏ của nhà nước họ không tin. Họ tin mấy người hàng xóm làm chứng cho cái sự 7 tuổi của tôi.

– Nếu thầy không nhận thì cháu nó thất học. Năm ngoái tôi đã đến xin 1 lần rồi. Cháu nó đi học năm nay là thiệt mất một năm. Mẹ tôi nài nỉ.

Tôi học đến lớp ba vẫn phải có bố hoặc chị gái đứng cửa lớp kèm. Tôi nhát, nhìn lũ bạn học cũng sợ. Không có người thân đưa đón, đứng “trông” thì tôi không học được. Tôi sợ lắm. Không hiểu sao tôi lại sợ con người và sợ tất thảy mọi thứ như thế. Có lẽ, chỉ có bố mẹ và các anh chị em ruột mới làm tôi an tâm. Còn lại tôi sợ hết.

Nhà nghèo, mẹ tôi xoay đủ nghề kiếm tiền nuôi các con. Từ bán rau, bán bún rồi đi mót than. Hồi tôi học lớp 4, lớp 5, tức là khi tôi đã bớt sợ con người rồi, tôi theo mẹ đi mót than. Mẹ kéo xe cải tiến đằng trước, hai đứa con út ra sức đẩy phía sau.

Bố tôi về hưu mất sức. Ông chẳng mấy đi đâu, ít giao thiệp với người ngoài, ở nhà nuôi lợn.

Nhưng mỗi lần bán lợn tôi lại gào khóc rất thảm thiết, thậm chí quỳ thụp xuống lạy:

– Bố ơi, mẹ ơi tha cho em lợn đi. Cứu lợn với! Có ai cứu lợn không?”

Lần sau, bố mẹ tôi lại phải “trốn” về quê, đẩy trách nhiệm bán lợn cho anh rể lớn tôi:

-Hu hu hu, cứu lợn với! Mẹ bố anh rể, mẹ bố anh rể bán lợn của tao, hu hu hu.

Tôi gào khóc inh ỏi, sấn vào ôm con lợn bị trói dưới đất đang giãy giụa.

Và chửi anh rể. Tôi chưa bao giờ chửi bậy. Đó là lần đầu tiên tôi biết chửi.

Từ ấy, nhà tôi thôi nuôi lợn.

Không ít lần mẹ tôi ôm tôi khóc: “Yếu đuối, bé bỏng thế này thì mai sau sống làm sao được hả con?”

Bố tôi sùng bái ông Hồ Chí Minh lắm, coi ông là thánh, cho rằng không có ông Hồ thì tất cả người dân Việt Nam đều bị Mỹ, bị Pháp đô hộ cho đến chết. Bố tôi lập bàn thờ ông Hồ. Hàng năm, cứ đến ngày 2/9, dù nghèo đến mấy nhà tôi cũng có thịt ăn. Vì đó là ngày “giỗ bác”. Tôi thích lắm, thích vì được ăn ngon hơn ngày thường. Mẹ tôi không sùng bái ông Hồ, cũng không ghét ông.

Tôi “yêu” ông Hồ vì bố tôi yêu ông.

Những năm cuối đời, bố tôi không còn ca tụng ông Hồ nữa. Thi thoảng tôi thấy bố tôi đạp xe rong ruổi phố phường. Từ ngày về hưu, tôi mới thấy ông chịu ra ngoài, và đi gặp bạn bè.

Tôi nhớ có lần, đang xem thời sự ông đã cầm chiếc điều khiển tivi lẳng một cái suýt vỡ màn hình. Rồi hét: “Lũ lừa dân, quân khốn nạn. Đ.m quân cộng sản”.

Năm 2002, hai năm truớc khi ông qua đời, gần đến ngày 2/9 tôi hỏi:

– Năm nay nhà mình có giỗ bác không hả bố?

– Sẽ không bao giờ có cái ngày ấy nữa. Để cho ông ta chết đi.

Tôi sững sờ.

Mấy hôm sau, tôi đi làm về, cái ban thờ ông Hồ biến mất.

Mùa đông năm 2004, bố tôi qua đời vì bệnh ung thư phổi.

Nhưng ông sẽ không bao giờ biết rằng, sau khi cái ban thờ và ảnh ông Hồ bị gỡ xuống, tôi đã cắt tấm hình khác của ông ta rồi kẹp trong cuốn nhật ký. Tôi vẫn tiếp tục “yêu” ông Hồ cho dù bố tôi đã hết yêu ông. Và bố tôi càng không bao giờ có thể tưởng tượng rằng cũng đứa con gái út bé bỏng, yếu đuối và sùng bái Hồ Chí Minh đến thế lại có ngày đứng trước tòa án cộng sản và tuyên bố: “Đúng, đảng cộng sản Việt Nam là phản động!”

Hôm nay, con viết những dòng này để tưởng nhớ 10 năm bố xa lìa chúng con. Con tin rằng bố không buồn vì những gì con đã làm.

( Viết và đã đăng ngày 25/12/2014).

Cựu Thủ Tướng Thái Lan Yingluck đã trốn ra nước ngoài?

VOA

Tòa Tối cao Thái Lan hôm thứ Sáu cho biết đã ra trát bắt giữ cựu Thủ Tướng Yingluck Shinawatra sau khi bà không ra hầu tòa để nghe phán quyết xét xử bà về tội sao nhãng nhiệm vụ.

Các luật sư của bà Yingluck nói vì bệnh tình quá nặng nên bà không thể ra hầu tòa.

Tòa đã ấn định ngày 27/9 cho phiên tòa kế tiếp để tuyên án bà Yingluck. Thông báo của Tòa Tối cao nói: “Chúng tôi tin rằng bị cáo có thể đang lẩn trốn hoặc đã chạy ra khỏi nước.”

Bà Yingluck tuyên bố không có tội đối với các cáo trạng liên quan tới một chương trình trợ giá gạo cho nông dân được cho là đã làm chính phủ Thái Lan tốn kém hàng tỉ đôla.

Phát biểu từ thủ đô Bangkok, đương kim Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha nói ông không biết bà Yingluck đang ở đâu, nhưng chính phủ đang truy lùng bà.

Ông Prayuth là nhà lãnh đạo quân sự đã lật đổ chính quyền của bà Yingluck trong vụ đảo chánh năm 2014.

Hôm thứ Sáu tuần trước, một tòa án Bangkok đã tuyên án cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom 42 năm tù giam liên quan tới vụ tai tiếng về chương trình trợ giá gạo. Thứ trưởng Thương mại Phum Saraphon cũng bị tuyên án 36 năm tù về vai trò của ông làm giả các thỏa thuận song phương mua bán gạo với Trung Quốc.

Các chương trình trợ giá gạo đã hứa hẹn với nông dân trong cuộc bầu cử năm 2011, đã giúp đảng của bà Yingluck thắng cử.

Những người chống đối tố cáo các chương trình trợ giá gạo trên thực tế là một phương tiện để mua chuộc bầu cử, trong khi những người ủng hộ bà Yingluck ca ngợi các chương trình trợ giá, và cho rằng vụ xét xử Thủ Tướng Yingluck mang động cơ chính trị.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin thân cận với gia đình Shinawatra, hôm 25/8 tường thuật rằng cựu Thủ Tướng Yingluck đã chạy ra khỏi nước trước khi bị tuyên án trong phiên tòa do tập đoàn quân sự đã lật đổ bà tiến hành.

Một nguồn tin từ chính đảng Puea Thai của bà Yingluck nói:

“Chắc chắn là bà Yingluck đã rời Thái Lan.” Nguồn tin không cho biết bà hiện đang ở đâu.

Phó Thủ Tướng Prawit Wongsuwan nói với các nhà báo rằng “có khả năng bà Yingluck đã chạy trốn khỏi Thái Lan.”

Bà Yingluck, năm nay 50 tuổi, thuộc một gia đình đã ngự trị trên chính trường Thái Lan trong hơn 15 năm.

Nếu bị xét có tội, cựu Thủ Tướng Yingluck có thể đối mặt với 10 năm tù giam. Tuy nhiên, bà có quyền kháng án.

Dân Đồng Tâm ‘quyết chiến’ nếu công an cố bắt người

Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong khi đó, dân xã nói sẽ quyết chiến nếu công an cố bắt người, theo lời một nhà hoạt động thuật lại với VOA.

Ông Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động về quyền đất đai được biết đến rộng rãi ở Việt Nam, nói người dân Đồng Tâm thấy bất an về việc công an chuẩn bị “một trận đánh lớn” nhằm vào họ.

Công an nêu lý do trong giấy triệu tập là để làm rõ về vụ “bắt người trái phép” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở xã hồi giữa tháng 4.

Con số tới hơn 70 người bị triệu tập được xem là “trường hợp đặc biệt”, theo ông Phương, vì từ trước đến nay rất ít nơi ở Việt Nam có số người bị triệu tập đông đến như vậy.

… chỉ cần bất kỳ ai ở Đồng Tâm bị bắt thì họ sẽ đóng cửa ủy ban, hai là họ sẽ không còn nhân nhượng với lực lượng cưỡng chế, với những quan chức tham nhũng ở địa phương nữa. Sự không nhân nhượng của người Đồng Tâm theo tôi phỏng đoán rất là nghiêm trọng. Tại Đồng Tâm có thể lặp lại nhiều vụ ở Đắc Nông

Ông Phương cho biết thêm người dân nói với ông rằng công an có âm mưu “bắt nguội” 4 người dân làng được coi là những nhân vật chủ chốt. Trong số đó có ông Lê Đình Công, con trai cụ Lê Đình Kình vốn được xem là “thủ lĩnh tinh thần” trong cuộc tranh chấp đất với nhà nước.

VOA chưa được phía công an xác nhận thông tin này.

Với thông tin có được từ những người xã Đồng Tâm, ông Phương lo ngại rằng nếu công an bắt người, có thể xảy ra đụng độ lớn:

“Người dân Đồng Tâm đã tuyên bố với chính quyền, với lực lượng công an của Hà Nội rằng sau khi nhận hơn 70 quyết định triệu tập, chỉ cần bất kỳ ai ở Đồng Tâm bị bắt thì họ sẽ đóng cửa ủy ban [nhân dân], hai là họ sẽ không còn nhân nhượng với lực lượng cưỡng chế, với những quan chức tham nhũng ở địa phương nữa. Sự không nhân nhượng của người Đồng Tâm theo tôi phỏng đoán rất là nghiêm trọng. Tại Đồng Tâm có thể lặp lại nhiều vụ ở Đắc Nông”.

Ý ông Phương nhắc đến vụ người dân bất bình khi bị giải tỏa đất, đã bắn chết 3 người, 16 người bị thương ở tỉnh trên Tây Nguyên hồi cuối tháng 10/2016.

Hồi giữa tháng 4, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi đất ở xã Đồng Tâm để trao cho tập đoàn nhà nước Viettel làm dự án, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và “đóng cửa” làng trong nhiều ngày.

Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.

Tuy nhiên, đầu tháng 6, công an thành phố đã khởi tố vụ án hình sự về việc dân Đồng Tâm giữ người nhà nước. Chủ tịch Chung bị nhiều người lên án “phá vỡ cam kết”.

Cuối tháng 7, thanh tra thành phố Hà Nội đưa ra kết luận rằng toàn bộ vùng đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, mà người dân có tranh chấp với nhà nước, là đất quốc phòng. Người dân Đồng Tâm phản đối kết luận này.

Một cảnh sát cảm ơn người dân Đồng Tâm khi được trả tự do, 22/4/2017

Một cảnh sát cảm ơn người dân Đồng Tâm khi được trả tự do, 22/4/2017

Trước những động thái của chính quyền chứa đựng đầy bất lợi cho người dân Đồng Tâm, họ đã liên kết với nhà hoạt động vì quyền đất đai Trịnh Bá Phương ở Dương Nội, Hà Nội.

Người dân muốn bày tỏ với đại sứ quán Hoa Kỳ rằng hiện nay Hà Nội đang vi phạm nhân quyền, đang tước đoạt đất đai trái phép và đang lăm le bắt giữ người dân. Ra quyết định như vậy là hành vi khủng bố người dân.

Họ và ông Phương dự định tiếp xúc với các quốc gia dân chủ để cung cấp thông tin về những bất công trong lĩnh vực đất đai.

Trong nỗ lực đó, họ dự kiến gặp tham tán chính trị đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và đầu giờ chiều ngày 25/8, nhưng đã bị công an ngăn cản. Ông Phương cho hay:

“Thì [chuẩn bị cho] buổi tiếp xúc với đại sứ quán Mỹ, người dân Đồng Tâm đã photo rất nhiều giấy tờ, hồ sơ liên quan đến vụ Đồng Tâm, và khẳng định đất nông nghiệp tại Đồng Sênh, 59 hectare đó, là đất của người dân Đồng Tâm và Bộ Quốc phòng không có quyền xâm phạm đến mảnh đất của Đồng Tâm. Người dân muốn bày tỏ với đại sứ quán Hoa Kỳ rằng hiện nay Hà Nội đang vi phạm nhân quyền, đang tước đoạt đất đai trái phép và đang lăm le bắt giữ người dân. Ra quyết định như vậy là hành vi khủng bố người dân”.

Ông Phương nói dù không được gặp trực tiếp, song qua trao đổi với một viên chức đại sứ quán Mỹ, ông được biết đại sứ quán “rất quan tâm”, và việc chính quyền ngăn cản cuộc gặp càng làm họ “chú ý hơn”.

Viên chức đại sứ quán, theo lời ông Phương, nói “không bất ngờ” về việc Hà Nội ngăn cản cuộc gặp vì những việc tương tự đã diễn ra nhiều lần trước đây. Viên chức nói vẫn sẵn sàng gặp người dân Đồng Tâm bất cứ khi nào họ thu xếp được.

Ông Phương khẳng định người Đồng Tâm sẽ “tìm cách này hay cách khác” để nêu ra trường hợp của họ với Mỹ và các quốc gia dân chủ.

Vụ VN Pharma: Vì sao lạc đà chui lọt lỗ kim?

VietNamNet

Trao đổi với VietNamNet, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) nhận định, vụ việc VN Pharma cho thấy việc nhập khẩu thuốc quá dễ dàng.

“Một nhà sản xuất không ai biết, kinh doanh không ai biết, giấy tờ ngụy tạo mà vẫn qua mặt được hội đồng tư vấn, qua bao nhiêu cấp như thế nhưng vẫn được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp số đăng ký thuốc”, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM lấy làm lạ.

Bà thấy khó hiểu khi các DN khác hàng năm trời khó khăn mới được đăng ký thuốc như vậy nhưng tại sao tất cả những lỗ kim này, “con lạc đà” như VN Pharma lại có thể chui lọt.

VN Pharma,thuốc ung thư dởm,thuốc giả,bộ y tế,Phạm Khánh Phong Lan
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Hoàng Long

Sao lại có chuyện kì vậy?

Bà có bình luận gì trước lời khai của nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốc công ty cổ phần VN Pharma cho rằng đây là tai nạn nghề nghiệp do đối tác nhập hàng về không đúng thỏa thuận; còn đối tác lại nói không biết về dược, chỉ biết đó là hàng từ Canada về?

Qua theo dõi phiên tòa, tôi thấy ông Hùng trả lời vô trách nhiệm, ai cũng nói “tôi không biết”.

Chỉ cần lên mạng tìm kiếm là biết ngay công ty gì. Đặc biệt khi thuốc này lại nói là của 1 quốc gia phát triển như Canada.

Cho nên lý luận trước tòa mà công ty nhập khẩu bảo không biết là thuốc giả thì không thể chấp nhận được.

Theo bà vụ việc này cho thấy những lỗ hổng nào, tại sao một con “lạc đà” lại lọt qua lỗ kim như bà nói?

Chúng ta phải xem lại quy trình cấp phép làm sao không để với đối tượng này thì dễ, đối tượng khác thì quá khó.

Như vụ VN Pharma, một loại thuốc đâu đâu nhập về, hồ sơ ngụy tạo mà vẫn qua được hội đồng tư vấn và thời gian được cấp phép cũng rất nhanh. Như vậy là có khác thường.

Cục Quản lý dược cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, xem lại vai trò của mình, trình độ của nhân viên mình, trách nhiệm đến đâu, không thể nói huề vốn như vậy.

Bởi nói gì thì nói, thuốc đã cấp số đăng ký rồi, nếu nghi ngờ có vấn đề thì đừng cấp.

Nếu nghi thì đừng nhập, đừng có cấp số. Anh có quyền ách hồ sơ lại để xem xét giống như bao nhiều trường hợp khác, hồ sơ từ Bắc chạy vào Nam đi vòng vòng, DN bức xúc hoài.

Giải thích của ông Hùng cho rằng thuốc trị ung thư giả không gây nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng, ở góc độ chuyên môn theo bà liệu có tin được không?

Tại sao lại không nguy hiểm được?

Cách trả lời này không thuyết phục. Đối với ung thư là 1 bệnh rất khó chữa, gần như nan y, tâm lý bệnh nhân và người nhà vào viện là còn nước còn tát, tìm mọi cách chữa trị. Các thuốc trị ung thư chưa có thuốc nào vỗ ngực xưng tên trị 100% khỏi cả.

Tuy nhiên mình phải phân biệt thuốc giả với thuốc thật, không thể nói cứ đi mua hoạt chất về rồi chế thành viên thuốc thì gọi là thuốc. Không có chuyện đó.

Thuốc phải được sản xuất theo quy trình đăng ký và chất lượng thế nào, phải được chứng minh trên lâm sàng, thực tế để chứng minh độ an toàn, tác dụng của nó trên bệnh nhân.

Một mình ông Hùng không làm được

Theo cáo trạng, số tiền VN Pharma chi hoa hồng cho các bác sĩ gần 7,5 tỷ đồng. Bà nhìn nhận như thế nào về việc này cũng như tình trạng chi hoa hồng nói chung trong ngành y dược?

Đây là vấn đề rất nhạy cảm. Nếu không đề cập đến thì không sao nhưng đã nói thì phải điều tra, làm rõ có thật là chia cho bác sĩ hay còn vấn đề gì khác.

Cục Quản lý dược có đưa ra lý luận là thuốc vừa nhập về trong kho đã có lệnh ngưng đưa ra thị trường. Như vậy nếu không đưa ra thị trường thì làm sao có chuyện chia hoa hồng cho bác sĩ 7,5 tỷ. Còn nếu chia hoa hồng cho mặt hàng khác cần nói cho rõ.

Chuyện hoa hồng là 1 vấn nạn nhức nhối của ngành nếu thật sự cơ quan điều tra nắm chứng cứ thì phải đi đến cùng, ai làm nấy chịu đừng nói lơ lửng đã chi hoa hồng cho bác sĩ để kê đơn thuốc này.

Còn nếu thực sự có kê đơn, có chia hoa hồng thì trách nhiệm lại khác và mức án không chỉ dừng lại ở 12 năm nữa.

Vì khi thuốc được đưa ra thị trường sẽ can tội sản xuất thuốc giả theo bộ luật Hình sự cả cũ và mới thì mức phạt cao nhất là tử hình.

Theo bà, có nên đặt vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lãnh đạo Bộ Y tế?

Tôi cho rằng, tất cả những người liên quan đều liên đới trách nhiệm. Một mình ông Hùng sẽ không làm gì được. Việc này rất phức tạp, cần làm rõ. Nhưng trước mắt cho thấy trong cấp phép là có vấn đề, cơ chế đấu thầu cũng có vấn đề.

Một loại thuốc khi đưa vào bệnh viện thì ít ra phải được đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, có lịch sử sử dụng để biết độ an toàn. Đằng này 1 công ty dược cỏn con mới ra đời chỉ trong vòng mấy năm đã tiến như vũ bão, thâu tóm đấu thầu của bao nhiêu bệnh viện thì mình phải coi lại.

Có 2 chuyện xảy ra, hoặc là có sự thông đồng, tiếp tay, thông thầu hoặc là do cơ chế không loại được những DN yếu kém.

Đương nhiên ai tiêu cực thì phải xử lý, thông thầu thì phải xử lý nhưng đòi hỏi phải có chứng cứ, điều tra chứ không thể làm khơi khơi được.

Hé lộ VN Pharma chi hoa hồng cho bác sỹ cả trăm tỷ đồng

Hé lộ VN Pharma chi hoa hồng cho bác sỹ cả trăm tỷ đồng

Theo cáo trạng, số tiền VN Pharma chi hoa hồng cho các bác sỹ gần 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không là gì so với việc VN Pharma đã dùng cả trăm tỷ đồng để chi hoa hồng trong các phi vụ trước đó.

Cựu chủ tịch dược VN Pharma bị đề nghị cao nhất 12 năm tù

Cựu chủ tịch dược VN Pharma bị đề nghị cao nhất 12 năm tù

Chủ tịch HĐQT kiêm tổng Giám đốcVN Pharma cho rằng việc nhập số thuốc điều trị ung thư dởm là tai nạn nghề nghiệp

Bán thuốc ung thư dởm, cựu chủ tịch VN Pharma nói không gây nguy hiểm

Bán thuốc ung thư dởm, cựu chủ tịch VN Pharma nói không gây nguy hiểm

Nhập hàng ngàn hộp thuốc điều trị ung thư dởm, nguyên Tổng giám đốc Pharma khẳng định không gây nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng.

Thu Hằng

Bản tin ngày 25/8/2017

0

Tin trong nước

Biển Đông

Báo Zing: Ngư dân Quảng Ngãi liên tục bị tấn công ở Hoàng Sa. “Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi cho hay thời gian gần đây, phía Trung Quốc gia tăng rượt đuổi, tấn công ngư dân Quảng Ngãi khi hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa. Chưa đầy 3 tháng qua, địa phương này có 21 tàu cá với 136 ngư dân bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm“.

Gần 3 tháng qua, ngư dân VN bị TQ tấn công, cướp bóc trên vùng biển mà VN khẳng định chủ quyền, nhưng vẫn chưa thấy lãnh đạo đảng và nhà nước hay Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối.

Vừa nghe Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám lên tiếng, nhưng thay vì lên tiếng phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, tấn công, cướp bóc ngư dân mình, ông Tám chỉ đòi nghiêm trị ngư dân Việt Nam đánh cá trong hải phận ngoại quốc.

Còn chuyện TQ làm mưa, làm gió ở vùng biển Việt Nam, ông Tám cũng chỉ “theo dõi sát sao, khẩn trương củng cố chứng cứ để đấu tranh ngoại giao với phía Trung Quốc” và ông khuyên ngư dân nên “ghi lại hình ảnh để có chứng cứ đấu tranh có sức thuyết phục đối với Trung Quốc”. Mời nghe clip phát biểu ngày 24/8/2017 của ông Vũ Văn Tám:

Bài này lặp lại văn bản của Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam, gọi tên con tàu 46106: Chỉ tên tàu cá Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam (ĐV). Mời đọc thêm tin về ngư dân: Quảng Ngãi: 51 tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài (TT). – Không để ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài (TN).

Trang web Bộ Ngoại giao VN đưa tin, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN lên tiếng phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa, “là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam“.

Mặc dù thông tin trên website viết là họp báo và ghi rõ “trả lời câu hỏi của phóng viên”, nhưng không thấy ghi ngày giờ, địa điểm họp báo ở đâu, cũng không có video hay hình ảnh họp báo, mà chỉ có những dòng thông báo ngắn ngủi. Các tờ báo trong nước đăng lại cũng không có được một tấm ảnh mới, chỉ đăng lại ảnh cũ, nên mỗi bài báo là một hình ảnh khác nhau của bà Hằng.

Một cơ quan như Bộ Ngoại giao VN nhưng làm việc thiếu chuyên nghiệp. Cũng có thể đây không phải là buổi họp báo, mà các tờ báo “lề phải” nhận được bản thông báo từ Bộ Ngoại giao, nhưng phải đưa tin “họp báo” dù thực tế không có cuộc họp báo nào. Mời đọc thêm: Việt Nam phản đối Đài Loan diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình (RFA).

Thông tin về chuyến đi Indonesia của TBT Nguyễn Phú Trọng, VOA có bài: Việt Nam kêu gọi ĐNÁ đoàn kết dù có căng thẳng Biển Đông. “Lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam kêu gọi các nước Đông Nam Á đoàn kết hơn nữa vào lúc Việt Nam ngày càng thân cô thế cô hơn trong việc chống lại các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông“. Ông Trọng phát biểu: “Đừng để ASEAN trở thành một con bài trong cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn“.

Mời đọc thêm: Việt Nam kêu gọi ASEAN đoàn kết vào lúc Bắc Kinh lấn lướt ở Biển Đông (RFI). – Việt Nam, Indonesia hàn gắn quan hệ sau khi đàm thoại về Biển Đông (VOA). – Việt Nam sắp nhận hai tàu chiến Gepard 3.9 của NgaViệt Nam vẫn nhập công nghệ lạc hậu (RFA).

Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông có bài dịch của TS Ian Storey, thuộc Viện Yosof Ishak: Đánh Giá Bản Khung của ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông. Tác giả viết: “Văn bản này bao gồm một dẫn chiếu mới về việc ngăn ngừa và quản lý sự cố, cũng như cam kết dường như mạnh mẽ hơn đối với an ninh hàng hải và tự do hàng hải. Tuy nhiên, văn bản không có cụm từ ‘ràng buộc pháp lý’, cũng như phạm vi địa lý của thỏa thuận và cơ chế thi hành và trọng tài“.

BBC có bài: 5 điều cần biết về ngành dầu khí Việt Nam. Câu hỏi: “Vì sao đối tác thoái vốn hoặc rút đi?” Tác giả trả lời, một trong hai lý do chính là, “áp lực từ Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc“.

Hết tiền xài, bán nước từng phần

Báo Tuổi Trẻ: Đặc khu được dành cơ chế vượt trội, thuê đất 99 năm. Ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ được cho nước ngoài thuê 99 năm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Một trong những chính sách quan trọng là đất đai, sở hữu nhà ở. Theo đó, sẽ cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa 99 năm đối với một số ngành nghề ưu tiên phát triển nếu được Thủ tướng đồng ý“.

Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong có tổng diện tích 150.000 ha, được cho thuê với giá, 2,2 tỉ Mỹ kim trong 99 năm. Giá mỗi hecta đất được cho thuê 148 Mỹ kim/ năm, tương đương 3.368.000 đồng/ 10.000 m2/ năm. Mỗi mét vuông đất ở Bắc Vân Phong được cho thuê với giá 336,8 đồng/ năm, tương đương 28 đồng/ m2/ tháng. Một ly trà đá giá 5.000 đồng, có thể thuê được 178,6 mét vuông trong một tháng!

Dự kiến nguồn thu và các giá trị tạo ra tại các đặc khu đến năm 2020 – Đồ họa: Vĩ Cường

Bài trên báo Zing: 3 đặc khu kinh tế Việt Nam: Dọn tổ đón phượng hoàng?Một loạt chính sách ưu đãi về tiền tệ ngân hàng, đất đai, giao thông, thuê chuyên gia nước ngoài và ưu đãi thuế suất cũng được xem xét. Điển hình như có thể sẽ cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp thông lệ quốc tế“.

Cảnh giác trước Trung Quốc

Báo An ninh Thủ đô có bài: Đại gia Vũ Văn Tiền đề xuất bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc xây sân bay Long Thành. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành trong 3-5 năm, “với giá thành đầu tư thấp nhất“.

Ông Tiền kiến nghị: “Với năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh trong điều kiện khó khăn về vỉệc thu xếp vốn trên thị trường tài chính hiện nay của các nhà đầu tư khác, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công tư”.

Ông Vũ văn Tiền, biệt danh “Tiền còi”, cùng với Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) đã từng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và từ Sài Gòn đến Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tổng kinh phí cho 4 dự án ước tính lên tới gần 50 tỷ USD. Đến nay các đề xuất này cũng chìm xuồng.

VOA có bài: Trung Quốc tăng cường tấn công mạng chính phủ Việt Nam. “Họ dùng phần mềm độc hại 008S Trojan để tấn công tài khoản của các quan chức chính phủ Việt Nam qua các email có gắn kèm các tài liệu về các vấn đề kinh tế của ASEAN cũng như các cuộc họp APEC ở Việt Nam từ đầu năm nay để đánh cắp mật khẩu và thông tin người dùng“.

Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh

TS Nguyễn Sỹ Phương có bài: Cần hiểu thiết chế “Nhà nước Pháp quyền” trong vụ Trịnh Xuân Thanh. Tác giả kể lại sự kiện xảy ra 50 năm trước, khi ông Isang Yun, nhà soạn nhạc nổi tiếng Nam Hàn, đã bị mật vụ Nam Hàn bắt cóc ở Tây Đức, đưa về nước xét xử tội phản quốc, làm gián điệp cho Bắc Hàn.

Lập tức chính trường Đức sôi sục, kết quả nhiều nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc bị Đức yêu cầu phải về nước, mọi khoản viện trợ kinh tế cho Hàn Quốc hồi đó rất cần thiết, bị đình chỉ“. Và để tránh thiệt hại, chính quyền Nam Hàn đã phải giảm án cho ông Isang Yun từ tù chung thân, xuống 15 năm, rồi 10 năm, cuối cùng đình chỉ thi hành án và trao trả ông Isang Yun cho Tây Đức.

Tác giả Hiếu Bá Linh có bài: Tiết lộ mới: Chiếc xe thứ hai Audi-Limousine trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bài báo cho biết, ngoài chiếc xe hiệu Volkswagen của Đức, còn có chiếc xe thứ hai tham gia vụ bắt cóc, là chiếc xe Audi Limousine 5 chỗ ngồi, mang biển số CH Séc. Cả hai xe này đều có hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Một bài viết khác của tác giả Hiếu Bá Linh ghi lại mốc thời gian từ ngày 20/7/2017 là ngày nghi can Nguyễn Hải Long thuê xe từ CH Séc đi Berlin tham gia vụ bắt cóc, đến ngày 23/8/2017 khi nghi can Nguyễn Hải Long bị dẫn độ từ Praha qua Đức. Trong bài còn có nội dung Thông cáo Báo chí của Tổng Công tố viên Liên bang Đức ngày 24/8/2017.

Trong khi chưa có dấu hiệu trừng phạt kinh tế nào của Đức dành cho Việt Nam, thì Bộ Ngoại giao nhận bàn giao 25 xe ô tô Mercedes S400L Star phục vụ lễ tân Nhà nước. Còn ông Nguyễn Việt Cường, cựu Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, vừa hết nhiệm kỳ về nước, được điều động giữ chức Phó Vụ trưởng, công tác tại Văn phòng Đảng ủy – Đoàn thể.

Mời đọc thêm: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nguyễn Hải Long bị bắt vì nghi làm gián điệp (VOA). – Vụ Trịnh Xuân Thanh: Một nghi can người Việt bị tạm giam tại Đức (RFI). – Czech giao cho Đức một nghi phạm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA). – Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt (BBC). – Bộ Ngoại giao Đức đối thoại với Việt Nam về vụ bắt cóc (TD).

Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình

Tác giả Ngô Văn Hiếu có bài: Vụ kiện “Trịnh Vĩnh Bình đối với CSVN ở Paris” đã củng cố thêm niềm tin vào công lý của dân mình. Ông Hiếu cho biết: “Việc Trịnh Vĩnh Bình đang kiện CSVN tại Paris để đòi hơn 1 tỉ dollars là bài học quý báu để xiển dương công lý, quyền pháp lý và định chế xã hội. Cho nên, dù có tốn VN 1 tỉ hay 100 tỉ dollars thì đó cũng là giá quá rẻ cho 1 bài học để đời về việc nâng cao dân trí, nhất là dân trí của giới trí thức được CSVN đào tạo cũng như những nhà dân chủ trong nước – hai trong những thành phần cốt lõi cho dân chủ hóa nước ta“.

Mời nghe audio trên đài SBS: Vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình sẽ là niềm hy vọng cho nhiều án tù oan tại Việt Nam? Bài viết của GS Nguyễn Đình Cống: Trịnh Vĩnh Bình mắc bẫy (TD). Thêm tin về Trịnh Vĩnh Bình: Vụ án Trịnh Vĩnh Bình và uy tín của Việt Nam với quốc tế (RFA).

Mời xem clip: Tin xét xử Trịnh Vĩnh Bình kiện VN: Cổng sau Tòa Án khóa chặt ngăn đoàn Việt Nam bỏ trốn?

Nhân quyền Việt Nam

RFA đưa tin: Việt Nam không đặc xá cho tù nhân dịp Quốc khánh năm nay. Báo Người Lao Động có bài: Vì sao không đặc xá dịp Quốc khánh 2-9 năm nay? Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cụ VIII – Bộ Công an), cho biết: “Không phải dịp Quốc khánh nào cũng đặc xá, thông thường đặc xá là những năm chẵn“.

Ông Bằng cũng cho biết thêm: Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định sẽ tiến hành thực hiện việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, “những đối tượng chấp hành án tốt trong trại giam sẽ được tha tù trước thời hạn…“.

Theo LS Hà Huy Sơn, ông nhận được văn bản của Viện KSND tối cao, cho biết “Ls Nguyễn Văn Đài bị khởi tố thêm Đ79 BLHS, như vậy thời gian điều tra tối đa 20 tháng nữa“. Văn bản nêu: “Bị can Nguyễn Văn Đài bị khởi tố về các tội, “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo điều 88 và 79 Bộ luật hình sự“.

RFA có bài: Gia hạn điều tra lần 2 nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh. Bài báo cho biết, cơ quan chức năng Việt Nam gia hạn điều tra lần hai đối với nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh, thời gian điều tra từ ngày 4/7 cho đến cuối tháng 10.

Facebooker Trịnh Bá Phương cho biết: “Theo lịch hẹn chiều mai tại trung tâm Hà Nội tôi và các đại diện Đồng Tâm sẽ làm việc với ĐSQ Hoa Kỳ, về các vấn đề liên quan đến Đồng Tâm, và trọng tâm là động thái khủng bố của công an HN qua việc ra quyết định triệu tập hơn 70 người dân ĐT.” Tuy nhiên, theo anh Phương, cuộc gặp ngày mai buộc phải hoãn vì bị an ninh ngăn chặn.

RFA đưa tin: Ân Xá Quốc tế kêu gọi hành động khẩn cấp cho cựu tù Nguyễn Bắc Truyển. Sau hơn 3 tuần ông Nguyễn Bắc Truyển biến mất, vợ ông Truyển “vẫn chưa nhận được văn bản xác nhận từ phía cơ quan công an về cáo buộc đối với ông hoặc về nơi ông bị giam giữ“. Lo ngại ông Nguyễn Bắc Truyển bị tra tấn, bị ngược đãi hay không được điều trị y tế cần thiết, Ân Xá Quốc Tế lên tiếng kêu gọi mọi người cần có hành động khẩn cấp.

Về thông tin ông Phan Văn Bách bị bắt, đã có clip Phan Văn Bách tường thuật 1 ngày ở đồn công an:

Vụ bê bối thuốc trị ung thư giả

Trang VnExpress có bài: Thuốc chữa ung thư giả của VN Pharma bị chặn trước khi ra thị trường. Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Dược Sở Y tế TP HCM cho biết: năm 2014 thuốc H-Capita 500 mg Caplet chữa các loại ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng, được sở đấu thầu với giá mời thầu là 66.000 đồng một viên và Công ty VN Pharma trúng thầu với giá 31.000 đồng một viên.

Nhưng “nhờ phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên toàn bộ số thuốc vi phạm không được đưa ra thị trường, không giao thuốc cho bệnh viện. Sở Y tế TP HCM đã quyết định hủy kết quả trúng thầu đó“. Nhưng “nếu không đưa ra thị trường thì làm sao có chuyện chia hoa hồng cho bác sĩ 7,5 tỷ“?

VietNamNet có bài: Vụ VN Pharma: Vì sao lạc đà chui lọt lỗ kim? ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, cựu Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định: “Một nhà sản xuất không ai biết, kinh doanh không ai biết, giấy tờ ngụy tạo mà vẫn qua mặt được hội đồng tư vấn, qua bao nhiêu cấp như thế nhưng vẫn được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cấp số đăng ký thuốc”.

Bà Lan nói rằng, “tất cả những người liên quan đều liên đới trách nhiệm. Một mình ông Hùng sẽ không làm gì được. Việc này rất phức tạp, cần làm rõ. Nhưng trước mắt cho thấy trong cấp phép là có vấn đề, cơ chế đấu thầu cũng có vấn đề“. Và quan trọng là, “khi thuốc được đưa ra thị trường sẽ can tội sản xuất thuốc giả theo bộ luật Hình sự cả cũ và mới thì mức phạt cao nhất là tử hình“.

Báo Nhà Quản Lý có bài: Bệnh viện Ung bướu TPHCM có dùng một số thuốc của Cty VN Pharma, trừ H-Capital. Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó GĐ Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, “thuốc H-Capita chứa hoạt chất Capectitabine 500mg, đặc trị một số loại ung thư. Từ trước đến nay, Bệnh viện Ung bướu có sử dụng hoạt chất Capectitabine để điều trị một số loại ung thư cho bệnh nhân, nhưng bệnh viện sử dụng thuốc biệt dược gốc có tên là Xeloda (do Cty Roche sản xuất) và 2 loại thuốc generic (thành phần bản sao của thuốc biệt dược gốc) khác chứ chưa từng sử dụng thuốc H-Capita của Cty VN Pharma“.

Lảng tránh trách nhiệm trong vụ bê bối thuốc ung thư giả, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mua lòng trắc ẩn của mọi người bằng một bài “khóc than” trên VnExpress: Áo blouse nhuốm máu. Bà Tiến viết, “tôi nguyện sẽ làm tất cả để chiếc áo của thầy thuốc – biểu tượng cho bình an không bao giờ bị nhuốm máu, để thầy thuốc không bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực“.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: internet

Biết bao bệnh nhân ung thư đang đau đớn vật vã trong cơn tuyệt vọng, bao nhiêu cái chết oan khiên vì uống phải những viên thuốc ung thư giả kia do sự đồng lõa của Bộ Y tế mà lẽ ra họ đã được cứu sống, nhưng không nghe bà Bộ trưởng lên tiếng đòi công đạo cho họ. Phải chăng mạng của những người dân đen bị chết oan ức kia, không bằng mạng của những đồng nghiệp mà bà đang khóc than?!

Blog RFA có bài: Áo blouse nhuốm máu và “thức ăn máu”. “Biết đau cùng nỗi đau của đồng nghiệp và thuộc cấp, nhưng lại không thấy đau trước sự sống còn, trước lằn ranh sinh tử của từng bệnh nhân. Bao nhiêu bác sĩ, thầy thuốc với chiếc áo choàng blouse nhuốm máu. Vâng. Nhưng cũng đã bao nhiêu, hàng chục, hàng trăm, hay vạn vạn những bệnh nhân ung thư từ Bắc chí Nam, trong suốt nhiều năm qua trở thành ‘thức ăn máu’ của những người thầy thuốc táng tận lương tâm, phải nhờ vụ án VN Pharma mới lôi ra được ánh sáng“.

Bài trên trang Nhà Quản Lý: Tội ác giết người! Bài báo viết: “Khi nhóm lợi ích trong y tế được đồng tiền cầm tay chỉ lối, thì con đường đi đến nghĩa địa của bệnh nhân quả là rất gần. Vụ việc nhập khẩu 9.000 hộp thuốc ung thư giả, là tội ác giết người hàng loạt chứ không phải chỉ là tội buôn lậu hay làm giả chứng từ”.

“Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng tôi rất cần một lời giải thích, và cam kết khi bà còn là tư lệnh ngành. Có lẽ ảo tưởng chăng, khi mà văn hóa từ chức, hoặc cúi đầu xin lỗi dân sẽ không bao giờ xuất hiện ở Việt Nam”.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu có bài: Khi Bộ trưởng Bộ Y tế viết báo! Tác giả viết: “Thời điểm mà áo blouse trắng của một ít bác sĩ nhuốm máu (chữ của Bộ trưởng) thì triệu triệu người bệnh nước mình áo của họ đã nhuốm đẫm nước mắt, túi tiền của họ đã nhuốm đẫm nhọc nhằn để dâng cho gian thương cấu kết cùng các y bác sĩ thoái hoá biến chất“.

Báo Thanh Niên đưa tin: Không có chuyện Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xin từ chức. Bộ Y tế cho biết, đã có văn bản gửi một số cơ quan chức năng “đề nghị làm rõ một số thông tin trên mạng xã hội“, trong đó có cả thông tin: “Bộ trưởng Tiến nộp đơn từ chức và đã được Chính phủ chấp thuận“. Bộ này khẳng định: “Đây là những tin đồn ác ý nhắm tới cá nhân Bộ trưởng, trong khi Bộ trưởng không hề liên quan”.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Bộ Y tế nói sẽ ‘đề nghị xử lý’ báo chí đăng tin sai về bộ trưởng. Nhưng Thông cáo Báo chí hiện đã không còn ở website Bộ Y tế: Thông cáo báo chí của Bộ Y tế, mà chỉ còn trên Facebook. Facebooker Hoàng Hà bình luận: “Thuốc chữa ung thư giả như vậy, bảo sao lãnh đạo nhà nước cứ bị ung thư là ra nước ngoài chữa. Bà bộ trưởng ung thư chắc cũng ra nước ngoài chữa đúng không ạ?

Mời đọc thêm: Hoa hồng nhuốm máu (NQL). – Khi thói bao biện đã trở thành căn bệnh “thâm căn cố đế” (DT). – Vụ nhập khẩu thuốc giả: Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo (NQL). – Vụ VN Pharma buôn thuốc ung thư giả: Cục Quản lý Dược chưa làm hết trách nhiệm? (DT). – ‘Đề nghị xử nghiêm thông tin vô căn cứ về Bộ trưởng Kim Tiến’ (Zing). – VN Pharma chi hoa hồng cả trăm tỉ đồng cho bác sĩ? (NLĐ/ CafeF). – VN Pharma buôn lậu thuốc: Luật sư nói thuốc chưa chắc là giả, yêu cầu kiểm tra lại (MTG).

Bất cập các dự án BOT

Báo Đấu Thầu có bài: Hàng loạt trạm thu phí BOT vi phạm khoảng cách: Bộ Giao thông vận tải nói gì? Bộ bảo, sở dĩ hàng chục trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường là “do địa hình vị trí đặt trạm đảm bảo khoảng cách 70 km không thuận lợi” cho việc móc túi dân?

Như trạm thu phí Biên Hòa này, thay vì nằm trên đường tránh, lại được đặt ngay trên quốc lộ 1:

Mời xem tranh biếm họa của họa sỹ Leo: “Bác Trọng có thịt được mấy trăm con này lấy sụn về kịp hầm với cháo? Củi lửa đã nóng lò rồi“.

Tranh: LEO

Mời đọc thêm: Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Ông chủ của “gà đẻ trứng vàng” (NLĐ). – Trạm BOT dày đặc quốc lộ, thu phí cao: Giới tài xế ngán ngẩm, bức xúc (CafeF). – Trạm BOT Hà Nội – Bắc Giang: Đi 8km thu phí 45km, khác gì ‘trấn lột’ lái xe? (VTC). – BOT Cai Lậy chưa chốt thời điểm thu phí trở lại (Zing). – TP HCM: Trạm thu phí BOT bỏ hoang, gây cản trở giao thông 2 năm liền (Infonet). – Công bố nhiều sai phạm tại trạm BOT Phước Tượng – Phú Gia (VTV).

Cả nhà làm quan, bao giờ chấm dứt?

Báo Pháp luật Plus có bài: Phú Thọ: Cả “gia đình làm quan” tại huyện Thanh Ba. Bài báo cho biết, bà Nguyễn Thị Phương Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ có nhiều người nhà được sắp xếp giữ các vị trí chủ chốt tại huyện này.

Vị Phó CT này có người trong gia đình là “Phạm Xuân Thịnh đang giữ chức Phó Ban tuyên giáo Huyện ủy. Em ruột vị này là Nguyễn Việt Đức đang giữ chức Phó Phòng Nông nghiệp. Em dâu là Mai Phương Oanh (vợ ông Đức) đang giữ chức Trưởng phòng văn hóa thông tin. Còn một người em gái vừa được tuyển dụng về Phòng Tài chính của huyện…

Mời đọc lại: Phó Chủ tịch huyện Thanh Ba nói về việc nhiều người thân làm lãnh đạo (TN&MT/ QCN).

Biệt phủ… bóng đen

Báo Soha có bài: Lần thứ 5, Thanh tra Chính phủ tiếp tục lùi lịch công bố kết luận vụ “biệt phủ” Yên Bái. Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng cho biết: “Hiện nay lãnh đạo Thanh tra Chính phủ vẫn đang tiếp tục xem xét kỹ nội dung dự thảo kết luận thanh tra và chưa ký kết luận chính thức, do đó, vẫn chưa có lịch chính thức để công bố“.

Ông Đạt cho biết: “Việc thanh tra đã được đoàn làm rất công tâm, khách quan, rõ ràng nên không có vấn đề gì. Còn khi nào lãnh đạo Thanh tra Chính phủ ký chính thức, có thời gian công bố chúng tôi sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí bởi việc này là công khai, minh bạch“.

Nếu thực sự ông không có quyền quyết định việc công bố, có lẽ ông không nên vội phát biểu như những lần trước, bởi giờ đây, cho dù “việc công bố công khai, minh bạch rõ ràng, sớm” cũng sẽ không còn “giúp người dân yên tâm, tránh sự nghi ngờ liên quan đến tiêu cực” nữa.

Ông Đạt lại hứa tiếp nữa đây: Kết luận biệt phủ Phạm Sỹ Quý: Sẽ công bố trước 2/9. Ông Đạt nói: “Chúng ta càng giục thì lãnh đạo sẽ càng thận trọng, nhưng 1-2 hôm nữa sẽ phải công bố, vì các cơ quan liên quan cũng đã thẩm định xong, cốt yếu cũng chỉ là đảm bảo tính khách quan chứ không có vấn đề gì. Nhưng cũng không để qua nghỉ lễ mùng 2/9 được, mong là như thế, nhưng vẫn chưa chắc chắn được ngày công bố, tôi không khẳng định được ngày nào công bố“.

Sao không hẹn tới năm 2018 luôn, thay vì hết tháng 8, tới tháng 9 rồi lại: Tháng 10 mới công bố kết luận thanh tra ‘biệt phủ’ Yên Bái: Cục trưởng Phòng chống tham nhũng nói gì? (VTC). – Lần lữa đến bao giờ? (KTĐT).

Tăng thuế: Phung phí đâu nghĩ đến dân

Báo Công Luận có bài: Tăng thuế VAT: Cần một lý do thuyết phục! Các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính phải đưa ra được lý do tại sao chọn tăng thuế VAT và cần phải cho người dân thấy ảnh hưởng đến đời sống của việc tăng thuế. Và liệu có phải nguyên nhân do “nợ công tăng cao” hay do Chính phủ “vung tay quá trán” để bây giờ hết tiền, coi dân như vịt để bu vào vặt lông?

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, khi hội nhập với thế giới, Việt Nam đã có những cam kết ổn định môi trường kinh doanh. Khi chính sách thay đổi phải có lộ trình và lấy ý kiến rộng rãi trong dân cũng như doanh nghiệp, cũng như cần lắng nghe và sửa đổi, để người dân và doanh nghiệp có phương án chuẩn bị và ứng phó.

Bài của TS Vũ Thành Tự Anh: VAT không có mắt. “Đề xuất tăng thuế VAT lần này của Bộ Tài chính tuy không làm tôi ngạc nhiên nhưng khiến tôi thất vọng, bởi vì nó không chỉ tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội, mà còn không giúp giải quyết tận gốc vấn nạn thâm hụt ngân sách và nợ công hiện nay“.

Tác giả nhắc lại, thay vì tăng thuế, chính phủ nên tăng hiệu quả và tiết giảm chi tiêu ngân sách, để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách.

Mời đọc thêm: Giá xăng sẽ tăng lên 25.000 đồng/lít vì thuế? (CafeF). – Tăng thuế VAT sẽ “đi ngược” lại kỳ vọng kích cầu tiêu dùng (BizLive/ CafeF). – Những loại thuế nào được đề xuất tăng, giảm? (VNN). – ‘Bộ Tài chính chưa nêu được lý do thuyết phục cho việc tăng thuế’ (VnEconomy/ PLDS). – Nên tăng VAT hay tìm cách thu hàng chục ngàn tỷ nợ thuế? (TP).

Chính phủ 4.0: không có gì…

LS Lê Văn Luân có bài viết: Chuyện ở cấp Bộ, nêu lên tình trạng tham nhũng, lãng phí, bất cập… diễn ra hầu khắp các bộ ngành thuộc Chính phủ Việt Nam.

Với bộ Giao thông, không chỉ bê bối ở các Dự án BOT, nó còn xảy ra ở các dự án sân bay, bến cảng, đường sắt trên cao… Bộ Tài nguyên và Môi trường thì lừa dối dân trong các thảm hoạ về môi trường như Formosa , kết quả đánh giá tác động môi trường dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải ở nhiệt điện Vĩnh Tân.

Bộ Y tế dính tới vụ bê bối buôn thuốc điều trị ung thư giả, hoa hồng bác sỹ, giá thuốc tăng cao…; Bộ Giáo dục thì điểm rất thấp vẫn đỗ sư phạm, bằng cấp giả, mua điểm, bạo lực học đường,…

Bộ Quốc phòng thì nhập nhằng dự án về đất đai Sân Golf Tân Sơn Nhất, trường bắn Miếu Môn – Đồng Tâm…; Bộ 4T kiểm duyệt, hạn chế đối với báo chí và xuất bản sách, ấn phẩm, tạp chí…

Tin Formosa: Ngư dân ở các tỉnh miền Trung được bồi thường ra sao?

RFA có bài phóng sự điều tra: Dân nói về việc bồi thường thảm họa Formosa. Một cư dân tên Phú ở Hà Tĩnh, chia sẻ: “Nó chơi trò bịp dân vậy đấy. Nó cho kê khai 100 người thì nó đền bù khoảng 60 người thôi. Như ban đầu kê khai thì nó kê khai cả kể từ 15 đến 19 tuổi. Nhưng sau này không còn một ai trong độ tuổi này nhận được tiền bồi thường. Dân ban đầu đi kê khai thì ghi danh sách từ 15 tuổi trở lên nhưng khi đền bù, 10 người chỉ nhận được 5 người, 6 người.

Có nhà nó chỉ trả 2 người, may lắm 1 người vì có nhà không được đồng nào. Thế thì đền bù đâu, đấy là tiền Formosa đền bù cho dân chứ phải tiền các anh đâu mà các anh làm như vậy. Các anh bóp cổ dân chứ, các anh đã thấy dân chúng tôi chết chưa, chết hơn 1 năm rồi. Đâu phải tiền các anh đâu mà các anh làm vậy, nào là kinh tế, nghề nghiệp, sức khỏe, môi trường, tương lai… Các anh phải đền cho chúng tôi từ A đến Z, vậy mà các hành xử như vậy. Cho nên là một chế độ đen tối, thối nát”.

Nắm luật chưa rành, đã đe kỷ luật

Facebooker Phạm Lê Vương Các có bài: Choáng với quy trình kỷ luật luật sư Võ An Đôn. Theo ông Các, để xử lý kỷ luật một luật sư, trước tiên Hội đồng khen thưởng kỷ luật sẽ xem xét có dấu hiệu vi phạm hay không rồi sau đó mới chuyển hồ sơ lên Ban Chủ Nhiệm, “đề nghị” Ban Chủ Nhiệm xem xét quyết định kỷ luật. “Việc có đưa ra quyết định xử lý kỷ luật hay không sẽ hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư“.

Tuy nhiên, “việc xử lý kỷ luật Võ An Đôn lại đi theo một quy trình ngược lại“. Ban Chủ nhiệm lại là cơ quan chuyển hồ sơ rồi “đề nghị” Hội đồng khen thưởng kỷ luật xem xét kỷ luật. Quá trình xử lý như vậy của Ban Chủ nhiệm đoàn Luật sư “đã vi phạm nghiêm trọng vào Khoản 2 Điều 85 của Luật Luật sư“.

Người Việt với thế giới

VOA có bài: Người Việt ‘tin Tổng thống Putin hơn ông Trump’. Kết quả thăm dò được Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington DC công bố: “Người Việt nằm trong số ít công dân các quốc gia ‘yêu’ nước Nga và đặt niềm tin lớn vào Tổng thống Vladimir Putin, trong khi đa phần thế giới có cái nhìn ‘thiếu thiện cảm’ đối với xứ sở bạch dương và nguyên thủ của xứ này.

Còn nếu so giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, nghiên cứu của Pew cho thấy rằng, “số người Việt dành sự ủng hộ cho người đứng đầu Điện Kremlin vẫn hơn hẳn so với ‘ông chủ’ Nhà Trắng, với tỷ lệ tương ứng là 79% và 58%“.

Trang Sputnik có bài: Không chỉ Nga rơi vào tình huống không được cấp thị thực Mỹ mà cả Việt Nam nữa?Theo tin tức Reuters, chính phủ Hoa Kỳ hiện nay đang có một số đòi hỏi về việc nhận lại công dân bị trục xuất đối với Việt Nam và một số nước khác, như Trung Quốc, Cuba, Lào, Iran, Campuchia, Myanmar, Morocco, Hong Kong, Nam Sudan, Guinea và Eritrea“.

Bài trên VOA: Mỹ sắp hạn chế visa từ 4 nước không chịu nhận công dân bị trục xuất. “Các quan chức này nói rằng các nước Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone sẽ sớm chịu chế tài. Những chế tài này nhằm mục đích buộc các quốc gia “ngoan cố” phải nhận lại những cá nhân mà Mỹ tìm cách trục xuất“.

Tin quốc tế

Chuyện của Trump và chính trường Mỹ

VOA có bài: Trump mắng lãnh đạo Cộng hòa ở Quốc hội làm ‘lộn xộn’ trần nợ. “Trong một loạt phát biểu đăng trên Twitter, ông Trump mắng Lãnh đạo Khối Đa số Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan vì không gắn dự luật trần nợ vào một dự luật gần đây mới được ký ban hành nhằm giúp đỡ các cựu chiến binh“.

Thêm tin về Mỹ: Vụ Charlottesville: một người ra đầu thú (VOA). – Đại học Howard tuyển dụng cựu giám đốc FBI James Comey (VOA). – Bị Mỹ cắt viện trợ, Ai Cập cho cố vấn con rể TT Trump ‘leo cây’ (NV). – Thủ tướng Malaysia Najib Razak thăm Mỹ vào tháng tới (VOA). – Nhà Trắng sắp ra chỉ dẫn thi hành lệnh cấm quân nhân chuyển giới tính (VOA). – Mỹ tiếp tục chế tài Nga cho tới khi Moscow thay đổi hành vi (VOA). – Mỹ đang ‘tích cực cứu xét’ bán vũ khí phòng vệ sát thương cho Ukraine (VOA). – Hải Quân Mỹ ngưng nỗ lực tìm kiếm các thủy thủ USS McCain mất tích(NV). – Quân đội Mỹ sẽ đặt radar ở Palau, Thái Bình Dương (RFI).

Trung Quốc

RFI đưa tin: Trung Quốc: Các công ty châu Âu lo ngại về sự can thiệp của Đảng. Lãnh đạo của các công ty lớn của châu Âu ở Trung Quốc lo ngại về vai trò của đảng Cộng sản trong các công ty nước ngoài, nên họ đã nêu lên mối quan ngại đó tại một cuộc họp do Phòng Thương mại Liên Hiệp châu Âu tổ chức ở Bắc Kinh.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, “các công ty ngoại quốc được yêu cầu bổ nhiệm các đại diện của đảng vào các cơ cấu lãnh đạo công ty, thậm chí để cho bí thư chi bộ kiêm luôn chức chủ tịch hội đồng quản trị, đồng thời tính vào ngân sách của công ty những chi phí hoạt động của chi bộ đảng“.

Bài trên RFI: Giới xuất bản quốc tế chịu tự kiểm duyệt để vào được Trung Quốc. “Vụ nhà xuất bản Cambridge University Press toan tính tự kiểm duyệt là một ví dụ cụ thể cho thấy những gì mà Bắc Kinh muốn kiểm duyệt: từ các vấn đề Thiên An Môn, Tây Tạng, cho đến các phong trào ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc hay hồ sơ Đài Loan. Vấn đề đặt ra là dù chấp nhận tự kiểm duyệt, nhưng giới xuất bản nước ngoài không thể đoán trước được là chế độ Bắc Kinh sẽ đòi kiểm duyệt những gì khác nữa“.

Thêm tin Trung Quốc: Chính sách cây gậy, cà rốt của Trung Quốc ở Đông Nam Á (RFI). – Kyodo: Nhật Bản theo chân Mỹ đóng băng tài sản công ty Trung Quốc (VOA).

Tin Bắc Hàn

VOA có bài: Lãnh tụ Kim Jong Un không màng tới ngoại giao. “Mặc dù về mặc ngoại giao và 90% hoạt động kinh tế, Bắc Triều Tiên phải dựa vào Trung Quốc, nhưng ông Kim Jong Un vẫn không gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trái ngược với cha ông, người đã nhiều lần thăm Bắc Kinh“.

Thêm tin quốc tế: Mỹ lên án Cam Bốt đàn áp báo chí và xã hội dân sự (RFI). – Campuchia: Giới chỉ trích phải đóng thuế hoặc rời đi (BBC). – Thái Lan: Bà Yingluck yêu cầu người ủng hộ đừng tụ tập trước tòa (RFA). – Chống ma túy: Thượng Viện Philippines điều tra cái chết của một thiếu niên(RFI). – Myanmar cần lắng nghe người Rohingya (RFA). – Cựu chưởng lý Venezuela tố cáo tổng thống Maduro tham nhũng (RFI).