Home Blog Page 1103

Bộ Tài chính đừng “đùa” nữa!

0
(NLĐO) – Tăng thuế VAT đồng nghĩa tác động vào số đông dân số. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng tăng VAT không ảnh hưởng người nghèo thì giống như không thấy số đông này vậy

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói rằng: Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo. Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới Sebastian Eckhardt nói giữ VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu. Cái này phải nói thẳng là không tin được!

Nói như đùa

Chuyện xưa, làng nọ cần làm con đường chung. Ai cũng phải đóng góp. Bà lão nghèo góp cả gia tài của bà 10 đồng. Ông nhà giàu góp 10 đồng trong gia tài 100 đồng. Nếu nói về số tiền thì họ góp bằng nhau. Nhưng nói trên tỉ lệ của cải thì bà già góp 100%, ông nhà giàu góp 10%.

Trong thời hiện đại, người nghèo hay người giàu gì cũng phải đóng góp bằng thuế để công khố lo cho việc chung. Các loại thuế đều được thiết kế sao cho ai cũng còn dư để tích lũy. Tuy vậy, VAT là thuế trên hàng tiêu dùng, nên người nghèo và người giàu khi mua một bình xăng, mua một cái áo cho con đi học, đều nộp thuế VAT tỉ lệ bằng nhau. Điều khác biệt là túi tiền người nghèo cạn nhanh hơn người giàu, khi tăng thuế VAT.

Chẳng thế mà ông bà ta đã có câu: “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”. Người nghèo thu nhập được bao nhiêu thì chi hết cho hàng hóa thiết yếu – những thứ không có thì “chết”, như gạo, rau, áo, chỗ trọ, thuốc men. Như vậy, người nghèo đóng góp vào thuế một tỉ lệ lớn trong “cả tài sản”. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. “Một miếng” tuy nhỏ hơn “một gói” nhưng là “tất cả” khi người ta đói.

Như vậy, phát biểu rằng tăng thuế VAT không ảnh hưởng người nghèo là không dựa vào thực tiễn.

Nói có sách mách có chứng. Ai cũng biết ở nước ta số người nghèo đông hơn. Điều này dẫn đến chuyện số lượng hàng hóa cho thị trường này nhiều hơn. Mà người nghèo thì mua hết số tiền họ có để đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Vậy, tăng VAT đồng nghĩa tác động vào số đông dân số. Nói tăng VAT không ảnh hưởng người nghèo thì giống như không thấy số đông này vậy.

Người trung lưu và người thu nhập cao, ngoài chi cho hàng hóa thiết yếu giống như người nghèo, họ còn có dư để tích lũy và tái đầu tư. Nhóm này có lựa chọn hàng xa xỉ. Nói giữ mức VAT thấp trong nhóm hàng này chỉ có lợi cho người giàu cũng không thực tế. VAT tăng làm giá cả tăng, thì họ cũng cân nhắc khi mua hàng.

Đó là con đường… nghèo mãi!

Bộ Tài chính nói có một số mặt hàng được giảm VAT nhằm tránh tổn thương thu nhập của người nghèo. Thí dụ, hạt giống, con giống có mức thuế VAT thấp. Tuy vậy, hạt giống thành rau đã gánh nhiều loại VAT như phân bón, vận chuyển, dầu máy. Từ đồng đến nhà buôn, qua vận chuyển, đến chợ hoặc siêu thị, một lần mua-bán là một lớp VAT. Một chuyến xe rau, qua một trạm BOT là một lần VAT. Người nghèo cuối chuỗi tiêu dùng gánh hết vào việc tăng giá. Túi tiền của “bà lão nghèo” cạn nhiều % hơn.

Ông bà nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Kinh nghiệm này truyền đời rằng phải dùng tài sản một cách hiệu quả. Công khố cũng vậy, phải đầu tư hiệu quả. “Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”. Một đồng công khố tuy nhỏ hơn một gia tài của một người nhưng công hiệu của nó thì mạnh hơn nhiều.

Người rỗng túi, cuối chuỗi, chẳng có lợi gì khi VAT tăng, cũng chẳng thể tăng trưởng đóng góp khi không còn đồng nào để bồi bổ tái đầu tư cho sức lực và trí tuệ. Cơ hội có đến lần nữa, họ cũng chẳng thể nắm bắt. 

Đó là con đường nghèo mãi của người nghèo. Xin hỏi Bộ tài chính có thấu hiểu điều này hay không? 

Nguyễn Hoàng

Bộ trưởng ơi, mệt lắm rồi!

0
Tốn kém lắm, dân còn nghèo, nợ công còn nhiều, đất nước còn cơ cực, đừng nghĩ tới chuyện “đổi mới toàn diện thi cử” nữa!

Sáng nay (5-9), 22 triệu học sinh – sinh viên cả nước bước vào năm học mới.

Năm nào cũng vậy, giống như học sinh – sinh viên háo hức đến trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng háo hức… đổi mới.

Sự háo hức thể hiện quyết tâm của Bộ, như xã hội đã thấy, là chẳng bao giờ thừa, là rất có trách nhiệm, là đáng hoan nghênh.

Trong các mục tiêu của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đồng tình cả. Duy chỉ một điều, chúng tôi đề nghị Bộ… tạm bớt quyết tâm. Đó là hãy đừng háo hức… đổi mới thi cử nữa!

Ấy là chuyện của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ.

Ba năm qua, Bộ GD-ĐT đổi tới, đổi lui mỗi việc thi THPT quốc gia và tuyển sinh. Cộng với liên tục nhiều năm tìm tòi, sáng tạo và thay đổi trước đó, cả xã hội như “lên đồng” theo. Thầy và trò xanh mặt còn cha mẹ học sinh cũng bở hơi tai chạy theo Bộ.

Cũng vì vậy mà Bộ GD-ĐT bị đặt tên là “Bộ Thi”, dù nỗ lực đổi mới thi cử của Bộ hoàn toàn có cơ sở và thiện ý.

Năm rồi, Bộ GD-ĐT tự đánh giá là một kỳ thi THPT quốc gia thành công và cũng vẫn điệp khúc nhận xét thường thấy “đề thi có tính phân hóa cao”. Nhưng xin thưa, có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10, nhiều chưa từng có, hơn gấp đến 60 lần so với số bài thi điểm 10 của năm trước, gọi là “mưa điểm 10” chẳng sai.

Trong khi đó, lượng bài thi điểm 4-5 vẫn khá nhiều. Qua hai dữ liệu này chứng tỏ học sinh đã không giỏi hơn, nghĩa là đó chẳng phải thành tích – của học sinh và của Bộ – gì sất!

Nó còn nguy hiểm ở chỗ đã khiến cho học sinh và phụ huynh ảo tưởng về thực lực của bản thân, của con em mình.

Và thành công thế nào được khi mà học sinh đạt 30 điểm/3 môn mà vẫn rớt ĐH (?!). Chả cần phải biết bởi đó là tốp đầu (ngành y khoa, quân đội) hay vì gì cả, chẳng qua là giải thích “kỹ thuật” của Bộ, xã hội ai nhìn vào cũng thấy phi lý ngút trời rồi.

Rồi giải thích sao khi học sinh chỉ cần 9 điểm/3 môn là đỗ vào các trường sư phạm? Đầu vào cử nhân sư phạm thấp tận đáy như thế thì khi ra trường dám đi dạy cho ai?

Những bất cập kể trên cần phải điều chỉnh để hoàn thiện, thay vì tính tới tiếp tục đổi mới thi cử toàn diện và triệt để, để rồi tiếp tục lựa chọn phương án mới phủ định hoàn toàn phương án cũ. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi, các quan chức Bộ không mệt sao? Tốn kém lắm, dân còn nghèo, nợ công còn nhiều, đất nước còn cơ cực, thưa Bộ trưởng!

Còn nữa hai điều cay đắng: Phải làm sao để không còn cảnh rình bắt giáo viên dạy thêm như… bắt trộm; đừng để diễn ra cảnh giáo viên đấu tố nhau về việc dạy thêm, ê chề lắm. Phải làm sao để chiếc cặp trên lưng con tôi nhẹ đi một nửa?

Bộ GD-ĐT làm có được không?

Nếu làm được rồi thì mới tính tới nhập khẩu chương trình giáo dục của Phần Lan. Thể trạng đang còi cọc mà nhồi thuốc đại bổ vào thì không chắc thôi ốm yếu mà có nguy cơ suy nhược thêm!

Bộ trưởng ơi, mệt lắm rồi! - Ảnh 1.

Việt Nam và Phần Lan ký kết hợp tác giáo dục với nhiều nội dung – Ảnh: SGGP Online

Thăm dò ý kiến

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Y Qua

Vì sao lại thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn… cao tốc Hà Nội – Hải Phòng?

Dân trí
Trả tiền lẻ và đỗ xe khiến quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài trong chiều tối ngày 4/9 vì người dân không đồng tình với hoạt động thu phí tại đây nhằm hoàn vốn cho dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân đi đường này lại phải trả phí cho đường khác?
 >> Sau buổi ùn tắc vì tiền lẻ, trạm BOT quốc lộ 5 đã thông thoáng trở lại
 >> Tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí, quốc lộ 5 tắc dài

Phí chồng phí?

Trước khi có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, các phương tiện đi trên quốc lộ 5 vẫn phải nộp phí với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn. Nhưng nay, mức phí này tăng gấp nhiều lần và dao động từ 40.000 – 180.000 đồng/lượt (tùy loại xe).

Phản đối mức phí nói trên, chiều 4/5, một số tài xế lái xe tải, xe bồn đã tập trung tại trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm và đỗ xe tại trạm khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ gây ùn tắc kéo dài.

Nói về vấn đề phí, nhiều bạn đọc Dân trí nêu quan điểm: Chúng ta là người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, không thiếu một đồng, nhưng cương quyết không trả một xu nếu như đó không phải là vì mục đích thật. Nếu đi đường BOT thì trả phí không thiếu một xu, nhưng nếu không đi đường BOT thì một xu cũng không trả. Pháp luật luôn đứng về phía sự thật chân lý và lẽ phải.

Tài xế xe tải, xe bồn đỗ xe tại trạm thu phí số 1, gây ùn tắc trên Quốc lộ 5 chiều tối 4/9
Tài xế xe tải, xe bồn đỗ xe tại trạm thu phí số 1, gây ùn tắc trên Quốc lộ 5 chiều tối 4/9

Bạn đọc Nguyễn Đình Sự phản ánh tới Dân trí: “Hải Phòng – Hà Nội có quốc lộ 5 là đường độc đạo khi chưa có cao tốc. Nay có cao tốc thì ai thích đi thì trả tiền, quốc lộ 5 nên trả lại tên cho nó là quốc lộ 5, không nên thu thuế để san sẻ tổn thất cho cao tốc. Dân đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nếu thu thêm tức phí chồng phí, dân sao chịu nổi”.

Đề cập về mức phí cao, bạn đọc Chunghuy70 cho biết: “Trạm thu phí quá bất hợp lí trên quốc lộ 5. Nhà tôi ở Dụ Nghĩa nhưng làm tại Quán Toan – Hải Phòng, hàng ngày tôi đi ô tô qua trạm mất 100.000 đồng chỉ đi được có 8 km, đắt hơn vàng!”.

Để vãn hồi tình hình chiều 4/9, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã phải điều động 200 cảnh sát cơ động đến khu vực trạm để đảm bảo trật tự. Cùng đó, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cũng được huy động để phân luồng giao thông, ứng phó với ùn tắc.

“Hỗ trợ chính sách chứ không phải thu phí BOT” (?)

Năm 2007, Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) làm thí điểm Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Dự án được VDB giao cho Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) làm chủ đầu tư, thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia.

Theo Nghị định 108, Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhưng do không có vốn nên 4.000 tỷ đồng tiền GPMB đã được Vidifi “ứng” trước.

Quyết định của Thủ tướng về việc áp dụng thí điểm Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó cho phép chủ đầu tư thu phí trên Quốc lộ 5
Quyết định của Thủ tướng về việc áp dụng thí điểm Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong đó cho phép chủ đầu tư thu phí trên Quốc lộ 5

Ngày 29/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1621 về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nêu rõ: Vidifi được quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 từ khi Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với mức thu theo quy định của Bộ Tài chính.

Cũng theo Quyết định 1621 của Thủ tướng, chủ đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư trong trường hợp có thay đổi đột biến về giá, nguyên vật liệu, chế độ chính sách và do các nguyên nhân khách quan khác làm chi phí lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt. Vidifi được miễn nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT.

Ông Đào Văn Chiến – Chủ tịch HĐQT Vidifi – thông tin: Sau 2 năm đưa cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vào khai thác, bình quân số tiền phí thu được là 5,5 tỷ đồng/ngày, trong khi tiền lãi phải trả là 8 tỷ đồng. “Nhà nước cam kết hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách 23% , trong đó có 4.000 tỷ đồng tiền GPMB, nhưng 8 năm nay Nhà nước chưa có gì” – ông Chiến nói.

Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Vidifi
Ông Đào Văn Chiến – Chủ tịch Vidifi

Chủ tịch Vidifi khẳng định, bắt buộc phải thu phí quốc lộ 5 mới thu hồi được vốn đầu tư cho dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Chính phủ không yêu cầu Vidifi phải sửa chữa quốc lộ 5 trong quá trình thu phí, nhưng nếu không sửa thì quốc lộ 5 không thể khai thác được.

“Việc Vidifi thu phí trên quốc lộ 5 thực chất là hỗ trợ chính sách của Chính phủ chứ không phải là thu phí BOT. Nếu không giao cho Vidifi thì Nhà nước vẫn sẽ thu phí Quố lộ 5 và lấy tiền đó hỗ trợ cho Vidifi làm cao tốc Hà Nội – Hải Phòng” – ông Chiến lý giải.

Được biết, 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 được bàn giao cho Vidifi vào tháng 11/2009, trong khi đó Quỹ bảo trì đường bộ ra đời năm 2011. Số phí Vidifi thu được trên quốc 5 từ 2009 đến hết năm 2016 là khoảng 1.700 tỷ đồng (sau thuế), tổng chi cho sửa chữa quốc lộ 5 trong giai đoạn 2013 – 2016 là gần 900 tỷ đồng.

Châu Như Quỳnh

Triều Tiên di chuyển tên lửa để phóng thử tiếp?

0
05/09/2017 11:06 GMT+7
TTO – Nhật báo Asia Business của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin tình báo khẳng định Triều Tiên đang di chuyển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra bờ biển phía tây.

Nhật báo Asia Business của Hàn Quốc ngày 5-9 dẫn nguồn tin tình báo cho biết Triều Tiên đang di chuyển một vật thể dường như là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) về phía bờ biển phía Tây nước này.

Tên lửa trên đã bắt đầu di chuyển ngày 4-9, chỉ một ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6. Nguồn tin nhấn mạnh hoạt động này diễn ra trong đêm để tránh bị giám sát.

Triều Tiên hiện đã triển khai cơ sở vật chất cho chương trình tên lửa ở bờ biển phía Tây nước này.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố chưa thể xác nhận thông tin trên.

Trước đó, tại phiên họp của Quốc hội, Bộ trên nhận định Triều Tiên đã sẵn sàng phóng thử thêm tên lửa, trong đó có ICBM, vào bất kỳ lúc nào.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho rằng Triều Tiên có thể phóng một quả ICBM theo đường bay tiêu chuẩn ra vùng Bắc Thái Bình Dương vào dịp Quốc khánh của Triều Tiên ngày 9-9 tới, hoặc dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10-10).

Cơ quan NIS khẳng định Triều Tiên đã hoàn thành xây dựng hầm ngầm thứ 3 tại bãi thử hạt nhân và đang xây thêm một hầm ngầm nữa nên có thể Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tiến hành thử hạt nhân vào bất kỳ lúc nào.

Liên quan cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, hiện các thành viên HĐBA vẫn chia rẽ về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với nước này.

Tại cuộc họp ngày 4-9 theo giờ Mỹ, các nước như Mỹ, Pháp, Anh và Nhật bản ủng hộ các biện pháp trừng phạt, trong khi một số nước, trong đó có Nga, muốn một biện pháp ngoại giao để tháo gỡ căng thẳng hiện nay.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cũng lên án vụ thử của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ không cho phép để xảy ra hỗn loạn và chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

PHÚC LONG

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam chỉ còn 48 tiếng

 Sau khi ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam bí mật sang Berlin gặp và đàm phán riêng với phía Đức về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, tại đây phía Đức đã trao Tối hậu thư (Ultimatum) cho Việt Nam. 
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam chỉ còn 48 tiếng

Cho đến nay phía Đức không tiết lộ điều kiện được đặt ra trong Tối hậu thư, nhưng có lẽ trong đó nêu rõ yêu cầu phía Việt Nam trả lại ông Trịnh Xuân Thanh để đưa sự việc trở lại nguyên trạng.

Tới thời điểm này, thời hạn của Tối hậu thư đưa ra đã hết, phía Việt Nam vẫn chưa có biểu hiện sẽ đáp ứng những điều kiện được đưa ra, do đó các biện pháp trừng phạt tiếp từ phía Đức có lẽ sẽ bắt đầu được khởi động.

Nhiều khả năng biện pháp được lựa chọn đầu tiên sẽ yêu cầu thêm một số nhân viên ngoại giao Việt Nam tại Berlin phải rời khỏi nước Đức, các việc tiếp đến có thể cắt các khoản viện trợ hoặc ưu đãi tín dụng mà phía Đức đã ký kết trước đó trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đem về cho Việt Nam.

Các khoản viện trợ phát triển phục vụ dân sinh có thể sẽ được cân nhắc chưa đưa vào trừng phạt lần này, tuy nhiên phía Đức có lẽ sẽ bảo lưu các quyền đưa ra các trừng phạt tiếp theo nếu phía Việt Nam vẫn không chịu sửa chữa các lỗi lầm khi đưa mật vụ xâm phạm chủ quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Đức và các cam kết an ninh quốc tế.

Vụ việc trở nên căng thẳng hơn khi hôm 31.8, ĐSQ VN ở Đức tổ chức Quốc khánh lần thứ 72 của nước CHXHCN Việt Nam tại Berlin đã không hề có bất cứ khách ngoại giao và đại diện nước chủ nhà nào tới dự, uy tín của Chính phủ Việt Nam bị chìm đắm theo vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, hiện vẫn chưa có đối tượng nào ở trong nước đứng ra nhận trách nhiệm khi ra lệnh cho vụ bắt cóc này.

Phía Cảnh sát Đức đang tích cực truy tìm kẻ chủ mưu và các tòng phạm, trong đó có thể sẽ xuất hiện những khuôn mặt quen thuộc người Việt Nam đang định cư tại Đức, dù vô tình hay cố ý đã có mối liên hệ với những đối tượng trong đường dây nằm trong ĐSQ VN tại Đức tổ chức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Dự kiến trong 6 tháng tới, phía Đức có thể sẽ hủy mọi quan hệ thăm viếng chính thức với Việt Nam, dù không có liên can, nhưng đây sẽ là một bước lùi lớn mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu.

Trung Khoa – Thoibao.de 

1/ Bộ Ngoại giao Đức chính thức ra thông cáo báo chí và yêu cầu Việt Nam trả lại ông Trịnh Xuân Thanh: https://thoibao.de/site/News/11315?title=bo-ngoai-giao-duc-chinh-thuc-ra-thong-cao-bao-chi-va-yeu-cau-viet-nam-tra-lai-ong-trinh-xuan-thanh-

2/ Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9 giữa một nhóm người Việt tụ tập với nhau tại Đại sứ quán Berlin: https://thoibao.de/nguoi-viet-o-duc/11385/ky-niem-72-nam-quoc-khanh-2%252f9-giua-mot-nhom-nguoi-viet-tu-tap-voi-nhau-tai-dai-su-quan-berlin.htm

3/ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkkel : https://baochinhphu.vn/Thu-tuong-tham-va-lam-viec-tai-Chau-Au/Duc-se-dua-van-de-Bien-Dong-ra-Hoi-nghi-ASEM-10/211210.vgp

 

Việt Nam “vỡ mộng” về tấm Hộ chiếu quyền lực

0
Sputnik

Đây là báo cáo so sánh chỉ số Hộ chiếu của 193 quốc gia thành viên và 6 lãnh thổ của Liên Hiệp Quốc.

Với vị trí xếp hạng thứ 77, Việt Nam đồng hạng với Guinea, Ấn Độ, Chad và Campuchia. Theo bảng xếp hạng này, công dân Việt Nam có thể đến 20 nước mà không cần xin visa và chỉ cần xin visa khi đến cửa khẩu của 29 nước.

Tại bảng xếp hạng này, hộ chiếu Singapore lần tăng 1 bậc, trở thành 1 trong hai hộ chiếu “quyền lực nhất thế giới”, cùng hộ chiếu của Đức.

Theo đó, người Đức có thể đến 125 quốc gia không có thị thực, trong khi con số cho người có hộ chiếu Singapore là 122.

Ở vị trí thứ 3 là hộ chiếu các nước Mỹ, Anh và Hàn Quốc.

Hộ chiếu của Afghanistan “yếu” nhất thế giới, xếp thứ 93 trên bảng đánh giá, thấp hơn cả nước đang có chiến tranh là Syria.

Như vậy, công dân nước này chỉ được 24 quốc gia miễn visa hoàn toàn hoặc tới nơi mới xin visa.

Nguồn: Người đồng hành

Việt Nam: Lộ tài liệu tối mật về tranh chấp biên giới, biển đảo

0
Đã có 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước được phát hiện từ năm 2001 đến nay. Báo cáo UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết, có nhiều tài liệu trong số đó thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo…

Đây là nội dung thể hiện trong Tờ trình dự thảo luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Chính phủ trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội chiều 10/8.

Đánh giá khái quát của cơ quan hành chính nhà nước về sự cần thiết xây dựng luật này là vì Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.

Một trong các hạn chế là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, từ năm 2001 đến nay, các cơ quan đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

Đảo trên Biển Đông

Đảo trên Biển Đông

Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế…

Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…

Chính phủ cũng nhận định, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, bọn tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để thực hiện các mục tiêu này thì hoạt động tình báo, gián điệp để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật nhà nước được đặc biệt chú ý.

Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết — tờ trình nêu rõ.

Dự thảo luật được xây dựng và bố cục thành 5 chương, 41 điều. Cơ quan soạn thảo cho biết, khái niệm bí mật nhà nước được xác định rõ hơn về hình thức, nội dung và tiêu chí, là cơ sở phân biệt giữa bí mật nhà nước với các loại bí mật khác (bí mật đời tư, bí mật công tác, bí mật nội bộ), tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Theo đó, bí mật nhà nước là “thông tin, vật, khu vực cấm, địa điểm cấm có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, các lĩnh vực khác, được quy định bằng danh mục bí mật nhà nước, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Điểm mới nữa là dự thảo luật quy định phạm vi bí mật nhà nước theo hướng khái quát hóa (không chia phạm vi bí mật nhà nước theo từng cấp độ mật). Căn cứ phạm vi bí mật nhà nước và tiêu chí xác định độ mật quy định tại dự thảo, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương xác định và lập danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức mình trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Về thẩm quyền, dự thảo luật sửa đổi thẩm quyền quyết định danh mục bí mật nhà nước theo hướng Thủ tướng quyết định danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.

Chính phủ giải thích, việc sửa đổi nêu trên là do khái niệm bí mật nhà nước, phạm vi bí mật nhà nước, tiêu chí xác định cấp độ mật của bí mật nhà nước mớichỉ mang tính chất khung. Do đó, danh mục bí mật nhà nước cần được xem xét, cân nhắc thận trọng, toàn diện với sự tham gia của các cơ quan có liên quan và quyết định bởi chủ thể có thẩm quyền để làm cơ sở áp dụng chung và thống nhất.

Quy định về hoạt động bảo vệ nhà nước cũng có những nội dung mới. Cụ thể, dự thảo đã luật hóa quy định mang bí mật nhà nước đi công tác trong nước, đi công tác nước ngoài, về nhà riêng.

Để bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu, đồng thời khắc phục nhược điểm Pháp lệnh năm 2000, dự thảo không quy địnhtrách nhiệm của cán bộ đi công tác nước ngoài có mang bí mật nhà nước phải xuất trình văn bản xin phép có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Nguồn: Dân Trí

Căng thẳng Biển Đông: Việt Nam phản đối TQ tuyên bố bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa

0
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việc Trung Quốc tuyên bố huấn luyện bắn đạn thật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 5/9, trước việc Trung Quốc tuyên bố huấn luyện bắn đạn thật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối và nêu quan điểm kiên quyết về vấn đề này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việc Trung Quốc tuyên bố huấn luyện bắn đạn thật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông”.

Bà Hằng nhấn mạnh quan điểm, Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông.

“Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982” — bà Hằng khẳng định.

Thời gian qua Trung Quốc vẫn thường công bố tổ chức những cuộc diễn tập trên Biển Đông, trong bước đi nhằm cho thấy sự minh bạch trong các đợt triển khai quân đội. Trung Quốc vẫn đang vấp phải chỉ trích từ quốc tế về những hành động đơn phương này.

Nguồn: Dân Trí

Vì sao FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết vô tư “lộng hành” ngay giữa Hà Nội?

Tinh thần 8B Lê Trực đã “bỏ qua” FLC?

Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà NộiNguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã phong tỏa tài khoản của chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực. Trước mắt, để đẩy nhanh tiến độ, thành phố giao UBND quận Ba Đình ứng tiền ngân sách cho việc phá dỡ, tuy nhiên sau này toàn bộ chi phí phá dỡ, tiền lãi phát sinh, chủ đầu tư 8B Lê Trực phải chịu. Đó là bài học cho một công trình sai phép xây dựng ở thủ đô mà chính quyền Hà Nội kiên quyết xử nghiêm với sai phạm.

Tưởng rằng lỗi của chủ đầu tư cao ốc 8B Lê Trực là lớn nhất, nhưng xem chừng còn kém xa “đẳng cấp” FLC tại công trình FLC Green Home (18A đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). FLC đã không thèm xin phép xây dựng, tự thay đổi dự án được cấp phép bãi đỗ xe, cây xanh và văn phòng với giấy phép xây dựng là 5 tầng thành dự án “Khách sạn và văn phòng lưu trú” với chiều cao dự kiến là 35 tầng. FLC đã cho mình cái quyền đứng trên cả luật pháp, với ý đồ đẩy chính quyền TP. Hà Nội vào thế việt vị với sai phạm của họ. Và kết quả là công trình không phép, sai phạm đó đã mọc lên “chình ình” giữa thủ đô.

Tổng thầu thi công cho công trình tai tiếng này chính là Công ty Cổ phần Xây dựng Faros nổi danh trong mấy ngày qua với cái tên rất kiêu:

“Ông vua tốc độ thi công lên sàn”. Trên trang chủ website https://faros.vn vẫn là hình ảnh công trình FLC Green Home với thông tin: “Nằm tại trung tâm đô thị mới, phía Tây thủ đô Hà Nội, FLC Green Home được kỳ vọng là một kiểu mẫu mới về căn hộ ở. Cao 35 tầng, khu tầng hầm kiểu mẫu tự động để xe rộng rãi, tích hợp đầy đủ tiện ích được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ tầng đồng bộ và an toàn”.

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Hà Nội, Faros vẫn hồn nhiên thi công.

© Ảnh: Người Tiêu Dùng

Bất chấp “lệnh cấm” của chính quyền Hà Nội, Faros vẫn “hồn nhiên” thi công.

Tại một số sàn giao dịch bất động sản khác, dự án FLC Green Home được quảng bá khá rầm rộ. Trang web có địa chỉ www.chungcuflcgreenhome.xyz (có địa chỉ liên hệ mua chung cư chỉ thẳng đến FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ) cho biết dự án này có nhà thiết kế của Anh, diện tích tổng thể là 10.629 m2, diện tích sàn xây dựng dự kiến khoảng 1.200m2 — 1.600 m2, 500 căn hộ và cao 50 tầng. Mỗi tầng có 10 căn hộ, 6 thang máy và 2 thang bộ…

Thậm chí, website này còn quảng bá FLC Green Home có bể bơi, sân đỗ trực thăng trên cao, siêu thị, nhà trẻ, ngân hàng, phòng khám… Thời gian giao nhà dự kiến cuối năm 2017.

Chính quyền địa phương có bị… “tê liệt” trước sai phạm?

Dự án “FLC Green Home” do Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Magnus Capita làm chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng xong phần móng mà không có giấy phép xây dựng. Cần phải nói rõ, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Magnus Capita, Công ty Faros cũng đều thuộc tập đoàn FLC của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết, người đang được giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam nghi ngờ là chỉ giỏi “chém gió”. Chúng ta hãy cùng nhìn sự thách thức pháp luật của FLC Green Home hay nói đúng hơn là phong cách làm việc “bừa, ẩu” của Tập đoàn FLC.

Ngày 18/12/2015, Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình. Ngày 24/2/2015, UBND quận Nam Từ Liêm ra quyết định (số 5992) xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty Magnus Capita vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Quyết định xử phạt số 5992 nêu rõ biện pháp khắc phục:

“Công ty Magnus Capita phải xin giấy phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày UBND phường Mỹ Đình 2 ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng. Quá thời hạn trên, nếu Công ty Magnus Capita không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị cưỡng chế phá dỡ”.

Thế nhưng, thời hạn theo yêu cầu của quận trôi qua nhiều ngày, Công ty Magnus Capita vẫn không xuất trình được giấy phép xây dựng. Vì thế, ngày 24/3/2016, UBND quận Nam Từ Liêm ra quyết định số 1085  “cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. Quyết định 1085 nêu rõ lý do cưỡng chế là Công ty Magnus Capita không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả tại quyết định 5992. Biện pháp cưỡng chế theo quyết định 1085 là phá dỡ công trình (phần móng đã xây xong) vi phạm trật tự xây dựng không có giấy phép xây dựng.

Vụ việc còn nghiêm trọng hơn khi mà, đầu tháng 6/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo giao Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra làm rõ sai phạm tại dự án này và kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có), báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/6… Thế nhưng, tất thảy mọi cố gắng của chính quyền Hà Nội để phá dỡ công trình sai phạm này đều rơi vào im lặng!? Không biết, Chủ tịch quận Nam Từ Liêm đã báo cáo lại Thành ủy, UBND TP. Hà Nội những gì? Không biết việc kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có), mà thực chất là đã quá rõ có được thực hiện đúng như chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hay không? Chỉ biết rằng FLC Green Home vẫn “bình yên vô sự” khiến cho dư luận hình dung ra một FLC đang “lộng hành” ở ngay giữa Thủ đô là hoàn toàn có cơ sở. FLC đang “cậy tiền” hay “cậy ai” mà lại có thể “gấu” đến như vậy?

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC

© Ảnh: Người Tiêu Dùng

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC

FLC phạm luật: Có truyền thống!

Nói như vậy, có lẽ phiến diện nếu như không điểm lại sai phạm tại cao ốc FLC Landmark (đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm) vượt tầng, sai phép. Trên sân thượng của FLC Landmark có 18 căn hộ xây “chui” và nhiều cư dân sinh sống tại đây. Theo Giấy phép xây dựng, tòa nhà FLC Landmark gồm 3 khối: khối tầng hầm gồm 2 tầng, khối văn phòng cho thuê có 5 tầng và khối chung cư cao cấp gồm 25 tầng. Trong đó, khối chung cư cao cấp có 300 căn hộ, diện tích sử dụng 124 m2, 153 m2 và 159 m2; khối văn phòng 5 tầng có tổng diện tích hơn 10.000 m2, tầng 1 và 2 tập trung cho trung tâm thương mại, tầng 3, 4, 5 là khu vực văn phòng làm việc; 2 tầng hầm diện tích lớn làm bãi đậu xe. Rõ ràng theo đúng như Giấy phép xây dựng tòa nhà này là 32 (tính cả tầng hầm), ngay cả trang điện tử flc.vn, cũng ghi rõ “FLC Landmark Tower có diện tích đất xây dựng 2.467 m2, số tầng 32″. Ngoài việc FLC Landmark có “18 căn hộ chui” trên sân thượng thì theo thông tin chúng tôi có được, khối văn phòng cho thuê của tòa này còn có một tầng 5B có nghĩa là vượt phép xây dựng 1 tầng. Vụ việc này cũng “chìm xuồng” theo cách phạt cho tồn tại. “Kỷ cương, phép nước” trở thành trò đùa.

Phối cảnh tòa nhà FLC Green Home (18A đường Phạm Hùng, Hà Nội).

© Ảnh: Người Tiêu Dùng

Phối cảnh tòa nhà FLC Green Home (18A đường Phạm Hùng, Hà Nội).

FLC đã và sẽ thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng bằng những việc làm trái pháp luật. Nhưng thật lạ kỳ, ở mỗi vụ việc như vậy, dường như các cơ quan có trách nhiệm đều “tê liệt” trước các sai phạm. Dư luận, cử tri mong muốn UBND TP. Hà Nội sẽ thanh tra toàn diện việc chấp pháp tại các dự án của FLC trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, lấy tinh thần xử lý quyết liệt, triệt để của vụ cao ốc 8B Lê Trực để đảm bảo sự “thượng tôn pháp luật” với những sai phạm của Tập đoàn FLC. Đó cũng chính là hành động đanh thép và thiết thực mà Hà Nội nên làm để đáp lại lời kêu gọi về một Chính phủ liêm chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết. Ngược lại, nếu các sai phạm có hệ thống của FLC tiếp tục “chìm vào quên lãng”, cũng đồng nghĩa với việc uy tín của chính quyền thành phố sẽ “lún sâu” vào sự bất tuân pháp luật, thiếu trách nhiệm gây hệ lụy “nhờn thuốc” trong quản lý trật tự xã hội.

Bão Thần Sấm có lẽ đã phơi bày “tử huyệt” dự án nhiều nghìn tỷ ở Quảng Ninh của FLC khi bùn, đất và vật liệu xây dựng lại tràn xuống tàn phá nhà dân. Một số cơ quan chức năng thuộc tỉnh Quảng Ninh đã cấp phép thiếu tính toán dựa trên các phân tích khoa học, hay FLC đã thi công ẩu mà xem thường cuộc sống của người dân. Dân nghèo không chơi golf nhưng lại lầm than vì đại dự án ngốn quá nhiều ha đất rừng này… Những thông tin trên sẽ được báo Người Tiêu Dùng gửi tới độc giả trong bài tiếp theo: Dân lầm than vì đại dự án của FLC Quảng Ninh.

Nguồn: Người Tiêu Dùng

Đơn xin nghĩ việc của cô giáo trẻ vì lương 4,3 triệu/1 tháng không đủ trang trải và phụ giúp gia đình

0
hoangtran

Đăng hình ảnh lá đơn xin nghỉ việc viết tay kèm câu chuyện của mình lên mạng xã hội, cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Quyết định này khiến nhiều người bất ngờ, mẹ cô cũng nhiều lần can ngăn, phản đối.

Câu chuyện nghỉ việc kèm những dòng chú thích chia sẻ tâm trạng của Kim Anh khi đưa ra một quyết định không dễ dàng trở thành đã chủ đề bàn tán của nhiều diễn đàn về giáo dục.

Với mức lương 4,3 triệu đồng/tháng, cô giáo trẻ Hoàng Kim Anh (Cao Bằng) không đủ trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.

Cô giáo 9X viết: “Mình là giáo viên mầm non, đã vào biên chế và đang chuẩn bị nộp đơn xin nghỉ việc. Mình muốn làm những việc mình thích, lấy người mình yêu. Muốn ra thế giới bên ngoài bươn chải thêm một chút nữa, muốn gặp gỡ và tìm đúng người mình yêu, chứ không muốn gò bó ổn định luôn bây giờ.

Nhưng mẹ mình bảo mình mà không có một công việc ổn định thì sẽ không lấy được người chồng tốt, sau này còn tương lai con cái. Mình mà cứ nay làm việc này, mai làm việc khác thì mọi người khinh thường.

Nhưng mình lại thấy khác. Lúc mình chưa đi làm mà ở nhà kinh doanh, cũng có nói chuyện với 1 – 2 người gì đó, nói chuyện vài câu rồi từ lúc biết nhà mình là mất hút luôn (nhà mình không khá giả, bố mẹ lại li dị), biết thế nên mình cũng kệ. Rồi từ lúc đi làm, thì cũng có một vài người theo đuổi nhưng mình cứ thấy nó làm sao đó, nó không thật lòng, nó gượng gạo lắm. Như kiểu đến tuổi thì phải kết hôn, tìm một người việc làm ổn định cưới bừa đi là được. Mà mình thì không muốn như thế.

Nên là giờ mình viết đơn này định chiều nay sẽ nộp. Mình sẽ ra ngoài bươn chải, kiếm việc làm để học hỏi kinh nghiệm và sau này sẽ tự mở cái gì đó, rồi chăm lo cho gia đình”.

 Hình ảnh đơn xin nghỉ việc của cô giáo mầm non Kim Anh.

Hình ảnh đơn xin nghỉ việc của cô giáo mầm non Kim Anh.

Trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Hoàng Kim Anh cho biết, năm ngoái, cô thi viên chức. Sau khi thi đỗ thì được phân công vào làm việc tại huyện Bảo Lâm.

Lý do lớn chính khiến Kim Anh đưa ra quyết định xin nghỉ bởi gia đình cô không có điều kiện. Mức lương hiện tại của Kim Anh là 4.300.000 đồng. Trừ đi các khoản ăn uống, tiền phòng trọ, sinh hoạt hàng ngày, tiền nộp một bộ đồ chơi theo chủ đề dạy, các khoản quỹ, từ thiện…, cô giáo không đủ trang trải và phụ giúp gia đình.

“Vì nhà em không có điều kiện cho lắm nên học xong ra trường cũng chỉ muốn giúp đỡ được mẹ phần nào. Mà lương như thế thật sự là muốn giúp mẹ cũng không được, hồi mới đi làm em còn phải xin tiền mẹ nữa.

Em gái em thì còn nhỏ tuổi, em cứ làm giáo viên sợ sau này em em lớn rồi, khi đó em lại có chồng con nữa sợ không đủ tiền trang trải nuôi em gái ăn học. Lương em còn đỡ, có các bạn làm hợp đồng lương tháng có hơn 2-3 triệu/tháng thì càng khó. Bọn em biết phải làm sao?”, cô Kim Anh bộc bạch.

Sau 1 năm công tác, Kim Anh đã đủ thấm thía gian truân, áp lực của một giáo viên mầm non ở điểm trường miền núi.

 Đường đến điểm trường Nà Luông thuộc trường Nà Kiềng (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) - ngôi trường mà cô giáo Kim Anh dạy trước khi chuyển công tác ra thị trấn Pác Miều.

Đường đến điểm trường Nà Luông thuộc trường Nà Kiềng (xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) – ngôi trường mà cô giáo Kim Anh dạy trước khi chuyển công tác ra thị trấn Pác Miều.

Ngày đầu đi làm, cô giáo trẻ được phân công dạy ở điểm trường Nà Luông, thuộc trường Nà Kiềng xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm. Đường đồi núi cao chót vót, các cô mỗi sáng đi làm gần nhất cũng phải đi 6 km tính từ trung tâm xã. Nhưng bù lại, lương ở đây cao hơn (được 6,7 triệu đồng/tháng). Đến hè, cô Kim Anh được chuyển công tác ra thị trấn vì nơi đây thiếu giáo viên nhưng lương lại thấp hơn. Và sĩ số lớp học thì lên tới gần 40 em.

“Cô hiệu trưởng phân em với 2 cô giáo khác cùng tiếp quản một lớp có 39 trẻ. Nhưng thời điểm đó có một cô chuẩn bị chuyển đi (hiện tại thì đã chuyển rồi) nên rất khó khăn. Ngày nào cũng chỉ có hai cô giáo trông nom 39 trẻ, trong đó hơn 30 trẻ nằm ở độ tuổi lên 3. Mới đầu năm đi học nên nhiều trẻ chưa quen, trẻ khóc, nghịch rồi ị, tè đủ cả. Mà lớp em phụ trách còn có cả trẻ chậm phát triển nhưng cô hiệu trưởng lại bảo không được để trẻ ở lại lớp.

Em mới đi làm, chưa thích nghi được nên là thấy đau đầu lắm. Sáng đến lớp từ 7 giờ, lau dọn lớp học, thay quần áo tè ị, nôn cũng hết mất thời gian rồi. Đến trưa thì xếp bàn ra cho trẻ ăn cơm, ăn xong rồi lại lau dọn dẹp bàn, quét lớp, lau lớp. Trẻ ngủ thì giáo viên cũng có được ngủ đâu, phải thức trông trẻ vì sợ trẻ bị làm sao. Sau đó lại dậy ăn chiều, ăn xong lại lau dọn. Làm quần quật đến 5 giờ chiều, lau dọn lớp xong thì mới được về.

Gần 40 đứa trẻ mà lỡ một đứa bị sao thì phụ huynh lại sốt vó lên rồi trách cô giáo này nọ. Thật sự khi đi làm không có phút giây nào là dám lơ đãng cả. Đấy là đầu năm còn chưa bị soạn giáo án. Sau này soạn giáo án rồi lại phải lên lớp dạy học, bình thường trông thôi đã khó mà giờ còn phải dạy học nữa, lãnh đạo thì thường xuyên dự giờ kiểm tra. Chưa kể còn các chương trình văn nghệ của trường, vừa phải đảm bảo lên lớp đủ tiết, vừa cho trẻ tập tiết mục văn nghệ.

Em chưa có gia đình mà đi làm về chỉ muốn nằm ngủ. Không biết các chị có gia đình rồi thì như thế nào nữa. Còn công việc gia đình, giáo án…”, cô giáo 9X chia sẻ.

Câu chuyện của cô giáo mầm non Cao Bằng nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn với hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận trái chiều. Có người trách cô giáo trẻ vội vàng, nôn nóng, còn bốc đồng thích bay nhảy tuổi trẻ, chưa thực sự yêu nghề nên mới từ bỏ vị trí nhưng cũng nhiều người ủng hộ quyết định này của cô vì đồng cảm với nỗi vất vả của giáo viên mầm non, áp lực và khối lượng công việc lớn nhưng lương không đủ trang trải cuộc sống…

Theo cô giáo 23 tuổi, cô viết câu chuyện của mình chỉ mong thoải mái hơn và có chút động lực để làm công việc mới.

“Khát” giáo viên mầm non

Theo số liệu từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), riêng trong năm học 2016-2017, cả nước tăng đến hơn 26.000 giáo viên mầm non, nâng số giáo viên mầm non cả nước lên 344.994 người.

Số lượng giáo viên tăng nhanh và mạnh, nhưng đến hiện tại tình trạng thiếu giáo viên bậc mầm non vẫn chưa được khắc phục.

Tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu (An Giang: 1,28, Sơn La: 1,31, Hà Giang 1,32, Lai Châu: 1,34, Hưng Yên: 1,35, Gia Lai 1,38).

Một thống kê khác từ lãnh đạo TP.HCM, địa phương này đang thiếu đến 11.014 giáo viên mầm non, riêng giáo viên công lập thiếu 3.319 người.

Như năm học 2016-2017, thành phố cần tuyển trên 2.380 nhưng chỉ tuyển được 1.760, thiếu trên 620 giáo viên mầm non.

Tuy vậy, mỗi năm có trên 1.000 giáo viên ra khỏi hệ thống mầm non, ở nhiều trường học/cơ sở giáo dục mầm non giáo viên phải làm việc trên 12 giờ đồng hồ vẫn chưa hết việc…

Lệ Thu

____________