Vì sao FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết vô tư “lộng hành” ngay giữa Hà Nội?

0
848
© Ảnh: Người Tiêu Dùng
Tinh thần 8B Lê Trực đã “bỏ qua” FLC?

Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP. Hà NộiNguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã phong tỏa tài khoản của chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực. Trước mắt, để đẩy nhanh tiến độ, thành phố giao UBND quận Ba Đình ứng tiền ngân sách cho việc phá dỡ, tuy nhiên sau này toàn bộ chi phí phá dỡ, tiền lãi phát sinh, chủ đầu tư 8B Lê Trực phải chịu. Đó là bài học cho một công trình sai phép xây dựng ở thủ đô mà chính quyền Hà Nội kiên quyết xử nghiêm với sai phạm.

Tưởng rằng lỗi của chủ đầu tư cao ốc 8B Lê Trực là lớn nhất, nhưng xem chừng còn kém xa “đẳng cấp” FLC tại công trình FLC Green Home (18A đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). FLC đã không thèm xin phép xây dựng, tự thay đổi dự án được cấp phép bãi đỗ xe, cây xanh và văn phòng với giấy phép xây dựng là 5 tầng thành dự án “Khách sạn và văn phòng lưu trú” với chiều cao dự kiến là 35 tầng. FLC đã cho mình cái quyền đứng trên cả luật pháp, với ý đồ đẩy chính quyền TP. Hà Nội vào thế việt vị với sai phạm của họ. Và kết quả là công trình không phép, sai phạm đó đã mọc lên “chình ình” giữa thủ đô.

Tổng thầu thi công cho công trình tai tiếng này chính là Công ty Cổ phần Xây dựng Faros nổi danh trong mấy ngày qua với cái tên rất kiêu:

“Ông vua tốc độ thi công lên sàn”. Trên trang chủ website https://faros.vn vẫn là hình ảnh công trình FLC Green Home với thông tin: “Nằm tại trung tâm đô thị mới, phía Tây thủ đô Hà Nội, FLC Green Home được kỳ vọng là một kiểu mẫu mới về căn hộ ở. Cao 35 tầng, khu tầng hầm kiểu mẫu tự động để xe rộng rãi, tích hợp đầy đủ tiện ích được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ tầng đồng bộ và an toàn”.

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Hà Nội, Faros vẫn hồn nhiên thi công.

© Ảnh: Người Tiêu Dùng

Bất chấp “lệnh cấm” của chính quyền Hà Nội, Faros vẫn “hồn nhiên” thi công.

Tại một số sàn giao dịch bất động sản khác, dự án FLC Green Home được quảng bá khá rầm rộ. Trang web có địa chỉ www.chungcuflcgreenhome.xyz (có địa chỉ liên hệ mua chung cư chỉ thẳng đến FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ) cho biết dự án này có nhà thiết kế của Anh, diện tích tổng thể là 10.629 m2, diện tích sàn xây dựng dự kiến khoảng 1.200m2 — 1.600 m2, 500 căn hộ và cao 50 tầng. Mỗi tầng có 10 căn hộ, 6 thang máy và 2 thang bộ…

Thậm chí, website này còn quảng bá FLC Green Home có bể bơi, sân đỗ trực thăng trên cao, siêu thị, nhà trẻ, ngân hàng, phòng khám… Thời gian giao nhà dự kiến cuối năm 2017.

Chính quyền địa phương có bị… “tê liệt” trước sai phạm?

Dự án “FLC Green Home” do Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Magnus Capita làm chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng xong phần móng mà không có giấy phép xây dựng. Cần phải nói rõ, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Magnus Capita, Công ty Faros cũng đều thuộc tập đoàn FLC của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết, người đang được giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam nghi ngờ là chỉ giỏi “chém gió”. Chúng ta hãy cùng nhìn sự thách thức pháp luật của FLC Green Home hay nói đúng hơn là phong cách làm việc “bừa, ẩu” của Tập đoàn FLC.

Ngày 18/12/2015, Đội Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm đã lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình. Ngày 24/2/2015, UBND quận Nam Từ Liêm ra quyết định (số 5992) xử phạt 50 triệu đồng đối với Công ty Magnus Capita vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Quyết định xử phạt số 5992 nêu rõ biện pháp khắc phục:

“Công ty Magnus Capita phải xin giấy phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày UBND phường Mỹ Đình 2 ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng. Quá thời hạn trên, nếu Công ty Magnus Capita không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị cưỡng chế phá dỡ”.

Thế nhưng, thời hạn theo yêu cầu của quận trôi qua nhiều ngày, Công ty Magnus Capita vẫn không xuất trình được giấy phép xây dựng. Vì thế, ngày 24/3/2016, UBND quận Nam Từ Liêm ra quyết định số 1085  “cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. Quyết định 1085 nêu rõ lý do cưỡng chế là Công ty Magnus Capita không chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả tại quyết định 5992. Biện pháp cưỡng chế theo quyết định 1085 là phá dỡ công trình (phần móng đã xây xong) vi phạm trật tự xây dựng không có giấy phép xây dựng.

Vụ việc còn nghiêm trọng hơn khi mà, đầu tháng 6/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo giao Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra làm rõ sai phạm tại dự án này và kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có), báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 10/6… Thế nhưng, tất thảy mọi cố gắng của chính quyền Hà Nội để phá dỡ công trình sai phạm này đều rơi vào im lặng!? Không biết, Chủ tịch quận Nam Từ Liêm đã báo cáo lại Thành ủy, UBND TP. Hà Nội những gì? Không biết việc kiên quyết xử lý vi phạm (nếu có), mà thực chất là đã quá rõ có được thực hiện đúng như chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung hay không? Chỉ biết rằng FLC Green Home vẫn “bình yên vô sự” khiến cho dư luận hình dung ra một FLC đang “lộng hành” ở ngay giữa Thủ đô là hoàn toàn có cơ sở. FLC đang “cậy tiền” hay “cậy ai” mà lại có thể “gấu” đến như vậy?

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC

© Ảnh: Người Tiêu Dùng

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC

FLC phạm luật: Có truyền thống!

Nói như vậy, có lẽ phiến diện nếu như không điểm lại sai phạm tại cao ốc FLC Landmark (đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm) vượt tầng, sai phép. Trên sân thượng của FLC Landmark có 18 căn hộ xây “chui” và nhiều cư dân sinh sống tại đây. Theo Giấy phép xây dựng, tòa nhà FLC Landmark gồm 3 khối: khối tầng hầm gồm 2 tầng, khối văn phòng cho thuê có 5 tầng và khối chung cư cao cấp gồm 25 tầng. Trong đó, khối chung cư cao cấp có 300 căn hộ, diện tích sử dụng 124 m2, 153 m2 và 159 m2; khối văn phòng 5 tầng có tổng diện tích hơn 10.000 m2, tầng 1 và 2 tập trung cho trung tâm thương mại, tầng 3, 4, 5 là khu vực văn phòng làm việc; 2 tầng hầm diện tích lớn làm bãi đậu xe. Rõ ràng theo đúng như Giấy phép xây dựng tòa nhà này là 32 (tính cả tầng hầm), ngay cả trang điện tử flc.vn, cũng ghi rõ “FLC Landmark Tower có diện tích đất xây dựng 2.467 m2, số tầng 32″. Ngoài việc FLC Landmark có “18 căn hộ chui” trên sân thượng thì theo thông tin chúng tôi có được, khối văn phòng cho thuê của tòa này còn có một tầng 5B có nghĩa là vượt phép xây dựng 1 tầng. Vụ việc này cũng “chìm xuồng” theo cách phạt cho tồn tại. “Kỷ cương, phép nước” trở thành trò đùa.

Phối cảnh tòa nhà FLC Green Home (18A đường Phạm Hùng, Hà Nội).

© Ảnh: Người Tiêu Dùng

Phối cảnh tòa nhà FLC Green Home (18A đường Phạm Hùng, Hà Nội).

FLC đã và sẽ thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng bằng những việc làm trái pháp luật. Nhưng thật lạ kỳ, ở mỗi vụ việc như vậy, dường như các cơ quan có trách nhiệm đều “tê liệt” trước các sai phạm. Dư luận, cử tri mong muốn UBND TP. Hà Nội sẽ thanh tra toàn diện việc chấp pháp tại các dự án của FLC trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, lấy tinh thần xử lý quyết liệt, triệt để của vụ cao ốc 8B Lê Trực để đảm bảo sự “thượng tôn pháp luật” với những sai phạm của Tập đoàn FLC. Đó cũng chính là hành động đanh thép và thiết thực mà Hà Nội nên làm để đáp lại lời kêu gọi về một Chính phủ liêm chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết. Ngược lại, nếu các sai phạm có hệ thống của FLC tiếp tục “chìm vào quên lãng”, cũng đồng nghĩa với việc uy tín của chính quyền thành phố sẽ “lún sâu” vào sự bất tuân pháp luật, thiếu trách nhiệm gây hệ lụy “nhờn thuốc” trong quản lý trật tự xã hội.

Bão Thần Sấm có lẽ đã phơi bày “tử huyệt” dự án nhiều nghìn tỷ ở Quảng Ninh của FLC khi bùn, đất và vật liệu xây dựng lại tràn xuống tàn phá nhà dân. Một số cơ quan chức năng thuộc tỉnh Quảng Ninh đã cấp phép thiếu tính toán dựa trên các phân tích khoa học, hay FLC đã thi công ẩu mà xem thường cuộc sống của người dân. Dân nghèo không chơi golf nhưng lại lầm than vì đại dự án ngốn quá nhiều ha đất rừng này… Những thông tin trên sẽ được báo Người Tiêu Dùng gửi tới độc giả trong bài tiếp theo: Dân lầm than vì đại dự án của FLC Quảng Ninh.

Nguồn: Người Tiêu Dùng