Nón cối tôi chẳng cảm thấy vinh dự, sung sướng hay tự hào chút nào khi nói về mình. Có điều vừa qua, một biến cố xảy ra khiến tôi buộc lòng phải lên tiếng. Đó là chuyện Cả trường đội mũ cối trong ngày khai giảng. Người Bắc gọi tôi là mũ cối, nguời Nam gọi nón cối, khác nhau chút đỉnh nhưng gọi thế nào thì tôi vẫn là tôi.
Cả trường đội mũ cối trong ngày khai giảng
Không hiểu tại sao lại xảy ra “sự cố” này? Do đó tôi lên tiếng tự nhận định, thanh minh về mình để những vị giáo sư, tiến sĩ, học giả, học thiệt, hàn lâm viện sĩ của nước CHXHCNVN, những vị kiến thức mênh mông như biển cả, chữ nghĩa bao trùm thiên hạ như cát sa mạc Sahara, vui lòng giải thích giùm về nguyên nhân “sự cố” nói trên.
Tôi không biết mình sinh ra ngày tháng nào, bao nhiêu tuổi, cha mẹ mình là ai, có bao nhiêu anh em… bởi tôi không có khai sinh. Nhưng mà tôi biết chắc một điều, tôi đã hiện diện trên mảnh đất hình chữ S này lâu lắm rồi, dường như là từ hồi đầu thế kỷ trước.
Tôi đã đi khắp các miền, các nẻo đường đất nước để tìm kiếm nguồn gốc mình nhưng cũng không có chút manh mối nào. Câu hỏi, tôi hiện diện trên cõi đời này trước hay sau khi có ông Hồ Chí Minh, không ai trả lời được. Tôi có mặt khắp nơi, từ vùng rừng núi, khu lòng chảo Điện Biên lạnh lẽo, ẩm ướt qua con đường mòn dọc theo dãy Trường Sơn chim kêu, vượn hú, trải đầy Xương Trắng (*), đến vùng Đồng Tháp Mười “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa nổi lềnh bềnh như bánh canh”.
Một thời gian dài ở miền Bắc của đất nước hình chữ S, tôi đã trở thành môt biểu tượng, một vật bất ly thân của hầu hết người dân, đàn ông, phụ nữ, thanh niên, thiếu nữ… Từ lãnh đạo đất nước cao nhất như ông Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, từ chủ tịch nước đến bí thư xã, huyện… ai ai cũng đội tôi lên đầu. Trời nắng gió hay mưa bão, ra ngoài đồng, vào nhà ăn, hội họp, liên hoan, họ luôn có tôi bên cạnh. Tôi có mặt mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc như một sự hòa đồng không giai cấp giữa tất cả mọi người, không có cách biệt giữa lãnh đạo với người dân, giữa ông đại tướng đến anh binh nhì, hạ sĩ.
Sau ngày 30.04.1975, một số người dân miền Nam cũng a dua, đua đòi à-la-mode Nón Cối. Không hiểu tại sao, nhưng dường như sự hiện diện của tôi trên đầu tạo thêm cho họ một ít cảm giác bình yên hoặc một sự kết nối thân thiện lúc đầu gặp gỡ trong một xã hội ngột ngạt, khó thở, chỗ nào cũng có những cặp mắt nghi kị, dòm ngó, dò xét đầy đe dọa. Thật ra cảm giác bình yên đó chỉ là ảo giác bởi những người cùng đội nón cối, từng là đồng chí thân thiết với nhau, ăn cùng mâm, trốn cùng hầm vẫn tìm cách sát hại, thanh toán lẫn nhau khi tranh giành địa vị, chức tước, quyền lợi…
Tiếp theo sau đó là, đến sư sải, thầy chùa, cha cố, linh mục… cũng bắt chước, chẳng ra thể thống gì. Mặc áo cà sa vàng, áo nâu sòng, xám của sư sải hoặc đen tuyền của linh mục mà chụp tôi lên đầu thì thật vô duyên, dị hợm và cũng vô cùng phản cảm. Tại sao những người này lại làm như vậy, họ có biết để tôi chễm chệ trên đầu họ là bôi bác tôn giáo hay không? Họ quá biết đi chứ nhưng vì họ là sư sải, thầy chùa, đại đức, thượng tọa, linh mục, cha cố quốc doanh nên họ phải làm theo ý của đảng cầm quyền. Đơn giản vậy thôi, tất cả chỉ vì mục đích chính trị.
Hồ Ngọc Thắng trong một lần ra đảo Trường Sa.
Ngay cả Hồ Ngọc Thắng, một người Đức gốc Việt, kẻ nổi tiếng thứ hai trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, khi về Việt Nam dâng hương tưởng niệm liệt sĩ QĐND ở Trường Sa từ năm 2015, cũng đem tôi chụp lên đầu làm biểu tượng lấy điểm trong lúc chụp hình. Qua bên Đức, chắc chắn Thắng không bao giờ dám cho tôi ngồi lên đầu khi ra ngoài đường hay đến những nơi công cộng.
Tôi biết mình không đẹp. Mỗi khi soi gương, nhìn màu ô-liu hay màu gì khác đi nữa, tôi thấy màu nào cũng không thể phủ lấp vóc dáng quê kệch của mình so với dáng vẻ thanh nhã, yểu điệu với màu vàng nhạt, thân thể mảnh mai của Nón Lá, một người chị họ con chú con bác của tôi, nên tôi cảm thấy buồn và tủi thân. Chị Nón Lá đã mảnh mai, nhẹ nhàng lại có thể trang điểm thêm bằng những bài thơ, viết đan vào giữa các lá hoặc bọc một lớp nhựa mỏng trang trí bằng những bông hoa đủ màu sắc tươi đẹp.
Tôi nghe nói chị Nón Lá đã là biểu tượng một thời của phụ nữ miền Nam trước tháng Tư năm 1975. Điều này chắc đúng, bởi đội chị Nón Lá sẽ làm nổi bật sự duyên dáng, thùy mị, kín đáo của người phụ nữ miền Nam, điều mà tôi không có khả năng.
Hơn nữa chị che nắng tốt hơn tôi rất nhiều khi người đội phải ra đường hay làm việc ngoài đồng. Chính điều này khiến Nón Lá không những là vật trang điểm cho các thiếu nữ mà còn giúp cho những người dân lao động, buôn thúng, bán bưng giảm bớt được sự cực nhọc gây ra bởi ánh sáng mặt trời chói chang trong những ngày hè nóng, nắng cháy da.
Quần áo đơn sơ với bộ bà ba cùng đôi gánh chè, cháo trên vai, cộng với chiếc nón lá là những hình ảnh quen thuộc, thân thương với người dân miền Nam. Tôi hầu như không được vinh dự che nắng cho phụ nữ buôn bán hàng rong ở miền Nam, bởi sự thô kệch và ít hữu dụng của mình. Chẳng thấy bà hay cô nào quàng đôi gánh quà vặt lên vai mà đội nón cối lên đầu.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân (áo đen) và chiếc nón cối. Nguồn: Báo Hà Tĩnh
Tôi cũng không được cái to lớn, tròn trỉnh, cứng cáp, mạnh mẽ của người anh em họ xa trong gia tộc Nón của tôi là Nón Sắt. Nhiều lúc tôi cảm thấy ghen tị với Nón Sắt. Nón Sắt to lớn, hùng dũng, chắc chắn, tuy hơi nặng nề. Mới đội chưa quen thì cũng khó chịu vì sức nặng, nhưng có nhiều công dụng, có thể làm xô múc nước rửa mặt, đánh răng, làm gối nằm nghỉ trong lúc đi hành quân, che chở đầu trong lúc giao tranh, không bị sát hại bởi miểng súng cối, hỏa tiễn nổ gần hay đầu đạn AK-47, M-16… xa trên 300m khi trúng vào nón.
Sự ghen tị của tôi chỉ chấm dứt khi mảnh đất hình chữ S đã thu về một mối, dù là Một Mối Hận Thù – Một Mối Đau Thương. Nón Sắt biến mất hẳn trên mảnh đất này vì không còn ai (dám) đội, khi kẻ chiến thắng nhân rộng tôi ra khắp nước. Họa hoằn lắm tôi mới gặp lại người anh em họ xa nằm lạc lõng đâu đó trong góc nhà của một người thương phế binh hay một người lính già VNCH hoặc một kho phế liệu nghèo nàn của một người nào đó. Có một bản nhạc ở miền Nam trước khi tàn cuộc chiến có nhắc tới chiếc nón sắt của một người lính Cộng Hòa bỏ lại bên bờ lau sậy.
Tôi có mặt khắp nơi như vậy nhưng nhiều khi cũng tự hỏi: Không biết người dân miền Nam có thích tôi hay không? Tự hỏi rồi tự trả lời: Dường như không! Bởi tôi cũng hay bắt gặp những ánh mắt khó chịu, những cái nhìn thiếu thiện cảm lẫn dò xét, nghi ngờ khi người miền Nam thấy tôi.
Bốn mươi hai năm hơn đã trôi qua, chị Nón Lá sống èo oặt một thời gian dài, nay có vẻ bắt đầu hồi sinh, từ lúc nào tôi không biết. Rải rác đây đó, phụ nữ miền Nam bắt đầu đội lại chị Nón Lá, trong khi sự hiện diện của tôi thì ngược lại, càng ngày càng ít đi. Phải chăng vì đó là lý do mà những người đã dùng tôi như một biểu tượng của sự chiến thắng trong trận chiến Quốc-Cộng 1954-1975, thấy cần phải khôi phục lại chỗ đứng cho tôi?
Hiện tại, tôi chỉ còn có mặt thường xuyên ở hai nơi là cơ quan quân đội và công an. Ngoài đường phố cũng như ở công sở, trường học, bệnh viện, bến xe, phi trường, nhà hàng, quán xá… họa hoằn lắm mới có người trông thấy tôi. Cũng đúng thôi! Ăn mặc xuề xòa, quần tây rộng thùng thình, áo sơ mi bỏ ngoài quần lè phè, đặt tôi lên đầu không dị hợm, chứ chơi bộ veston đen, cà vạt hoặc áo đầm mà cho tôi chễm chệ trên đầu thì chưa thấy ai đủ can đảm làm thử.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và viên ngư dân Huỳnh Văn Lắm (Lý Sơn), thuyền trưởng tàu cá QNg 96011 TS. Nguồn: báo Lao Động.
Do đó, tôi thật lòng mong muốn những người đang muốn đoàn thể hóa dân chúng nhằm một mục đích nào đó, hãy vui lòng bỏ tôi qua một bên, đừng sử dụng tôi nữa. Hãy chọn cho đất nước, dân tộc VN môt biểu tượng khác trang nhã, thanh lịch hơn tôi bởi vì trong tất cả các loại nón được ưa thích trên thế giới, tôi không tìm thấy chỗ đứng của mình.
____
(*) Xương Trắng Trường Sơn: là tên quyển sách thứ hai trong tập Hồi ký của nhà văn Xuân Vũ gồm 5 cuốn Đường Đi Không Đến, Xương Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến, Đồng Bằng Gai Góc.
Báo Đất Việt đặt câu hỏi: Trung Quốc đang hợp thức hóa hoạt động bành trướng Biển Đông? Bài báo có đoạn, “việc đội tàu cá ‘đông như kiến’ của Trung Quốc tràn xuống biển Đông chính là một phần của âm mưu chủ quyền, tiến tới thâu tóm các đảo và bãi cạn của Trung Quốc trên Biển Đông…Nói cách khác, tàu cá Trung Quốc sẽ được trang bị vũ khí một cách công khai, tràn ra khắp Biển Đông để xác thực cái mà Bắc Kinh gọi là đường chín đoạn (đường lưỡi bò)”.
Báo Dân Việt có bài: Ngư dân Việt bình thản trước 18.000 tàu cá TQ tràn xuống Biển Đông. Ông Bùi Thanh Ninh (Hoài Nhơn, Bình Định) quản lý đội tàu mang tên Sáu Ninh, nói: “Chuyện tàu bị phía tàu Trung Quốc rượt đuổi, quấy phá thì thường xuyên nhưng ngư dân vẫn ra khơi. Đơn giản ngư trường đối với chúng tôi nhà, mà đã là ngôi nhà thì chúng ta phải bảo vệ, giữ lấy”.
RFA có bài: 18 ngàn tàu đánh cá Trung Quốc đang có mặt tại Biển Đông. “Ngay trong ngày 16 tháng Tám, một nghị sĩ Philippines là ông Gary Alejano, trích nguồn tin quân sự của Phi cho biết là tàu cá Trung Quốc với sự hộ vệ của tàu hải giám đã đuổi ngư dân Phi ra khỏi khu vực đánh cá xung quanh đảo Thị tứ, mà Manila đang kiểm soát thuộc quần đảo Trường Sa“.
Bài trên báo Nông nghiệp VN: Hải trình gian nan tàu lưới rê thả cờ trên biển Hoàng Sa. “Các ngư dân cho biết, khi tàu lưới rê thả cờ Tổ quốc trên biển Hoàng Sa, các tàu tuần tra Trung Quốc phát thấy nhiều cờ nên rối rít quần đảo, dòm ngó, đe nẹt. Nhưng các ngư dân vẫn bình thản kéo lưới lên tàu và cố gắng kết thúc phiên lưới khi bình minh ló rạng trên biển Hoàng Sa“.
Trang The Leader có bài: Nhiều ngân hàng Trung Quốc, Đài Loan cung cấp vốn cho Vingroup. Tập đoàn Vingroup được một loạt các ngân hàng hỗ trợ vốn như: TA Chong, Taipei Fubon Commercial, Hua Nan Commercial, First Commercial, Entie Commercial, Chang Hwa Commercial (chi nhánh Hongkong), Mega Ac Mega (chi nhánh nước ngoài) của Đài Loan. Đặc biệt có sự tham gia của ICBC Bắc Kinh vàBank of China (chi nhánh Singapore) của Trung Quốc.
Ngoài ra còn có United Nation (Anh) và Maybank International, chi nhánh Labuan (Malaysia). Năm 2016, tập đoàn này đã thu xếp một khoản vay 300 triệu USD từ Credit Suisse AG – Singapore.
BBC có bài: Nhận diện chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam. Chủ nghĩa tư bản thân hữu đã và đang hoành hành ở Việt Nam khi các cá nhân sử dụng mối quan hệ, cấu kết với các quan chức chính phủ, những người có quyền hành nhất nước, nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của đất nước.
TS Đỗ Mạnh Hồng, thuộc Đại học Obirin, Tokyo, nói với phóng viên BBC rằng, do sự hậu thuẫn của thể chế chính trị độc tài, nên “quá trình hoạch định chính sách tự do hóa kinh tế sẽ bị bóp méo một cách độc đoán và có ý đồ tư lợi, khuyết đi những yếu tố khách quan và hợp lý đổi với phát triển tổng thể nền kinh tế xã hội. Kết quả là những chính sách này có xu hướng bị một bộ phận doanh nghiệp hoặc cá nhân có quan hệ chặt chẽ với quan chức chính trị lợi dụng vì mục đích riêng“.
Nói về ngành công nghiệp ô tô, ông Hồng nói rằng, sở dĩ chi phí lắp ráp một chiếc ô tô trong nước, đắt hơn nhiều so với ở nước ngoài, “là vì có sự hiện diện của những hành vi có thể gọi là tư bản thân hữu. Rõ ràng là những hành vi mang tính tư bản thân hữu này chỉ tìm kiếm những đặc lợi đặc quyền không phản ánh giá trị gia tăng do bản thân họ làm ra. Họ chỉ tìm kiếm phần chênh lệch có được do chính sách ngăn cấm“.
Hoàng Trung Hải phản đòn?
Nhà hoạt động Lê Anh Hùng có bài trên blog VOA: Vụ 8B Lê Trực: Hoàng Trung Hải phản đòn? Về chuyện chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực khởi kiện UBND quận Ba Đình, ông Hùng đặt câu hỏi với tác giả dự án này là cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hiện giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội:
“Liệu ngài cựu PTT có biết là dự án do mình phê duyệt đã bị xử lý oan hay không, và nếu biết thì tại sao ông ta lại không để cho thuộc hạ lên tiếng ngay từ thời điểm đó, mà đến bây giờ mới lên tiếng?”
Tiếng Dân nhận được thông tin, ông Trần Đại Quang vừa cúng chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn trị giá 19 tỷ. Cặp đèn có ghi dòng chữ: “Gia đình Đại tướng Trần Đại Quang tiến cúng“ vì nó đã được ông Trần Đại Quang đặt làm vào thời điểm ông ta còn là Đại tướng, Bộ trưởng Công an, chưa giữ chức chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Luka Gonzales/ AFP/ Getty Images
Nhà văn Phương Khanh, phu nhân của nhà văn Nhật Tiến, là một Phật tử ở Mỹ, cho biết: Thường người ta đặt 3 cái đi kèm với nhau cho đủ bộ, hiếm khi ba cái tách rời nhau. Có khả năng ông Quang tặng nhà chùa cả bộ 3 cái, gồm cái đỉnh trầm và cặp đèn, chứ không chỉ tặng riêng cặp đèn.
19 tỷ đồng, tương đương 836.000 Mỹ kim, là số tiền mà bao nhiêu người làm ăn lương thiện cả đời, có nằm mơ cũng không thấy. Nếu đúng là ông Trần Đại Quang đã chi số tiền này để cúng chùa, người dân có quyền đặt câu hỏi: Số tiền đó ông Quang kiếm được bằng cách nào? Còn bao nhiêu món quà mà ông Quang đã tặng cho chùa chiền, hay tặng các “đồng chí” của ông mà người dân không được biết?
Ngày khai giảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khỏe, để đánh trống?
Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Thảo phấn khởi vì Chủ tịch nước đã “khỏe”? Ảnh: Quý Đoàn.
Tại ngôi trường 100 tuổi này, ông Chủ tịch nước đã chứng minh cho thiên hạ thấy, rằng mình đã “rất khỏe” rồi. Còn với Bộ Giáo dục, ông nhắn “Ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo…”
Báo Người Lao Động có bài: NÓI THẲNG: Bộ trưởng ơi, mệt lắm rồi! “Ba năm qua, Bộ GD-ĐT đổi tới, đổi lui mỗi việc thi THPT quốc gia và tuyển sinh. Cộng với liên tục nhiều năm tìm tòi, sáng tạo và thay đổi trước đó, cả xã hội như “lên đồng” theo. Thầy và trò xanh mặt còn cha mẹ học sinh cũng bở hơi tai chạy theo Bộ.”
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết: “Ngày tựu trường, vẫn văng vẳng tiếng hô đồng thanh: ‘Vì Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại! Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng’ từ các em học sinh tiểu học, tôi nhận ra rằng cái gọi là cải cách giáo dục ở nước ta chỉ như đang cố gắng tân trang, trát vữa bằng vô số thuật ngữ đao to búa lớn bên ngoài cho một căn nhà đã mục nát nền móng bên trong – mục nát vì thất bại khi trả lời câu hỏi muốn tạo ra một con người như thế nào“.
Nhà báo Đoàn Bảo Châu bình luận: “Khi một nền giáo dục bắt hàng triệu học sinh hô: ‘Vì lý tưởng XHCN…. sẵn sàng!’ vào ngày khai giảng thì nền giáo dục ấy đang dạy học sinh cái gì vậy?… nếu các vị sợ tốn thời gian hay không giải thích được lý tưởng XHCN là gì thì hãy hãy hô cái gì dễ hiểu và gần gũi hơn có được không?”
Báo Dân Trí có bài: Cả trường đội mũ cối trong ngày khai giảng. Đó là Trường THPT Thanh Chương 3, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và được báo này cho rằng “Đó là hình ảnh đẹp“.
Về việc này, thầy giáo Đặng Phước viết: “Bí thư đoàn trường muốn có thành tích với đoàn cấp trên nên “vận động” 1256 HS mua mũ cối thì đó là một việc làm hết sức ngu xuẩn bởi mũ cối chỉ dùng cho quân đội, ai cho HS sử dụng?”
Ảnh: Đặng Phước
Báo Lao Động có bài: Phương án thi THPT quốc gia 2018: Phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”! Một phụ huynh học sinh kiến nghị: “Năm ngoái vừa thay đổi phương án thi, rồi có tình trạng thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, điểm chuẩn của các trường tăng cao hơn dự kiến, khiến nhiều em bị sốc. Năm nay lại thay đổi. Bộ GDĐT nên chốt phương án sớm để con chúng tôi còn chú tâm vào học, cứ kéo dài và thay đổi liên tục thế này sẽ khiến các con không an tâm học hành và ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu”.
Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo có bài: Nỡ đành quên sao anh? Bài viết cho biết: “Năm học 2014-2015, huyện Tương Dương được phân bổ số tiền 5,7 tỷ đồng. Tuy nhiên vì lãnh đạo huyện ‘QUÊN’ trao nên đến cuối tháng 7 vừa qua, số tiền trên vẫn chưa đến tay các học sinh huyện miền núi tại Nghệ An“.
Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Dân Trí có bài: Tổng Bí thư chỉ đạo xử nghiêm những vụ như VN Pharma. Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên cho biết, TBT Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị sai phạm liên quan trong các vụ việc như VN Pharma“.
Báo VnExpress có bài: Ban chống buôn lậu đề nghị thanh tra Cục Quản lý Dược sau vụ VN Pharma. Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho rằng, vụ án buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu tại Công ty Cổ phần VN Pharma là “rất nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi“.
Bài báo cũng cho biết: “Ban 389 đề nghị Chính phủ lập đoàn thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm. Bộ Y tế cũng phải làm rõ tránh nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan sai phạm tại VN Pharma. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các loại thực phẩm chức năng cũng được rà soát để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm và xử lý.”
Nhà báo Mai Quốc Ấn có bài: Làm lại từ đầu. Tác giả viết: “Vụ thuốc trị ung thư giả H-Capita đã đi đến giai đoạn nước rút. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm! Nhạy cảm từ tin đồn có những phe nhóm đánh nhau trong vụ VN Pharma. Nhạy cảm cả trong thông tin các món tiền undertable xử lý khủng hoảng truyền thông. Nhưng đó chưa là nhạy cảm nhất!”
Ông Ấn cho biết đây mới là thông tin nhạy cảm hơn: “Thanh tra Chính phủ bị tố cáo bao che cho Bộ Y tế, Bộ Y tế bị tố cáo bao che cho cấp dưới trong 1 vụ còn nghiêm trọng hơn VN Pharma.” Ông Ấn lưu ý chính phủ một người: “Trương Quốc Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục quản lý dược – người đã không xuất hiện bấy lâu nay“.
Báo Một Thế Giới có bài: Khi người của Bộ Y tế phát ngôn về vụ VN Pharma ‘không ai học dược’! Tác giả Quốc Phong tá hỏa khi biết rằng tất cả những người của Bộ Y tế phát biểu trên báo chí, đều không ai có chuyên môn về dược, khi họ nói rằng thuốc của VN Pharma không phải là thuốc giả.
Còn phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: “Bộ trưởng Bộ Y tế không nói việc có em chồng làm ở Cty VN Pharma chứ không phải Bộ trưởng nói không có. Hai việc này là khác nhau”, giống như “đổ thêm dầu vào lửa“.
Và phát biểu của Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, cứ như ông này vô can, trong khi ba đơn vị chịu trách nhiệm lớn nhất trong các dự án BOT là Bộ GTVT, Bộ KHĐT và Bộ Tài chính. Bài viết kết luận: “Cha ông dạy uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, nhưng đối với quan chức, có lẽ phải uốn lưỡi… 70 lần 7“.
Báo Tiền Phong dẫn lời Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đà Nẵng: “Tôi cho rằng cán bộ coi thường dư luận, coi thường nhân dân, khinh nhờn pháp luật khi giải thích xây biệt phủ nhờ bán chổi đót, nuôi heo. Nếu giải thích như thế, cách đây 30 năm tôi thành đại gia rồi”.
Dối trá đã thành căn bệnh
Báo VnExpress có bài: Hơn một triệu người kê khai tài sản, phát hiện ba trường hợp vi phạm. Thống kê của cơ quan chức năng Việt Nam cho thấy, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, “tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%“. Trong số này có 77 trường hợp được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm nhưng “không nêu rõ tên, chức vụ của các trường hợp này“.
Lấy con số báo cáo ảo đó làm thành tích, Phó tổng thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho rằng, “kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng“! Báo Công Lý có bài: Cơ sở nào để dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ giảm?
Nói là ảo, vì thực tế cho thấy, căn bệnh thành tích đã trầm kha, khiến Chủ tịch TP HCM bức xúc vì sở báo cáo không đúng sự thật. Ông Phong dẫn chứng là đã từng yêu cầu ngành công thương “cố gắng” tăng trưởng 7,5%, sau đó nhận được báo cáo “đã đạt” mức tăng trưởng này. “Tuy nhiên con số không đúng sự thật, chỉ tăng 7,19% mà dám nói 7,5%. Rồi lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, sáu tháng đầu năm đề ra nhiệm vụ tăng trưởng 6,5% mà có đúng đâu, các anh cố báo cáo cho được“.
Báo Lao Động có bài: “Giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui”. Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH, nói: “Không phải là anh không tìm ra được mà anh không chỉ ra được đáp số. Như vậy là mất thế trận lòng dân. Nguy hiểm ở chỗ giờ có cán bộ nào bị phát hiện tham nhũng là dân mừng vui. Giờ phải nhìn rõ vào sự thật, nói thẳng sự thật, không né tránh thì mới chống được tham nhũng“.
Báo Dân Trí có bài: Đoàn kiểm tra quân hùng tướng mạnh có hiệu quả bằng một bài báo? “Các đoàn thanh tra kiểm tra đi đâu cũng quân hùng tướng mạnh, có ô tô, còi hú nhưng có hiệu quả bằng một bài báo, một phóng viên không? Hoạt động thanh, kiểm tra có trả lời được câu hỏi, những dự án thua lỗ ngàn tỷ có tham nhũng không, công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh thì có tham nhũng trong quá trình bổ nhiệm, luân chuyển không?”
VTC có bài: Xét xử Hà Văn Thắm: Bí mật khoản tiền tỷ ‘chăm sóc khách hàng’ dần được hé lộ. Bị cáo Nguyễn Minh Thu, cựu Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết: đã chi tổng cộng 22,7 tỷ đồng. Trong đó, “đưa cho kế toán khoảng 15 – 16 tỷ đồng, hơn 6 tỷ đồng còn lại đưa cho tổng giám đốc“. Dĩ nhiên là các Ông Nguyễn Hữu Tuyến, cựu Tổng Giám đốc Vietsovpetro; ông Từ Thành Nghĩa, TGĐ Vietsovpetro và ông Võ Quang Huy, kế toán trưởng Vietsovpetro đã “phủ nhận” tố cáo trên.
Báo VietNamNet có bài: Đại án Oceanbank: 500 tỷ giải ngân sai đang ở đâu? Bị cáo Phạm Công Danh cho biết: “Ngay từ đầu bà Hứa Thị Phấn yêu cầu bị cáo chuyển 100% tiền vào tài khoản của bà Phấn. Dòng tiền sau khi Oceanbank giải ngân cho công ty Trung Dung, đã đến đúng đích như lúc đầu thỏa thuận là – trả lại cho bà Phấn. ‘Còn về sau như thế nào thì tôi không biết’.”
Báo Lao Động có bài: Cựu Tổng giám đốc OceanBank lại “đính chính” lời khai. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thay đổi lời khai: “Lời khai trước đó khẳng định đã đưa tiền chi lãi ngoài cho Vietsovpetro là không chính xác, xin ‘đính chính’ lại đấy là tiền quà Tết của OceanBank gửi lãnh đạo Vietsovpetro và số tiền vẫn giữ như lời khai trước đó (USD: 10.000 đến 20.000 USD, VNĐ: 200 – 300 triệu đồng)“.
Báo Dân Trí có bài: Vì sao lại thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn… cao tốc Hà Nội – Hải Phòng? Bài báo cho biết, do người dân không đồng tình với hoạt động thu phí tại đây nhằm hoàn vốn cho dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nên đã dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm, gây nên tình trạng ùn ứ kéo dài trên QL5 ngày 4/9 vừa qua.
Sự vô lý là trước khi có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, “các phương tiện đi trên quốc lộ 5 vẫn phải nộp phí với mức 10.000 đồng/ lượt/ trạm/ xe tiêu chuẩn“. Nhưng nay, “mức phí này tăng gấp nhiều lần và dao động từ 40.000 – 180.000 đồng/ lượt“.
Cũng báo Dân Trí có bài: Trạm BOT quốc lộ 5 “tê liệt” vì tài xế lại dùng “chiêu” tiền lẻ. Bài báo đưa tin: Từ khoảng 16h30 chiều 5/9, hàng dài các ô tô lại nối đuôi nhau chầm chậm qua trạm thu phí BOT số 1 quốc lộ 5 (địa bàn xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), mua vé bằng tiền lẻ, khiến giao thông qua trạm này ùn tắc kéo dài trong giờ cao điểm.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Xài tiền lẻ qua trạm thu phí BOT thì sao? TS Võ Trí Hảo cho rằng, “hành vi đó không hề phạm tội. Trái lại, những ai không chịu nhận tiền lẻ, hắt hủi tiền lẻ mới phạm tội, vì đồng tiền của một quốc gia xác lập chủ quyền của quốc gia đó“.
Nhà báo Nguyễn Thông có bài: Chính phủ thuế (phần 4). Ông Thông viết: “Không chỉ bày ra muôn vạn thứ thuế phí, người ta còn luôn tìm đủ mọi cách tăng cho nó cao hơn nhằm thu về nhiều hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc dân bị bóc lột thậm tệ hơn, mồ hôi sức lực bị chiếm đoạt nhiều hơn“.
Ông Thông viết tiếp: “Nhiều chính sách thuế của nhà nước đã bất chấp sự vô lý, chỉ nhằm thu được thật nhiều tiền cho ngân sách. Chúng ta thừa hiểu, việc nhà nước lâu nay áp thật cao thuế nhập khẩu xe ô tô là chỉ cốt đánh vào người dân mua xe… Chả làm gì, chỉ thu thuế tiền cũng cao hơn nhà sản xuất, quá sướng. Người mua xe ngậm đắng nuốt cay mà chẳng làm gì được cái kiểu “ngồi mát ăn bát vàng” ấy.”
LS Lê Ngọc Luân có bài: Vụ án xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu – Sự im lặng đến kỳ lạ. Ông Luân cho biết, ông đã phải gửi hàng loạt văn bản đi các nơi, từ Liên Hiệp quốc cho đến Chủ tịch nước, cho đến tháng 3/2017, quyết định khởi tố bị can mới được ban hành. Nhưng CQĐT và VKS TP. Vũng Tàu đã không bắt giam ông Nguyễn Khắc Thủy, với lý do “tuổi già sức yếu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng“. Điều này, LS Luân, “đã gây ra làn sóng phẫn nộ và bức xúc của dư luận“.
LS Luân cho biết thêm: “Tôi gọi điện trực tiếp cho Điều tra viên phụ trách vụ án nhưng họ không bắt máy, trước đó tôi cũng gọi, họ thể hiện thái độ rất kỳ lạ. Tôi liền điện thoại cho bố cháu bé, ông nói: ‘Điều tra viên trước đây xin số luật sư và nhà báo Đinh Thu Hiền, khi cần mình thì niềm nỡ, sau đó là họ xoá số điện thoại…’.”
LS Luân nói rằng: “Nếu hết tháng 9/2017 mà vẫn chưa có kết luận, không còn cách nào khác, tôi lại phải đứng lên để đòi công bằng cho các cháu bé“.
Nhân quyền Việt Nam
Báo Washington Post có bài: Trấn áp mạng xã hội ở Việt Nam, nhưng nhiều người không sợ. Bài báo dẫn lời bà Janice Beanland, thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế, cho biết: Các nhà hoạt động ở Việt Nam thảo luận về những người có thể bị bắt vì hoạt động trên mạng, “nhưng một điểm đáng chú ý là các nhà hoạt động xã hội Việt Nam dường như không hề nao núng”.
VOA có bài: Mang súng vào giáo xứ đòi ‘đối thoại’ với linh mục vì xúc phạm HCM. LM Nguyễn Duy Tân cho biết: “Về vấn đề xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã đối thoại với công an tỉnh Đồng Nai rất nhiều lần rồi. Tôi nói bác Hồ không phải là danh nhân văn hóa thế giới và tôi đã lý luận thua họ… Còn vấn đề lật đổ chính quyền, tôi chưa bao giờ nói lật đổ chính quyền cả. Các bài viết của tôi chỉ thể hiện ước mong Cộng sản giải tán thôi“.
Tin quốc tế
Khủng hoảng Bắc Hàn
Bắc Hàn thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 4/9/2017, đang làm thế giới điên đầu, nhất là những nước mà Bắc Hàn nhắm tới là Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản. Vì thế có nhiều câu hỏi được đặt ra, theo RFI: Liên Hiệp Quốc mạnh tay trừng phạt Bắc Triều Tiên?
Bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại LHQ tuyên bố: “Thời kỳ Hội Đồng Bảo An đưa ra những biện pháp lưng chừng nay đã qua rồi. Bây giờ là lúc để tận dụng mọi phương cách ngoại giao trước khi quá trễ, chúng ta nay phải thông qua các biện pháp mạnh mẽ nhất”.
Lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Bắc Hàn đã lên tới điểm mà người ta thấy đề cập đến từ “chiến tranh”. Theo bà Nikki: Bắc Hàn đang ‘cầu xin chiến tranh’. Tuy nhiên theo giới phân tích của BBC, “sẽ là sai lầm nếu cho rằng không bao giờ có thể đàm phán với Bình Nhưỡng hay không thể có một kết quả tích cực sau đàm phán”.
Giới phân tích thế giới cũng đang cố gắng ra sức tìm hiểu suy nghĩ của Kim Jong Un. Theo RFI: Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un muốn gì ?“Vũ khí nguyên tử là một phương tiện tốt nhất để Kim Jong Un đưa Bắc Triều Tiên lên hàng các cường quốc quân sự và hạt nhân, qua đó đem lại tự hào cho dân tộc”.
Theo chính luận của RFI: Bắc Triều Tiên đạt mục tiêu « cường quốc hạt nhân ». “Sau gần 30 năm nghiên cứu, chế độ Bình Nhưỡng chứng tỏ có đủ khả năng chế tạo và trang bị một lực lượng răn đe hạt nhân đáng ngại. Đứng trước thực tế này, cộng đồng quốc tế chỉ có hai phản ứng : hoặc là dung thứ như đối với Pakistan Ấn Độ hay Israel hoặc là tìm cách ngăn chận bằng mọi biện pháp ‘từ kinh tế quân sự cho đến hạt nhân’ như tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In”.
Thế giới đang ở thế kẹt với Bắc Hàn nhưng có vẻ như Trung Quốc cũng “kẹt”? Theo VOA đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc khó có thể kiềm chế Bắc Hàn? “Theo các nhà quan sát thì giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường rằng việc Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân không nguy hiểm bằng việc chế độ nhà họ Kim sụp đổ vì nếu xảy ra, hai miền Triều Tiên sẽ thống nhất dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc và Mỹ”.
VOA có bài: Trung Quốc thúc giục các nước BRICS hợp tác. RFA cũng có bài phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc và Nhóm BRICS. Ông Nghĩa so sánh tên của nhóm với thành phần các thành viên, tương lai cũng chỉ là đống gạch không xi măng: “Sự thật thì cả nhóm đều đề cao quy luật thị trường mà bên trong vẫn duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch để bảo vệ một số khu vực trọng yếu của họ chứ chưa xây dựng nổi cơ chế thống nhất cho một thị trường chung.”
Người Việt ở Đài Loan
Người Việt hiện diện ở Đài Loan ngày càng đông do chương trình lao động nước ngoài mà nhà nước ta xem như một món hàng xuất khẩu quý giá. Khi số người lao động di dân này tăng cao, khó tránh khỏi sự xung đột với người dân bản xứ và giới chức trách. Vừa xảy ra một chuyện không biết đâu là sự thật, một người Việt bị nghi ngờ ăn cắp xe hơi: Đài Loan: Cảnh sát bắn chết một người Việt.
Cũng tin liên quan đến Đài Loan, theo RFA:Đài Loan có tân Thủ tướng. “Quyết định chọn ông Lại Thanh Đức điều hành chính phủ tức khắc được xem là sẽ tạo thêm khó khăn cho mối quan hệ đang lạnh nhạt giữa Đài Loan và Trung Quốc, vì vị tân thủ tướng là người chủ trương tuyên bố độc lập, tách rời Đài Loan ra khỏi Hoa Lục”.
Campuchia triệt hạ đối lập
Hun Sen gấp rút thanh toán đối lập để chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2018. Theo RFI: Cam Bốt khởi tố lãnh đạo đối lập tội « phản quốc ». “Tòa án Phnom Penh cho biết lãnh đạo chủ chốt của đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt sẽ bị xét xử vì đã phối hợp với ‘nước ngoài’ lên ‘kế hoạch bí mật và lật đổ’ chính quyền. Như vậy, ông Kem Sokha bị buộc tội ‘phản quốc và gián điệp’, tội danh có thể dẫn tới mức án 30 năm tù”.
Chế độ dân chủ nhen nhúm ở Campuchia, Thái Lan và Miến Điện ngày càng đi về phía “bóng tối”, nên cần phải lập nên những cơ quan xã hội dân sự để giúp “giải phóng” người dân. Theo BBC: Mekong cần xã hội dân sự và nhà báo. “Vùng Mekong có khóa tập huấn cho giới hoạt động xã hội và phóng viên nhằm lấp khoảng trống thông tin để giúp người dân quyết định.”
Một nước Nam Mỹ khác muốn lên thiên đường XHCN cũng đang rối tung lên. Theo RFI: Tổng thống Pháp tiếp đối lập Venezuela. “Chúng tôi đã thảo luận về cuộc khủng hoảng đã vượt quá khỏi vấn đề chính trị. Venezuela hiện đang chịu đựng một thảm kịch nhân đạo, người dân không có gì ăn cũng không thể hành xử các quyền của mình, không được tôn trọng phẩm giá”.
Mỹ không còn là thiên đường của di dân nữa rồi. VOA cho biết: Chính quyền Trump chấm dứt chương trình DACA. “Chính quyền của Trump hôm thứ Ba 5/9 tuyên bố chấm dứt chương trình DACA, là chương trình bảo vệ 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư hợp lệ khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, tuy nhiên cho Quốc hội 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép thành phần di dân này ở lại Hoa Kỳ”.
Chiến tranh thế giới thứ Ba?
Chiến tranh thế giới thứ Ba không phải theo kiểu chiến tranh cổ điển, mà thế chiến tương lai còn có những loại vũ khí robot. VOA có bài: Elon Musk tiên đoán Thế chiến III. Theo ông Musk: “Tôi cho rằng cuộc cạnh tranh để đạt ưu thế về AI [trí thông minh nhân tạo] ở cấp độ quốc gia có thể là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3″. Elon Musk: Trí tuệ nhân tạo có thể gây ra Thế Chiến Thứ Ba (NV).
Diễn hành tên lửa ở Bình Nhưỡng mừng sinh nhật 105 lãnh tụ Kim Nhật Thành hôm 15/4/2017. Nguồn: Wong Maye-E / AP file
Bất chấp các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc (HĐBA-LHQ) kêu gọi Bắc Hàn đình chỉ chương trình phát triển nguyên tử và hỏa tiễn, nước này vẫn tiếp tục các hành động khiêu khích.
Vào ngày 29.8, Bắc Hàn phóng một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung Hwasong-12 qua không phận Nhật Bản. Vài ngày sau, Hàn cộng công bố đã thử nghiệm bom nhiệt hạch H thành công vào ngày 3.9 và cho biết thêm, bom này có thể lắp vào hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Nam Hàn, Kim Young-woo cho biết, nếu xác định là bom H thì sức công phá lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom nguyên tử của Mỹ từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản. Trước đó vào tháng 7, Bắc Hàn đã thử nghiệm hai hỏa tiễn ICBM với đoạn đuờng bay xa hơn 10.000 cấy số, có thể đạt mọi mục tiêu toàn Á châu và một phần lãnh thổ Mỹ.
Trong cuộc họp khẩn cấp diễn ra ngày 30-8, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã ra tuyên bố lên án việc Bắc Hàn phóng thử hỏa tiễn đạn đạo bay qua Nhật Bản, coi đây là mối đe dọa thái quá, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt toàn bộ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.
Trước thách thức mới không thể chấp nhận qua vụ thử bom H, cộng đồng quốc tế đã lên án Bắc Hàn và xem việc thử bom nhiệt hạch là mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình và an ninh Á châu. Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên HIệp quốc được triệu tập vào ngày 4-9 theo đề nghị của Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Nam Hàn.
Cuộc họp đã không thống nhất được biện pháp trừng phạt với vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn. Trong khi Mỹ cảnh báo khả năng sẽ tấn công Bắc Hàn. Trung Quốc, Nga và một số thành viên HĐBA LHQ phản đối quyết liệt phương án quân sự.
Mỹ đã đệ trình một loạt biện pháp chế tài và HĐBA –LHQ sẽ biểu quyết vào ngày 11. 09.
Nhật tăng cường vũ trang
Chính quyền Nhật đã lên án mạnh các hành động khiêu khích của Hàn cộng. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Nam Hàn Moon Jae In, thủ tướng Shinzo Abe cho biết, cả hai nước sẽ gia tăng áp lực đối với chế độ Bình nhưỡng. Từ khi Bắc Hàn dọa tấn công đảo Guam, tiền đồn Mỹ ở giữa Thái Bình Dương vào tháng 8, Nhật đã có biện pháp phòng ngừa cho trường hợp chiến tranh xảy ra. Các hệ thống chống hỏa tiễn được bố trí phía tây lãnh thổ.
Giới quân sự ngạc nhiên khi thấy Nhật không có phản ứng quân sư trước việc hỏa tiễn Bắc Hàn phóng qua lãnh thổ, mặc dù nước này đã sở hữu hệ thống đánh chặn hỏa tiễn patriot loại PAC-3.
Kể từ 2009, đây là lần đầu hỏa tiễn loại Hwasong-12 bay qua không phận và nổ tung thành 3 mảnh, rớt trước bờ biển Nhật. hỏa tiễn này bay rất nhanh với vận tốc tới 20.000 cây số /giờ trên độ cao 550 cây số và đoạn đường bay 2700 cây số. Các chuyên gia quân sự phỏng đoán, Nhật không phản ứng vì lý do chiến thuật và chính trị.
Khi hỏa tiễn Bắc Hàn bay qua không phận, Nhật đã theo dõi đường bay và xác định không nguy hiểm nên không cần bắn chặn. Hơn nữa Nhật không muốn khiêu khích, tạo lý do cho Bắc Hàn thử tiếp hỏa tiễn.
Trong cuộc khủng hoảng với Bắc Hàn, Nhật có lý do tái vũ trang và điều chỉnh chính sách quốc phòng. Là quốc gia sát bán đảo Triều Tiên, Nhật ủng hộ giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao. Cũng như Nam Hàn, Nhật là đồng minh của Mỹ và xem Bắc Hàn là mối đe dọa, nhưng Nhật không muốn có chiến tranh mà bị họa lây. Nếu Mỹ đơn phương tấn công Bắc Hàn và Bắc Hàn trả đũa bắn phá vào các nước đồng minh Mỹ bằng mọi loại vũ khí nguyên tử, hóa học, sẽ gây ra thương vong cho dân Nhật.
Nam Hàn lưỡng lự giữa hòa giải và cứng rắn với Bắc Hàn.
Phản ứng trước sự khiêu khích của Bắc Hàn, Mỹ và Nam Hàn thỏa thuận nhiều biện pháp như Mỹ đưa tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược đến Nam Hàn, tiến hành các cuộc tập trận chung mới, tăng cường các khả năng phòng thủ hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn cũng như triển khai hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm cao giai đoạn cuối Terminal High Attitude Area Defense (THAAD) tại Nam Hàn.
Ngày 4-9 Nam Hàn đã thực hiện một cuộc tập trận bắn đạn thật phối hợp nhằm mục tiêu vào nơi được giả định là bãi thử hạt nhân của Bắc Hàn.
Trong cuộc điên đàm với Tổng thống Mỹ D. Trump, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae In đồng ý chi thêm nhiều tỉ Mỹ kim để mua vũ khí tối tân của Mỹ.
Học viện nghiên cứu quốc phòng Sipri ở Stockhom –Thụy Điển cho biết Mỹ cũng đã bán cho Nam Hàn giữa năm 2010 và 2016 một lượng vũ khí trị giá 5 tỷ Mỹ kim.
Tình hình trên bán đảo Đông dương càng căng thẳng, doanh thu của nền công nghệ vũ khí của Mỹ càng cao. Mối đe dọa của Bắc Hàn đã mang lại ít nhiều “quà tặng” cho kỹ nghệ chiến tranh của Mỹ.
Thủ đô Hán Thành với số dân 25 triệu cách biên giới Bắc Hàn khoảng 50 cây số nằm trong phạm vi đại pháo của Bắc Hàn. Là nạn nhân luôn bị Bắc Hàn đe dọa, các chính phủ tiền nhiệm Nam Hàn chủ trương phải cứng rắn trước mọi hành đông khiêu khích cúa Hàn cộng, nhưng tân Tổng thống Moon cho rằng, sự căng thẳng quân sự giữa hai miền chỉ đưa đến thảm họa cho dân tộc Hàn quốc. Vì vậy, một mặt ông tăng cường phòng bị quốc phòng, mặt khác thận trọng tìm cách đối thoại với Bắc Hàn để tránh bùng nổ chiến tranh.
Mỹ cân nhắc phản ứng quân sự
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo, sẽ có “hành động đáp trả quân sự quy mô lớn” đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hay các đồng minh Nam Hàn và Nhật Bản. Theo ông James Mattis, Mỹ có nhiều phương án quân sự và Tổng thống Donald Trump đã được báo cáo về tất cả các phương án này.
Mỹ chủ trương cô lập Bắc Hàn trên mọi phương diện. Donald Trump gọi Bắc Hàn là một “quốc gia bịp bợm”.
Để đối phó Bắc Hàn, Mỹ cung cấp vũ khí cho đồng minh Nhật, Hàn và có biện pháp cấm vận thương mại với các quốc gia liên hệ với Bắc Hàn, kể cả các quốc gia nhận thợ khách Bắc Hàn.
Những tuyên bố cường điệu của Trump cho thấy, Mỹ sẵn sàng gia tăng áp lực quân sự để ép Bắc Hàn phải dẹp bỏ chương trình thử bom và hỏa tiễn.
Trong nội các Trump, hiện có ba cựu tướng Kelly (chánh văn phòng Bạch ốc), Mattis (Bộ trưởng quốc phòng) và McMaster (Cố vấn An ninh Quốc gia) có nhiều ảnh hưởng đến chính sách an ninh và quốc phòng của Mỹ.
Gần đây, Trump đã nghiêng nhiều về các giải pháp quân sự như tăng ngân sách quốc phòng, tăng quân ở Á Phú Hãn thay vì rút lui như đã từng tuyên bố, gửi tàu tuần tra đến Biển Đông… Cộng đồng quốc tế đã lên án những cuộc thử hạt nhân của Hàn cộng và đòi hỏi các bên liên hệ phải thương nghị hòa hoãn. Trump ngược lại cho rằng, thương thảo không phải là cách đối đáp với Hàn cộng. Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley tuyên bố không ngượng ngùng “Nhà độc tài Bắc Hàn đang ăn xin chiến tranh” (bagging for war).
Các hành động của Trump và các cộng sự của ông ta, cho thấy, khả năng áp dụng quân sự đối với Bắc Hàn ở một mức độ nào đó vẫn có thể xảy ra.
Trung Quốc và Nga chống giải pháp quân sự
Trung Quốc đã đứng về phía Bắc Hàn trong cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953) chống Mỹ và Nam Hàn.
Trung Quốc hiện là đồng minh duy nhất hỗ trợ kinh tế cho Bắc Hàn. Lương thương mại Bắc Hàn giao dịch với Trung Quốc chiếm 90%.
Trung Quốc khẳng định hỗ trợ các biện pháp hòa bình để giải quyết tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời phản đối mọi hành động nhằm gây áp lực quân sự lên quốc gia này. Trung Quốc rất lo ngại chiến tranh xảy ra, hàng triệu dân Bắc Hàn sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc lánh nạn và sự thống nhất Hàn Quốc sẽ tạo cơ hội cho quân Mỹ dàn quân sát biên giới. Tại Nam Hàn, đang có 28.500 quân Mỹ trú đóng.
Nga có 20 cây số biên giới chung với Bắc Hàn và một đường xe lửa nối liền hai nước. Nga xem việc quân Mỹ trú đóng và bố trí các dàn chống hỏa tiễn THAAD tại Nam Hàn là cái gai trong mắt, nên Nga chống lại phương án chiến tranh của Mỹ. Một mặt Nga lên tiếng đòi hỏi Bình Nhưỡng phải ngưng các hành động khiêu khích, làm bất ổn tình hình, mặt khác nhắc nhở, chính trị – ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết khủng hoảng.
Nói chung Nga và Trung Quốc chỉ muốn duy trì hiện trạng (Status quo)
Âu châu hỗ trợ biện pháp trừng phạt
Dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ vụ thử hạt nhân nói trên của Triều Tiên. Đức, Italia, Pháp và Anh cũng kêu gọi siết chặt các biện pháp trừng phạt của EU chống Triều Tiên sau “hành động khiêu khích mới” của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Thụy Sĩ, bà Doris Leuthard cho biết, sẵn sàng làm trung gian, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, bao gồm tổ chức các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng.
Đương kim thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược hơn 10 năm. Vị trí nắm giữ chất lượng thuốc chữa bệnh cho 90 triệu người Việt, cũng là nơi béo bở bậc nhất.
Tên tuổi ông Cường nổi lên từ vụ nhập khẩu tiền chất ma túy Pseudoephedrine (PSE) để sản xuất thuốc cảm cúm. Năm 2010, PV Pharma được nhập khẩu 1 tạ PSE thì trong 6 tháng 2011 được cấp phép nhập đến 7 tạ. Ngày 9.6.2011 Cty Mebiphar có công văn xin nhập 3 tạ PSE, ngay trong ngày, Cục trưởng Cường ký văn bản cấp phép! Trước đó 2 ngày, chính Cục đã cấp giấy phép khác cho DN này nhập 2 tạ nguyên liệu PSE!
8 DN được đệ đơn tố cáo ông Cường với khẳng định “đi đêm” hoặc ưu ái cho DN sân sau. Đáng ngờ hơn là PSE ở thời điểm đó không thiếu. Đó cũng là thời điểm có rất nhiều vụ án điều chế ma túy tổng hợp từ tiền chất. Công an vào cuộc điều tra nhưng vụ việc rơi vào im lặng. Cục trưởng Cường ký cấp phép trong một ngày. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tiến nói: Đã phát hiện ra sai phạm nào đâu mà kỷ luật anh Cường!
Cục trưởng Cường Cũng ký cho 20 DN nhập hơn 9 tấn Salbutamol trong hai năm 2014-2015. Salbutamol là thuốc chữa hen suyễn cho người nhưng không hiểu sao nó tràn ra thị trường và thành chất tạo nạc. Sau khi nhập, hơn 6 tấn salbutamol đã “trôi” ra thị trường để trộn vào thức ăn nuôi heo.
Salbutamol tồn dư trong thịt heo với lưu lượng lớn sẽ gây co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Người có tiền sử về bệnh tim mạch có khả năng tử vong.
Năm 2016, ông Cường lại cho phép nhập hơn 6 tấn salbutamol và lượng chất này đang ở đâu không ai biết. Từ vụ salbutamol, thịt heo trở thành nỗi ám ảnh của người Việt, vừa ăn vừa nghĩ đến huyệt mộ của mình. Ngành chăn nuôi heo khốn đốn, nông dân bị đánh gục vì ế ẩm, nhà nước kêu gào giải cứu bất thành. Ấy là nhờ đại phúc của ông Cường cả.
Cục trưởng Cường, đương nhiên cũng là người ký cho nhập 200.000 viên thuốc H – Capita mà theo luận điệu của Cục là giấy tờ làm giả của VN-Pharma quá tinh vi không phát hiện được. Quy trình cấp visa nhập khẩu thuốc, Cục phải thẩm định hồ sơ, xác minh nhà máy sản xuất (xác minh thế nào mà không biết Helix là một cty ma). Quan trọng là thuốc đó phải được thử nghiệm lâm sàng tại VN và nhiều thủ tục khác đi kèm trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Đối với H-Capita, thời gian từ khi VN Pharma đề xuất đến lúc duyệt là 2 tháng. Thần tốc!
Bất chấp tất cả. Ông Cường vẫn thăng chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Bất chấp tất cả, ông vẫn giữ sự im lặng chết người. Và người thay mặt Bộ trả lời dư luận là thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, không có chuyên môn về dược.
Năm 2015, khi khủng hoảng vắc xin khiến dân Việt hoang mang tột độ, hàng chục trẻ tử vong. Trước sức ép của dư luận, Cục trưởng Cường đăng đàn phát biểu đầy xếch mé: Kiếp sau tôi sẽ không làm ngành y nữa mà sẽ làm nhà báo! Ông thật hài hước. Nhưng bớt giỡn ông ơi, làm gì có ai được chọn kiếp sau cho mình. Kiếp sau của mỗi người đều là nhân quả của kiếp này.
Mỹ khiêu khích Trung Quốc hay quyết tâm thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông? Từ nhiều năm qua, Trung Quốc tự cho quyền sở hữu các đảo và ghềnh đá ở Biển Đông, nơi một số quốc gia trong vùng cũng xem là lãnh hải của mình. Trước các hành vi ngang ngược của Trung Quốc, chính quyền Mỹ đối đáp bằng cách ứng gửi tàu tuần tra và việc này có nguy cơ gây ra tranh chấp giữa hai nước.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng qua các vụ bồi đắp đảo nhân tạo cũng như xây dựng các căn cư quân sự ỡ Biển Đông. Các hành động này đã làm cho các quốc gia trong vùng bất bình phản đối. Mỹ cho biết, Trung Quốc đã mở thêm biên cương ngoài biển hơn 1300 mẫu qua việc chiếm cứ đảo, bãi san hô và các ghềnh đá trong vùng giao lưu thương mại. Không chỉ vì lý do kinh tế mà Trung Quốc kiên trì chíến lược giành chủ quyền trên Biển Đông.
Để chống lại những vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc, một số quốc gia tranh chấp chủ quyền hải đảo đã mạnh dạn tranh đấu bằng con đường pháp lý. Tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan dựa vào đơn kiện của Phi luật Tân đã bác bỏ chủ quyền 9 đoạn của Trung Quốc. Tòa án giải thích, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để sở hữu các vùng đảo, đá trên Biển Đông. Nhân dân Nhật báo TQ “The People´s Daily” đã phản đối quyết định tòa án với đe dọa “chúng tôi không chiếm hữu môt gang đất không thuộc về chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ một tấc đất thuộc chủ quyền chúng tôi”.
Bản đồ 9 đoạn của TQ, lấy từ bản đồ 11 đoạn của Trung Hoa Dân Quốc, xuất hiện trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” năm 1948. Nguồn: báo Đài Loan
Đến nay phán quyết tòa án The Hague không gây ảnh hưởng đến thái độ của Trung Quốc. Dư luận cho rằng, chẳng có gì ép buộc được sự ngang nghạnh của Trung Quốc.
Mỹ trực diện đối đầu với Trung Quốc
Ngày 10.08, Mỹ đã cho tàu chiến đi vào hải phận gần đảo Trường Sa (Spratly). Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, khu trục hạm USS John McCain đã xâm phạm hải phận đảo Trường Sa (Spratly) và kết án hành động này vi phạm chủ quyền an ninh của Trung Quốc cũng như gây nguy hiểm cho nhân sự hai bên khi có đụng độ. Các nhà bình luận đánh giá, sự kiện Mỹ để tàu chiến đi vào hải phận 12 hải lý của đảo Trường Sa, biểu lộ chủ ý muốn thực hiện quyền tự do hàng hải và ám chỉ tàu bè, máy bay có quyền lưu thông những nơi mà công pháp quốc tế cho phép. Nữ phát ngôn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Nicole Schwegsam giải thích, quân lực Mỹ hoạt động mỗi ngày tại châu Á – Thái Bình Dương, kể cả Biển Đông, luôn tuân thủ luật quốc tế.
Tình hình Biển Đông nay thêm căng thẳng với quyết định Chính quyền Mỹ gửi tuần dương hạm tới tuần tra. Ngày 4.9 Mỹ công bố sẽ triển khai các cuộc tuần tra ở Biển Đông để bảo đảm sự tự do hàng hải ở các nơi mà Trung Quốc tự nhận có quyền sở hữu. Theo báo Wall Street Journal, các cuộc tuần tra với sự hộ tống của tàu chiến và chiến đấu cơ sẽ được tiến hành 2 tới ba lần mỗi tháng.
Chương trình gửi tuần chiến tới Biển Đông là phản ứng đối đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước các hành động Trung Quốc chiếm cứ các vùng đảo còn tranh chấp.
Vai trò Biển Đông trong giao lưu thương mại thế giới
Biển Đông nằm giữa Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lai và Phi Luật Tân. Bắc kinh tự nhận sở hữu 80% diện tích, với 3,5 triệu cây số vuông của Biển Đông phong phú tài nguyên. Việc này đã gây tranh chấp với các nước láng giềng.
Tuyến đường thương mại tại Biển Đông rất quan trọng cho mọi quốc gia trên thế giới. Cuộc khủng hoảng leo thang sẽ làm nhiều quốc gia bị thiệt thòi. Theo báo Bloomberg, lượng hàng hóa giao thương qua Biển Đông, trị giá trên 5.000 tỷ Mỹ kim, chiếm 1/3 tổng giá trị thương mại thế giới 16.000 tỷ Mỹ kim trong năm 2016. Ngay nước Đức cách xa Biển Đông ngàn dặm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong năm 2015, Đức xuất cảng hàng hóa trị giá 1200 tỷ Euro, trong số đó khoảng 16% giá trị lượng hàng đi qua Á châu.
Ngoài lý do tài nguyên dầu và khí đốt, Trung Quốc bằng mọi giá chiếm cứ Biển Đông là chủ trương giành chủ quyền trên các hải đảo. Làm chủ hải đảo có nghĩa là kiểm soát được các tuyến đường thương mại. Một khi xảy ra tranh chấp, Trung Quốc sẽ phong tỏa sự vận chuyển hàng hóa lưu thông qua các đảo mà Trung Quốc cho là của mình.
Luật biển quốc tế định nghĩa vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên biển. Trong vùng này một quốc gia có quyền sở hữu được độc quyền khai thác, thăm dò tài nguyên. Tuy nhiên luật biển đòi hỏi sự tư do hàng hải, quyền bay ngang qua bầu trời, cũng như sự lắp đặt các đường dây cáp dưới đáy biển phải được chấp thuận.
Vì quyền lợi của các vùng hải ngoại của mình ở Nam Thái Bình Dương, Pháp đã lên tiếng hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn những hành động xem thường luật biển và công pháp quốc tế của Trung Quốc. Trong năm 2016, Pháp tuyên bố sẽ cùng với các nước Âu châu gửi tàu tuần tra đến Biển Đông. Khoảng 130.000 công dân Pháp đang sinh sống ở Nam Thái Bình Dương.
Chiêu thức “rung cây dọa khỉ”?
Vì căng thẳng Biển Đông leo thang, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải gia tăng vũ trang. Nhiều nước như Việt Nam đã mua sắm tầu ngầm, tầu tuần duyên và vũ khí cho hải quân.
Việc Mỹ tuyên bố đưa tàu chiến tuần tra đến Biển Đông có phản ánh quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng hải và sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc, hay chỉ là những chiêu thức “rung cây dọa khỉ”? Nếu tranh chấp quân sự Mỹ – Hoa xảy ra, không chỉ gây thương vong mà còn cản trở sự giao thương cho thế giới. Cộng đồng quốc tế rất quan ngại về những diễn biến xảy ra trong tương lai ở Biển Đông.
Tại sao ông Trịnh Vĩnh Bình lại kiện được chính phủ Việt Nam và có thể đòi được một khoản tiền lớn? Liệu người Việt Nam có thể kiện chính phủ Việt Nam như ông Bình hay không? Bao giờ thì có kết quả vụ kiện?
Trong những tuần vừa qua, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình – một công dân Vương quốc Hà Lan gốc Việt Nam – đã nộp đơn kiện tại một tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) – yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường 1,25 tỷ đô la đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này.
Đây là một vụ kiện xuất phát từ các điều khoản của hiệp định bảo hộ đầu tư song phương được ký kết giữa hai quốc gia Việt Nam – Hà Lan. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã sử dụng thủ tục của tòa trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp giữa ông và chính phủ Việt Nam, kéo dài từ năm 2003 đến nay và hiện vẫn chưa kết thúc. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Bối cảnh của hồ sơ vụ án trước năm 2003 như thế nào?
Ông Trịnh Vĩnh Bình là một công dân Hà Lan, nhưng sinh tại Sóc Trăng, Việt Nam năm 1947. Trong những năm đầu thập niên 1990, ông Bình từ nước ngoài về Việt Nam đầu tư vào một số dự án bất động sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó có nhà máy sản xuất thực phẩm, công ty may mặc, và các dự án du lịch.
Theo ấn bản điện tử tiếng Anh của báo Tuổi Trẻ, thì đến thời điểm năm 1992, ông Bình đã sở hữu hơn 2,5 triệu mét vuông đất và hơn 10 căn nhà tại phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngày 10/3/1994, chính phủ hai nước Việt Nam và Hà Lan ký kết một hiệp định về bảo hộ đầu tư (investments protection treaty) có tên gọi là Hiệp định song phương khuyến khích, tương trợ, và bảo hộ tài sản đầu tư của công dân hai nước (Agreement on Encouragement and Reciprocal Protection of Investments between the Kingdom of the Netherlands – investment treaty).
Ngày 1/2/1995, hiệp định này chính thức có hiệu lực.
Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt giam tại Việt Nam với hai tội danh, đưa hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Từ ngày 7/12/1996 đến ngày 11/12/1996, ông Bình cùng năm người khác bị đưa ra xét xử tại Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Viện Kiểm sát đề nghị mức án năm năm tù giam cho tội vi phạm quản lý đất đai và tám năm tù giam cho tội đưa hối lộ.
Ông Bình được tại ngoại hầu tra vào ngày 25/6/1998.
Ngày 4/5/1999, tòa phúc thẩm giảm mức án của ông Bình xuống còn tổng cộng 11 năm cho cả hai tội danh. Tuy nhiên, ông Bình đã đào thoát khỏi Việt Nam và trở về Hà Lan trước khi bản án có hiệu lực.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, chính phủ Việt Nam – tại một khoảng thời điểm không được rõ sau đó – đã xóa bỏ bản án và ân xá (pardon) cho ông Bình.
Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình lại có thể khởi kiện chính phủ Việt Nam năm 2003?
Năm 2003, ông Trịnh Vĩnh Bình đã thuê hãng luật Covington Burling tiến hành thủ tục kiện chính phủ Việt Nam dựa theo luật thương mại quốc tế. Trong đơn kiện, ông Bình yêu cầuchính phủ Việt Nam bồi thường hơn 100 triệu đô-la Mỹ cho những thiệt hại mà ông đã phải gánh chịu.
Ông Bình cáo buộc chính phủ Việt Nam đã bắt giam và tịch thu tài sản ông đầu tư tại Việt Nam một cách trái phép. Vì vậy, ông cho rằng chính phủ Việt Nam đã vi phạm Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư mà họ ký kết với Hà Lan năm 1994.
Dựa theo Điều 9, khoản 2 của Hiệp định, trong trường hợp công dân của một trong hai nước xảy ra tranh chấp với chính phủ nước kia liên quan đến tài sản mà họ mang đi đầu tư ở đấy, thì những công dân này có thể nộp đơn và yêu cầu một tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết.
Ngoài ra, cũng theo điều khoản nêu trên, Việt Nam và Hà Lan còn đồng ý rằng, tất cả tranh chấp giữa một trong hai chính phủ đối với tài sản đầu tư của công dân nước kia, đều sẽ được giải quyết bằng Luật Trọng tài của Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế Liên Hiệp Quốc (United Nations Commission on International Trade Law – UNCITRAL Arbitration Rules) – tên gọi thông thường là Luật Trọng tài UNCITRAL.
Có phải ai cũng có thể kiện chính phủ Việt Nam như ông Trịnh Vĩnh Bình không?
Không.
Vì ông Bình kiện theo hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hà Lan nên chỉ có hai đối tượng sau mới có thể khởi kiện:
công dân Hà Lan có tài sản đầu tư ở Việt Nam (chính là ông Bình), và
công dân Việt Nam có tài sản đầu tư ở Hà Lan.
Chúng ta không nên nhầm lẫn rằng ông Bình là người Việt Nam. Ông ấy sinh ra ở Việt Nam, mang tên Việt Nam nhưng mang quốc tịch Hà Lan. Điều đó có nghĩa là nếu thay ông Bình bằng một ông da trắng tóc vàng người Hà Lan thì bản chất vụ việc cũng không có gì thay đổi.
Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam theo Hiệp định này cũng như theo những hiệp định tương tự mà Việt Nam ký với các nước khác.
Cơ quan nào có thẩm quyền thụ lý vụ kiện này?
Khi ông Trịnh Vĩnh Bình sử dụng Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương Việt Nam – Hà Lan làm cơ sở pháp lý cho vụ kiện của mình, thì hai bên đều bắt buộc phải chấp nhận quyền tài phán của Luật Trọng tài UNCITRAL.
Điều này có nghĩa là, thủ tục để khởi kiện dựa theo điều khoản của hiệp định này phải sử dụng thủ tục tố tụng của Luật Trọng tài UNCITRAL, chứ không bên nào có thể nộp đơn ở một tòa án dân sự của một quốc gia để khởi kiện. (Xem Điều 9 của Hiệp định song phương). Đồng thời, cũng không có bên nào được phép từ chối tham gia vào vụ việc nếu không đưa ra được cơ sở pháp lý cho hành vi đó.
Năm 2003, thông qua các luật sư của mình, ông Trịnh Vĩnh Bình đã nộp đơn tại Viện Trọng tài Phòng Thương mại Stockholm (Arbitration Institute of Stockholm Chamber of Commerce), Thụy Điển, yêu cầu cơ quan này thụ lý hồ sơ và giải quyết tranh chấp về tài sản đầu tư giữa ông và chính phủ Việt Nam, cũng như đòi bồi thường hơn 100 triệu đô-la Mỹ.
Viện Trọng tài Stockholm là một trong số những tổ chức tư nhân có tư cách sáng lập hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) và tòa trọng tài quốc tế (international arbitration court) để giải quyết các tranh chấp dựa trên Luật Trọng tài UNCITRAL.
Một tòa trọng tài khác có các hoạt động trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế mà chúng ta hay nghe đến là Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) ở Hague, Hà Lan.
Trước và sau khi nguyên đơn tiến hành thủ tục sử dụng tòa trọng tài, các bên của một vụ kiện đều có thể thương thảo với nhau và chọn một tòa trọng tài theo ý để thụ lý hồ sơ.
Thủ tục tiến hành vụ kiện ra sao?
Thủ tục của tòa trọng tài (arbitration court) có thể đơn giản và ngắn gọn hơn các thủ tục tố tụng dân sự (civil court) đôi chút. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn pháp lý về tố tụng, chứng cứ, v.v. đều rất tương đồng với các thủ tục ở tòa án dân sự.
Các trọng tài viên (arbitrator) là những “quan tòa tư nhân” được hai bên đồng ý ký hợp đồng làm việc và trả phí. Đa số trọng tài viên đều có học vấn và kinh nghiệm rất phong phú, đặc biệt là về chuyên môn trong các lĩnh vực, ví dụ như luật thương mại và đầu tư quốc tế, nên chi phí cho họ thông thường cũng rất cao.
Ba trọng tài viên C. Mark Baker, Brigitte Stern, Kaj Hobér là những người đã được chọn để xét xử vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình tại Viện Trọng tài Stockholm.
Kết quả của vụ kiện năm 2003 ra sao?
Năm 2006, ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận hòa giải ngoài tòa án (settlement agreement), trước khi các trọng tài viên chuẩn bị mang vụ kiện ra xét xử (Thỏa thuận 2006).
Đại diện cho ông Trịnh Vĩnh Bình ở thời điểm này là hãng luật King & Spalding, còn hãng Gide Loyrette Nouel đại diện cho chính phủ Việt Nam.
Ngày 14/3/2007, vụ tranh chấp về tài sản đầu tư ở Việt Nam giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam chính thức chấm dứt khi Thỏa thuận 2006 được Viện Trọng tài Stockholm phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực thi hành. Ông Bình cũng đồng ý đóng lại vụ kiện chính phủ Việt Nam dựa trên Luật trọng tài UNCITRAL.
Chi tiết về những điều khoản liên quan đến các thỏa thuận giữa ông Bình và chính phủ Việt Nam được hai bên đồng ý bảo mật (confidential settlement). Thế nên, có rất ít thông tin chính thức về những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận – ví dụ như thông tin về mức bồi thường (nếu có), thời gian thi hành các điều khoản, v.v. cho đến khi ông Trịnh Vĩnh Bình một lần nữa đưa chính phủ Việt Nam ra tòa vào năm 2017.
Đâu là cơ sở pháp lý để Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam năm 2017?
Vào cuối tháng 8/2017, thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình tái khởi kiện chính phủ Việt Nam ở một tòa trọng tài quốc tế khác được nhanh chóng lan tỏa trong và ngoài nước.
Theo đó, ông Bình đã nộp đơn tại Tòa Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế ICC (International Chamber of Commerce – International Arbitration Court) có trụ sở tại Paris, Pháp, và cáo buộc chính phủ Việt Nam đã vi phạm Thỏa thuận 2006, cũng như yêu cầu được bồi thường 1,25 tỷ đô-la Mỹ.
Năm 2003, ông Bình đã dựa vào điều khoản của Hiệp định song phương về bảo hộ đầu tư để kiện chính phủ Việt Nam. Nhưng đối với vụ việc năm 2017, ông đã dùng chính Thỏa thuận 2006 làm cơ sở pháp lý cho đơn kiện của mình.
Ở đây, ông Trịnh Vĩnh Bình đã cáo buộc phía chính phủ Việt Nam đã ký Thỏa thuận 2006 mà không thi hành toàn bộ nghĩa vụ chiếu theo đó, nên bắt buộc ông phải nộp đơn kiện.
Cũng như bất kỳ một bản hợp đồng dân sự nào, hai phía của Thỏa thuận 2006 đã tình nguyện ký kết và đồng ý thực hiện các nghĩa vụ của mình. Vì vậy, khi một bên cho rằng phía bên kia đã vi phạm hợp đồng thì họ có thể khởi kiện để đòi bồi thường hoặc yêu cầu tòa án ra lệnh thực thi hợp đồng.
Tại sao ở vụ kiện thứ hai này một toà trọng tài ở Paris lại có thẩm quyền giải quyết?
Vì các luật sư của ông Bình trong vụ kiện năm 2017 đã mở hồ sơ tại Tòa Trọng tài ICC, nên chúng ta có thể dùng điều luật của chính tổ chức tài phán này để suy luận về thẩm quyền thụ lý hồ sơ của toà.
Theo luật của Tòa Trọng tài ICC thì hội đồng trọng tài (arbitral tribunal) của họ chỉ giải quyết những tranh chấp nào mà các bên liên quan đã thiết lập điều khoản về việc sử dụng Tòa ICC làm tòa trọng tài (arbitration court) và đưa vào hợp đồng hoặc thỏa thuận của họ từ trước đó. Thông tin này thường nằm trong điều khoản đồng ý sử dụng tòa trọng tài làm phương pháp giải quyết khi xảy ra tranh chấp – arbitration clause – của nhiều hợp đồng, thỏa thuận dân sự.
Nếu bản hợp đồng hoặc thỏa thuận trước đó của hai bên không có điều khoản này, thì cả hai đều phải đồng ý (consent) với việc sử dụng Tòa Trọng tài ICC khi tranh chấp xảy ra.
Do Tòa Trọng tài ICC đã thụ lý hồ sơ của ông Trịnh Vĩnh Bình và mở phiên tòa xét xử vào ngày 21/8/2017, chúng ta có thể nhận định rằng hoặc Thỏa thuận 2006 có ghi rõ điều khoản đồng ý sử dụng Tòa ICC để giải quyết tranh chấp, hoặc chính phủ Việt Nam đã đồng ý dùng tổ chức tài phán này sau khi đơn kiện được nộp.
Tuy nhiên, khả năng Thoả thuận 2006 có ghi rõ điều khoản này là cao hơn, vì lý do án phí.
Án phí của Tòa ICC là khá cao (gần 700 nghìn đô-la nếu chỉ sử dụng một trọng tài viên và 1,78 triệu đô-la nếu sử dụng hội đồng trọng tài với ba thẩm phán cho một hồ sơ yêu cầu 1,25 tỷ đô-la tiền bồi thường như của ông Bình), và cả hai phe đều phải tự ứng ra trước một nửa.
Án phí của Tòa trọng tài ICC tỉ lệ thuận với số tiền bồi thường mà nguyên đơn yêu cầu. Yêu cầu càng nhiều tiền bồi thường, án phí sẽ càng cao.
Thế nên, có lẽ lập luận thiên về phía Thỏa thuận 2006 đã có sẵn điều khoản này có phần nhỉnh hơn, vì khó mà thuyết phục một bên đồng ý trả một số tiền án phí lớn như vậy sau khi đơn kiện đã được nộp, trong khi họ có thể thương thảo để sử dụng một tòa trọng tài khác.
Khi nào Toà ICC Paris mới ra phán quyết?
Sau một tuần tổ chức xét xử, hội đồng trọng tài của Tòa ICC đã kết thúc phần nghe thẩm vào cuối tháng 8/2017. Nếu không xảy ra tình huống đặc biệt – ví dụ như hội đồng này yêu cầu thêm thời gian xử lý – thì trong vòng tối đa sáu tháng, một phán quyết sẽ được công bố.
Chúng ta có thể dự đoán được kết quả vụ việc hay không?
Cho đến lúc này, chính phủ Việt Nam toàn thắng trong tất cả các vụ kiện theo Luật Trọng tài UNCITRAL.
Theo thống kê của Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD), từ năm 2003-2013, ngoài vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình thì còn có ba hồ sơ khác đã khởi kiện chính phủ Việt Nam dựa theo Luật Trọng tài UNCITRAL.
Một phán quyết của tòa trọng tài (arbitral award) như Tòa ICC sẽ có giá trị chung thẩm, và có thể được thi hành tại 157 quốc gia đã ký kết và thông qua Công ước New York về thực thi phán quyết trọng tài nước ngoài (The Convention on the Recognition and Enforcement of Foreign Arbitral Awards – New York Arbitration Convention).
Trừ một số trường hợp đặc biệt có mâu thuẫn với luật pháp của nước được yêu cầu thi hành phán quyết, đại bộ phận các nước tham gia Công ước New York sẽ tiến hành thủ tục thi hành bản án.
Điều duy nhất bên thua cuộc có thể làm – nếu không đồng ý với phán quyết – là nộp đơn lên một tòa án quốc gia để yêu cầu bác bỏ phán quyết trọng tài (set aside arbitral award). Đó cũng là những gì mà nguyên đơn RECOFI đã làm trong tranh chấp với chính phủ Việt Nam năm 2013. Tuy nhiên, một tòa án Thụy Sĩ đã bác đơn yêu cầu của RECOFI và giữ nguyên phán quyết trọng tài.
Trở lại hồ sơ của vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình năm 2017. Vì lý do bảo mật, công chúng hầu như không có bất kỳ thông tin gì về các đơn kiện, đơn phúc đáp hay về diễn biến của phiên xử cuối tháng 8/2017 tại Tòa Trọng tài ICC.
Vậy nên, sẽ rất khó để phán đoán ai thắng ai thua lúc này khi không đủ dữ liệu nghiên cứu để đưa ra kết luận. Ngay cả khi phán quyết được đưa ra, chúng ta rất có thể chỉ được biết bên nào là bên thắng cuộc mà không thể biết được số tiền bồi thường chính xác nếu có yêu cầu giữ kín thông tin đó.
Tuy nhiên, trong vụ án đang chờ phán quyết năm 2017, ông Trịnh Vĩnh Bình cáo buộc chính phủ Việt Nam vi phạm Thỏa thuận 2006 và không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà họ đã ký, gây ra tổn thất cho ông. Đây là một vụ án vi phạm hợp đồng, và vấn đề pháp lý liên quan có thể sẽ đơn giản hơn ba hồ sơ của các vụ việc về bảo hộ đầu tư nêu trên rất nhiều. Thế nên, tình hình có lẽ lạc quan hơn một chút đối với phe ông Trịnh Vĩnh Bình.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, án phí của vụ kiện này có thể lên đến 1,78 triệu Mỹ kim, và mỗi bên đều phải nộp trước một nửa để tòa thụ lý. Bên thua cuộc có thể sẽ phải chịu toàn bộ án phí cho bên thắng cuộc.
Một suy đoán hợp lý là, sẽ không có cá nhân nào bỏ ra một khoản án phí lớn như vậy (chưa kể chi phí cho luật sư), nếu không nghĩ rằng mình nắm hơn 50% khả năng thắng kiện. Cũng như, không ai lại đòi mức bồi thường cao như thế để phải trả một số tiền án phí tương xứng nếu họ không có cơ sở pháp lý vững chắc cho con số 1,25 tỷ đô-la.
Tuy nhiên, trước khi Toà Trọng tài ra phán quyết, hai bên vẫn có thể thoả thuận với nhau ngoài toà và yêu cầu toà công nhận thoả thuận đó. Ngoài ra, như mọi vụ kiện dân sự khác, ông Bình hoàn toàn có thể rút đơn tuỳ ý.
Tóm tắt:
. Ông Trịnh Vĩnh Bình đã khởi kiện chính phủ Việt Nam tới hai lần: lần một năm 2003 để đòi bồi thường vì những thiệt hại mà ông chịu trong thời gian đầu tư ở Việt Nam, đến 2006 hai bên đã có thoả thuận bồi thường; lần hai năm 2017 ông kiện vì chính phủ Việt Nam không thực hiện đầy đủ thoả thuận bồi thường năm 2006.
. Cơ sở để ông Bình kiện là Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và Hà Lan.
. Ông Bình kiện được vì ông ấy là công dân Hà Lan đầu tư ở Việt Nam. Công dân Việt Nam không thể khởi kiện chính phủ Việt Nam được, mà chỉ có thể khởi kiện chính phủ Hà Lan nếu có tài sản đầu tư ở Hà Lan.
. Cơ quan giải quyết cả hai vụ kiện này là các toà trọng tài thương mại quốc tế ở Thuỵ Điển và Pháp.
. Toà Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết trong vòng sáu tháng kể từ cuối tháng 8/2017, trừ khi có vấn đề khác phát sinh.
Xét về lý thuyết thì như thế, nên tôi mượn cụm từ “đi giật lùi đến tương lai” của tác giả Nguyễn Trần Bạt để làm đề từ cho bài viết này.
Giáo sư Tương Lai “quên” mất rằng, đảng Cộng sản của ông Nguyễn Phú Trọng là con đẻ của đảng Lao Động của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với triết thuyết chủ nghĩa Mác-Lê nin, thể chế độc đảng, kinh tế tập trung quan liêu thì: ắt sẽ dẫn đến một đảng như đảng của Nguyễn Phú Trọng, khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Khi chưa có chính quyền, đó là chính quyền non trẻ, còn phe xã hội chủ nghĩa, tuy chọn nhầm đường, nhưng những người cộng sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh còn giữ được chính danh “Trung với nước, hiếu với dân” nên đông đảo trí thức Việt Nam và quần chúng nhân dân đã đi theo đảng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, trong đó có những trí thức tiêu biểu như giáo sư Tương Lai.
Nhưng bây giờ thì xã hội Việt Nam đã nát bét sau hơn 40 năm thống nhất đất nước dưới sự cai trị của đảng Nguyễn Phú Trọng. Vì thế những người tâm huyết như giáo sư Tương Lai đành phải đau xót chia tay với đảng Cộng sản.
Ông Bùi Tín cho rằng, giáo sư Tương Lai bỏ đảng Nguyễn Phú Trọng để quay về với đảng của Hồ Chí Minh đã “lẩm cẩm”! Nhưng tôi nghĩ, đất nước này đang cần những đảng viên “lẩm cẩm” như giáo sư Tương Lai! Vì, hàng trăm, hàng nghìn những đảng viên đương quyền hoặc đã nghỉ hưu ở Việt Nam hiện nay cũng nghĩ như ông Bùi Tín, thậm chí còn nghĩ sâu hơn… nhưng họ đều ngậm miệng ăn tiền, không dám hé răng nói một câu tử tế cho đất nước. Họ ngậm miệng để hưởng phú quý, mặc cho nhân dân điêu đứng lầm than, cho giặc Tàu bắn giết ngư dân ta trên biển Đông. Họ vẫn đến dự các lễ lạt kỷ niệm này nọ và nhận bao thư… Tôi xem truyền hình, thấy họ xuất hiện mà đau đớn cho dân tộc này. Hãy lẩm cẩm như giáo sư Tương Lai đi, cho nhân dân được nhờ!
Là một trí thức có tên tuổi, tuyên bố bỏ đảng như giáo sư Tương Lai có sức lay động và ảnh hưởng, thôi thúc nhiều đảng viên đã suy nghĩ và phải tiếp tục suy nghĩ về thời vận đất nước để tiến tới hành động. Ý nghĩa biện chứng, tích cực, cụ thể của giáo sư Tương Lai trong tuyên bố bỏ Đảng của ông là ở chỗ đó.
Vì thế, những người thiết tha bảo vệ đất nước , thiết tha muốn dân chủ hoá đất nước, trong đó có tôi, đã vui mừng đón nhận giáo sư Tương Lai. Xã hội bao giờ cũng phát triển theo quy luật tiệm tiến, đột phá chỉ là bất ngờ…
Với sáu vụ thử hạt nhân từ năm 2006, Bắc Triều Tiên dường như đã nắm được công nghệ thu nhỏ đầu đạn và nghiễm nhiên chen chân vào câu lạc bộ cường quốc hạt nhân. Vì chia rẽ, cộng đồng quốc tế bị đặt trước sự đã rồi với một tương lai bất định. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Kim Jong Un không phải là thủ phạm duy nhất.
Sau gần 30 năm nghiên cứu, chế độ Bình Nhưỡng chứng tỏ có đủ khả năng chế tạo và trang bị một lực lượng răn đe hạt nhân đáng ngại. Đứng trước thực tế này, cộng đồng quốc tế chỉ có hai phản ứng : hoặc là dung thứ như đối với Pakistan Ấn Độ hay Israel hoặc là tìm cách ngăn chận bằng mọi biện pháp « từ kinh tế quân sự cho đến hạt nhân » như tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump với đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In.
Cả hai phản ứng này đều bất toàn đối với trường hợp Bắc Triều Tiên.
Sở dĩ Pakistan và Ấn Độ được dung thứ vì cuộc chạy đua vũ trang của hai quốc gia dị biệt và xung khắc tôn giáo này không vì mưu đồ đe dọa một nước thứ ba. Còn Israel thì được Mỹ (tổng thống Nixon) ủng hộ và Pháp giúp đỡ kỹ thuật để tự vệ (Le Figaro 07/05/2008).
Trong khi đó, Bình Nhưỡng công khai đe dọa « nhấn chìm » Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ trong « biển lửa ». Cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể xem là đã bắt đầu từ thập niên 1980. Là thành viên của Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân TNP từ năm 1985, Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi TNP vào năm 2003. Hai năm sau, Bắc Triều Tiên tuyên bố « có bom hạt nhân ».
Hiệp ước TNP có hiệu lực từ năm 1970 quy định chỉ có 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân và cam kết không chuyển giao trực tiếp hay gián tiếp.
Nhưng theo lập luận của Kim Jong Un, vũ khí hạt nhân là công cụ « hiệu quả nhất » để bảo vệ chế độ chống « mưu toan lật đổ » của Mỹ. Bình Nhưỡng đơn cử trường hợp chế độ Saddam Hussein của Irak và đại tá Kadhafi của Libya « do từ bỏ vũ khí hạt nhân » mà bị tiêu vong. Mọi nỗ lực ngoại giao từ năm 1990 điều đình một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị thất bại. Được Trung Quốc chống lưng ở Hội Đồng Bảo An, Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết trừng phạt.
Còn ngăn chận bằng cấm vận triệt để về kinh tế như Hàn Quốc và Nhật Bản chủ trương thì liệu Trung Quốc, bạn hàng chính của Bắc Triều Tiên có đồng ý và thi hành hay không ?
Giải pháp thứ ba là quân sự không được Hàn Quốc chấp nhận vì sợ Bình Nhưỡng trả đũa bằng tên lửa.
Cuối cùng, chuyện gì phải đến đã đến. Là quốc gia duy nhất trên thế giới tiến hành thử nghiệm bom hạt nhân từ năm 1998, Bắc Triều Tiên bước vào danh sách những cường quốc hạt nhân không chính thức, không ký vào Hiệp ước TNP, cũng giống như Israel, Ấn Độ và Pakistan.
Không phải chỉ có Bình Nhưỡng
Theo số liệu của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Hoà Bình SIPRI ở Thụy Điển thì vào đầu năm 2017, chín quốc gia hạt nhân – Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Triều Tiên – tích trữ tổng cộng 14.935 đầu đạn hạt nhân trong đó ít nhất 20 đầu đạn là của Bình Nhưỡng.
Sau một thời gian bình lặng do hệ quả của chiến tranh lạnh kết thúc, ba nước Mỹ , Nga, Trung Quốc lại canh tân kho vũ khí hạt nhân. Ấn độ và Pakistan cũng gia tăng số lượng vũ khí nguyên tử. Theo chuyên gia Pháp Nicolas Roche được nhật báo Công giáo La Croix (05/09/2017) trích dẫn thì Nga và các nước châu Á là những tác nhân chính trong cuộc chạy đua vũ trang. Trong chiều hướng này, hạt nhân sẽ đóng vai trò trung tâm trong mối tương quan lực lượng giữa các nước.
Chấp nhận chuyện đã rồi… và hệ quả
Trong bối cảnh này, cũng theo Nicolas Roche, thách thức hiện nay không phải là ngăn chận Bình Nhưỡng trang bị thêm vũ khí hạt nhân mà phải xây dựng một chiến lược phòng vệ răn đe và tập trung đối phó với nỗ lực biến Bắc Triều Tiên thành một « ổ hạt nhân hung hăng ».
Nói cách khác, thế giới phải chấp nhận sống chung với một « nguồn bất ổn định lâu dài tại châu Á ».
Nhưng dung thứ Bắc Triều Tiên có nguy cơ tạo thêm một nguồn bất ổn khác ở Trung Đông. Chế độ Hồi giáo Iran, cho dù đã ký với quốc tế Hiệp Định hạt nhân 2015, sẽ ngồi yên hay không ?
Nhân hiện tượng bài viết của tác giả Hùng Lý gây dư luận trong cộng đồng người Việt tại Đức, xin gửi bạn đọc hai câu đối: | Thời báo – Trang web tin tức của cộng đồng người Việt tại Châu Âu
Nhân hiện tượng bài viết của tác giả Hùng Lý gây dư luận trong cộng đồng người Việt tại Đức, xin gửi bạn đọc hai câu đối:
Xưa lời nịnh thối 0) không ai ngửi nổi
Nay bài bốc thơm 1) chẳng báo nào đăng
1) Bài viết “Đại sứ quán Việt Nam và kiều bào tại Đức kỷ niệm 72 năm Quốc khánh” của tác giả Hùng Lý được đăng trên vài tờ báo trong nước – có lẽ nơi xa xăm khó mà ngửi ra mùi “bốc phét”, trong khi tại Berlin và nước Đức, nơi diễn ra sự kiện thì tất cả các tờ báo đều từ chối không đăng, kể cả một vài tờ báo ở Berlin mà tác giả Hùng Lý thân quen và cộng tác đắc lực.
0) Truyện xưa “Nịnh thối“: Có hai tên “nịnh sĩ” đang ngồi hầu chuyện quan lớn, bỗng quan “đánh rắm” một cái. Lập tức một tên lắng nghe rồi thốt lên: “Y hi, quản huyền chi âm!” (nghe như tiếng đàn, tiếng sáo). Tên kia cũng hếch mũi hít hà rồi trầm trồ: “Phảng phất chi lan chi vị!” (thoang thoảng mùi hoa lan, hoa nhài). Nhưng quan lớn tỏ ra hiểu biết, không bằng lòng: “Trung tiện mà thơm thì e tuổi thọ ta không được dài”. Nghe vậy, một tên gật gù: “Bẩm cụ, bây giờ đã có mùi rồi ạ!”. Tên kia cũng khẳng khái khẳng định: “Bẩm, bây giờ thì thối lắm ạ!”. Tương truyền vì thế dân gian mới có câu rằng: Nịnh thối không ngửi được.
Tháng 9/2015, vụ việc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (Kinh Do TCI Group) xây dựng toà nhà Discovery Complex II tại địa chỉ 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Tp Hà Nội) bắt đầu gây xôn xao dư luận trên báo chí “lề đảng” trước khi lan sang báo chí “lề dân”.
Ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép Xây dựng số 11/GPXD-SXD cho công trình toà nhà 8B Lê Trực, theo đó chiều cao công trình là 53m, với 18 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tuy nhiên, vào thời điểm công trình gần như đã hoàn tất thì người ta mới tá hoả khi phát hiện ra toà nhà trong thực tế lại cao tới 69m (vượt giấy phép 16m) và gồm 19 tầng nổi (vượt 1 tầng so với giấy phép).
Quan trọng hơn, với chiều cao vượt trội so với các toà nhà xung quanh, gần gấp đôi lăng Hồ Chí Minh và sát ngay một bên trung tâm đầu não Ba Đình, toà nhà Discovery Complex II trông chẳng khác gì một toà tháp canh khổng lồ, cho phép giám sát mọi động tĩnh xung quanh khu vực đặc biệt nhạy cảm về an ninh quốc gia này.
Dư luận lại càng hết sức lo ngại khi những thông tin liên quan đến dự án cũng như chủ đầu tư được báo chí phanh phui: ngoài dự án trên, Kinh Do TCI Group còn là chủ đầu tư một số dự án bất động sản toạ lạc tại những vị trí hết sức nhạy cảm về an ninh, chẳng hạn như dự án Capital Garden tại ngõ 102 Trường Chinh (gồm 2 tòa tháp cao hơn 115m và chỉ cách Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân mấy bước chân), hay dự án Hoàng Quốc Việt Towers (gồm 2 tòa tháp cao 46 tầng và 50 tầng) tại góc đường Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng, tức chỉ cách trụ sở mới của Bộ Công an vài trăm mét. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là người phê duyệt dự án trong vai trò Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô (nay đã trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội).
Hai năm đã trôi qua kể từ khi báo chí lên tiếng về dự án 8B Lê Trực, và số phận của nó tưởng như đã được định đoạt sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân lên tiếng chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/6/2016. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành xử lý giai đoạn 1 (cắt tầng 19) vào tháng 10/2016, việc tháo dỡ phần vi phạm giai đoạn 2 vẫn “dậm chân tại chỗ”, với đủ thứ lý do từ phía chủ đầu tư cũng như đơn vị ký hợp đồng tháo dỡ (Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc).
Không những vậy, ngày 29/8 vừa qua, chủ đầu tư dự án còn cho biết là họ đã khởi kiện UBND quận Ba Đình ra tòa 1 năm nay; tòa đã thụ lý nhưng chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp. Lý do mà họ khởi kiện là (i) toà nhà 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND thành phố phê duyệt, trong khi đó Giấy phép Xây dựng số 11/GPXD-SXD lại không đúng quy hoạch đó; (ii) việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định; và (iii) ngoài ra, công trình cũng thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng.
Nắm chắc lẽ phải như vậy, nhưng khi được hỏi là tại sao tại thời điểm bị hồi tố, cấp giấy phép không đúng với quy hoạch chi tiết mà phía doanh nghiệp không có phản hồi ngay, ông Lê Văn Hùng – Phó TGĐ Công ty CP May Lê Trực (công ty con của Kinh Do TCI Group) – thổ lộ: “Chúng tôi không kêu ngay từ đầu mà thậm chí khi bị kết luận sai phạm còn xin phá dỡ tầng 19 là để cho êm chuyện, để không có lùm xùm ra ngoài. Nhưng giờ khổ như vậy, bức xúc lắm nên chúng tôi phải nói ra. Đó là cách giải quyết của chúng tôi.”
Câu hỏi đặt ra là vì lý do gì mà mãi 2 năm sau khi bị báo chí “đánh” đồng loạt và 1 năm sau khi đã cắt ngọn 1 tầng, chủ đầu tư mới bỗng nhiên nổi hứng cho công chúng biết là họ đã khởi kiện UBND quận Ba Đình từ… một năm trước, đồng thời đưa ra những bằng chứng khó bác bỏ. Và chỉ hai ngày sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các ban, ngành như Thanh tra TP, Sở Tư pháp, UBND quận Ba Đình tiến hành rà soát lại thủ tục, pháp lý trong việc xử lý toà nhà 8B Lê Trực.
Trước hết, cần khẳng định rằng, không một vụ tiêu cực nào ở Việt Nam nằm ngoài sự bảo kê, thậm chí sự chỉ đạo trực tiếp, của một thế lực chính trị nào đó. Và khi sự vụ đó được đưa ra ánh sáng thì lý do quan trọng nhất không phải là vì nó trái pháp luật – bởi nếu chỉ đơn giản thế thì nó đã bị vạch trần và ngăn chặn ngay từ đầu – mà là vì sự đấu đá giữa các phe nhóm hoặc vì mưu đồ chính trị của kẻ khởi xướng.
Dự án toà nhà 8B Lê Trực cũng không phải là ngoại lệ. Tác giả của nó, như phần trên chúng tôi đã trình bày, không phải ai khác mà chính là cựu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, “cha đẻ” của hàng loạt hiểm hoạ “made in China” khác trên khắp Việt Nam. Và việc dự án này bị báo chí đồng loạt cảnh báo về những hiểm hoạ tiềm tàng của nó không lâu trước khi Đại hội XII Đảng CSVN diễn ra chính là vì có (những) thế lực muốn qua đó để ngăn chặn ngài Phó Thủ Tướng.
Câu hỏi không thể không đặt ra ở đây là: Liệu ngài cựu PTT có biết là dự án do mình phê duyệt đã bị xử lý oan hay không, và nếu biết thì tại sao ông ta lại không để cho thuộc hạ lên tiếng ngay từ thời điểm đó, mà đến bây giờ mới lên tiếng?
Xin thưa, ngài Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế cùng cả dàn thuộc hạ hùng hậu chắc chắn không ngây thơ đến mức không biết, nhưng vào thời điểm vô cùng nhạy cảm trước thềm Đại hội XII, ông ta đã khôn ngoan chọn kế sách “lùi một bước” và “nín thở qua sông”. Sau khi đã trở thành thành viên ban lãnh đạo tối cao, thống lĩnh bộ máy đảng – chính quyền – quân đội của một Hà Nội “ngàn năm văn hiến”, ông ta mới “bật đèn xanh” cho đàn em “rón rén” khởi kiện chính quyền (bị đơn chỉ là UBND quận Ba Đình). Và chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tái xuất “bằng xương bằng thịt” với một bộ dạng nhợt nhạt trên truyền thông – bằng chứng cho thấy thủ lĩnh phe nhóm chống Tàu trong bộ máy đã đầu hàng Nguyễn Phú Trọng cùng phe nhóm thân Tàu và chấp nhận sắm vai một “ông phỗng” trên sân khấu chính trị Việt Nam – thì “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải mới chỉ đạo đàn em công khai lật lại vấn đề trên truyền thông.
Nếu người ta cứ vin vào cái gọi là “quy trình” hay “thủ tục” để biện minh cho sự tồn tại của một hiểm hoạ như Discovery Complex II ngay sát nách trung tâm đầu não chính trị quốc gia thì phải gọi “quy trình” hay “thủ tục” đó là gì nếu không phải là quy trình/thủ tục bán nước?
Bất luận thế nào, một khi Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu rà soát lại việc xử lý toà nhà 8B Lê Trực – một công trình mà công luận lên tiếng phản đối TRƯỚC HẾT là vì mối đe doạ tiềm tàng về mặt an ninh quốc gia của nó và đích thân Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dỡ bỏ – thì xem ra không còn ai đủ sức ngăn cản cặp bài trùng Hoàng Trung Hải – Nguyễn Phú Trọng nữa.
Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.