Trần Ngọc Châu, chuyên gia chống phiến loạn dưới chế độ VNCH, qua đời ở tuổi 96 vì coronavirus

0
662
Nhà lập pháp miền Nam Trần Ngọc Châu năm 1969. (Lê Ngọc Cung / AP)
   

Trần Ngọc Châu, một quân nhân và chính trị gia Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu với lực lượng thực dân Pháp và sau đó là Việt Cộng, trở thành một đồng minh có ảnh hưởng rộng với Mỹ trước khi bị giam ở Sài Gòn vì tội phản quốc, đã qua đời ngày 17 tháng 6 tại một bệnh viện ở vùng West Hills của Los Angeles. Ông thọ 96 tuổi.

Harrison Smith, ngày 9 tháng 7, 2020

Translated from Washington Post article Tran Ngoc Chau, Vietnamese counterinsurgency specialist, dies at 96 of coronavirus complications.

Con gái ông, bà Tamminh Tran Kapuscinska, cho biết nguyên nhân là do biến chứng từ COVID-19, căn bệnh do coronavirus gây ra.

Ông Châu là một phần của một nhóm người Việt ngày càng nhỏ đi – cuộc đời của nhóm người Việt này bị bao trùm bởi ba thập kỷ xung đột, gồm cuộc kháng chiến chống sự chiếm đóng của Nhật trong Thế chiến II, cuộc chiến chống Pháp giành độc lập và chiến tranh diễn ra sau chia cắt đất nước năm 1954. Cuộc chiến này đọ sức giữa miền Bắc theo phe Cộng sản và miền Nam được Mỹ hậu thuẫn.

Cuộc xung đột đó vẫn là một ký ức sống động và đôi khi đau đớn đối với ông Châu, người đã bị ở tù hơn hai năm tại một trại cải tạo của Cộng sản vào những năm 1970 và sau đó đã trốn cùng gia đình đến Hoa Kỳ, nơi ông viết một cuốn hồi ký, “Vietnam Labyrinth” (2012) [Tạm dịch: Mê cung Việt Nam], và có mặt trong bộ phim tài liệu PBS The Vietnam War (2017) của Ken Burns và Lynn Novick.

Ông Châu, phải, kết bạn với Tổng thống tương lai của Miền Nam Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thiệu, khi còn ở một học viện quân sự ở Đà Lạt vào những năm 1950. (Ảnh gia đình)

Trong số các cố vấn quân sự và quan chức tình báo Mỹ, có lẽ ông được biết đến như người đầu não của một chiến lược mới lạ nhằm giành lấy cảm tình và sự hỗ trợ ở nông thôn khi cuộc chiến Việt Nam leo thang vào những năm 1960. Chiến lược đó phần nào đã truyền cảm hứng cho chương trình Phoenix gây tranh cãi của CIA.

Trong khi nhiều chỉ huy muốn tấn công dồn dập kẻ thù bằng pháo binh và không kích, hoặc sử dụng các chiến thuật tìm-và-diệt (search and destroy) để đẩy số thương vong cao hơn, ông Châu tập trung vào việc huy động các cộng đồng nông thôn, xác định và giải quyết sự bất bình của nông dân vùng quê và chỉ sử dụng binh lực gây chết người như một phương sách cuối cùng.

“Chúng ta đáng lẽ đã có thể có sức mạnh như những người Cộng sản,” ông viết trong hồi ký của mình, “nếu chúng ta và tầng lớp lãnh đạo Mỹ đã nhận ra rằng cuộc chiến này là về cảm nhận văn hóa chính trị của người dân trong các thôn xóm, những người là rường cột nông thôn của quốc gia, hơn là về các tiểu đoàn quân sự.”

Ông Châu năm 2012, cùng cháu trai Timothy Ueckerseifer, vợ Ho Thi Bich Nhan và con gái Tamminh Tran Kapuscinska. (Ảnh gia đình)

Cách tiếp cận của ông khiến ông trở thành đồng minh của các gián điệp Hoa Kỳ như Edward G. Lansdale và John Paul Vann, người là chủ đề của cuốn tiểu sử đoạt giải thưởng Pulitzer được viết bởi Neil Sheehan “A Bright Shining Lie,” [Tạm dịch: Lời Nói Dối Hào Nhoáng]. Giới thiệu ông Châu với Daniel Ellsberg, một nhà phân tích quân sự, người sau này trở thành một nhà hoạt động chống chiến tranh, ông Vann gọi ông ta là “người Việt Nam hiểu biết nhất về chủ đề đánh bại quân nổi dậy cộng sản mà tôi đã từng gặp.”

Ông Châu đã thành công trong việc chống lại quân nổi dậy một phần vì bản thân ông là cũng từng là một người nổi dậy trước đó. Tự mô tả mình là con trai của “quan nhà quý tộc,” ông đã được đào tạo để trở thành một tu sĩ Phật giáo trước khi tình nguyện làm người chuyển phát tình báo cho cuộc kháng chiến trong Thế chiến II. Sau này, ông trở thành tư lệnh chiến trường cho Việt Minh, liên minh chống Pháp do Hồ Chí Minh thành lập, và vươn lên từ tiểu đội trưởng thành tiểu đoàn trưởng.

Nhưng ông đã từ chối lời kêu gọi gia nhập Đảng Cộng sản của ông Hồ — “Họ không tôn trọng tôn giáo hay truyền thống của chúng tôi,” ông nói sau đó với ông Ellsberg — và rồi ông đào thoát vào năm 1949 để gia nhập lực lượng được Pháp hậu thuẫn và trung thành với Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Khi người Pháp rút lui khỏi khu vực, ông trở thành một sĩ quan quân đội ở miền Nam vừa mới được thành lập, đào tạo lực lượng phòng thủ địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long và đã vươn lên trở thành trung tá.

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và những người kế vị được Mỹ hậu thuẫn, ông Châu từng giữ chức vụ tỉnh trưởng của tỉnh Kiến Hòa nổi tiếng là phức tạp, thị trưởng Đà Nẵng và người đứng đầu chương trình huấn luyện chống quân nổi dậy cho Miền Nam Việt Nam. Chính tại đó, ông đã nhắm đến việc mở rộng các nỗ lực chống du kích mà ông đã bắt đầu khi còn ở Kiến Hòa, một khu vực được gọi là “Cái nôi của cuộc cách mạng” vì cuộc đấu tranh lâu dài với các chiến binh cộng sản.

Là tỉnh trưởng, ông Châu đã đại tu hoạt động tình báo của Kiến Hòa, tạo ra một chương trình “giải quyết sự bất bình toàn dân,” trong đó các quan chức được gửi đi từ làng này sang làng khác để họ thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp được thiết kế để khơi gợi thông tin về kẻ thù và thu thập khiếu nại về quan chức địa phương tham nhũng, những người sau đó sẽ bị kỷ luật.

Với sự hỗ trợ từ CIA, ông Châu cũng tạo ra các nhóm “chống khủng bố” đã thực hiện các nhiệm vụ bí mật để bắt giữ hoặc tiêu diệt các gián điệp bên kẻ thù, với các thanh tra được chỉ định để điều tra các cáo buộc lạm dụng. Số liệu thống kê chính thức cho thấy những nỗ lực đó đã thành công, với số lượng dân thường ước tính sống trong các khu vực do chính phủ kiểm soát tăng từ 80,000 đến 220,000 trong năm đầu tiên ông làm tỉnh trưởng.

Theo ông Edward Miller, nhà nghiên cứu lịch sử của Đại học Dartmouth, các sáng kiến ​​của ông Châu đã “có nhiều sự tương đồng” với chương trình Phoenix, một nỗ lực phối hợp của CIA đã đứng sau hàng chục ngàn vụ “bắt giữ hoặc bắn hạ” từ năm 1968 đến năm 1972. Các nhà phê bình cho rằng các gián điệp trong chương trình này thường xuyên tra tấn, sát hại và ám sát người Miền Nam Việt Nam, những cáo buộc mà các quan chức Mỹ phủ nhận.

Sau đó, ông Châu gọi chương trình đó là một “sự sai lầm” so với những ý tưởng ban đầu của ông và ông không trực tiếp tham gia vào việc tạo ra chiến dịch Phoenix. Thất vọng vì đấu đá nội bộ trong chương trình chống phản động của mình, ông chuyển sang làm chính trị và được bầu vào Hạ viện Quốc hội vào năm 1967. Ông trở thành tổng thư ký, đồng thời vừa là một nhà phê bình ngày càng thẳng thắn đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, một người bạn cũ trong quân ngũ.

Ông Châu cáo buộc rằng ông Thiệu đã chủ mưu sự tham nhũng trong quốc hội, và ông đã tuyệt giao với tổng thống khi ông kêu gọi đàm phán chính trị với miền Bắc sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. “Tết Mậu Thân đã thuyết phục ông rằng thật sai lầm khi tiếp tục cuốn người dân Việt Nam vào một cuộc chiến ‘không có hồi kết,” ông Sheehan viết trong cuốn “A Bright Shining Lie,” [Tạm dịch: Lời Nói Dối Hào Nhoáng] “và ông nghĩ rằng phía Sài Gòn có cơ hội sống sót nếu họ đã thương lượng hòa bình kịp lúc.”

Trong một hoạt động đặc biệt rủi ro, ông Châu quyết định đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình không chính thức, gặp gỡ bí mật với anh trai ông, ông Trần Ngọc Hiển, một sĩ quan tình báo cấp cao ở miền Bắc. Sau khi chính quyền miền Nam phát hiện ra các cuộc họp này, ông Châu đã bị bắt vào năm 1970 vì “những hoạt động có lợi ích cho Cộng sản.”

Ông Châu chống lại những nỗ lực của ông Vann và những người khác cố gắng đưa ông ra khỏi đất nước, biết được rằng sự ra đi của ông sẽ củng cố các cáo buộc rằng ông là một đặc vụ của Đảng Cộng sản. Trong một vụ án có tiếng đến mức lên tới trang nhất các tờ báo ở Hoa Kỳ, ông đã bị kết án 10 năm tù tại một phiên tòa quân sự.

Những người ủng hộ ông ở miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ khẳng định các cáo buộc có động cơ chính trị và chúng bị thúc đẩy bởi những lời chỉ trích của ông Châu đối với Tổng thống Thiệu. Và trong khi Tối cao Pháp viện miền Nam phán quyết rằng phiên tòa đã vi hiến và hủy bỏ bản án của ông, ông Châu vẫn phải ở tù bốn năm trước khi được thả ra để quản thúc tại gia.

Sau khi quân đội Bắc Việt hành quân vào Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) năm 1975, ông Châu bị đưa vào lao động tại một trại cải tạo cộng sản.

“Sau hai năm, họ cho chúng tôi đến thăm bố và chúng tôi hầu như không nhận ra bố nữa,” cô con gái của ông, bà Kapuscinska nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Chúng tôi thấy một ông già, chỉ còn da và xương. Chúng tôi không thể nào nhận ra được ông ấy. Việc ông ấy vẫn còn sống là một phép màu.”

Ông Châu được thả ra vào năm 1978 và rời khỏi đất nước cùng vợ và năm đứa con vào năm sau, mua chỗ trên một chiếc thuyền tị nạn chở một nhóm người Hoa thiểu số. Họ tìm đường đến Malaysia và bị kẹt lại trên một hòn đảo của Indonesia trong nhiều tháng trước khi đến Hoa Kỳ.

Định cư ở Los Angeles, ông Châu học máy tính tại một trường cao đẳng cộng đồng và nhận những công việc lương thấp, làm việc trong một dây chuyền lắp ráp và trong bếp tại nhà hàng Bob’s Big Boy trước khi bắt đầu kinh doanh xuất bản trên máy tính. Trong khoảng năm năm, ông và gia đình đã góp thu nhập của mình để trả nợ cho một người bạn đã cho họ mượn số tiền họ cần cho chuyến đi vượt biên đến Hoa Kỳ – một hành trình được trả bằng vàng thỏi có giá khoảng 9,000 USD mỗi người, theo một báo cáo của New York Times.

“Sáu mươi ba ngàn đô la là một mức giá rẻ để mua sự tự do,” ông Châu cho biết.

Trần Ngọc Châu sinh ra tại Huế, cố đô Việt Nam, nơi cha ông làm quan tòa. Con gái ông nói rằng có rất ít giấy khai sinh tại thời điểm đó, và “chỉ cho tiện” thì gia đình ông đã đặt ngày sinh của ông vào ngày 1 tháng 1 năm 1924.

Ông Châu có ít nhất sáu anh chị em cùng cha khác mẹ, tất cả đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Khi Việt Nam bị chia cắt, hầu hết người nhà ông đều ra Bắc, còn ông Châu và hai người anh em ở lại miền Nam. Ông gia nhập học viện quân sự và cưới bà Ho Thi Bich Nhan.

Ông mất để lại bà Nhan cùng bảy người con, nhiều anh chị em cùng cha khác mẹ; 14 đứa cháu; và ba đứa chắt.

Khi còn ở học viện quân sự ở Đà Lạt, ông Châu và anh em của ông kết bạn với Thiệu, tổng thống tương lai, và vợ ông, hai người cùng nhau định cư ở ngoại ô Boston sau khi Sài Gòn mất về phe Cộng sản. Mặc dù có hiềm khích trước đây cộng thêm vụ bắt giữ của ông Châu, hai cặp vợ chồng đã nối lại tình bạn của họ vào những năm 1990.

“Họ lại là bạn thân của nhau một lần nữa,” bà Kapinsinska nói thêm rằng sự hòa giải của họ không phải điều bất thường. “Sau khi Sài Gòn mất về phe Cộng sản, miền Bắc vào miền Nam, anh em gặp chị em, và mọi người lại trở thành gia đình. Mọi thứ chỉ là chính trị.”

Cô nhớ lại rằng trong khi ông Thiệu đã mở lời trước, cha cô đã nhanh chóng đồng ý.

“Quá khứ thuộc về quá khứ rồi,” ông nói.

Translation by Cookie Duong

Edited by Nhan Nguyen

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here