Trạm thu phí BOT: ĐỀU Ở VÀO THẾ ĐÃ RỒI

0
854

Hàng loạt trạm thu phí BOT trên cả nước đều bị người dân phản đối theo nhiều hình thức. Việc phản đối trạm thu phí dẫn đến nhiều hệ lụy song chính những bất cập từ việc phê duyệt, quản lý, vận hành và mức phí BOT mới là nguyên nhân chính. Mâu thuẫn đã có và ngày càng cao nên việc xử lý các bất cập từ trạm thu phí BOT là hết sức cần thiết.

Mới đây, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đã đưa ý kiến: “Cần thanh tra toàn diện BOT giao thông!” và được người dân hoan nghênh đồng tình.

Dân không ở “ngoài rìa”. Nhưng…

Ông Nguyễn Bá Sơn cũng từng phát biểu rằng “Liệu có tham nhũng trong BOT?” tại phiên họp lần 7 của Ủy ban tư pháp Quốc hội về phòng chống tham nhũng. Đó là phát biểu trên cơ sở các ý kiến của cử tri sau khi người dân phản đối BOT và báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về BOT phát hiện hàng loạt sai phạm về kiểm toán.

Người dân có một cách hiểu đơn giản hơn về tham nhũng: “Ai bắt dân trả tiền phí qua trạm trên con đường họ không đi chính là tham nhũng!” Đây là ý kiến của nhưng thành viên diễn đàn Bạn Hữu Đường Xa trên mạng xã hội Facebook- một diễn đàn có đến 90.000 thành viên chỉ sau vài tháng hoạt động. Các phân tích của họ rất cụ thể và dễ hiểu: “Đặt tên ban đầu là trạm thu phí tuyến tránh nghĩa là trạm thu phí phải đặt ở tuyến tránh. Chúng tôi phản đối vì vị trí đặt trạm sai chứ không phản đối chủ trương BOT các dự án giao thông của nhà nước. Người dân đi trên Quốc lộ mà phải trả tiền cho trạm tránh là phi lý!”

Quốc lộ là tài sản công, là công trình công cộng của toàn dân do Nhà nước quản lý. Các khoản duy tu, bảo trì Quốc lộ đều đã được Nhà nước tính toán trong những khoản thuế, phí (ví dụ phí bảo trì đường bộ). Những khoản duy tu, bảo trì ấy do người dân có nghĩa vụ đóng góp để sử dụng tài sản quốc gia (Quốc lộ) một cách hợp lý. Không cá nhân, tổ chức nào có quyền chống lại lợi ích Quốc gia cả! Quyền phản đối các trạm BOT đặt sai vị trí chính là quyền phản đối sự trục lợi vào công trình Quốc gia mà người dân có trách nhiệm công dân thực hiện theo Hiến định và Pháp định.

Lấy ví dụ về BOT tuyến tránh qua Cai Lậy, Tiền Giang. Người dân không “ngoài rìa” khi có UBND tỉnh Tiền Giang đồng thuận bằng văn bản với Bộ Giao thông vận tải về việc đặt trạm BOT của tuyến tránh ngay trên Quốc lộ 1. Uỷ ban đồng thuận nhưng nhân dân chưa đồng thuận vì UBND tỉnh Tiền Giang chưa lấy ý kiến dân trước khi đặt trạm tránh BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1. Như đã nói, Quốc lộ là tài sản công cộng của đất nước và rõ ràng UBND tỉnh Tiền Giang không thể đại diện cho nhân dân cả nước để ra một văn bản bất cập như vậy.

Bản thân mức phí BOT tại trạm Cai Lậy (thấp nhất 35.000/lượt, cao nhất 180.000/lượt) được đặt ra mà không có tham vấn nào từ người dân rằng nó đã thực sự hợp lý chưa. Người dân tất bật mưu sinh và họ không phản đối những gì hợp lý. “Tui tui đâu có muốn xài tiền lẻ chi cho phiền phức. Cứ đưa trạm BOT Cai Lậy về đúng chỗ của nó (tuyến tránh- PV) và giảm mức phí qua trạm cho phù hợp là đâu ai phản đối.”- một tài xế qua trạm BOT Cai Lậy đã nói như vậy.

Trong câu chuyện phản đối sự bất cập của BOT các nơi cũng vậy, người dân không hề “ngoài rìa” về quyền lợi. Nhưng họ phải tham gia quá trình bảo vệ quyền lợi của mình một cách thụ động (phản đối bằng tiền lẻ) trong khi quyền cơ bản nhất của họ là đưa ra ý kiến tham vấn trước khi dự án bắt đầu lại không có. Nghĩa là đặt dân ở thế đã rồi nhưng dân không chịu.

Thanh tra nữa sẽ ra nhiều thứ nữa!

Một kết quả đáng ngạc nhiên khi 100% các trạm BOT đều được chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai. Luật đấu thầu Việt Nam và nghị định 108/2009 quy định những thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, về các dự án kêu gọi đầu tư được công bố toàn diện, rộng rãi, kịp thời đến các nhà đầu tư, đến các thành phần kinh tế. Thế nhưng khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì ngoài việc chỉ định thầu chiếm đa số thì có những công trình đấu thầu với chỉ… một bộ hồ sơ(?) nên chỉ định thầu luôn trong khi nhà đầu tư không đủ năng lực.

Thật hãi hùng khi biết rằng lý do mà Bộ Giao thông vận tải làm vậy với BOT chính là coi đấy là quá trình “thử nghiệm”. Nói “thử nghiệm” nhưng có đến gần… 100 trạm BOT trên cả nước được triển khai ồ ạt. Nói “thử nghiệm” song phát hiện ra các công trình BOT có những sai phạm tính bằng mức hàng trăm tỉ đồng thông qua các đội giá công trình. Và một vấn đề khác: 80% các dự án BOT đều vay ngân hàng và lãi suất ngân hàng dĩ nhiên cũng được tính vào mức phí mà nhân dân phải gánh chịu ngoài việc đội giá bị phát hiện. 10% số phí ấy sẽ được nộp vào ngân sách địa phương nếu địa phương đồng ý triển khai BOT. Nghĩa là báo cáo ngân sách địa phương sẽ đẹp hơn khi trình lên về năng lực thu thuế để phát triển kinh tế địa phương.

Như vậy, nhân dân bị “ăn chặn” 3 lần: Lần thứ nhất là sai phạm về đội giá của nhà đầu tư. Lần thứ hai là số lãi ngân hàng suốt thời kỳ trạm BOT hoạt động. Lần thứ ba là khoản thuế 10% mà BOT đóng lại cho địa phương dù rằng người dân đã nộp thuế, phí để bảo trì đường bộ.

“Liên minh” (nếu có) của nhà đầu tư, ngân hàng và địa phương sẽ là liên minh bất bại vì mọi thứ đều đúng quy trình của Bộ Giao thông vận tải đưa ra. Nếu chấp nhận vị trí đặt trạm sai (từ tuyến tránh ra Quốc lộ) và chấp nhận mức phí cao (bao gồm ba lần bị “ăn chặn” như vừa nhắc) thì nhân dân luôn trong thế bại, thậm chí là đại bại.

Rất may, Thanh tra đã thừa hành chỉ đạo Chính phủ để tìm ra những bất cập của các BOT. Tuy nhiên, một quá trình thanh tra toàn diện mới đủ nhận định để đưa ra giải pháp căn cơ cho vấn đề của các trạm BOT. Vì bản chất các bất cập ấy xuất phát từ Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục đường bộ- nơi đóng vai trò phê duyệt dự án và thanh tra/kiểm tra các dự án đó- một hình thức “vừa đá bóng, vừa thổi còi” rất không fair-play cho nền kinh tế cả nước, làm ảnh hưởng hình ảnh chính phủ minh bạch và nghiêm trọng nhất là làm mất lòng dân.

Nghĩa là thanh tra toàn diện các bất cập ở toàn bộ các trạm BOT chưa đủ mà còn cần thanh tra toàn diện các thủ tục cấp phép cho các bất cập ấy xuất hiện! Lúc đó, những vấn đề cơ bản nhất về việc thay đổi mới diễn ra: xóa bỏ việc gượng ép thực hiện cho đúng những quy trình sai.

Lại nói về trách nhiệm

Trong kiến nghị của Thanh tra gửi Chính phủ có một phần quan trọng: đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan đến nội dung vi phạm tại quyết định thanh tra. Điều này là rất cần thiết song vẫn thiếu sót. Xin tổng hợp các thiếu sót mà người dân phản đối BOT chưa hài lòng.

Thứ nhất, việc đặt trạm BOT tuyến tránh tại Quốc lộ chính là một hình thức làm thiệt hại kinh tế nhân dân thông qua việc đội giá, trả lãi ngân hàng và trả mức phí phi lý. Việc gây thiệt hại cho kinh tế của nhân dân chính là gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho đất nước và cần được xử lý nghiêm. Việc kiểm điểm nội bộ của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải không thể coi là lý nghiêm được.

Thứ hai, quy trình Nhà nước về việc triển khai BOT có thiếu sót thì “cần được bổ sung, điều chỉnh theo các cấp thẩm quyền”. Nghĩa là cơ sở pháp lý của các trạm BOT đã có thiếu sót ngay từ đầu. Vì vậy cần dời ngay lại vị trí trạm BOT về tuyến tránh đúng như tinh thần ban đầu của nó để tránh thiệt hại kinh tế cho nhân dân, cho đất nước.

Thứ ba, đi lại trên Quốc lộ nói riêng và các công trình công cộng khác nói chung là quyền cơ bản của người dân. Vì vậy, trước khi triển khai bất cứ dự án BOT (và BT nào) cũng cần sự tham vấn ý kiến nhân dân trước khi triển khai. Các công trình này và những văn bản liên quan không nằm trong danh mục mật nên công khai cho nhân dân rõ, cho doanh nghiệp đầu tư biết để tránh việc có “nhóm lợi ích” nào đó thao túng, trục lợi
.
Một vấn đề khác ở tầm vĩ mô hơn, Chính phủ minh bạch đã ra 4 Nghị quyết để chỉ đạo các Bộ, ngành gỡ bỏ các giấy phép con trong nhiều lĩnh vực. Điều này là vô cùng cần thiết và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tính kiến tạo trong việc giám sát các bất cập tại các Bộ, ngành cần được tăng lên thông qua sự giám sát của báo chí và nhân dân. Ví dụ việc áp dụng thu phí tự động đối với các trạm BOT dự kiến sắp triển khai là cần thiết nhưng chưa đủ mà cần mở rộng hơn.

Đã có trường hợp một tờ báo cử các phóng viên đặt máy quay để đếm lưu lượng xe qua lại tại trạm thu phí Pháp Vân- Cầu Giẽ và phát hiện sai phạm thất thoát về số lượt xe qua lại nhưng Tổng Cục đường bộ không chấp nhận số liệu nào ngoài số liệu kiểm tra của… chính họ. Như vậy, trong trường hợp cụ thể này, báo chí và nhân dân đã đứng ngoài quy trình giám sát các hoạt động nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân. Nhìn rộng ra, các công trình BOT và BT trên cả nước cũng đều như vậy, BOT nhiệt điện hay BOT thiết bị y tế tại các bệnh viện cũng vậy.

Nhân dân phải giám sát được những công trình đụng tới túi tiền của họ!

Không thể bắt nhân dân “ở thế đã rồi” mãi được!

Làm được điều đó mới là tinh thần minh bạch và kiến tạo thực sự!

Chú thích: Có nhiều bạn không có điều kiện mua báo giấy nên tôi post lại bài gốc để các bạn đọc.